04/04/2017 15:24 GMT+7

Những “chiến binh” đặc biệt

TẤN VŨ - ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
TẤN VŨ - ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TTO - Đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Đức, Pháp, Nga, Tây Ban Nha... qua bàn tay huấn luyện của các chiến sĩ biên phòng, những chú chó nghiệp vụ trở thành những “chiến binh” thực thụ.

Chú chó Bê-Lít giả định tình huống tấn công đối tượng mang ma túy qua biên giới - Ảnh: TẤN VŨ
Chú chó Bê-Lít giả định tình huống tấn công đối tượng mang ma túy qua biên giới - Ảnh: TẤN VŨ

Dũng mãnh, tinh khôn, các “chiến binh” này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ mà con người khó có thể làm được.

Trong lò đào tạo

Đại úy Trần Quốc Hương, phó cụm trưởng cụm đào tạo số 1 Trường trung cấp 24 Biên phòng (Ba Vì, Hà Nội), cho biết trường có hơn 600 chú chó đủ các loài, mỗi loài chó đảm nhận một nhiệm vụ riêng.

Đây là một trong những nơi đào tạo chó nghiệp vụ lớn nhất nước hiện nay của Bộ Quốc phòng.

Cụm đào tạo của đại úy Hương chuyên huấn luyện những chú chó tấn công. Mỗi chú chó có một huấn luyện viên riêng, theo dõi và huấn luyện từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành.

Mỗi huấn luyện viên chỉ chăm sóc một chú chó riêng của mình, có nhiều chiến sĩ chỉ theo một chú chó từ lúc nhập ngũ đến tận khi ra quân.

Trung úy Hoàng Tiến Dũng là huấn luyện viên của con Bê-Lít, nặng 33kg. Dũng cho biết để đào tạo được một chú chó tấn công trưởng thành như con Bê-Lít phải mất 5 năm ròng rã.

Trong hàng chục chú chó con, chọn được một chú chó tấn công đạt tiêu chuẩn không dễ dàng.

Ngoài các yếu tố như ngoại hình tốt, thể lực sung mãn, phản xạ nhanh, tính hung dữ và thần kinh ổn định thì còn có những chuẩn chất rất khắt khe khác để có một chú chó tác chiến.

Trung úy Dũng cho Bê-Lít ra cánh rừng. Nhận lệnh mật phục, nó nằm im thin thít trong bụi rậm, mặc cho chúng tôi huýt sáo, la hét, gầm gừ, kích thích nó vẫn nằm im sát mặt đất, chờ đợi.

Khi mục tiêu giả định xuất hiện, Dũng hô: “Tấn công!”. Chú chó lao vút mình qua bụi cây, chồm lên quật cổ, vật ngã đối tượng trong nháy mắt và lấy chân đè lên lưng “con mồi”, gầm gừ đợi lệnh.

Và phá án

Trung úy Nguyễn Tài Tiệp, từng tham gia nhiều chuyên án cùng chó nghiệp vụ bắt ma túy, kể rằng khi chó nghiệp vụ xung trận thì súng đạn cũng khó thắng.

Mới đây nhất, tháng 11-2009, các chú chó tấn công của trường tham gia chuyên án đánh ma túy tại Mộc Châu (Sơn La), bắt nhiều đối tượng.

Để mang một chú chó đi đánh án phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhất là cách vận chuyển đảm bảo bí mật.

Để qua được các bản làng mà không bị người dân phát hiện, các chiến sĩ phải cõng chú chó trên lưng theo cách gùi, chó ngồi ngoan như trẻ nhỏ, biết im lặng để giữ bí mật.

“Đó là cách ngụy trang mà chỉ chú chó trưởng thành và nghe lệnh huấn luyện viên một cách thuần thục mới làm được” - trung úy Tiệp chia sẻ.

Hôm đó khoảng 7h tối, các đối tượng lăm lăm súng ống và cõng ma túy băng qua suối, đến sát nơi mật phục. Khi chúng lọt vào vòng vây, lệnh tấn công được phát, trong tích tắc các đối tượng bị đàn chó lao ra quật ngã, cắn phập vào tay cầm súng.

Những tên buôn ma túy lì lợm, hung hãn nhưng khi bị đàn chó nghiệp vụ tấn công thì sợ hãi tột độ, không còn đủ sức phản kháng.

Tốp đi đầu bị bắt, tốp đi sau nổ súng giải vây. Tuy nhiên khi nghe tiếng gầm gừ của chó thì chúng mạnh ai nấy chạy. Trận đó nhiều tên bị bắt, 50 bánh heroin bị thu giữ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng kể rằng những chú chó tấn công chỉ là một trong rất nhiều loài chó được nhà trường đào tạo. Chó ngửi ma túy không cần phải cao to và dữ tợn, loài này chỉ cần cái mũi rất thính là được.

Năm 2010, một nhóm người đi từ Vientiane (Lào) về đến cửa khẩu Hòa Bình bằng đoàn xe Fortuner. Trong nhiều chiếc xe đó nghi có ma túy nhưng để tháo rời từng chi tiết trong xe là điều không thể. Chú chó Koc-Vốt vào cuộc, nó chồm lên một chiếc xe cào cấu.

Chủ xe mặt xanh tái và cuối cùng, những bánh heroin giấu trong thùng xăng lòi ra. Koc-Vốt là “chiến binh” kiêu hãnh trong nhiều chú chó nghiệp vụ của nhà trường, lập nhiều chiến công. Sau này Koc-Vốt hi sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Mộc Châu vì bệnh.

Đại úy Hương kể rằng những đêm đi đánh án trời rét, các chiến sĩ phải treo võng, mặc áo ấm cho chó trước rồi mình sau.

Ăn uống cũng vậy, khẩu phần của chó là 50.000 đồng/ngày, trong khi các huấn luyện viên chỉ 52.000 đồng. Chưa kể các chú chó còn được bồi dưỡng thêm trứng vịt lộn, sữa vào những ngày cần thiết.

“Chúng tôi yêu thương chúng vô cùng. Chó nghiệp vụ ở ta không có cấp bậc như các nước nhưng khi các chú chó quá già và qua đời, những chú chó nhiều chiến công sẽ được nhồi bông, giữ lại tên, tuổi và các chiến tích trong phòng truyền thống” - đại úy Trần Quốc Hương cho biết.

Tiêu bản và chiến công

Phòng truyền thống của Trường trung cấp 24 Biên phòng nằm ở tầng 2 của tòa nhà là nơi lưu giữ những tiêu bản của những chú chó nhiều chiến công.

Trung tá Nguyễn Văn Mão, chỉ tiêu bản chú chó Pô-Ma, cho biết: “Con Pô-Ma này là báu vật. Trong bốn năm trời, Pô-Ma đã tìm kiếm tổng cộng 28 thi thể nạn nhân bị mất tích.

Trong đó đặc biệt như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ. Pô-Ma có thể ngửi được các bộ phận thi thể người vùi sâu 13m trong lòng đất”.

Đứng cạnh con Pô-Ma là tiêu bản chú chó Ê-Vi, một trong những tiêu bản lâu đời nhất của nhà trường.

Con Ê-Vi của huấn luyện viên Ma Văn Ngân từng truy bắt một lúc bốn đối tượng của nhóm phản động Hoàng Cơ Minh tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vào tháng 2-1990.

“Mỗi tiêu bản là một lời tri ân, ghi nhớ cũng là một câu chuyện mà chúng tôi cần phải giữ lại để giáo dục truyền thống cho nhà trường cũng như các chiến sĩ trẻ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trong công cuộc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia” - trung tá Mão tâm sự.

TẤN VŨ - ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên