23/08/2014 16:20 GMT+7

​Đại học tư: Trương Ba hay hàng thịt?

TRẦN HỮU HIỆ
TRẦN HỮU HIỆ

TT - Vẫn là câu hỏi cũ chưa có lời giải mới: Đầu tư tư nhân cho giáo dục đại học ở Việt Nam vì mục tiêu lợi nhuận hay phi lợi nhuận? Đại học ngoài công lập là “chàng Trương Ba” hay “anh hàng thịt”?

Đại biểu cổ đông Trường ĐH Hoa Sen biểu quyết bãi nhiệm hội đồng quản trị đương thời tại đại hội cổ đông bất thường sáng 2-8 - Ảnh: Như Hùng

Những bức xúc từ hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng diễn ra hôm 15-8, những bất đồng dẫn đến tranh chấp, xung đột lợi ích nghiêm trọng xảy ra tại Đại học Hoa Sen, Hùng Vương (TP.HCM) và một số trường trước đó... đã bộc lộ “khe hở” không chỉ liên quan đến các quy định pháp lý mà còn là vấn đề tư duy, triết lý giáo dục, nhìn từ sự phát triển các trường đại học ngoài công lập thời gian qua.

Luật giáo dục đại học năm 2013 quy định: cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.

Phần lợi nhuận tích lũy được hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Nhưng nhiều ý kiến than phiền rằng các trường đại học tư thục được tổ chức và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, có cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban giám hiệu.

Về cơ cấu quyền lực, mặc dù phải có một số thành viên đương nhiên nhưng hội đồng quản trị của trường biểu quyết theo nguyên tắc đối vốn, tức theo nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp. Ngay cả quy định về nghĩa vụ thuế của các trường này cũng được áp tương tự doanh nghiệp.

Khung pháp lý hiện nay đang trộn lẫn trường vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Thực tế cho thấy từ sự nhập nhằng và những khe hở pháp lý, không ít trường đại học xử sự và bị đối xử như một doanh nghiệp, gây bức xúc.

Ngược lại, có trường hợp nhân danh “phi lợi nhuận” để được hỗ trợ của Nhà nước và ủng hộ của công chúng, khó tránh tình trạng trường học cũng “chuyển giá” như doanh nghiệp để hạch toán “lời thật lỗ giả” nhằm giảm chi phí và né nghĩa vụ thuế, cũng như thực tế đã nảy sinh các xung đột lợi ích liên quan đến sở hữu cổ phần, chia lợi tức, quản trị điều hành... cần được chấn chỉnh.

Hoạt động phi lợi nhuận không có nghĩa là không có lợi nhuận. Vấn đề mang tính quyết định là cách ứng xử với lợi nhuận.

Khi xã hội phát triển, hoạt động giáo dục trở thành một dịch vụ đặc biệt, nhu cầu càng cao, ngành này càng mang lại lợi nhuận cao.

Đòi hỏi phải kiểm soát một cách chặt chẽ để phòng ngừa “anh hàng thịt” và “chàng Trương Ba” nhập xác và hồn.

Hoạt động của các trường đại học ngoài công lập thực chất không vì lợi nhuận đang đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng hơn về sở hữu vốn, cơ chế pháp lý tạo nguồn vốn và phân chia lợi nhuận thích hợp hơn.

Ngược lại, trong việc sửa đổi Luật doanh nghiệp sắp tới, bóng dáng của một loại hình “doanh nghiệp xã hội” cần được làm rõ cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ở Việt Nam để thu hút nhiều hơn đầu tư tư nhân cho giáo dục và “chính danh” cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực quốc sách hàng đầu này.

 

TRẦN HỮU HIỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên