12/06/2017 12:17 GMT+7

Ngăn chặn sạt lở ở miền Tây

HOÀNG TRÍ DŨNG - TẤN ĐỨC - 
CHÍ QUỐC thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG - TẤN ĐỨC - 
CHÍ QUỐC thực hiện

TTO - Báo Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS Trần Bá Hoằng - viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, và PGS.TS Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ).

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Ảnh: Chí Quốc
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Ảnh: Chí Quốc

* Diễn biến xói lở và bồi lắng lòng dẫn trên hệ thống sông Cửu Long, đặc biệt là trên hai dòng chính sông Tiền và sông Hậu thời gian gần đây có gì bất thường? Theo TS thì đâu là nguyên nhân chính?

- TS Trần Bá Hoằng: Theo thống kê, hằng năm có khoảng 400 vị trí xảy ra tình trạng sạt lở bờ (tương đối lớn, thiệt hại nhiều) trên toàn hệ thống sông Cửu Long;

Đặc biệt là các tỉnh phía thượng nguồn như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, ở những khu vực có chế độ dòng chảy phức tạp như tại các đoạn sông cong (phía bờ lõm), ở các khu vực ngã ba sông, các khu vực ở đầu các cù lao, cồn bãi...

Những địa điểm nguy hiểm đáng lo ngại là những đoạn sông chảy qua các trung tâm thị tứ, tập trung đông dân cư, các công trình cơ sở hạ tầng ven sông.

Lý do sạt lở thường xuất hiện ở những khu vực này là do hầu hết các đô thị, khu dân cư tập trung đều được xây dựng phát triển ở phía bờ lõm các khúc sông cong, những nơi có lòng dẫn khá sâu, điển hình như thị xã Tân Châu, thị xã Hồng Ngự, TP Long Xuyên, TP Sa Đéc, TP Vĩnh Long...

Ngoài yếu tố tự nhiên gây xói lở, bồi lắng lòng dẫn trên hệ thống sông Cửu Long, thì các tác động của con người làm gia tăng khả năng xói lở.

Thứ nhất, gia tải quá mức lên mép bờ: tình trạng xây cất nhà cửa, công trình cơ sở hạ tầng, chất vật liệu, hàng hóa, neo đậu tàu thuyền...

Thứ hai, tác động gây thiếu hụt bùn cát trong lòng dẫn: xây dựng các đập thủy điện phía thượng nguồn đã giữ lại lượng bùn cát, phù sa về phía hạ lưu sông Mekong. Thêm vào đó là tình trạng khai thác cát lòng dẫn quá mức, không tuân thủ quy hoạch...

Ngoài ra còn có sự gia tăng hoạt động giao thông thủy.

Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các phương tiện vận tải thủy phục vụ lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân không ngừng gia tăng về số lượng, tải trọng, tần suất hoạt động... đã gây nên những tác động bất lợi (gây ra sóng, dòng chảy) đến ổn định lòng dẫn sông.

* Thực tế cho thấy sạt lở, mất đất ở ĐBSCL đang trở nên nghiêm trọng hơn trước đây rất nhiều, làm thế nào để ngăn chặn, thưa ông?

- PGS.TS Lê Anh Tuấn: Phải khẳng định rằng việc chặn nguy cơ “tan rã” ĐBSCL là rất khó, chúng ta chỉ có thể hãm lại quá trình ấy chứ không thể nào chặn đứng hoàn toàn.

Nguy cơ đó phần lớn lại nằm từ bên ngoài khi tình trạng mất phù sa, đặc điểm thủy văn thay đổi mà mình không dự đoán được.

Tôi đã có tính toán, có trao đổi với các nhà khoa học khác và chúng tôi thống nhất có một điều chung là mình không thể đoán được nguy cơ, diễn biến mới rồi nó sẽ ra sao.

Vì sao như thế? Vì các đập thủy điện ở Trung Quốc đang có và sẽ có, cộng với 11 đập thủy điện ở dòng chính sông Mekong ở các nước lân cận Việt Nam (chưa kể các đập trên các dòng nhánh), mỗi công trình ấy có một chủ đầu tư khác nhau, họ vận hành theo nhu cầu, theo hợp đồng bán điện mà hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề nước đa mục tiêu cho ĐBSCL.

Đó là nguy cơ lớn nhất mà mình không thể nào ngăn cản được.

Tình trạng thiếu phù sa về ĐBSCL đã có nhiều tổ chức phi chính phủ nghiên cứu rất bài bản và đưa ra những con số cụ thể. Tuy cơ quan chức năng Việt Nam chưa chính thức thừa nhận nhưng chúng ta cũng đã nhìn nhận thực tế này.

* Vậy còn nguyên nhân nội tại từ bên trong của Việt Nam?

- PGS.TS Lê Anh Tuấn: Đương nhiên là có cả nguyên nhân trong nước, như khai thác cát chẳng hạn. Khai thác cát là một nhu cầu thực tế và nhu cầu này ngày càng lớn.

Trong nước thì mình cần cát để san lấp mặt bằng nhưng rõ ràng là thời gian qua việc khai thác ấy đã vượt quá sự kiểm soát của chính quyền các tỉnh.

Ngoài ra còn một nguyên nhân khác nữa là trong quá trình phát triển hệ thống thủy lợi của chúng ta thời gian qua có nhiều cái rất duy ý chí. Thay vì coi lũ ở ĐBSCL như một tài nguyên thì người ta lại coi nó như một thiên tai như ở miền Trung và miền Bắc.

Vì thế phải tiêu lũ đi và đê bao xuất hiện ở vùng tứ giác Long Xuyên. Không giữ được lũ không chỉ ảnh hưởng tới các vùng bên dưới mà cái tai hại là làm thay đổi hệ sinh thái vùng ven biển khiến rừng phòng hộ ở vùng ven biển bị mất.

Đương nhiên lớp “áo giáp” bảo vệ mất đi thì tình trạng sạt lở ven biển xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Khu vực bờ sông Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang) bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Nguyễn Trường
Khu vực bờ sông Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang) bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Nguyễn Trường

* Vậy theo các ông, cần một hệ thống giải pháp gì để hãm lại nguy cơ “tan rã” đó?

- TS Trần Bá Hoằng: Theo tôi, việc xây dựng bản đồ sạt lở, bồi tụ cho ĐBSCL là hết sức cấp thiết, giúp cho việc chủ động trong công tác phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại. Trong điều kiện hiện tại, nhân lực và thiết bị hiện có của chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy vậy, để cung cấp các thông tin cảnh báo, dự báo chính xác, kịp thời thì dữ liệu để xây dựng bản đồ thông tin này cần phải được cập nhật định kỳ thường xuyên trên cơ sở đánh giá về mức độ, tần suất diễn biến xói lở, tầm quan trọng của khu vực nguy cơ xói lở... để có thể xác định khoảng thời gian cần cập nhật cơ sở dữ liệu cho phù hợp.

- PGS.TS Lê Anh Tuấn: Đúng là cần một giải pháp tổng hợp để hạn chế quá trình “tan rã” chứ không thể chặn đứng hoàn toàn. Tôi đồng ý là cần lập ra một bản đồ sạt lở, xác định các “điểm đen” sạt lở giống như “điểm đen” trong lĩnh vực giao thông vậy.

Theo đó, những nơi có nguy cơ sạt lở cao sẽ dứt khoát không được bố trí khu dân cư, nhà cửa và các công trình trọng điểm. Còn ở các vùng ven biển, chỗ nào trồng cây được thì trồng, nơi nào xung yếu thì nghĩ tới giải pháp làm đê kè, nhưng phải hết sức hạn chế.

Tiếp đến là phải hạn chế tối đa việc khai thác cát sông, đồng thời nghĩ tới giải pháp thay thế cát trong xây dựng mà Nhật Bản đã làm. Riêng việc xuất khẩu cát thì phải chấm dứt bởi không có lý do gì trong nước vẫn còn đang thiếu cát mà mình lại đi xuất khẩu...

Và điều quan trọng hơn nữa là phải “đấu tranh ngoại giao” đối với các nước liên quan trong việc xây dựng các đập thủy điện để làm sao nếu các nước bạn có xây đập thì xây trên các dòng nhánh thay vì trên các dòng chính như hiện nay.

Thậm chí, về lâu dài, làm sao tác động tới việc kiến nghị thay đổi Hiệp định Mekong ký năm 1995, phải đưa vào điều khoản, chỉ cần một quốc gia không đồng ý thì những vấn đề như đập thủy điện sẽ không được thực hiện.

TS Trần Bá Hoằng - Ảnh: Tấn Đức
TS Trần Bá Hoằng - Ảnh: Tấn Đức

“Phòng chống xói lở phải tùy thuộc vào các yêu cầu phát triển, tình hình kinh tế - xã hội tại khu vực xói lở để quyết định giải pháp phù hợp.

Đối với những khu vực có quỹ đất khan hiếm, những nơi tập trung nhiều công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng, việc di dời đòi hỏi mất nhiều kinh phí thì cần nghiên cứu xây dựng công trình chỉnh trị (kè bảo vệ, công trình điều chỉnh dòng chảy...).

Những nơi không có yêu cầu cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nơi có quỹ đất rộng rãi, có thể xem xét giải pháp di dời”

Xem các kỳ trước

>> Kỳ 1: Khi dòng sông giận dữ 

>> Kỳ 2: Những cù lao... lở 

>> Kỳ 3: Hiểm nguy rình rập

>> Kỳ 4: Khóc cười với 'bà thủy'

>> Kỳ 5: Sạt lở vùng ven biển

HOÀNG TRÍ DŨNG - TẤN ĐỨC - 
CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên