03/11/2016 11:43 GMT+7

Duterte - Tổng thống bình dân - Kỳ 5: “Lệ làng” hùa “phép vua”

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Tối 12-9-2016, tài xế xe ba bánh Neptali Celestino bị bắn chết trong một vụ truy quét tội phạm ma túy của cảnh sát Philippines ở Manila. John Patrick Celestino, 17 tuổi, một trong bốn con trai của Neptali Celestino, vẫn không giấu được nỗi sợ hãi khi kể lại chuyện đó.

Các con nghiện thề không dính vào ma túy nữa, sau khi đầu thú chính quyền thành phố Pasig thuộc vùng đô thị Manila ngày 17-9 - Ảnh: Reuters
Các con nghiện thề không dính vào ma túy nữa, sau khi đầu thú chính quyền thành phố Pasig thuộc vùng đô thị Manila ngày 17-9 - Ảnh: Reuters

21g tối đêm đó, một nhóm người có vũ khí ập vào nhà, chìa ra trước mặt John tấm ảnh một người đàn ông và hỏi có phải cha cậu không. Ngay khi cậu xác nhận, toán người lao lên lầu, phá cửa xông vào căn phòng mà cha cậu đang trốn hét toáng lên “ma túy đá đâu?”.

Diệt ma túy từ cấp phường

Cậu thiếu niên run rẩy nói với nhóm người đó rằng cha mình không có vũ khí, van xin họ đừng bắn, nhưng một người trong nhóm đó bắn liền ba phát và John nghe tiếng cha mình hét lên đau đớn. Những người này sau đó ra lệnh cho John rời khỏi hiện trường. Trong lúc chạy xuống lầu, John nghe thêm năm phát súng nữa.

Neptali Celestino, cha của John, là một trong số các đối tượng nghi dính líu tới ma túy trong danh sách theo dõi của cảnh sát. “Danh sách đen” này do hàng xóm và những người đứng đầu barangay (đơn vị hành chính tương đương xã, phường) Palatiw, nơi gia đình Celestino sinh sống, cung cấp.

Các “phường trưởng” đứng đầu các barangay ở Philippines hiện đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch càn quét tội phạm ma túy do Tổng thống Duterte phát động hồi cuối tháng 6 năm nay.

“Họ là lực lượng tiên phong trong cuộc chiến này”, Hãng tin Reuters trích lời cảnh sát trưởng quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa, người tích cực ủng hộ chiến dịch diệt ma túy mạnh tay của Tổng thống Duterte. “Họ có thể nhận dạng những kẻ sử dụng cũng như buôn ma túy trong địa phương mình. Ai họ cũng biết”.

Theo cảnh sát trưởng Dela Rosa, hầu hết 1.377 người bị cảnh sát bắn chết là có tên trong các “danh sách đen” nói trên.

Phường trưởng là người có uy quyền tại địa phương mình. Phòng làm việc đặt tại trung tâm của phường ngày nào cũng tấp nập người đến xin các loại giấy phép do người đứng đầu địa phương cấp cho, từ giấy cư trú đến giấy phép kinh doanh, đơn xin việc hay đơn xin nhập học cho con. Thậm chí nạn nhân các vụ án nghiêm trọng đôi khi còn báo cho họ đầu tiên chứ không phải cảnh sát.

Từ năm 1998, mỗi đơn vị cấp phường đã thành lập Ủy ban hành động chống ma túy, gọi tắt là BADAC, nằm dưới sự chỉ đạo của phường trưởng. Mỗi BADAC có 6-7 thành viên là giáo viên, lãnh đạo trẻ, thành viên các nhóm xã hội dân sự, hoặc những người làm việc trong nhà thờ. Tuy nhiên nhiều năm qua, các ủy ban này chỉ hoạt động chủ yếu trên giấy tờ.

Đến thời Tổng thống Duterte nắm quyền, các ủy ban này lại phát huy tích cực tác dụng của mình. BADAC có trách nhiệm lên danh sách những người tình nghi, chủ yếu là những người buôn và sử dụng ma túy nhỏ lẻ. Cảnh sát cho biết sẽ thẩm định lại danh sách này thông qua tư vấn của nhân viên tình báo và chống ma túy cấp quốc gia.

Cuộc chiến chống ma túy là một điều tốt, giúp làm giảm tội phạm và xác định được ai muốn thay đổi

Bà MARICAR ASILO VIVERO 
(phường trưởng tại Pinagbuhatan ở Manila)

Có dấu hiệu định kiến

Tự nhận mình là người ủng hộ nhiệt tình chiến dịch của Tổng thống Duterte, bà Maricar Asilo Vivero là phường trưởng tại Pinagbuhatan, một phường ở Manila với dân số khoảng 145.000 người.

Theo bà Maricar, các “danh sách đen” không nhằm để giết những người bị tình nghi mà để “hướng dẫn họ sống tốt hơn”. Bà cũng phủ nhận khả năng những người có tên trong danh sách sẽ dễ bị giết hơn.

Theo Reuters, có 323 đối tượng nằm trong danh sách đen ở Pinagbuhatan. Con số này được ghi nhận rõ ràng nhờ số người đến văn phòng của phường để đầu thú.

Trong khuổn khổ chiến dịch của Tổng thống Duterte, người nghiện và buôn ma túy được kêu gọi ra đầu thú để hưởng khoan hồng. Những người này sẽ được cảnh sát tra hỏi, từ đó truy ra danh tính của những con nghiện và kẻ buôn ma túy, hoặc người bị tình nghi khác.

Họ cũng bị chụp hình lưu hồ sơ và phải thề tránh xa ma túy, cũng như ủng hộ “chính quyền, cảnh sát và chiến dịch cao quý của họ”. Tên của người đầu thú sẽ được cho vào dữ liệu quốc gia để có thể theo dõi, cả trong trường hợp họ bỏ đi nơi khác.

Theo phường trưởng Maricar, trong vài tuần sau khi đầu hàng, những người này sẽ phải tham gia lao động công ích như sơn tường, thông cống và nhặt rác.

Tuy nhiên, có vẻ không phải cứ đầu thú là sẽ sống tốt hơn. Trường hợp của Neptali Celestino là một ví dụ. Cựu phường trưởng nơi ông Neptali cư ngụ cho biết ba ngày trước khi bị bắn chết, Neptali đã tới tham dự buổi nói chuyện dài ba giờ liên quan nhận thức về ma túy do cảnh sát và cán bộ địa phương tổ chức. “Ông ấy đã định thay đổi”, cựu phường trưởng Eriberto Guevarra ngậm ngùi.

Theo cảnh sát trưởng Romulo Sapitula, giám đốc đồn cảnh sát Đông Manila, dù Neptali đã ra đầu hàng với tư cách là người sử dụng ma túy, cũng không thể loại ông ta ra khỏi diện tình nghi.

“Nhiều người trong danh sách theo dõi đã đầu thú nhưng vẫn tiếp tục hành vi phạm tội - ông Sapitula giải thích - Cũng có nhiều người ra đầu thú với tư cách là người chơi ma túy trong khi họ lại là kẻ buôn bán”.

Còn cảnh sát trưởng tỉnh Bulacan cho biết ông xem 17.000 người buôn bán và chơi ma túy ở địa phương mình là “bom nổ chậm”. “Sẽ có máu đổ đấy”, ông dự báo chắc nịch. “Anh gặp rắc rối với bệnh sốt xuất huyết, anh nghĩ mình có thể giải quyết được nếu không diệt muỗi sao?” - vị cảnh sát trưởng nêu câu hỏi như một cách thanh minh cho kiểu diệt tội phạm ma túy tiền trảm hậu tấu.

Có lạm quyền?

Nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền và cả một số quan chức Philippines cho rằng việc giao quyền hành cho cấp phường đang bị lạm dụng, vì các danh sách đen còn có cả tên những người không sử dụng ma túy chứ đừng nói là đi buôn.

Theo bà Karen Gomez-Dumpit, ủy viên Ủy ban Nhân quyền Philippines, việc này giống như đưa súng cho những người có sẵn thù hằn để bắn vào người họ ghét. Một trong những trường hợp gây tranh cãi là cái chết của anh Mark Culata ở tỉnh Cavite, phía nam Manila. Ngày 9-9, Mark bị bắn chết và được gắn biển “tên buôn ma túy”. Tuy nhiên, mẹ anh nói với báo chí rằng con trai mình không hề dính líu tới ma túy và đang chuẩn bị ra nước ngoài để làm việc.

Bên cạnh đó, việc các phường trưởng phải đứng ra lập “danh sách đen” cũng được cho là do áp lực từ Tổng thống Duterte, người từng thề sẽ công khai danh sách cả ngàn quan chức chính quyền tình nghi có dính líu tới ma túy.

Tuy nhiên, không phải phường trưởng nào cũng y lệnh, một số phường trưởng từng van xin cảnh sát cho người đầu thú ở địa phương mình cơ hội sống. Nhiều phường trưởng thậm chí còn chống lệnh.

Cảnh sát ở Luzon cho biết 31 trong số 3.100 xã ở đảo này vẫn chưa nộp danh sách đen. Cảnh sát trưởng tỉnh Bulacan, sĩ quan Romeo Caramat, cho rằng những người đứng đầu các địa phương này có thể là đồng minh của phe chống lại Tổng thống Duterte hay đã bị các trùm ma túy mua chuộc!

Cảnh sát trưởng Romeo nêu vụ xã trưởng Damaso Santiago bị một số sát thủ đi xe máy bắn chết hồi tháng 8 ở thành phố San Jose Del Monte. Theo ông, người bị giết là một kẻ buôn và xài ma túy nổi tiếng.

Tuy nhiên, người anh trai của xã trưởng bị giết khẳng định em mình chỉ sử dụng chứ không buôn ma túy.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên