06/05/2017 11:13 GMT+7

Một đời đi tìm hài cốt cụ Ứng Hòe

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Có ông giáo suốt hơn nửa thế kỷ nay đau đáu tìm hài cốt bậc trí thức Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố - vị chủ tịch Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946.

Thầy Nguyễn Thìn Xuân nay đã 90 tuổi vẫn đau đáu tìm hài cốt cụ Ứng Hòa Nguyễn Văn Tố - Ảnh: QUỐC VIỆT
Thầy Nguyễn Thìn Xuân nay đã 90 tuổi vẫn đau đáu tìm hài cốt cụ Ứng Hòa Nguyễn Văn Tố - Ảnh: QUỐC VIỆT

Cụ Tố còn là một trong những người sáng lập Hội Truyền bá quốc ngữ lúc bấy giờ. Ông tên là Nguyễn Thìn Xuân, nay đã 90 tuổi.

Chẳng họ hàng thân thích, ông chỉ là người mến mộ và noi gương cụ Ứng Hòe, để rồi suốt đời day dứt tìm kiếm hài cốt vị nhân sĩ đáng kính bị giặc Pháp thủ tiêu và mất xác.

Một tấm lòng thành

Đầu hè, Hà Nội oi bức như đổ lửa. Lần giở lại những tài liệu ố màu thời gian, thầy Xuân trầm ngâm: “May mắn tôi được biết cụ từ những năm 1940 khi cụ thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ giúp dân mình. Là bậc trí thức đáng kính, cụ tinh thông cả Nho lẫn Tây học, nhưng sẵn sàng từ bỏ danh lợi để cống hiến cho dân tộc”.

Thầy Xuân kể từ trẻ mình đã rất ngưỡng mộ tên tuổi bậc trí thức nước Việt mà chính đồng nghiệp Pháp ở Viện Viễn Đông Bác Cổ danh giá hồi ấy cũng nể phục.

Mến tài đức cụ, nhiều nhân sĩ đã nhanh chóng hưởng ứng Hội Truyền bá quốc ngữ do cụ khởi lập giúp đồng bào học chữ.

Trong đó có nhiều trí thức lừng lẫy như các vị Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước, Bùi Kỷ, Tôn Thất Bình, Phan Thanh, Đặng Thai Mai...

Thầy giáo Xuân sau cũng theo gương cụ Tố, mở lớp xóa mù chữ ở Thanh Hóa. Hồi ấy, thầy Xuân dạy chữ quốc ngữ cho trẻ nghèo, lớp mở ngay nhà hát Đồng Ấu.

Rồi Pháp tái chiếm Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc nổ ra. Cụ Tố theo Việt Minh lên Việt Bắc. Sáng 7-10-1947, lính dù Pháp bất ngờ nhảy xuống Bắc Kạn.

Nhiều đồng đội chạy thoát, nhưng vị nhân sĩ trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố bị bắt do còn ở lại để hủy tài liệu. Ban đầu, quân Pháp tưởng đã bắt được Hồ Chí Minh.

Trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại sự kiện này: “... Cụ Tố là người chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát.

Đó là cụ trưởng Ban thường trực Quốc hội (vị trí này nay là chủ tịch Quốc hội), nhân sĩ yêu nước tâm huyết và có uy tín. Cụ Tố hi sinh là một tổn thất lớn cho ta”.

Những người từng theo gương cụ Tố như thầy giáo Xuân rơi lệ tiếc thương. Muốn thắp trên mộ cụ nén hương để đời sau ghi nhớ mà chẳng biết nơi nào.

Thầy Xuân không thể thực hiện được tâm nguyện này vì hoàn cảnh chiến tranh. Ngày ngày đến trường dạy ngữ văn cho học trò, ông kể lại tấm gương ái quốc cho học trò thấu hiểu ông cha mình đã sống liệt oanh thế nào.

Đặc biệt, thầy Xuân cũng lặng lẽ sưu tầm rất nhiều tài liệu, kỷ vật, đặc biệt là thông tin nơi vị nhân sĩ đáng kính đã hi sinh. Hành trình này dài hơn nửa thế kỷ. Ông đã đi nhiều nơi, dò la nhiều chỗ và đến năm 2006 có chút manh mối...

Ngày trở về dở dang

Năm 2006, thầy Xuân và Hội Sử học lên đường đi Bắc Kạn nhờ có những manh mối ban đầu.

Thời điểm ấy thầy Xuân đã 80 tuổi, bị mắc bệnh run tay chân và nhiều chứng mãn tính của người già, nên mọi người ái ngại cho sức khỏe của ông trong hành trình vất vả từ Hà Nội lên Bắc Kạn chưa thể biết trước thế nào.

Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm khấn thầm: “Hơn 60 năm trước con đã theo gương cụ. Lần này, con quyết sẽ đưa hài cốt cụ về quê nhà”.

Trời xế chiều, đoàn đến huyện Bạch Thông. “Xúc động là chúng tôi đã gặp được nhiều người dân chân thành giúp. Có bà cụ tên Lan kể hồi ấy làm giao liên nhỏ tuổi cho Việt Minh.

Chính bà nhìn thấy Pháp đuổi bắn cụ Tố ở vùng này. Trước khi gục xuống, cụ còn cố vẫy tay cho bà chạy đi.

Một ông cụ khác tên là Nghi cũng kể hồi ấy mình là đội trưởng du kích. Khi Pháp bắt cụ Tố, họ đã chiến đấu giải cứu nhưng không thể” - thầy giáo Xuân kể. Chắp vá hồi ức các nhân chứng, đoàn đã cố gắng tìm kiếm nhưng bất thành.

Đoàn đành ngậm ngùi trở về. Thầy Xuân đổ bệnh nặng vì tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, họ tiếp tục lên đường.

Đích vẫn là huyện Bạch Thông, nhưng ở địa bàn khác có hang đá trong rừng. Khi đoàn đến cửa hang Cây Sấu, người già địa phương kể đây chính là nơi Pháp thủ tiêu xác Việt Minh, cứ bắn xong rồi đạp vào đấy.

Thầy Xuân xúc động nhớ lại: “Tôi cảm giác mình đến đúng nơi, cụ Tố đã hiển linh rồi”. Nhưng nhiều lần đào tìm vẫn thất bại. Phải thêm nhiều lần nỗ lực nữa, mọi người mới tìm thấy một hài cốt đã mủn vỡ sâu dưới lòng đất.

Mở rộng thêm, họ lại đào thấy hai hài cốt khác trùng hợp với lời kể nhân chứng rằng cụ Tố có một cần vụ và một bảo vệ.

Khi bốc lên, họ còn phát hiện thêm mấy cây đinh trong hài cốt được cho là lính Pháp đóng tra tấn cụ.

Đặc biệt, một cây bút Paker cũng được tìm thấy dưới lòng đất. Và theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cụ Tố từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một cây bút rất đẹp.

“Tôi ứa nước mắt! Phải chăng đã tìm được cụ Tố rồi... Đằng đẵng hơn nửa thế kỷ phải vùi thân nơi núi rừng vì Tổ quốc, cụ đã về rồi sao?...” - thầy Xuân rưng rưng.

Đó là chiều cuối xuân Đinh Hợi, tháng 4-2007. Cháu cụ Tố từ TP.HCM cũng bay ra với niềm hi vọng. Quốc hội cho lập đoàn giám định với các nhà nhân chủng học và pháp y. Những chỉ số đo đạc về tuổi xương, hình thể đều trùng khớp với cụ Nguyễn Văn Tố lúc sinh thời...

Những người tham gia đoàn tìm kiếm gần như tin rằng đã trọn vẹn tâm nguyện. Vài tuần trôi qua, nhiều đêm ông Xuân mất ngủ vì nóng lòng chờ đợi kết quả giám định ADN.

Hôm thắp hương, mở kết quả giám định ADN, ông hồi hộp. “Lễ truy điệu sau 60 năm được lên kế hoạch ở Hà Nội. Quốc hội đã chuẩn bị viếng vị chủ tịch đầu tiên của mình” - ông kể.

Tuy nhiên khi nhận kết quả giám định ADN, tất cả lại ngỡ ngàng: hài cốt tìm thấy không trùng khớp ADN cháu cụ Tố.

Suốt nhiều ngày thầy giáo Xuân không thể ăn ngủ. Ông kiệt sức, chắp nối lại hành trình tìm kiếm, quy trình xét nghiệm với niềm hi vọng mong manh...

Cả đời ông đau đáu đi tìm bậc nhân sĩ có công khai trí dân tộc nhưng vẫn chưa thể trọn vẹn. Tâm sự với tôi, nước mắt ông cứ ứa ra trên gương mặt hằn sâu nét thời gian.

Ngoài 90 tuổi rồi, lẽ thường tình của kiếp nhân sinh đã dần cạn, làm sao ông có thể tiếp tục hành trình tìm cụ Tố? Thôi đành cháy lòng mong đợi người nào đó tiếp tục tâm nguyện này.

“Những bậc trung với nước, có công với dân sẽ không bao giờ chìm vào lãng quên” - thầy Xuân nói như lời gửi gắm đến người sau...

Về cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố

Cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947), bút hiệu Ứng Hòe, sinh năm 1889, quê ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).

Thuở nhỏ cụ học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ bằng thành chung (trung học). Về nước cụ làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội.

Đây là một nơi làm việc danh giá mà trí thức nào cũng phải ngưỡng mộ. Cụ từng làm hội trưởng Hội Trí Tri, Hội Truyền bá chữ quốc ngữ trước năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ giữ chức bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ cách mạng lâm thời, lo chuyện cứu đói trong nạn đói năm 1945. Cụ là đại biểu Quốc hội, chủ tịch Quốc hội khóa I năm 1946.

Kháng chiến toàn quốc nổ ra, cụ theo Việt Minh lên chiến khu Việt Bắc và ngày 7-10-1947 trong một cuộc tấn công chớp nhoáng của quân Pháp, cụ bị bắt, bị tra khảo và bị giết tại Bắc Kạn. Thi thể cụ chưa được tìm thấy.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên