04/03/2017 17:08 GMT+7

Dũng “bập dừa” khai phá cồn hoang

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ (mautruong@tuoitre.com.vn)
MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ (mautruong@tuoitre.com.vn)

TTO - "Cứ nghe danh Dũng “bập dừa” là dân bắn trộm chim sợ chết khiếp. Ổng xuất hiện thình lình bất cứ nơi đâu trong cánh rừng rộng hàng trăm hecta này, bất kể ngày đêm".

Trung tá Nguyễn Thái Dũng (đi đầu) - đội trưởng đội công tác cồn Ngang - tuần tra trên cồn - Ảnh: Mậu Trường
Trung tá Nguyễn Thái Dũng (đi đầu) - đội trưởng đội công tác cồn Ngang - tuần tra trên cồn - Ảnh: Mậu Trường

Chiếc vỏ lãi rẽ sóng, chồm lên, chúi xuống lao ra hướng cồn Ngang. Một dải đất phủ màu xanh cây cối nằm giữa cửa Tiểu (sông Tiền) - giáp ranh tỉnh Bến Tre, cách đất liền khoảng 30 phút chạy ghe - hiện ra mượt mà.

Dải đất này nằm ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, chưa có dân cư, chỉ có dấu chân của người lính biên phòng.

Trung tá Nguyễn Thái Dũng - còn gọi là Dũng “bập dừa”, 46 tuổi, đội trưởng đội công tác cồn Ngang, một người lính biên phòng đặc biệt vốn là một trong số những người cắm chốt trên cồn khi dải đất mới nhô khỏi mặt nước hơn 100m2, nay đã mở rộng được khoảng 200ha.

Ngày trở về của Dũng “bập dừa”

Hướng ánh mắt ra phía biển, nơi có ngọn núi Dinh của TP Vũng Tàu ẩn hiện mờ ảo, Dũng “bập dừa” mở đầu câu chuyện: “Giờ này cách đây 25 năm, tôi cùng đồng đội đang vật lộn với sóng gió để sinh tồn, đó cũng là ngày khai sinh ra cái tên Dũng “bập dừa” như mọi người vẫn hay gọi”.

Đó là một buổi sáng năm 1992. Lúc đó, chàng chuẩn úy tuổi 21 Nguyễn Thái Dũng (thuộc đồn biên phòng 586, nay là đồn biên phòng Phú Tân - Bộ đội biên phòng Tiền Giang) cùng đồng đội đang nằm trong căn chòi được cất trên doi đất vừa được nhô lên - nay là cồn Ngang - thì trời nổi dông bão, gió giật mạnh kết hợp với triều cường dâng.

Chống chọi được khoảng vài tiếng thì căn chòi tạm bợ cũng không thể thắng được sự hung hãn của thiên nhiên. Gió đánh sập căn chòi, doi đất bị nhấn chìm nghỉm, mất hút. Chuẩn úy Dũng cùng hai đồng đội bám vào một bập dừa nước. Mọi người chia làm ba góc để giữ cân bằng rồi mặc kệ số phận cho những đợt sóng dập vùi.

Chiếc ghe đánh cá của ông Đặng Văn Tám - 40 tuổi, ngư dân gắn bó với cồn Ngang từ nhỏ - bình thường là phương tiện để các chiến sĩ biên phòng quá giang ra vào cồn. Khi thấy tình hình thời tiết bất ổn, ông Tám nổ máy ghe tính chạy ra ứng cứu lính biên phòng, nhưng cứ lao ra được vài mét thì bị sóng đánh bật trở lại, bất lực.

Ngoài cồn, nước dâng đẩy bập dừa trôi về phía đất liền nhưng do mưa lớn, xung quanh mịt mù nên các chiến sĩ không thể bơi vào bờ. Đến khi thủy triều rút, nước lại cuốn bập dừa ra hướng Biển Đông.

Lênh đênh trên biển từ 10h đến 17h cùng ngày thì cả ba người mệt lả, quần áo bị sóng đánh rách bươm. Tưởng chừng như không còn hi vọng khi Mặt trời bắt đầu lặn, màn đêm sập xuống thì một chiếc tàu cá tìm thấy cả ba chiến sĩ trên vùng biển thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

“Khi về đến đơn vị, tôi mới biết anh Võ Xuân Mến - đồn trưởng đồn 586 (hiện là phó chánh văn phòng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang) đã cùng đồng đội mạo hiểm lái tàu ra ứng cứu chúng tôi giữa cơn dông. Trước lúc đi, anh Mến cùng các anh em đã chào vĩnh biệt những người ở lại vì lao vào biển động lúc đó chỉ có một phần sống, chín phần chết” - trung tá Dũng nhớ lại.

“Sau lần chết hụt đó, nằm nghỉ ngơi ở nhà hai ngày rồi tôi tiếp tục ra cồn công tác. Ngày trở lại đơn vị, mọi người không ai gọi tôi là đồng chí Dũng như trước đây nữa, mà chuyển qua gọi là Dũng “bập dừa” cho tới giờ. Tôi cũng khoái cái tên đó” - Dũng “bập dừa” cười nói.

Do đặc thù công tác, Dũng “bập dừa” sau đó được điều động qua nhiều đơn vị, tổ công tác khác nhau, có những quãng thời gian không được sống trên cồn:

“Những lúc đó, tôi nhớ da diết những cành cây, con rạch, những bãi cát trên cồn này. Nhiều khi nhín chút thời gian nghỉ phép, tôi lại chạy ghe ra cồn chỉ để ngồi hưởng chút gió biển, thăm cây bần, cây dương quen thuộc”.

Khi cấp trên quyết định cho Dũng “bập dừa” quay lại phụ trách cồn Ngang vào đúng mùa gió chướng 2015, ông xúc động và ghi vào nhật ký đời mình một kỷ niệm: Lần quay về thứ 2.

Cách đây 25 năm, một bập dừa như thế này đã cứu sống Nguyễn Thái Dũng và 2 đồng đội, chết danh Dũng “bập dừa” từ đó - Ảnh: Mậu Trường
Cách đây 25 năm, một bập dừa như thế này cứu sống Nguyễn Thái Dũng và 2 đồng đội, chết danh Dũng “bập dừa” từ đó - Ảnh: Mậu Trường

Thắm thiết quân - dân

Trụ sở trạm biên phòng Cồn Ngang là một căn nhà tường khang trang một trệt, một lầu, được xây dựng năm 2008. Căn nhà nằm lọt thỏm trong những vạt rừng dương, rừng đước, rừng bần.

Chiến sĩ Đào Duy Khánh, 19 tuổi, đang trút thức ăn vào máng cho đàn heo rừng F1 trên 50 con. Khánh là chiến sĩ nghĩa vụ của trạm công tác Cồn Ngang, gọi trung tá Dũng bằng cậu, kiểu như cậu nuôi.

Thuở Dũng “bập dừa” mới ra cồn đã thấy ông Ba Tây - ông ngoại của Khánh - cắm ghe ở đó. Nhà nghèo, ông chọn nơi này đánh con tôm, con cá.

Suốt ngày quanh quẩn trên dải đất hơn 100m2 trơ trọi, đâu đâu cũng thấy cát nên anh lính biên phòng và lão ngư bầu bạn với nhau. Về sau, ông Ba Tây đã nhận Dũng “bập dừa” làm con nuôi.

Những lần từ đất liền ra, ông Ba Tây lại mang giùm những người lính biên phòng, cũng là con nuôi của mình, khi thì can nước ngọt, gói trà; lần thì ít bánh kẹo, mớ rau tươi.

Đến giờ, cồn Ngang vẫn giữ được vẻ hoang sơ. Dũng “bập dừa” cho hay lực lượng biên phòng qua nhiều đời đã phải nỗ lực rất nhiều để đẩy lùi được nạn bắt ong bằng lửa, đánh thuốc cá tôm để giữ được vẻ đẹp tự nhiên của cồn Ngang đến giờ.

“Cứ nghe danh Dũng “bập dừa”, dân bắn trộm chim sợ chết khiếp. Ổng xuất hiện thình lình bất cứ nơi đâu trong cánh rừng rộng hàng trăm hecta, bất kể ngày đêm” - anh Tư Tèo, người dân địa phương, nói.

Hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng

Ông Nguyễn Tấn Phong, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang, cho biết trước đây có vài doanh nghiệp xin đầu tư dự án phát triển khu du lịch sinh thái tại cồn Ngang. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp này chưa triển khai thực hiện. Mới đây, Sở VH-TT&DL Tiền Giang xin chủ trương UBND tỉnh để lập quy hoạch nơi này thành khu du lịch.

Cũng theo ông Phong, khu du lịch cồn Ngang nếu được đầu tư sẽ là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng lý tưởng vì nơi đây còn giữ được vẻ nguyên sơ, chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Cồn Ngang cùng với khu du lịch biển Tân Thành sẽ là nơi lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái biển của Tiền Giang và ĐBSCL.

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ (mautruong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên