14/06/2014 08:05 GMT+7

Quyền được yêu sử

CHÁNH NHÂN
CHÁNH NHÂN

TT - Nhiều năm lăn lộn với sử, xin gửi mấy lời yêu cầu này tới những ai đang khao khát chấn hưng nền sử học, cũng như đòi lại quyền được yêu sử cho học trò.

Cô Hoa - nghệ sĩ kể chuyện lịch sửĐừng biến môn sử thành một thứ khổ sai Môn sử: đã thích thì không sợ

Yêu cầu thứ nhất: tôn trọng những ý kiến, quan điểm cá nhân của học sinh về lịch sử. Không ít những người bạn mà tôi quen tỏ ra chán ngán vì luôn phải lặp lại những gì được các giáo viên viết ra, mà không được phép nhìn lịch sử theo cách của mình.

Đành rằng sự nhìn nhận, đánh giá lịch sử của các giáo viên sâu sắc và uyên bác hơn giới trẻ rất nhiều, nhưng tôi tự hỏi nếu học trò luôn luôn bị trói chặt đầu óc mình theo những tư duy đó thì rốt cuộc sẽ biến thành cái gì?

Yêu cầu thứ hai: giải phóng học trò ra khỏi sự kiềm tỏa của sách giáo khoa lịch sử. Sách giáo khoa là cuốn cẩm nang tốt nhưng cũng có hạn chế. Cá nhân tôi cho rằng sách giáo khoa chỉ mang tính định hướng. Vì thế, trong quá trình học sử, học sinh không chỉ có quyền mà còn phải được khuyến khích nghiên cứu lịch sử trên những tài liệu khác. Tuy nhiên, đây là điều hiếm hoi trong các giờ sử ở trường phổ thông. Giáo viên lịch sử không hiểu vì lý do gì luôn coi sách giáo khoa là những chân lý bất khả xâm phạm mà học trò chỉ cần tuân theo, không được phản biện và mở rộng!

Yêu cầu thứ ba: thay đổi vị thế của giáo viên và học sinh. Tôi không có ý cổ xúy cho sự vi phạm những nguyên tắc đạo đức. Nhưng tôi thiết tha đề nghị: giáo viên cần phải coi học sinh như những người cộng sự. Bớt đi cái cảnh trong giờ học sử, giáo viên cứ vô tư đọc, học sinh thụ động nghe, khi có thắc mắc ngoài lề thì giáo viên lảng tránh không trả lời.

Yêu cầu thứ tư: thay đổi cách thi cử. Ở đây tôi không định bàn về hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, mà chỉ giới hạn trong khuôn khổ những kiểu kiểm tra như kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết, học kỳ. Thiết nghĩ những hình thức kiểm tra lịch sử kiểu thế này chỉ dung túng cho sự đối phó và chán nản của học sinh đối với môn học, thậm chí kiểm tra xong là quên hết.

Yêu cầu thứ năm: hãy để lịch sử hiện lên như vẻ đẹp vốn có của nó. Đừng cố tráng lên hiện thực lịch sử một lớp men trữ tình rồi trưng ra trước mắt học sinh. Đồng ý rằng phản ánh lịch sử phải nhân văn, phải khơi gợi được những xúc cảm tốt đẹp trong học sinh. Nhưng ranh giới giữa nhân văn và giáo điều mỏng như sợi tóc. Và học sinh đủ tinh tế để nhận ra mong manh ấy!

Yêu cầu cuối cùng: tại sao cứ phải là học thuộc? Bản thân học thuộc không xấu, nhưng cách dạy dỗ áp đặt, cách ra đề thiếu sáng tạo, cách viết sách giáo khoa nặng về con số làm sử trở nên đáng sợ với tất cả học trò. Do vậy, thay vì “khổ sai trí nhớ”, các thầy cô có thể tìm ra phương pháp khác để kéo học trò gần với sử hơn. Lịch sử nên là thứ mật ngọt thấm vào tâm hồn chứ không nên là cục đá đè nặng lên đầu học trò.

Làm sao cho học sinh yêu sử? Làm thế nào để xóa hết định kiến đã chai lì trong óc về sự nhàm chán của môn sử? Chỉ có thể trông chờ vào những nhà sử học tâm huyết. Mong rằng những yêu cầu như trên không như “ném vàng vào gió”?

CHÁNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên