04/02/2017 14:14 GMT+7

Những người làm công việc không tên

MAI HOA
MAI HOA

TTO - 5 năm, 10 năm, có người hơn 20 năm gắn bó với công tác mặt trận ở cơ sở. Toàn những công việc không tên, nhiều khi vợ chồng, con cái càm ràm thôi nghỉ đi, làm chi cho cực.

Bà Phương Ngọc Hạnh - phó
trưởng ban công tác mặt trận
khu phố 3, phường 2, Q.6, TP.HCM
Ông Nguyễn Thu Bề - trưởng ban
công tác mặt trận khu phố 1, P.2,
Q.6, TP.HCM Ảnh: QUANG ĐỊNH

(Từ trái sang) Bà Phương Ngọc Hạnh - phó trưởng ban công tác mặt trận khu phố 3, phường 2, Q.6, TP.HCM; Ông Đặng Ngọc Kinh - trưởng ban công tác mặt trận khu phố 2, P.8, Q.Tân Bình, TP.HCM; Ông Nguyễn Thu Bề - trưởng ban công tác mặt trận khu phố 1, P.2, Q.6, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Nhưng càng làm lâu càng thấy gắn bó. Mình vừa làm công tác Đảng, vừa làm mặt trận, kiêm nhiệm nhiều việc cũng có cái hay” - ông Nguyễn Thu Bề, 72 tuổi, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận khu phố 1 (P.2, Q.6, TP.HCM), chia sẻ.

Cái hay như ông Bề nói, mình vừa nắm chắc được chủ trương của Đảng, vừa nắm được tâm tư tiếng nói người dân. Công việc của những cán bộ như ông là đưa chủ trương, chính sách hòa vào với đời sống, mang đời sống vào trong chính sách.

Người khá giúp người khó

Mười mấy ngày nay, bà Đinh Thị Nghì (65 tuổi, trưởng ban công tác mặt trận khu phố 9, P.4, Q.8) khổ sở với cục bột bó kín cánh tay trái.

Trước tết mấy ngày, bà bị té xe. Bao nhiêu công việc bộn bề ngày cuối năm khiến bà bứt rứt, đứng ngồi không yên.

Những người xung quanh ai cũng quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ tóc ngắn, nhẹ nhàng nhưng sắc sảo lại luôn luôn tất bật. Mọi lúc mọi nơi, lúc nào cũng thấy bà làm việc và nói về công việc đầy say mê.

Buổi sáng sớm, bà đi tập dưỡng sinh. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, bà khơi chuyện về “3 tiết kiệm, 3 tương trợ”: tiết kiệm điện, tiết kiệm chi tiêu công, tiết kiệm tiêu dùng hàng xa xỉ để tương trợ người nghèo, chăm lo gia đình chính sách, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi...

Tinh thần chung của phong trào là thế, còn câu chuyện của bà Nghì với những người phụ nữ tay hòm chìa khóa trong gia đình thì rất gần gũi tự nhiên, tuyệt nhiên không có hô hào kêu gọi.

Từ số tiền tiết kiệm được, bà lại vận động chị em nuôi heo đất, làm quỹ. Khi được số tiền kha khá rồi, ban công tác mặt trận lại dùng tiền ấy mua bảo hiểm y tế tặng cho người nghèo, cho các hộ khó khăn vay không lấy lãi...

“Được cái là mọi người rất tin tưởng, nên khi tôi vận động làm gì cũng được ủng hộ” - bà Nghì đúc kết bí quyết làm việc của mình.

Nhiều năm qua, bà vừa làm bí thư chi bộ, vừa làm trưởng ban công tác mặt trận khu phố. Chi bộ của bà có tới 79 đảng viên, trong đó nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ...

Bà Nghì - một giáo viên tiểu học về hưu - vận động, kết nối các đảng viên của mình là bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân, Nguyễn Tri Phương... tham gia khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho người dân ở phường. Có người nhiệt tình cho mượn máy móc, có người ủng hộ thêm tiền, mời thêm đồng nghiệp cùng tham gia.

Từ năm 2014 đến nay, bà Nghì đã đứng ra làm cầu nối, tổ chức được 3 đợt khám bệnh như vậy. Khu phố của bà không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới, nhưng mọi sự tương trợ, chăm lo vẫn tiếp tục cho những gia đình khó khăn ở các khu phố khác.

Làm nhiều việc như vậy nhưng khi kể về mình, bà Nghì rất ngại. Bà bảo: “Tôi chỉ là cầu nối thôi. Cái chính là mọi người ai cũng có lòng tốt và muốn được giúp người khác”.

“Địa bàn có gì là tôi biết ngay”

Buổi sáng mùng 6 tết, nhà bà Nguyễn Thị Nở, 80 tuổi, hộ cận nghèo duy nhất ở khu phố 2 (P.8, Q.Tân Bình), có người tới thăm.

Ông Đặng Ngọc Kinh, trưởng ban công tác mặt trận khu phố, cứ ít lâu lại ghé, khi thăm hỏi, khi tặng quà. Bởi vậy, mỗi khi khu phố có hoạt động gì, bà Nở lại ngồi xe lăn, tự dò dẫm ra dự.

“Phải đi chớ, tui được quan tâm nhiều, cũng muốn có trách nhiệm tham gia với khu phố” - bà Nở nói.

Khu phố 2 có nhiều chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, nhiều căn đã xuống cấp, chật chội. Nhiều hộ cho các tiểu thương chợ Tân Bình thuê để chứa hàng hóa.

Ông Kinh cùng với các đoàn thể đến vận động, nhắc nhở từng nhà, từng tiểu thương chuyện phòng cháy chữa cháy, giữ gìn vệ sinh chung... “Muốn vận động được thì phải có quan hệ thật chặt chẽ với từng tổ dân phố, từng hộ dân” - ông Kinh nói.

Năm qua là một năm vất vả của những người làm công tác mặt trận ở khu phố 1, khu phố 3 (P.2, Q.6), khi có hơn 200 hộ dân nằm trong dự án kênh Hàng Bàng cần giải tỏa.

Bà Phương Ngọc Hạnh, phó trưởng ban công tác mặt trận khu phố 3, chia sẻ ngoài việc họp dân phổ biến chủ trương, niêm yết công khai giá bồi thường ở các bản tin khu phố, bà cùng các đoàn thể tới từng nhà vận động, đưa vào diện chăm lo trong các dịp lễ tết. Con em các hộ này đi học được quan tâm, đề xuất học bổng.

Ông Nguyễn Thu Bề, trưởng ban công tác mặt trận khu phố 1 (P.2, Q.6), cũng khẳng định: “Làm mặt trận, địa bàn có gì là tôi biết ngay”. Địa bàn khu phố 1 và khu phố 3 trước đây nổi tiếng với chợ ma túy Cầu Đò.

Ông Bề vẫn còn nhớ như in những ngày đó, khi người của mặt trận cùng phối hợp với cơ quan chức năng cài cắm vào địa bàn, bắt quả tang triệt phá, để đến bây giờ cái chợ tai tiếng này đã bị xóa trắng.

Khi nhắc về “ông Bề mặt trận”, người dân khu phố ông cười bảo: “Ổng hơn bảy chục tuổi rồi, thương binh đó, mà vẫn siêng đi lắm”. Ông chỉ cười, khẳng định lần nữa: “Phải đi chớ, phải đi mới biết, địa bàn có gì là tôi biết ngay”.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên