09/11/2016 14:21 GMT+7

Từ “biệt đội không tên” đến mô hình cả nước

THU AN - GIA MINH
THU AN - GIA MINH

TTO - Từ một tiểu đội cứu hộ được trang bị sơ sài bằng những gì còn sót lại từ Sở Cứu hỏa đô thành Sài Gòn (chế độ cũ), sau một thời gian thiếu trang bị, tới nay lực lượng này đã được quan tâm đầu tư tương đối hiện đại.

Cảnh sát cứu nạn cứu hộ TP.HCM tập luyện cứu nạn bằng thiết bị ròng rọc điện hiện đại - Ảnh CS PCCC cung cấp
Cảnh sát cứu nạn cứu hộ TP.HCM tập luyện cứu nạn bằng thiết bị ròng rọc điện hiện đại - Ảnh CS PCCC cung cấp

Ông Đoàn Văn Vinh - người trực tiếp tham gia tiếp quản Sở Cứu hỏa đô thành Sài Gòn - nhớ lại: “Lúc đó mô hình tổ chức của lực lượng cứu hộ Sài Gòn là một tiểu đội người nhái, nhiệm vụ chủ yếu là mò tìm thi thể các nạn nhân chết đuối.

Trang bị cho lực lượng này chỉ có bình khí, ống thở chứ không có gì khác. Khi đó và nhiều năm sau này, cả nước chỉ có duy nhất một đội cứu hộ cứu nạn thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM. Họ đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại tưởng như không thể vượt qua.

Cũng từng có ý kiến về việc xóa sổ lực lượng này nhưng may mắn là tới nay không những không xóa sổ, mà nó đã trở thành mô hình chung cho cả nước áp dụng”.

Biệt đội không tên

Lực lượng cứu nạn cứu hộ thuộc Sở Cứu hỏa đô thành Sài Gòn có khoảng 30 người, hầu hết được lưu dụng và tiếp tục với công việc chủ yếu là lặn tìm thi thể nạn nhân chết đuối, lặn tìm tang vật các vụ án và tham gia cứu hộ các vụ sập nhà, đổ cây...” - ông Nguyễn Ngọc Tốt, người có hơn 40 năm làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn qua hai giai đoạn lịch sử, nhớ lại.

Do không có trong mô hình tổ chức của lực lượng công an nhân dân nên ngay cả tên gọi cũng không có. Người dân thường gọi lực lượng này là “biệt đội không tên”, “ biệt đội cảm tử thời bình”..., đại úy Huỳnh Văn Tuấn, phó trưởng Phòng Cứu nạn, cứu hộ Cảnh sát PCCC TP.HCM, nói.

Một tối cuối tháng 9, chúng tôi gặp ba người đàn ông, đại diện cho ba thế hệ tham gia lực lượng cứu nạn cứu hộ TP là ông Nguyễn Ngọc Tốt, thượng tá Nguyễn Văn Công và đại úy Huỳnh Văn Tuấn (cùng là phó phòng cứu nạn cứu hộ).

Trong căn nhà gỗ ọp ẹp của ông Tốt sau khuôn viên Cảnh sát PCCC TP, những câu chuyện quá khứ ùa về.

Ông Tốt cùng liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy là một trong những người tham gia lực lượng từ trước năm 1975, cùng giữ vai trò là người thầy, đào tạo nhiều thế hệ cứu nạn cứu hộ như thượng tá Công, đại úy Tuấn và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác.

Trước năm 2006, đội cứu nạn cứu hộ thường xuyên sử dụng xe cứu thương đi làm nhiệm vụ. Trang bị thô sơ tới mức cả đội đi làm nhiệm vụ chỉ mặc quần xà lỏn.

“Cuộc sống của anh em cán bộ, chiến sĩ cứu nạn cứu hộ chỉ có lương, không được làm kinh tế bên ngoài, thời gian trực chiến và làm nhiệm vụ vừa nguy hiểm, vừa độc hại nên rất ít người tình nguyện về đơn vị này” - ông Tốt nhớ lại.

Có lẽ do khó khăn chồng chất, nhiều điều bất cập mà có thời điểm anh em bỏ đi tìm việc khác, lực lượng cứu nạn cứu hộ TP chỉ còn bảy người.

Bảy con người này phải chịu trách nhiệm cứu nạn cứu hộ trên toàn TP, ngoài ra còn phải hỗ trợ nhiều tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Long An...

Người đi trước rước người đi sau

“Bữa đó tôi đi vớt thi thể một em học sinh chết đuối, đưa về nhà xác Bệnh viện An Bình (Q.5). Khi tôi bế thi thể em bé vào phía trong nhà xác, ở đó có vài thi thể khác nữa. Khi quay ra thì cửa bị khóa bên ngoài, tôi sợ đến cóng người. Trong phòng rất lạnh, phía cửa chỉ có một bóng đèn nhỏ.

Gọi, đập cửa không ai mở, tôi phải ngồi cạnh các thi thể khoảng 20 phút mới được chú Tốt mở cửa cho ra” - đại úy Tuấn nhớ lại những ngày đầu mới bước vào lực lượng cứu nạn cứu hộ.

Hỏi ông Tốt vì sao “nhốt” anh Tuấn trong nhà xác, ông Tốt cười hiền: “Hồi xưa mới bước vào nghề, tôi cũng bị mấy anh đi trước “nhốt” như vậy để thử lòng can đảm và bản lĩnh coi có theo được nghề không. Hồi đó chưa có trường lớp gì chính quy. Rèn luyện nghề nghiệp chủ yếu là người đi trước rước người đi sau”.

Sau khi nhốt anh Tuấn trong nhà xác, ông Tốt đã dẫn anh Tuấn đi nhậu một chầu xả cửa coi như qua bài “nhập môn”. “Nhờ bữa nhậu đó nên tôi mới theo nghiệp này tới giờ đó!” - đại úy Tuấn vui vẻ nói.

“Có lẽ vì thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, đồng cam cộng khổ mà tình cảm anh em trong đơn vị gắn bó, thân thiết như người nhà.

Giữa chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ không có khoảng cách, anh em trong đơn vị ai có khó khăn gì thì tất cả tập trung lại, mỗi người một tay giúp nhau vượt qua. Tôi vui và tự hào được là thành viên của lực lượng cứu hộ!” - thượng sĩ Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Theo ông Tốt, người làm nghề cứu nạn cứu hộ rất cần kinh nghiệm, vì không có vụ tai nạn nào giống vụ nào nên theo thời gian, kinh nghiệm xử lý từng vụ việc tích lũy lại sẽ là vốn quý cho người làm công tác cứu nạn.

Vậy nhưng quy định hiện nay chiến sĩ tham gia lực lượng cứu nạn là người tình nguyện tham gia nghĩa vụ công an có thời hạn ba năm. Ba năm với người làm công tác cứu nạn cứu hộ thì mới chỉ xong giai đoạn học nghề.

“Cứ đào tạo được một lứa làm tốt, rành nghề xong thì tụi nhỏ ra quân. Nhìn chúng khóc ròng rời đơn vị mà tôi đau lòng hết sức, nhiều lúc không muốn đào tạo nữa” - ông Tốt nói.

Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết: “Công tác cứu nạn cứu hộ từ trước tới nay vẫn chủ yếu đào tạo bằng kinh nghiệm.

Dù Trường đại học Cảnh sát PCCC đã có khoa chuyên ngành cứu nạn cứu hộ, việc đào tạo đã chính quy hơn nhưng chương trình còn nặng lý thuyết, các học viên tốt nghiệp đa số thiếu kinh nghiệm thực tiễn, khó hòa nhập.

Thực tế cũng ít người được đào tạo chính quy xong chịu tham gia lực lượng cứu nạn cứu hộ vì những khó khăn, vất vả, nguy hiểm của công việc này.

Ông Bửu chia sẻ: “So với trước kia, hiện trang thiết bị của lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tương đối đầy đủ, hiện đại.

Trong các đám cháy thì có quần áo bảo hộ chịu được nhiệt độ cao, lặn cứu hộ thì có quần, áo, giày, mũ lặn chuyên dùng, các thiết bị phá bêtông, khoan cắt chuyên dùng cũng được đầu tư mạnh.

Nhìn lại cả một quá trình, từ khi không có tên gọi, tới giờ đã được công nhận, mô hình tổ chức được nhân lên trên toàn quốc là sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ làm công tác cứu nạn, cứu hộ TP và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp.

Tuy nhiên, điều tôi vẫn trăn trở là chế độ, chính sách dành cho lực lượng này tới nay còn thiếu thốn quá! Có nhiều đồng chí cả đời cống hiến, tới giờ một căn nhà cũng không có. Nhìn họ tôi xót xa vô cùng”.

Phòng Cứu nạn, cứu hộ TP.HCM có tổng cộng 30 cán bộ, chiến sĩ, bao gồm cả lãnh đạo phòng. Ngoài những người kỳ cựu, từ năm 2010-2015 có ba chiến sĩ trẻ đã được trao danh hiệu công dân trẻ tiêu biểu của TP.

Người đầu tiên trở thành công dân trẻ tiêu biểu của TP vào năm 2010 là đại úy Huỳnh Văn Tuấn. Người thứ hai là thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh, đạt danh hiệu này vào năm 2013 và người thứ ba là trung úy Võ Thành Công, năm 2015.

Đã có thiết bị để leo cao, lặn sâu

Cảnh sát PCCC TP đã được trang bị ròng rọc điện, có thể lên cao 100m trong vòng năm phút, có thể đưa vật nặng (người) trên 90kg xuống cũng trong khoảng thời gian đó.

Không chỉ dùng cho các tòa nhà cao tầng khi có sự cố, ròng rọc điện này còn có thể hạ sâu xuống 400m, dưới hầm sâu hay khe núi.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ của Cảnh sát PCCC TP cũng được trang bị bộ đàm dưới nước (để thay thế việc chỉ huy liên lạc theo tín hiệu dây, bóp tay hay nhìn bọt khí) để xử lý nhanh tình huống và giảm thiểu rủi ro cho lính cứu hộ cứu nạn.

THU AN - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên