10/08/2017 14:14 GMT+7

Nghề sửa điện giữa rừng

NGỌC LOAN
NGỌC LOAN

TTO - 6h chiều, người dân gọi điện thoại báo tin xói lở đất ở chân cột điện vị trí 108. Đội truyền tải điện Hà Giang lập tức cắt cử người, thiết bị, vật tư lên xe, băng rừng đi trong đêm.

*** Error ***
Công nhân truyền tải điện thuộc Truyền tải điện Đông Bắc 3 xử lý trên đường dây - Ảnh: Điện lực cung cấp

Vị trí 108 đường dây 220kV Hà Giang - thủy điện Tuyên Quang thuộc xã Yên Cường, huyện Bắc Mê. Phải đi bộ hàng giờ trong rừng để đến từng vị trí cột điện trên đồi cao hoặc núi sâu.

Bất kể là lúc nửa đêm hay trời sáng, chỉ cần nghe tin có nguy cơ đe dọa sự cố xảy ra với đường dây truyền tải hay các vị trí cột điện là các anh lập tức lên đường đi kiểm tra.

Đó là công việc của những công nhân Đội truyền tải điện Hà Giang, với đặc trưng là làm việc trên miền địa đầu Tổ quốc.

Vào rừng trong đêm

Con đường đèo ngoằn ngoèo, lởm chởm nên đoạn đường 70km từ trụ sở đội truyền tải đến bìa rừng gần vị trí cột 108 phải mất hơn ba giờ. Sau đó phải men theo lối mòn vào rừng, đi bộ chừng hơn 1km mới đến vị trí cột.

Ở chân cột 108, đất bị xói, làm lộ ra một phần chân móng cột. Nếu không gia cố, mưa sẽ làm cột xói lở, nguy cơ ngã đổ rất cao, gây gián đoạn đường truyền cung cấp điện cho ba tỉnh. Lập tức đèn pin bật lên và các dây điện được đấu nối sáng đèn, cả đội lao vào việc.

Người đóng cọc, người xúc đất đóng thành từng bao tải rồi khuân vác tới vị trí bị xói lở để làm kè chắn. Chằng néo dây cột tạm thời từ các chân cột lại với nhau và chằng hố thế. Hai hố thế được đào dài 2m, rộng 1,2m, sâu 1,5m ở phía trên đồi cao để kéo dây lên chằng cột.

Suốt hôm sau đó, cả đội cắm chốt ở đây, tiếp tục công việc ngăn xói lở cho vị trí 108. Việc xói lở chân cột nghe đơn giản, nhưng xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng, khắc phục khó khăn và tốn kém.

Gạt những giọt mồ hôi còn đọng trên mặt khi vừa khiêng các bao đất, công nhân Đội truyền tải điện Hà Giang Phan Văn Hùng cho biết đây chỉ là một phần công việc của lính truyền tải điện trong mùa mưa bão này.

“May mắn là nguy cơ đe dọa sự cố được phát hiện sớm để khắc phục nên chưa gây ra hậu quả gì” - anh Hùng nói.

Anh Nguyễn Như Quỳnh - đội trưởng Đội truyền tải điện Hà Giang - kể lúc nhận được điện thoại báo có xói lở ở cột 108, nhiều người trong đội cũng đang đi sửa chữa trên đường dây điện. Lo sợ sự cố xảy ra nên các anh sắp xếp đi ngay, nếu không việc khắc phục còn khó khăn hơn và ít nhất sẽ làm mất điện ba tỉnh.

Công tác khắc phục trước mắt là gia cố, làm kè bao chắn sạt lở và chờ lập phương án thiết kế sửa chữa.

Đỏ mắt tìm nơi xảy ra sự cố

Chỉ tay về quãng đường từ vị trí xe dừng đến cột 108, anh Nguyễn Xuân Trường nói: “Đoạn này còn gần và mặt đường bằng dễ đi, nhiều chỗ để vào được cột phải đi xa và mất nhiều giờ”.

Anh Trường năm nay 27 tuổi, là thợ trẻ của Đội truyền tải điện Hà Giang. Dù là người con của Hà Giang nhưng anh cũng phải lắc đầu khi nói về địa hình, đường đi của vùng đất này.

Ba năm làm công nhân truyền tải điện, anh bảo hồi đầu còn bỡ ngỡ, không quen nên mệt lắm, giờ thì thích nghi dần rồi.

Theo Trường, công việc này đòi hỏi tính tập trung cao và nhất là cần khỏe mạnh vì phải trèo cao nguy hiểm, sức khỏe yếu là không chịu nổi.

Công việc nặng nhọc và luôn cấp bách vậy, nhưng quân số Đội truyền tải điện Hà Giang chỉ 10 người. Mỗi tháng, ít nhất một lần các anh đều đi kiểm tra 243 vị trí cột và hệ thống đường dây cao áp truyền tải điện dài hàng trăm cây số.

Thế nhưng những sự cố do thiên tai gây nên là không lường trước được và trong mùa mưa bão phải kiểm tra, sửa chữa thường xuyên hơn.

Nhớ lại sự cố bị sét đánh vào bát sứ cách đây không lâu ở vị trí 81 đường dây Hà Giang - Thái Nguyên, anh Phan Văn Hùng kể: Khi nhận được tin từ hệ thống của trạm báo, cả đội chia ra mỗi nhóm hai người khoanh vùng tìm vị trí xảy ra sự cố.

Sáng hôm ấy, sau gần bốn giờ tìm kiếm, đi qua nhiều vị trí cột, các anh mới phát hiện nơi bị sét đánh.

“Những sự cố nằm trong vùng hệ thống báo thì tìm thấy nhanh hơn, nhưng cũng có những sự cố phải mất nhiều thời gian mới tìm thấy. Khi trèo lên các cột tìm kiếm phải quan sát kỹ vì có những vết cháy sém rất nhỏ, không để ý thì khó thấy” - anh Hùng cho biết.

Sau khi kiểm tra, thấy sự cố nhẹ, chưa ảnh hưởng gì thì các anh chờ đợt cắt điện rồi sửa, còn nặng như vỡ bát sứ thì phải xin cắt điện để thay bát sứ ngay. Những năm trước, vào mùa mưa bão, các anh phải kiểm tra, xử lý sự cố sét đánh 3-4 lần. Một năm trở lại đây, nhờ hệ thống chống sét tốt nên đã giảm nhiều.

Gắn bó với người dân

Ông Đinh Nho Hợi, phó giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3, cho biết: “Gần 1.500km đường dây lưới điện cao áp 220kV và 500kV do Truyền tải điện Đông Bắc 3 quản lý trên địa bàn 8 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) luôn được kiểm tra định kỳ cẩn thận.

Địa bàn rộng, lại là đặc thù vùng núi nên công việc của lính truyền tải vốn đã nặng nhọc, nguy hiểm lại càng thêm khó khăn. Có những nơi từ vị trí cột ở quả đồi này nhìn thấy cột ở quả đồi kia, đường đi chưa đến 1km nhưng phải đi bộ đến sáu giờ mới tới nơi”.

Công tác kiểm tra trước mùa mưa bão luôn được đội thực hiện đầy đủ và cẩn thận, tuy nhiên sạt lở, sự cố là không lường trước được bởi các cột phần lớn ở đỉnh núi cao và trên đồi. Thế nhưng mỗi sự cố, mỗi nguy cơ đều được báo về ngay khi được phát hiện.

Đảm bảo được điều này một phần nhờ vào tai mắt của người dân. Bởi họ đã được chính quyền, đội truyền tải điện hướng dẫn, tuyên truyền khi thấy những bất thường phải báo ngay.

Ông Nguyễn Hữu Cường - phó chủ tịch UBND xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, Hà Giang - cho biết chính quyền xã đã ký bản cam kết với Đội truyền tải điện Hà Giang khi phát hiện các nguy cơ, sự cố sẽ báo ngay cho đội truyền tải.

Tại các vị trí cột đều được dán in số điện thoại của Đội truyền tải điện Hà Giang và Truyền tải điện Đông Bắc 3, để khi xảy ra sự cố người dân thấy sẽ dễ dàng gọi điện báo tin. Và điện thoại luôn có người trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn lưới điện tối đa.

“Số điện thoại của tôi cũng được dán in trên các cột để khi người dân phát hiện kịp thời báo về. Mỗi lần nghe điện thoại mà nhìn thấy số của các trạm, đội, số lạ gọi cũng giật mình vì trong đầu nghĩ tới các sự cố đường dây xảy ra, nhất là những cuộc điện thoại nửa đêm, 1-2h sáng” - ông Hợi bày tỏ.

Mùa này, miền Bắc đang mưa bão. Và những người thợ truyền tải điện lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng.

Nơi xa nhất gần 300km

Đội truyền tải điện Hà Giang là một trong số những đội thuộc Truyền tải điện Đông Bắc 3, Công ty Truyền tải điện 1, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.

Ông Đinh Nho Hợi, phó giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3, cho biết từ trung tâm đơn vị đến các đội quản lý đường dây và các trạm biến áp nơi xa nhất phải đến 300km.

Khi xảy ra sự cố, từ đơn vị đến các khu vực cũng mất khá nhiều thời gian, nên gần như nhờ hết vào đội và trạm biến áp đóng tại địa bàn.

*** Error ***

Việc gia cố cọc móng trụ chống xói lở cũng là công việc nặng nhọc của công nhân truyền tải điện - Ảnh: NGỌC LOAN

Có khi ngủ rừng

Dù đã có 5 năm trong nghề nhưng với anh thợ truyền tải điện Lê Đại Dương, khi có sự cố do sét đánh, khó nhất là tìm ra vị trí chính xác. Bởi hệ thống báo có sự cố trong phạm vi cách trạm 15-20km, nhưng có khi còn xa hơn.

Và có khó thế nào cũng bắt buộc phải tìm thấy nơi xảy ra sự cố, dù mất 2-3 ngày. Có khi lùng sục không ra phải ngủ lại ở lán của người dân trong rừng, hôm sau tầm soát tiếp.

NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên