25/03/2017 11:00 GMT+7

Người mẹ và 'cuộc chiến' cai nghiện cho 2 đứa con trai

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Đứa nhỏ theo chân đứa lớn nghiện ngập mười mấy năm trời, bà Nguyễn Thị Minh Lê đã nghĩ “sẽ phải lo lắng tận đến ngày nằm xuống” khi cuộc chiến cai nghiện cho hai con tưởng chừng vô vọng.

Bà Minh và anh Lê Văn Hồ, cán bộ P.8 (Q.4), thường xuyên trao đổi để tìm cách giúp đỡ người nghiện -  Ảnh: Vũ Thủy
Bà Minh và anh Lê Văn Hồ, cán bộ P.8 (Q.4), thường xuyên trao đổi để tìm cách giúp đỡ người nghiện - Ảnh: Vũ Thủy

Mọi người trong xóm hay gọi bà Nguyễn Thị Minh Lê (70 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) là bà Minh.

Thuở ấy gia đình nằm ở ngay cái “rốn” ma túy, xung quanh nhà nào cũng có con trẻ bị nghiện ngập. Cái thứ bột trắng len lỏi đến từng ngóc ngách như một bệnh dịch.

Bao tải giấy tờ cai nghiện của con

Hai đứa nhỏ cách nhau ba tuổi. 14 tuổi, người con lớn của bà vốn không học hành gì nhiều rồi theo bạn bè nghiện hút. Mái nhà chao đảo. Đến người con thứ hai thì cuộc sống trong căn nhà nhỏ chỉ còn là một cơn ác mộng khi cả hai con đều nghiện ngập.

Người làm mẹ rơi vào một cuộc chiến mà bà phải “ba đầu sáu tay” mới có thể chống chèo. Một cuộc chiến trớ trêu. Bà nai lưng buôn gánh bán bưng, buôn hàng chuyến từ miền Tây xuống miền Đông để rồi cắn răng đưa tiền cho hai con mua ma túy thỏa mãn những cơn nghiện.

“Hai đứa hiền lắm, tôi cũng sợ tụi nó ăn cắp ăn trộm của người khác hay làm liều nên ráng làm cho tiền tụi nó. Rồi lại vừa gom góp đưa đi cai chỗ này chỗ kia, trung tâm nào cũng đi, mời cả bác sĩ về nhà cai” - bà kể.

Chưa có trung tâm nào mà bà chưa đưa con tới, giấy tờ, hồ sơ gom lại cả một bao tải. Nhà có hai người nghiện, tiền núi cũng phải lở, bà vay mượn tiền lo cho con mà đổ nợ, “phải về quê để trốn chủ nợ”.

Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của chuỗi khổ đau. Cả hai con trai bà lần lượt lấy vợ, sinh con vào những quãng thời gian hiếm hoi hai anh không tái nghiện. Đó là những khoảng thời gian mà tưởng chừng đã cai được rồi. Nhưng rồi lại nghiện, rồi lại đi cai như một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.

“Lần cuối cùng, một đứa đi cai hai năm, một đứa đi cai năm năm. Lúc hai đứa vào trường cai thì ở nhà vợ của cả hai cũng bỏ đi, dù những đứa trẻ còn rất nhỏ. Đứa mới 10 tháng, đứa 20 tháng, đứa 27 tháng tuổi” - bà Minh kể.

Có lẽ quãng thời gian “vừa làm mẹ của ba đứa cháu, vừa nuôi hai thằng trên kia” nhọc nhằn quá, cay đắng quá nên bà nhớ tuổi của mấy đứa cháu đến từng tháng.

Đến một ngày, mọi cố gắng, nỗ lực của bà mẹ kiên cường được đền đáp. Năm 2006, người con trai thứ hai hết thời gian cai hai năm ở Nhị Xuân, chồng bà xin ngay cho anh vào làm nhân viên điện lực trong công ty. Mười năm trôi qua, anh không còn đụng đến ma túy nữa.

“Đứa lớn năm năm cai nghiện về cũng nghiện lại, thời gian đầu rầu lắm nhưng cũng may trời còn thương tui. Năm 2012 thì có chương trình methadone, đăng ký cho nó uống. Vậy mà cai được tới giờ và cũng đã có công ăn việc làm” - bà Minh kể về thời khắc hồi sinh của hai người con cũng là hồi sinh của bà, của cả gia đình.

Mười mấy năm ròng trần ai, bà bảo cũng có lúc muốn chết đi, nhưng cũng may vì thương con mà gắng gượng chờ đến hôm nay.

Chỉ 20% thắng cũng quyết làm

Gặp bà Minh ở điểm tư vấn, sinh hoạt cho người nghiện ma túy của P.8 (Q.4), đây là nơi bà tới lui như con thoi để lo cho người này người kia cai nghiện.

“Ở đây nhắc cô Minh ai cũng biết. Cô giúp đỡ nhiều người lắm. Người nghiện cô càng thương” - anh Lê Văn Hồ, cán bộ P.8 (Q.4), cho biết.

Anh kể mấy năm nay phường triển khai cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, bà Minh đã cùng phường lo cho nhiều người nghiện đi cai tự nguyện, cho tiền mướn xe, tiền cai, tiền ăn lúc chương trình chưa có hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của TP, rồi cùng tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho người nghiện.

Tuổi 70, mái tóc đã bạc phơ, nhưng đôi mắt bà Minh vẫn sáng và đầy ắp sự cảm thông của một người đã trải qua nỗi đau tận cùng của một người mẹ chiến đấu để cứu lấy hai người con khỏi nghiện ngập.

Nhưng cuộc chiến chống nghiện với các con cam go bao nhiêu thì mỗi người nghiện bà Minh đứng ra giúp đỡ cũng cam go bấy nhiêu.

“Giúp 10 đứa đi cai nghiện thì về mất 8 đứa trở lại nghiện ngập, bao cố gắng đổ sông đổ biển. Nhưng tôi cứ làm vì nghĩ đến chuyện của hai đứa con trai. Không phải làm lần một, lần hai là sẽ giúp từ bỏ được.

Người nào bỏ được thì mừng. Người nào không bỏ được thì phải tính đường khác, lo thủ tục để đưa vào uống thuốc methadone cai nghiện thay thế. Uống methadone cũng không được thì phải đưa vào cai nghiện bắt buộc” - bà kể.

Người nghiện có đủ khó khăn, uống methadone phải có CMND, hộ khẩu, có người bảo lãnh... Bà bao lần đưa người nghiện đi làm giấy tờ, hướng dẫn, thuyết phục người nhà đứng ra bảo lãnh.

Người nghiện ở phường khác gặp khó khăn cũng tìm tới bà. Một cô gái trẻ cai rồi tái nghiện, muốn uống methadone nhưng mẹ cô - người thân duy nhất - bị tai biến, không có người bảo lãnh. Vậy là tìm đến bà Minh.

Bà dẫn đến tận trung tâm tham vấn quận gặp bác sĩ, rồi thuyết phục họ đồng ý để bà đứng ra bảo lãnh giúp.

Nhiều người coi bà như ân nhân cứu mạng vì được bà quan tâm giúp đỡ như người thân. Anh Trung, người nghiện lâu năm ở phường, được bà Minh lo đến cả tiền thuốc, tiền xe đi cai nhưng rồi về cũng chẳng giữ được bao lâu thì nghiện lại, mặc cho bao lời biết ơn, hứa hẹn đã nói với bà.

Bà Minh chỉ buồn, thương mà không trách giận. Tới điểm tư vấn gặp bà mà Trung khóc, bà lại giúp anh lần nữa, hướng dẫn để anh đăng ký uống methadone.

Thời gian anh dò liều methadone, ròng rã cả tháng, mỗi sáng bà Minh phải cho tiền hằng ngày mua gạo cho gia đình 5 miệng ăn để anh thoải mái, không chịu áp lực gì mà kiên trì cai nghiện. Gặp anh, anh bảo đã đi làm lại nghề sơn nước, kiếm đủ tiền lo cho gia đình rồi.

“Bữa đi mua 10kg gạo về còn qua khoe má Minh là lần đầu tiên con mua được 10kg gạo. Trước đó, ngày nào cũng chỉ dám mua 10.000 đồng gạo cho cả nhà ăn cả ngày, nước mắm không có tiền mua một chai, chỉ dám mua lẻ” - anh kể.

Động lực cho người làm cai nghiện

Anh Lê Văn Hồ, cán bộ phường, chia sẻ rằng lo cho người nghiện đi cai đã khó, cai về rồi cũng rất dễ thất bại nên người làm công tác này dễ nản. Nhưng nhìn câu chuyện của hai người con bà Minh thì lại có thêm chút hi vọng để tiếp tục làm.

Bà Minh cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc kết nối người nghiện với hoạt động hỗ trợ cai nghiện ở phường vì họ rất tin tưởng bà.

“Ở P.8, chúng tôi dốc tâm giúp đỡ người nghiện. Nhưng cũng cần phải nói rằng người có ý chí, có khả năng cai nghiện được thì chỉ hai, ba lần là họ dứt, cai nghiện luôn hoặc là theo methadone.

Những trường hợp khác thì chúng tôi buộc đưa họ đi cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, vừa là để răn đe người khác, vừa là để họ không lợi dụng chính sách, lợi dụng lòng tin của chúng tôi.

Nhưng ở đây, người nghiện đi cai bắt buộc họ rất tự nguyện, không có chuyện phải đi bắt bớ vì họ cũng hiểu chúng tôi đã làm hết sức rồi” - anh Hồ nói.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên