18/10/2012 08:30 GMT+7

Hụt hẫng lộ trình tăng lương

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - “Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước, năm 2013 Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình”. Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khiến phần đông trong số 7 triệu người hưởng lương nhà nước cảm thấy hụt hẫng.

Bởi theo lộ trình, từ ngày 1-5-2013 lương tối thiểu sẽ ở mức 1,3 triệu đồng/tháng, thay thế mức lương 1,05 triệu đồng/tháng hiện hành. Nay nếu không thực hiện được thì cuộc sống của người làm công ăn lương vốn đã khó lại càng thêm khó.

Theo giải trình của ông Huệ, trong nhiều năm qua, chưa năm nào thu ngân sách khó khăn như năm nay. Năm 2013 được dự báo là năm kinh tế vẫn khó khăn. Các nguồn thu, chi khác đều được tính toán ở mức rất “căng”.

Trong lúc bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết không còn khoản thu tạo nguồn điều chỉnh lương tối thiểu, trừ khi được phép... in thêm tiền, thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ muốn người làm công ăn lương đồng cảm với mình thì Chính phủ càng phải tìm cách chia sẻ với người làm công ăn lương. Một trong những cách để Chính phủ chia sẻ chính là việc tiết kiệm chi tiêu hành chính, hội nghị, mua sắm văn phòng, hạn chế tổ chức các lễ hội đình đám.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các cơ quan nhà nước chỉ cần tiết kiệm một nửa số chuyến đi nước ngoài cũng để ra được một khoản kha khá.

Năm 2012 khó khăn, năm 2013 vẫn khó khăn. Liệu năm 2014 có hết khó khăn? Không ai có thể trả lời rõ được. Và việc bộ trưởng Bộ Tài chính lặp lại tuyên bố “không có tiền” trong một vài năm tới là hoàn toàn có thể. Như vậy về lâu dài, rất cần một giải pháp khác đảm bảo lộ trình cải cách tiền lương. Đó là cải cách tiền lương từ bản chất của nó, mà nghịch lý đã được ông Đoàn Cường - vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ - chỉ ra cách đây ít lâu tại một cuộc hội thảo, rằng “khó khăn lớn nhất cho việc cải cách tiền lương là ngân sách có hạn trong khi số người hưởng lương quá lớn”. Lời khuyên của nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh: VN cần chịu đau một lần để cắt giảm nhân lực trong bộ máy hành chính đang quá cồng kềnh.

Đúng là Chính phủ có khó khăn nhưng người ăn lương cũng khó khăn không kém. Thực tế cho thấy lạm phát gia tăng trong mấy năm qua đã triệt tiêu gần hết giá trị thực chất của các đợt tăng lương. Nỗi khổ “cơm, áo, gạo, tiền” vẫn đeo đẳng hàng triệu cán bộ, công chức sống nhờ lương. Trước tình hình như vậy, ngoài việc chuẩn bị các giải pháp “chịu đau” để cải cách tiền lương hiệu quả, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu đúng lộ trình. Đây là một việc làm không chỉ để chia sẻ khó khăn với hàng triệu người làm công ăn lương, cao hơn nữa là tạo niềm tin cho người dân về một chính sách đã được đặt ra từ trước, đồng thời thể hiện cụ thể quan điểm an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước vẫn luôn nêu cao.

Theo phân tích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rõ ràng là dư địa tạo nguồn chi để tăng lương vẫn còn. Chính phủ sẽ có tiền nếu không tổ chức một lễ khởi công hoành tráng, chưa mua thêm một chiếc xe hơi hạng sang, cán bộ từ chối một chuyến công tác nước ngoài chưa thật cần thiết, thậm chí là lùi thời hạn triển khai một số dự án như dự án bảo tàng quốc gia vừa được đề nghị tới 11.000 tỉ đồng...

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên