10/09/2014 06:12 GMT+7

​Một tín hiệu tích cực

NGUYỄN TUẤN QUỲNH (phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM)
NGUYỄN TUẤN QUỲNH (phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM)

TT - Bộ Công thương áp biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào VN từ các nước, vùng lãnh thổ Trung Quốc...

Nhập khẩu thép tại cảng Bến Nghé, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Theo quyết định này, doanh nghiệp của Đài Loan bị đánh thuế cao nhất, mức thuế lên tới 37,29%. Đối với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá dao động từ 4,64-6,87%, Indonesia là 3,07% và Malaysia 10,71%. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ 5-9. Hiện nay, thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan hưởng thuế suất 0% do có quan hệ AFTA.

Ở góc độ là đơn vị sử dụng thép không gỉ làm nguyên liệu, chắc chắn các công ty sản xuất sẽ không hài lòng với quyết định này. Với mức thuế này sẽ làm tăng chi phí đầu vào và họ sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa. Các nhà sản xuất cho rằng mức thuế chống phá giá được áp dụng sẽ chặn đứng việc tiếp cận nguyên liệu thép cán nguội không gỉ với mức giá cạnh tranh khi giá thép của các doanh nghiệp trong nước được cho là cao, chất lượng và chủng loại chưa hợp lý.

Lần đầu tiên Việt Nam mạnh dạn áp dụng thuế chống bán phá giá và việc các bên có lợi ích liên quan có những phản ứng trái chiều là bình thường. Thật ra, hằng năm có hàng ngàn vụ kiện bán phá giá trên thế giới và bản thân các sản phẩm Việt Nam đã nhiều lần bị áp dụng thuế chống bán phá giá ở nước ngoài.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng bán phá giá là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong quan hệ kinh doanh quốc tế. Chính vì vậy, hầu hết quốc gia trên thế giới đều thỏa thuận thông qua các điều ước quốc tế và xây dựng pháp luật quốc gia để chống lại hành vi bán phá giá, nhằm bảo vệ thị trường và nền sản xuất trong nước của mình.

Nhìn lại thị trường Việt Nam trong thời gian qua đã diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa sản phẩm nội địa với các sản phẩm của nhiều nước có nền kinh tế lớn mạnh như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Sự cạnh tranh khốc liệt đó cùng với chính sách bán giá rất thấp của hàng hóa nước ngoài đã đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng trên bờ vực phá sản.

Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam một thời lớn mạnh như xe đạp, quạt điện, may mặc, điện tử, nước giải khát... nay chỉ còn thoi thóp và giữ thị phần rất bé nhỏ.

Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa ế thừa, hàng hết hạn sử dụng hoặc hàng kém phẩm chất tuồn vào nước ta cũng gây tổn thất nặng nề cho các nhà sản xuất trong nước.

Vì vậy, việc Việt Nam mạnh dạn áp dụng thuế chống bán phá giá là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, các quyết định này cần được đưa ra một cách khách quan, phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế cũng như cân nhắc quyền lợi của các bên liên quan.

Đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng không nên coi đây là “lợi thế quốc gia”, mà cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, tổ chức tốt hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược truyền thông, tiếp thị và xây dựng thương hiệu tại các thị trường tiềm năng.

 

NGUYỄN TUẤN QUỲNH (phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên