05/02/2012 07:51 GMT+7

Mất mát ở Tiên Lãng

ĐỨC BÌNH - XUÂN LONG
ĐỨC BÌNH - XUÂN LONG

TT - Hải Phòng cuối tuần chẳng còn mưa phùn lâm thâm, tiết trời ấm dần lên. Rời những quán cà phê đông đúc quanh nhà hát lớn, chúng tôi lại lặn lội xuôi về Vinh Quang, Tiên Lãng.

Đứng trước vùng đầm mênh mông bát ngát nhưng vắng lặng của gia đình anh em Vươn - Quý, thấy chị Thương (vợ anh Vươn), chị Hiền (vợ anh Quý, em anh Vươn) cùng hai đứa trẻ trạc 10 tuổi đang cặm cụi nhặt gạch trước căn lều dựng tạm mà chạnh lòng.

Xem hồ sơ vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng trên TTO

Thật tình cờ, chúng tôi gặp hai nhà khoa học từ ĐHQG Hà Nội đi xe máy từ Hải Phòng xuống và đến thăm mấy mẹ con chị Thương. Đó là TS luật học Trần Văn Hải - chủ nhiệm khoa khoa học quản lý và đồng nghiệp Lưu Minh Văn - phó chủ nhiệm khoa khoa học chính trị. Hai ông cho biết họ đến hoàn toàn với mục đích cá nhân, họ chỉ muốn thăm hỏi, chia sẻ với những người nông dân, ngư dân đổ đất lấn biển đánh bạc với trời. “Là người làm khoa học chính trị, tôi thấy chưa có một chính quyền địa phương nào lại đẩy dân đến mức đối đầu nhau như thế” - ông Văn nói.

Ông Hải đồng tình: “Tư cách là một công dân, tôi không tán thành cách xử lý như thế này của chính quyền huyện Tiên Lãng. Không thiếu cách xử lý, và cách nào cũng nên nghĩ đến quyền lợi, tâm tư nguyện vọng của dân, phải lấy dân làm gốc, chứ xử lý như thế này dân mất lòng tin là phải”.

Quan điểm cá nhân của hai nhà khoa học Trần Văn Hải và Lưu Minh Văn cũng là cách nghĩ chung: Ta có nhiều việc phải làm, và việc quan trọng nhất cần làm là thu hẹp khoảng cách mối quan hệ chính quyền - nhân dân. Khoảng cách này càng hẹp thì động lực cho sự phát triển càng lớn.

Phản ứng của ông Vươn sai thì đương nhiên sẽ có pháp luật xử. Nhưng vợ con người thân của ông Vươn bỗng dưng một ngày mất nhà mất cửa, mất ao đầm ngay trước ngày tết cổ truyền của dân tộc thì thử hỏi cách làm của chính quyền Tiên Lãng đã hợp lý chưa?

Sau cưỡng chế, cả trước và sau tết, sống cảnh không nhà cửa nhưng thử hỏi các ban ngành, đoàn thể chính quyền địa phương đã quan tâm gì đến họ? Cụ thể, nếu chính quyền Tiên Lãng giải quyết khéo léo vụ việc này từ đầu thì đâu cần cưỡng chế để giành lại đất đã giao cho dân.

Nếu làm khéo thì chắc chắn từ những năm 2004, 2005 (khi huyện bắt đầu có những quyết định thu hồi đất và “cấm” dân đầu tư vào các đầm thủy sản) đến nay, Nhà nước vẫn thu về một khoản ngân sách, chủ đầm cũng có cái thu, và hàng trăm, hàng ngàn lao động địa phương vẫn có việc làm với mức tiền công 200.000 đồng/ngày/người.

Nhưng từ năm 2004 đến nay, hàng ngàn hecta đầm thủy sản người dân bao công khai phá nay “cấm” đầu tư, dẫn đến bỏ hoang phí, dẫn đến hàng trăm chủ đầm, hàng ngàn hecta người dân mất việc, mất nguồn thu nhập...

Đó là những cái mất về kinh tế có thể cân đong, đo đếm được; chứ lớn hơn, niềm tin của người dân với chính quyền địa phương đã mất thì không ai có thể đo đếm sự thiệt hại.

Bác Hồ từng dạy: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Có lẽ chính quyền Tiên Lãng đã không “thuộc bài” nên mới dẫn đến cơ sự như hôm nay.

ĐỨC BÌNH - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên