03/09/2014 07:13 GMT+7

“Cháy nhà” hàng xóm lòi ra hối lộ nhà mình

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Tất cả 14 người liên quan đến việc thực hiện dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 01 - giai đoạn I” được Bộ GTVT yêu cầu báo cáo, giải trình sau khi có thông tin Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ cán bộ đường sắt VN đều cam kết không dính líu đến tiêu cực.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi triển khai từ năm 2013 - Ảnh: Q.Thế

Thế nhưng, mới đây cơ quan điều tra cho biết một số bị can đã nộp lại khoảng 3 tỉ đồng tiền quà biếu từ JTC.

Việc nộp lại tiền, quà biếu như vậy cũng từng xảy ra với nhiều vụ án khác. Vụ JTC khai hối lộ cán bộ đường sắt VN bắt nguồn từ việc cơ quan thuế của Nhật Bản kiểm tra sổ sách tài chính của công ty này tại Tokyo.

Trong khi đó dự án đường sắt đô thị này từng bị Bộ Kế hoạch - đầu tư thanh tra nhưng không phát hiện sai phạm. Điều này khiến nhiều người ví von “cháy nhà” hàng xóm mới lòi ra hối lộ nhà mình.

Giải thích sự việc trên, những người từng làm nhà thầu tại VN cho rằng đó không phải là chuyện lạ. Bởi quy ước ngầm kiểu luật bất thành văn là phải có chia chác, bôi trơn thì dự án mới đầu xuôi đuôi lọt.

Căn bệnh này kéo dài dai dẳng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có thể điều trị được. JTC là một nhà thầu lớn và ở vị thế “cửa trên” so với chủ đầu tư vì điều kiện vay vốn buộc nhà thầu chính phải là nhà thầu từ nước cho vay.

Và chỉ có một nhà thầu này tham gia đấu thầu gói tư vấn dự án. Vậy vì sao JTC phải hối lộ? Dư luận cho rằng JTC phải bôi trơn để các thủ tục thực hiện dự án được trôi chảy!

Một số dự án giao thông theo hình thức BOT vừa qua có tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc” cũng được cho rằng do chậm thu xếp tiền “phế” (lại quả) cho tổ chức cung cấp tín dụng nên mất rất nhiều thời gian thương thảo hợp đồng vay vốn. Với 15% vốn tự có trong tổng mức đầu tư dự án và một bản ghi nhớ, cam kết cho vay vốn của tổ chức tín dụng trong nước, họ đủ điền kiện được tuyển chọn thực hiện dự án.

Nhưng với nhà đầu tư có năng lực tài chính yếu, chậm thu xếp được tiền “phế” tính theo một vài phần trăm của tổng mức vay (cả ngàn tỉ đồng) thì thời gian để ký được hợp đồng tín dụng sẽ kéo dài.

Câu chuyện chung chi để được trúng thầu, để vay được vốn đã và đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Nhiều người biết, nhiều người tin là có nhưng hỏi bằng chứng đâu thì chỉ thấy ở một số ít vụ án khi công luận được lên tiếng hoặc khi đổ bể ở đâu đó.

Các tổ chức quốc tế từng tổ chức hội thảo, tập huấn về những cơ chế phòng chống tham nhũng trong việc thực hiện dự án. Một vài dự án vốn vay nước ngoài thực hiện ở VN buộc phải có kế hoạch phòng chống tham nhũng từ đầu.

Tuy nhiên, kết quả hay kinh nghiệm áp dụng vào VN như thế nào ít được nhắc đến. Lộ vụ nào xử vụ ấy, chứ giải pháp, cơ chế kiểm soát tiêu cực thì chưa thấy công bố rộng rãi?

Nếu thế thì nguồn vốn đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm cho các dự án giao thông, người dân không thể biết được bao nhiêu tỉ thật sự được đầu tư vào giao thông?

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên