28/08/2014 17:35 GMT+7

​Nỗi lòng phụ huynh...

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những ngày này, ngồi ở đâu cũng nghe các ông bố, bà mẹ kể chuyện lo cho con nhập học.

Trong  ngày đầu tiên đến trường, sợ học sinh còn bỡ ngỡ, nhiều trường đã cho phụ huynh vào cùng ngồi chung với con mình ở lớp. Ngày con mình đi học thì phụ huynh bắt đầu làm quen với nhiều nỗi lo - Ảnh: N.Hùng
Trong ngày đầu tiên đến trường, sợ học sinh còn bỡ ngỡ, nhiều trường đã cho phụ huynh vào cùng ngồi chung với con mình ở lớp. Ngày con mình đi học thì phụ huynh bắt đầu làm quen với nhiều nỗi lo - Ảnh: N.Hùng

Bên cạnh những hân hoan, háo hức cùng con trẻ đến trường là những nỗi lo, những bức xúc, những so sánh, những than phiền.

Dù cho cha mẹ nào cũng muốn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con, nhưng những mối lo cứ dần dần lớn lên, chạy vuột ra khỏi vòng tay tưởng chừng vô hạn của cha mẹ.

Như cô em gái tôi ngồi thở dài thườn thượt kể chuyện năm học này đã phải lên “nói khó” với cô hiệu trưởng để xin cho con gái năm nay học lớp 3 chuyển khỏi lớp tiếng Anh Cambridge để chuyển sang lớp thường, dù cho con bé rơm rớm nước mắt bảo “Con không muốn chuyển lớp, nhớ các bạn lắm”.

“Nghe nói chương trình được công nhận quốc tế, muốn cho con học lắm nên dù mỗi tháng phải dành ra một nửa khoản thu nhập em vẫn cố gắng hai năm nay, nhưng...”.

Học phí cho lớp Cambridge cứ ba tháng lại đóng 15 triệu, mà năm nay đứa con trai thứ hai cũng lại xúng xính xách cặp vào lớp 1. Con trẻ còn quá nhỏ để phải học bài học về giá trị và sức mạnh của tiền bạc, rằng nếu muốn con tiếp tục học ở lớp này, có khi cha mẹ chúng sẽ phải xoay xở tìm những cách kiếm tiền trái với lương tâm.

Hay một cô bạn đưa cho xem hai tờ thông báo đóng tiền mới nhận sau cuộc họp phụ huynh: một tờ thông thường (những năm trước đã có) gồm học phí, tiền bảo hiểm, cơ sở vật chất, tiền ăn, nước uống, vệ sinh, giấy kiểm tra, sổ liên lạc... tổng số đã lên đến hàng triệu.

Tờ thứ hai là bất thường, mới có năm nay, cũng với khoản đóng lên đến gần 1 triệu đồng với một đề mục duy nhất là bảng tương tác, kèm thông báo rằng số tiền này sẽ phải đóng trong năm năm.

“Không biết cái bảng tương tác ra sao, tác dụng thế nào mà giá lên tới hàng trăm triệu vậy, trong khi đã đóng tiền để trang bị tivi, đầu máy, máy lạnh trong lớp rồi - cô bạn thở dài nói thêm nỗi lo - Vào lớp sử dụng thiết bị như vậy, làm sao về nhà mình còn lý do để hạn chế con xem tivi, dùng iPad, chơi game, khuyến khích con đọc sách nhỉ?”.

Rồi cô bạn khác kể chuyện cả mùa hè đi xin sách cũ, chở con mang đến mái ấm, nhà mở tặng các bạn học sinh nghèo, thì ngày học đầu tiên vừa bắt đầu đã phải đôn đáo chạy mua sách mới để “đền” cho các em.

Lý do: sách in đã được thiết kế những câu hỏi, bài tập ngay ở dưới phần bài học, và học sinh phải đánh dấu, trả lời, vẽ vời ngay trong sách. Truyền thống giữ gìn sách để dành cho em út, cho các bạn nghèo thế là không truyền lại được.

Một ông bố bỏ cả buổi tối cặm cụi dạy con cách tận dụng những tờ báo hình, tờ lịch cũ để bao tập như mình ngày xưa. Niềm vui chỉ được hai ngày, hai bố con đã phải ngậm ngùi bóc ra để bao lại bằng những tờ giấy màu “đồng phục theo môn học” như cô giáo dặn. Một bài học tiết kiệm nữa tan tành...

Đó là chưa kể đến mối lo mà chiếc máy tính bảng phổ cập tới từng chiếc cặp học sinh đang lăm le mang lại. Phải chăng những bài học giản dị, tiết kiệm, chia sẻ mà các ông bố, bà mẹ hôm nay muốn dành cho con đã quá lỗi thời và không cần thiết với VN hôm nay?

Giữa lúc đó thì báo lại đăng tin Tổng thống Mỹ Barack Obama đang dạy con những bài học xưa cũ: bỏ iPad để học kỹ năng sống trong cuộc đời, quên mình là con gái tổng thống để đi làm thêm như một cô gái bình thường...

Phải chăng cuộc đời đang đảo lộn?

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên