24/07/2017 16:22 GMT+7

Những nguy cơ từ nhiệt điện than

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đoàn Văn Bình, viện trưởng Viện Khoa học năng lượng (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN), cho biết nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu cung cấp điện trong thời gian tới ở Việt Nam.

Ngư dân sinh sống và làm nghề bên cạnh cụm Nhà máy nhiệt điện 
Vĩnh Tân - Ảnh: Đông Hà
Ngư dân sinh sống và làm nghề bên cạnh cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân - Ảnh: Đông Hà

 

Hiện ở Việt Nam có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than, hầu hết đều sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống. Do vậy hiệu suất vận hành thấp, khí thải từ các nhà máy nhiệt điện này có chứa nhiều chất ô nhiễm, đặc biệt là khí SO2, CO, Nox, NO và bụi... sẽ được thải ra ngoài. Chưa kể các chất thải rắn như tro xỉ, cặn dầu, chất thải nước, ô nhiễm nhiệt...

TS ĐOÀN VĂN BÌNH

* Từ những vụ việc gần đây liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than như tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 làm ảnh hưởng đời sống người dân, hay quyết định cấp phép “nhận chìm” bùn thải của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 gây lo ngại đến môi trường biển, ông nhìn nhận thế nào về công tác quản lý nhiệt điện than của Việt Nam?

- Theo quy định hiện hành (bắt buộc), các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam đều phải xây dựng các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), những vấn đề như ngăn ngừa ô nhiễm, xử lý chất thải trong quá trình thi công, vận hành...

Những hiện tượng môi trường xảy ra thời gian gần đây, như vấn đề tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, hay mới đây là câu chuyện “nhận chìm” 1 triệu m3 bùn thải của nhiệt điện Vĩnh Tân 1... về nguyên tắc phải được tính toán trong báo cáo ĐTM được lập trước khi triển khai dự án, phải tính toán hết các tình huống và có các biện pháp xử lý thích hợp, được hội đồng thẩm định thông qua.

Vấn đề của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân là các kế hoạch bảo vệ môi trường nằm trong gói ĐTM đã không được thông tin và công khai minh bạch kịp thời. Nếu ngay từ ban đầu dự án này được công khai và thông tin trước khi triển khai thực hiện thì sẽ tránh những hoang mang trong dư luận.

Về nguyên tắc, khi làm ĐTM phải tham vấn cộng đồng, giải thích cho người dân biết rõ khi làm công trình sẽ phát sinh các loại chất thải như thế nào, biện pháp xử lý nào là phù hợp, đảm bảo chỉ tiêu quy định về môi trường.

Thứ hai là thông qua hội đồng chuyên gia, cơ quan chuyên môn, sẽ là những đơn vị phản biện và quyết định phê duyệt báo cáo. Nếu thực hiện nghiêm túc các ĐTM thì quá trình thực hiện hiệu quả hơn và có sự đồng thuận tốt hơn. Đã có quy định rồi nhưng không làm, hoặc làm chưa sâu sát vấn đề này.

* Theo ông, tại sao lại có những bất cập trong việc quản lý, vận hành các nhà máy nhiệt điện than?

TS Đoàn Văn Bình - Ảnh: Việt Dũng
TS Đoàn Văn Bình - Ảnh: Việt Dũng

- Nhiệt điện than hiện đang được tính toán là nguồn có chi phí rẻ. Tuy nhiên, các loại hình nguồn điện cần phải được tính đúng tính đủ các chi phí sản xuất và chi phí ngoại lai, bao gồm chi phí về môi trường, sức khỏe cộng đồng, chi phí mất sinh kế của người dân, phát thải khí hậu...

Nhưng giá điện nói chung và giá điện từ nguồn nhiệt điện than nói riêng không được tính đầy đủ các yếu tố trên, đặc biệt là yếu tố môi trường.

Nhiều nhà máy nhiệt điện than thời gian qua được đầu tư ở Việt Nam không có yêu cầu bắt buộc các chi phí ngoại biên được tính đủ vào giá thành. Vì vậy có những vấn đề liên quan đến chi phí, sức khỏe con người, những tác động môi trường do nhà máy nhiệt điện than đã không được nhà đầu tư chi trả đầy đủ.

Thứ hai là chỉ tiêu ngưỡng phát thải Việt Nam dễ dãi hơn các nước rất nhiều lần. Theo một báo cáo của UNDP thì mức phát thải của các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam dễ dãi hơn Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu (về giới hạn phát thải của khí SO2, Nox và bụi...).

Vì thế công nghệ một số nước không đảm bảo chỉ tiêu phát thải vẫn được mang vào Việt Nam. Có nghĩa là rào cản kỹ thuật của mình đang thấp quá.

* Theo sơ đồ điện VII thì nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ lớn và với những lo ngại về công nghệ nhiệt điện than nói trên, liệu có nên điều chỉnh sơ đồ đó hay không?

- Tính toán cân bằng cung cầu thì nhiệt điện than vẫn có vai trò lớn trong hệ thống điện và chúng ta không có lựa chọn khác. Vì nguồn thủy điện đến năm 2030 hầu như khai thác hết, chỉ đáp ứng khoảng 90 tỉ kWh, còn nguồn năng lượng tái tạo cũng chỉ đáp ứng khoảng 10%, còn lại đều phải nhờ vào nhiệt điện than và nhiệt điện khí.

* Trung Quốc khẳng định sẽ ngưng làm nhiệt điện than, trong khi chúng ta vẫn đang cần phát triển nhiệt điện than để cung ứng nguồn điện. Nhưng với tiêu chuẩn công nghệ dễ dãi như vậy, liệu Việt Nam có phải là nơi tiếp nhận công nghệ nhiệt điện than đã bị thải loại của Trung Quốc?

- Khi chưa có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ thì lo ngại đó là có thật, khó để có thể cản được vì suất đầu tư rẻ, lại đủ tiêu chuẩn vào Việt Nam theo quy định. Do đó Việt Nam cần khẩn trương xem xét hàng rào kỹ thuật, bởi khi Trung Quốc dừng nhiệt điện than thì đó sẽ là nguy cơ cho chúng ta.

Cần sớm đặt ra những vấn đề này để có các cơ chế quản lý, kiểm soát.

Một góc biển Hòn Cau, cách vị trí dự kiến được Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ cho “nhận chìm” gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển khoảng 8km - Ảnh: ĐỨC TRONG
Một góc biển Hòn Cau, cách vị trí dự kiến được Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ cho “nhận chìm” gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển khoảng 8km - Ảnh: ĐỨC TRONG

* Vậy theo ông, cần giải quyết bài toán phát triển nhiệt điện than gắn với cung cầu điện thế nào để đảm bảo phát triển bền vững?

- Cần có giá điện phản ánh đầy đủ các yếu tố, đưa thị trường điện vận hành đúng nghĩa. Việc đưa giá điện về thị trường đúng nghĩa cũng giúp phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm nhiệt điện than, khuyến khích nhà đầu tư đổi mới công nghệ.

Xây dựng các hàng rào kỹ thuật, phải nâng các tiêu chuẩn phát thải lên. Tôi cho rằng cần phải công bố thông tin rộng rãi quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh, công bố đầy đủ lộ trình từng dự án nguồn và lưới điện, khi nào triển khai xây dựng, đưa vào vận hành, địa điểm đặt ở đâu, quy mô công suất thế nào... để người dân nắm được các kịch bản phát triển nguồn điện...

Tác hại của nhiệt điện than rất lớn

Nên nhớ rằng Chính phủ đã khẳng định không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế! Chúng ta ủng hộ nhiệt điện than vì rẻ, nhưng các thiệt hại môi trường từ nó lại không được tính đầy đủ.

Thực tế, nếu tính đầy đủ thì chắc chắn nhiệt điện than không rẻ hơn các nguồn khác và cũng cần đặt câu hỏi nếu lợi và rẻ thì tại sao Trung Quốc quyết định ngưng nhiệt điện than?

Rõ ràng những tác hại của nhiệt điện than đến môi trường là rất lớn, gây bụi khói và phát thải khí nhà kính, gây ra bệnh tật cho con người, nên phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng bài toán phát triển nhưng phải đảm bảo yếu tố bền vững.

PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH HÒE 
(tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam)

Kỳ 1: Sống nhờ mẹ biển

Kỳ 2 :Vùng biển của tôm giống

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục