20/08/2017 12:34 GMT+7

'Núp bóng' S’Tiêng

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TTO - Tuổi Trẻ đã theo bước hành trình tìm lại cội nguồn của người Tà Mun - một tộc người ở Bình Phước, Tây Ninh có tiếng nói, phong tục riêng biệt nhưng lại được xếp vào dân tộc S’Tiêng.

Bà Lâm Thị Đẹp ở Ninh Thạnh (TP Tây Ninh) xem lại những giấy tờ với tên gọi dân tộc Tà Mun được cấp nhiều năm trước - Ảnh: VIỄN SỰ
Bà Lâm Thị Đẹp ở Ninh Thạnh (TP Tây Ninh) xem lại những giấy tờ với tên gọi dân tộc Tà Mun được cấp nhiều năm trước - Ảnh: VIỄN SỰ

Con cháu tui đi học được xếp vô dân tộc S’Tiêng, tui ra phường làm giấy tờ cũng được gọi là người S’Tiêng, mà người S’Tiêng nói bà con Tà Mun không hiểu gì hết

Bà LÂM THỊ ĐẸP

Câu chuyện tìm cội nguồn cho người Tà Mun đã được nhắc ở Tây Ninh, Bình Phước nhiều năm qua.

Theo thống kê của tỉnh Tây Ninh năm 2016, người Tà Mun được gọi riêng là một dân tộc với dân số gần 2.000 người, là dân tộc thiểu số đông thứ tư tại tỉnh này.

Đã có nhiều hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu khẳng định người Tà Mun là một tộc người độc lập với người S’Tiêng, các cơ quan chức năng hai tỉnh cũng đã từng lên tiếng kiến nghị công nhận Tà Mun là một dân tộc.

'Người S’Tiêng' nhưng không biết tiếng S’Tiêng

“Trong tất cả các văn bản, giấy tờ của chính quyền, chúng tôi đều xếp Tà Mun là một tộc người riêng.

Nhưng đó chỉ là tên gọi dựa vào thực tế tại địa phương và mong muốn của bà con, còn trong danh sách dân tộc cả nước thì người Tà Mun vẫn phải “mượn tên” dân tộc S’Tiêng” ông Nguyễn Minh Nhật, phó Phòng dân tộc UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết.

Giữa trung tâm TP Tây Ninh, phía đối diện Tòa thánh Cao Đài ở P.Ninh Thạnh là một xóm Tà Mun đã có gần 90 năm hình thành với gần 500 nhân khẩu.

Già làng Lâm Ron nghe có khách xa đến đã mời nhiều người già trong xóm đến tiếp chuyện với chúng tôi.

Ông nói cả xóm đang sửa sang nhà cửa, nhà nào cũng chăm bầy gà, nuôi con heo để ít lâu nữa cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch sẽ đón Tết Saunco Khamun - tết đón năm mới của người Tà Mun.

“Tết Saunco Khamun chỉ có người Tà Mun ăn, người S’Tiêng đâu có ăn, người Khmer cũng không, vậy mà Tà Mun mình cứ bị gọi là S’Tiêng, thiệt kỳ” già làng Lâm Ron nói.

Bà Lâm Thị Đẹp (70 tuổi, một người Tà Mun cố cựu ở Ninh Đức) thắc mắc: “Con cháu tui đi học được xếp vô dân tộc S’Tiêng, tui ra phường làm giấy tờ cũng được gọi là người S’Tiêng, mà người S’Tiêng nói bà con Tà Mun không hiểu gì hết”.

Già làng Lâm Ron nói đất miền Đông có hàng vạn người S’Tiêng nhưng ông chưa gặp người S’Tiêng nào nói tiếng giống đàng mình. Nơi duy nhất có “người S’Tiêng” nói thứ ngôn ngữ mà người Tà Mun ở Tây Ninh hiểu là sóc 5, xã Tân Hiệp (Hớn Quản, Bình Phước).

Và đó chính là xóm làng cũ của người Tà Mun trước khi di cư về Tây Ninh hiện nay. Tại đó vẫn còn hơn 1.200 người Tà Mun, có họ hàng ruột thịt với người Tà Mun ở Tây Ninh và trên giấy tờ cũng mang cái tên S’Tiêng.

Giải mã nguồn gốc ngôn ngữ của tộc người Tà Mun từng là đề tài lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu vào cuộc.

Đa số đều khẳng định tiếng Tà Mun thuộc họ ngôn ngữ Nam Á, tiểu nhóm Nam Bahnar (bao gồm các ngôn ngữ M’Nông, Châu Ro, S’Tiêng, Mạ...).

Trong công trình nghiên cứu sau quá trình điền dã của hai tác giả Lê Khắc Cường và Phan Trần Công - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM vào năm 2013 - đã nhận định rất nhiều từ trong tiếng Tà Mun giống với tiếng Châu Ro và khác hoàn toàn với tiếng S’Tiêng và các ngôn ngữ trong nhóm.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, phó phòng di sản Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Tây Ninh, cho biết năm 2012, UBND tỉnh Tây Ninh đã cấp kinh phí gần 400 triệu đồng để làm đề tài nghiên cứu xác định thành phần dân tộc Tà Mun tại Tây Ninh, do hai tác giả Võ Hòa Minh và Nguyễn Xuân Châu thực hiện.

Đề tài này cũng khẳng định tiếng Tà Mun dù cùng tiểu ngữ hệ với tiếng S’Tiêng có âm tiết nhưng từ vựng có nhiều khác biệt với tiếng S’Tiêng. Bà Hạnh cho biết đang kiến nghị xúc tiến thực hiện từ điển song ngữ Việt - Tà Mun”.

CMND của nhiều người Tà Mun được cấp trước đây vẫn ghi rõ dân tộc Tà Mun - Ảnh: VIỄN SỰ
CMND của nhiều người Tà Mun được cấp trước đây vẫn ghi rõ dân tộc Tà Mun - Ảnh: VIỄN SỰ

Mất tên trên CMND

Những người Tà Mun cao tuổi ở Ninh Đức khi gặp chúng tôi đều mang theo giấy tờ tùy thân (được cấp gần đây lẫn những giấy tờ tùy thân đã ố vàng của chế độ Sài Gòn), tất cả đều ghi họ là dân tộc Tà Mun.

Cũ nhất là giấy “cư trú Thánh địa”, giấy “chứng nhận đạo hữu” do Tòa thánh Tây Ninh cấp cho bà Lâm Thị Tư từ năm Giáp Ngọ (1954) đã xác nhận tộc danh Tà Mun.

Trễ hơn một chút, bà Lâm Thị Đẹp vẫn còn giữ tờ chứng nhận học trình của Trường tiểu học cộng đồng Tà Mun (nay là Trường tiểu học Ngô Quyền ở P.Ninh Thạnh, TP Tây Ninh) cấp năm 1963.

Sau năm 1975, tộc danh Tà Mun vẫn được công nhận và ghi trong các giấy tờ chính thức như hộ khẩu, khai sinh, CMND.

Già làng Lâm Ron đưa cho chúng tôi CNMD của ông năm 2007 ghi rõ dân tộc Tà Mun, giấy khai sinh của hai con gái già làng Lâm Ron cũng ghi là dân tộc Tà Mun.

Việc người Ta Mun được ghi là dân tộc Tà Mun trên CMND vẫn kéo dài đến cuối năm 2015, khi cán bộ hộ tịch nhập số liệu, thành phần dân tộc bằng cách viết tay.

Nhưng từ khi nhập thông tin làm CMND bằng phần mềm thống nhất trong cả nước thì trong danh sách 54 dân tộc không có tên Tà Mun.

“Bà con đành phải chọn ghi theo dân tộc S’Tiêng, có người lại ghi dân tộc Kinh, Khmer, cái tên Tà Mun không còn nữa...” - già làng Lâm Ron buồn bã nói.

Kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thanh Phương - phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh - cho biết chuyện người Tà Mun chưa được công nhận dân tộc là vấn đề từng được nêu trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri.

Tại báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 và thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã chuyển ý kiến cử tri Tây Ninh kiến nghị công nhận Tà Mun là một dân tộc của Việt Nam.

Đầu năm 2016, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đã có công văn trả lời cho biết việc xác định thành phần dân tộc cho người Tà Mun vẫn chưa thể kết luận và cần tiếp tục nghiên cứu.

Trước đó từ năm 2009, UBND tỉnh Tây Ninh từng có kiến nghị đến Ủy ban Dân tộc về việc xem xét thành phần dân tộc cho người Tà Mun.

Năm 2012, Viện Dân tộc học đã tổ chức hai hội thảo tại Tây Ninh và Bình Phước để xác định thành phần dân tộc cho người Tà Mun. Tại đây, lãnh đạo các cơ quan dân tộc của hai địa phương đã có kiến nghị công nhận dân tộc Tà Mun.

___________

Kỳ tới: Cuộc di cư từ rừng ra phố

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên