13/11/2010 10:21 GMT+7

Lũ "nghèo" và dân nghèo

DƯƠNG THẾ HÙNG ghi 
DƯƠNG THẾ HÙNG ghi 

TT - “Lũ muộn” đổ về mấy ngày qua đã thật sự gây bất ngờ cho mọi người. Ai cũng vừa mừng vừa lo, nhưng có lẽ mừng nhiều hơn. Vì lũ đem lại trù phú, gắn liền với đời sống, tập quán và ăn sâu vào tiềm thức người đồng bằng bao đời nay.

KCAJKu4Y.jpgPhóng to

Nhớ ngày xưa, các lão nông gọi là mùa nước nổi. Những năm nước “nổi” nhiều, người dân phải chịu tai ương. Nhà ngập, đường sạt, đất lở, cảnh màn trời chiếu đất cũng từng diễn ra không kém miền Trung ruột thịt. Lúc đó, các lão nông thay đổi cách gọi “mùa nước nổi” thành “mùa lũ”.

Và rồi những thiệt hại đó không lung lay ý chí người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt. Người dân biết thích nghi để “sống chung với lũ”.

Mùa lũ năm nay, nước sông Cửu Long đổ về quá kiệt. Người đồng bằng thẫn thờ nhìn dòng chảy lờ đờ từ thượng nguồn đổ về quá thấp như chưa bao giờ thấp hơn trong suốt mười năm nay. Thời tiết năm 2010 như không chiều theo lòng người.

Mọi khi, đầu tháng 5 đã có mưa đầu mùa. Nhưng năm nay nắng nóng kéo dài, tháng 6 mưa mới rơi nhưng không nhiều. Hằng năm, tháng 8 màu nước son đã ngầu đục, nhưng năm nay tháng 9 rồi mà nước sông Cửu Long vẫn còn bàng bạc. Tới giữa tháng 11, nước vẫn còn lé đé bờ đê để rồi “ùn ùn” về muộn như mấy ngày qua.

Dù có về nhưng trong “hành trang”, lũ lại “nghèo” theo đúng nghĩa của cái nghèo nàn cho sinh kế và sản xuất của người dân vùng châu thổ này.

Lũ “nghèo” kéo theo nguy cơ vụ mùa sau kém vì đất kiệt do thiếu phù sa, đồng ruộng không được vệ sinh, sâu bệnh phát triển và độc chất ô nhiễm phát tán. Người dân phải tốn phân nhiều hơn, dùng thuốc sâu nhiều hơn, tiền bơm nước nhiều hơn, công lao động nhiều hơn và dĩ nhiên là thu nhập tệ hơn. Hàng trăm ghe lưới, lờ, lọp, đăng quầng, câu cặm... của người dân chuẩn bị đánh bắt cá tự nhiên đành gác lên sào.

Chưa có năm nào mà giá cá linh tăng vọt như năm nay, mỗi ký “leo” cao xấp xỉ 180.000 đồng so với 50.000-60.000 đồng trước đây. Rồi mùa khô kéo dài, mưa trễ, lũ thấp và phù sa ít làm bờ sông Tiền, sông Hậu sạt lở nghiêm trọng. Lũ thấp còn dẫn đến sự hạn chế rửa mặn, thau chua. Các cống thoát lũ về phía biển Tây gần như phải đóng kín. Các vùng đê bao “chống lũ triệt để” gần như có tác dụng ngược.

Lũ “nghèo”, lũ muộn diễn biến thất thường là tất yếu trong xu thế biến đổi khí hậu không còn là viễn cảnh nữa. Nó ngày càng rõ hơn và có xu thế ảnh hưởng tới dân nghèo hơn. Nó không chỉ là mối đe dọa của thiên nhiên mà còn do tác động của con người ở thượng nguồn: các đập thủy điện của Trung Quốc và Lào, kế hoạch chuyển lưu vực nước ở Trung Quốc, Thái Lan, dự án mở rộng diện tích tưới lúa mùa khô ở Campuchia... sẽ là các mối đe dọa tiềm ẩn.

Nguy cơ này càng ảnh hưởng đến sinh kế của người nghèo và vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, thậm chí là an ninh lương thực quốc gia.

Nhiều người chỉ nghĩ khi lũ lớn mới thật sự gây thiệt hại. Các kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chỉ hoạt động khi có bão lũ. Trong khi lũ “nghèo” cũng gây tác hại không kém, nên cũng cần có những hành động cấp thiết để giảm thiểu tác hại, hạn chế thua thiệt cho dân nghèo, những người đã mang lại miếng cơm, con cá, cây ngọt trái lành cho xã hội.

DƯƠNG THẾ HÙNG ghi 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên