13/10/2016 09:43 GMT+7

10 năm bảo vệ dân phố

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Ông trưởng ban bảo vệ dân phố P.5 (Q.6, TP.HCM) Nguyễn Phi Hùng nói rằng có lẽ không chỉ 10 năm ông làm bảo vệ dân phố, mà từ lâu lắm rồi ông đã đem lòng yêu thích công việc giữ bình yên cho lối xóm.

Ông Nguyễn Phi Hùng thường tranh thủ buổi trưa về nhà ăn cơm, “đền bù việc nhà” cho vợ - Ảnh: M.HOA
Ông Nguyễn Phi Hùng thường tranh thủ buổi trưa về nhà ăn cơm, “đền bù việc nhà” cho vợ - Ảnh: M.HOA

“Tối hôm đó, tự nhiên thấy chị công an phường đến nhà là tui đã thấy không bình thường. Chị ấy nói ông ấy đi làm nhiệm vụ bị người ta đâm, tui sợ muốn chết. Lập cập chạy vô bệnh viện thấy ông ấy băng bó khắp người, nhưng đã tỉnh lại” - bà Trương Thị Hiếu Thảo, vợ ông Hùng, kể lại mà còn chưa hết sợ.

“Dân tin, tui còn làm”

Chuyện xảy ra từ hồi tháng 8-2011. Chiều hôm ấy, lực lượng bảo vệ dân phố được huy động cùng với công an phường đến nhà trên đường Minh Phụng để đưa một người tên Khanh về phường làm việc. Khanh là người nghiện, nghi buôn bán ma túy. Khanh không chịu về phường mà cầm dao thách thức lực lượng chức năng.

Dù được giải thích và yêu cầu hợp tác nhưng Khanh vẫn cầm dao xông vào tấn công một chiến sĩ công an phường. Cảnh sát nổ súng chỉ thiên nhưng Khanh vẫn manh động.

Lợi dụng lúc đối tượng sơ hở, ông Hùng nhào vào khống chế, dùng dùi cui điện đánh vào tay đối tượng. Người này quay sang tấn công ông, đâm liên tục. Ông Hùng vẫn ôm và chụp được con dao, lúc này công an phường và bảo vệ dân phố nhanh chóng khống chế đối tượng đưa về phường.

“Tui tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Câu đầu tiên tui hỏi anh em là: Có bắt được đối tượng chưa? Thế là anh em la tui, nói ông bị vậy không lo còn lo chuyện bắt người. Mà thiệt, lúc đó tui chỉ nghĩ tới chuyện bắt được đối tượng.

Những đối tượng phạm pháp, lại manh động mình phải đấu tranh tới cùng. Bữa đó tui vật lộn dưới trời mưa, còn bị đâm tới bảy nhát mà đối tượng vẫn trốn thoát thì uổng quá” - ông Hùng kể lại.

Qua lời ông Hùng, câu chuyện đó chỉ như một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề. Nhưng qua lăng kính của vợ ông thì đó quả là khủng khiếp: “Tui nói ông nghỉ đi, làm cái việc gì mà nguy hiểm quá. Mà bao nhiêu lần chứ có phải riêng lần đó đâu. Nhưng ông mê, ông cứ đi làm, thôi cũng phải để ông đi cho ông vui”.

Nghe vậy, ông Hùng vội thanh minh: “Tại dân còn tin tui nên tui phải làm chớ, chừng nào bà con không muốn tui làm nữa, kêu tui nghỉ đi tui mới nghỉ”.

Niềm vui trong bình yên

Bây giờ, cứ sáng sáng ông Hùng lại đồng phục tề chỉnh, chạy xe máy chở hai đứa cháu ngoại đi học rồi mới đi làm. Ông cười hì hì: “Hồi trước chạy xe ôm chở khách, giờ chỉ chở cháu thôi”. Hồi ấy ông đạp xích lô, rồi lên đời chạy xe ôm chở khách.

Nhờ công việc đó mà ông thấu hiểu được tình hình phức tạp của địa bàn P.5. Thế là ông đăng ký làm dân phòng, cứ tối đến 10g khuya ông đi trực, đi tuần với anh em tới sáng. Mà hồi ấy dân phòng là làm không công, ai tình nguyện thì xin tham gia.

Năm 2006, TP.HCM bắt đầu tổ chức lực lượng bảo vệ dân phố theo nghị định của Chính phủ. Ông Hùng hăng hái đăng ký ngay. Bây giờ, ông là trưởng ban bảo vệ dân phố P.5, ngoài số tiền lương 1,5 triệu đồng/tháng giống như tất cả anh em khác, ông được phụ cấp thêm 100.000 đồng. P.5 hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tháng tiền xăng.

Ông cùng các anh em khác trích ra 10.000 đồng cho vào quỹ ban để phòng khi hữu sự thì thăm hỏi nhau. Ông bảo 24 anh em, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nhưng ai cũng nhiệt tình. Phải nắm hoàn cảnh từng người để động viên anh em, mình giúp không được thì đề xuất lên trên.

Buổi trưa, ông Hùng tranh thủ ghé về nhà ăn cơm với vợ. Bà Thảo vốn là công nhân, sau này về phụ bán xôi ở đầu đường Hậu Giang, nay vì sức đã yếu, hay xây xẩm mặt mày nên xin nghỉ, ở nhà cơm nước phục vụ hai đứa cháu ngoại đi học và ông chồng mê nghề bảo vệ dân phố. Ở tuổi 59, ông Hùng vẫn hì hụi rửa chén dọn nhà giúp vợ mỗi khi về nhà.

Ông nói nhỏ phải siêng năng vậy để đền bù cho bà những khi ông đi trực suốt ngày, 1-2g sáng vẫn vùng dậy chạy ra chốt, chạy lên phường nhận nhiệm vụ. Đã vậy, từ hồi làm bảo vệ dân phố, ông không còn thời gian chạy xe ôm kiếm tiền nữa khiến kinh tế gia đình càng eo hẹp.

Đôi lúc ông bị dân... phàn nàn mỗi khi nhà họ bị trộm đồ. Ông nói cũng buồn lắm chớ. Nhưng phải nhớ địa bàn này hồi xưa ma túy, trộm cắp nhiều lắm, bây giờ đã bớt nhiều, địa bàn được chuyển hóa rồi. “Điều tui vui nhất là đóng góp một phần sức lực của mình cho sự bình yên của khu phố. Trong khu phố đó có vợ con, có người thân của tui. Cứ mỗi ngày mỗi tháng trôi qua, thấy tình hình bớt phức tạp, tệ nạn ngày càng bớt là tui mừng” - ông Hùng nói.

Sáng 12-10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác bảo vệ dân phố theo nghị định số 38/2006 của Chính phủ. Theo báo cáo, hiện nay TP có khoảng 264 ban bảo vệ dân phố, với 1.590 tổ bảo vệ dân phố, với 7.667 thành viên, còn thiếu 1.389 người so với biên chế được duyệt.

Trong 10 năm qua, lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn TP thường xuyên tổ thức tuần tra ngày đêm để nắm tình hình, kịp thời phát hiện các vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Qua đó phát hiện 44.737 vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự; giải quyết 47.254 vụ việc vi phạm hành chính; tham gia hòa giải 30.456 các vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân, không để diễn biến phức tạp, trong đó hòa giải thành công 21.337 vụ (chiếm 70,05%); tiếp nhận 90.282 nguồn tin do nhân dân báo liên quan đến an ninh trật tự, cung cấp phản ảnh cho lực lượng công an 80.667 tin liên quan an ninh trật tự, trong đó có 50.595 tin có giá trị. Phối hợp với lực lượng công an giải quyết 101.628 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, tham gia và hỗ trợ bắt giữ 6.401 đối tượng phạm tội quả tang.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên