15/09/2016 11:28 GMT+7

Sống sót sau thảm sát - Kỳ 5: Chờ bia tưởng niệm

TĂNG QUỲNH - DUY THANH - N.TRẦN
TĂNG QUỲNH - DUY THANH - N.TRẦN

TTO - Ở thôn Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) có một tấm bia lớn, xây bằng gạch tô vữa, được dựng trên một đế móng cao hơn mặt đất cả mét.

*** Error ***
Ông Lê Thanh Hóa, nguyên chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam, bên tấm bia duy nhất ở tỉnh Phú Yên được dựng để tưởng nhớ các vụ thảm sát dân thường do lính Đại Hàn gây ra  - Ảnh: DUY THANH

Phần trên phía trước của tấm bia chỉ còn ba chữ khắc nổi “Bia căm thù”, phần còn lại của bia không có nội dung gì, chỉ xám màu thời gian...

“Điều đau đáu nhất”

Ông Lê Thanh Hóa, nguyên chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam giai đoạn 1982-1995, đưa khách đến tấm bia này và kể: “Bia này được UBND tỉnh Phú Khánh (hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nhập lại trước đây - PV) xây dựng 2-3 năm sau ngày thống nhất đất nước.

Ban đầu trên bia cũng viết chữ bằng sơn ghi vài dòng vắn tắt về các vụ thảm sát của lính Đại Hàn tại các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm của xã Hòa Hiệp Nam cách đây 50 năm và số dân thường chết trong từng vụ.

Chỗ đặt tấm bia không phải là nơi ngày trước lính Đại Hàn tập trung dân lại để giết mà vì địa điểm này ở ngã ba đường, dễ nhìn thấy, để mọi người qua lại nhớ về giai đoạn bi thương của đồng bào thời chiến tranh”.

Ông Nguyễn Kỳ Tuấn, 56 tuổi, nhân chứng sống trong vụ thảm sát 37 người dân ở xóm Vũng Tàu (thôn Phú Lạc) vào đầu năm 1966, nói: “Tấm bia ở thôn Phú Lạc đã cũ, hai chữ “căm thù” trên bia cũng không phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Nguyện vọng của người dân là nên xây dựng một tấm bia tưởng niệm khác, tại vị trí mà mấy chục người dân xóm Vũng Tàu bị thảm sát năm ấy...”.

Đã 88 tuổi, minh mẫn, trò chuyện dí dỏm nhưng ông Phạm Dũng (nguyên trưởng ban Công an xã An Xuân, huyện Tuy An thời chống Mỹ) không khỏi bùi ngùi khi nhớ về vụ thảm sát thảm khốc Gò É - Gộp Dệt do lính Đại Hàn gây ra ở xã này.

Một bên mắt bị hỏng, con mắt còn lại của ông Dũng hấp háy, thoáng ánh buồn khi nhớ về người con gái mới 13 tuổi của mình bị lính Đại Hàn giết chết trong cuộc thảm sát năm ấy.

Ông Phạm Dũng bày tỏ: “Điều chúng tôi đau đáu nhất là sao tỉnh, huyện chưa xây dựng một tấm bia tưởng niệm vụ thảm sát Gộp Dệt - Gò É. Dân thường bị thảm sát, giết hại nên được khắc tên lên bia để lưu lại, để người ta thấy con tôi, cha tôi, ông bà tôi ngày tháng năm đó đã bị thảm sát ở đây chứ”.

*** Error ***
Những ngôi mộ bên bờ biển Gành Cả chôn người dân bị lính Đại Hàn thảm sát - Ảnh:  TRẦN MAI

Gác lại quá khứ nhưng cần bia tưởng niệm

Tra cứu thông tin lưu trữ trên máy tính, bà Nguyễn Thị Bích Đào - phó trưởng phòng phụ trách Phòng di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Phú Yên - cho biết tại Phú Yên có 22 vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra, làm chết ít nhất 925 dân thường.

Trong các năm 2011 và 2013, sở này đã lập hồ sơ, tham mưu để UBND tỉnh Phú Yên công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với tám vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra cho dân thường ở huyện Tuy An; đang lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh cho các vụ thảm sát ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa); những vụ thảm sát khác cũng đã ghi trong danh mục kiểm kê và sẽ xem xét lập hồ sơ trong những năm tới.

Tuy nhiên cho đến nay, tấm bia ở thôn Phú Lạc vẫn là bia duy nhất ở tỉnh Phú Yên ghi nhớ những vụ thảm sát của lính Đại Hàn.

Ông Nguyễn Văn Đồng, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, là người sống sót trong vụ lính Đại Hàn thảm sát 62 người dân ở Hòn Đình (xã Hòa Mỹ, huyện Đông Hòa) vào ngày 21-1-1966 (mùng 2 tết) khi ông 5 tuổi, nhưng mẹ và em ông không thoát khỏi.

Ông Đồng tâm sự rằng bản thân ông không muốn nhắc lại quá khứ với những mất mát, đau thương khủng khiếp, nhưng việc xây dựng những tấm bia tưởng niệm là cần thiết, nhất là đối với các gia đình có người thân chết trong những cuộc thảm sát này.

Những ngôi mộ ở biển Gành Cả

Ở Gành Cả (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có bốn ngôi mộ nằm sát bãi biển.

Bên dưới mỗi ngôi mộ này là hai người dân vô tội bị lính Đại Hàn giết cách đây 49 năm. Người sống sót duy nhất trong vụ thảm sát 21 dân thường năm đó là bà Nguyễn Thị Á, nặng nợ cả đời với bốn ngôi mộ.

Trong tám người nằm dưới mộ có mẹ và chị ruột của bà Á. Tuy nhiên, không ai ở Gành Cả biết chính xác mẹ và chị bà nằm trong mộ nào. Bà Á năm nay 56 tuổi, nói: “Giờ có biết ai đâu mà bốc mộ. Hỏi ông Chín thì ổng không biết”.

Ông Chín tên là Bùi Thơ, 86 tuổi. Năm đó lính Đại Hàn dẫn 22 người dân, chủ yếu phụ nữ và con nít, đi lòng vòng trong thôn từ sáng đến chiều rồi đưa ra bãi biển quay đại liên bắn xối xả vào họ.

Chờ đến tối, lính Đại Hàn rút, ông Thơ cùng du kích mới đến địa điểm thảm sát cứu bà Á và đào những ngôi mộ cạn gần địa điểm thảm sát để chôn 21 người dân.

Ông kể đào đến ngôi mộ thứ tư thì mệt quá, phải xuống hầm nghỉ nên không biết người chôn trong từng mộ là ai.

Theo lời ông Thơ, lính Đại Hàn bắn giết dân lành Gành Cả nhiều lần, lần nào người sống cũng đưa thi thể bà con lên bãi cát gần biển chôn vì đất mềm, dễ đào. Không phải đào huyệt mà nói như ông Thơ là “đào lỗ, mỗi lỗ chôn hai người”.

“Tôi nghĩ mong muốn của người dân, nhất là thân nhân của những người bị lính Đại Hàn thảm sát, về việc xây dựng những tấm bia tưởng niệm là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, các địa phương và ngành văn hóa nguồn lực cũng có hạn nên cần phải tính đến việc vận động xã hội để xây dựng những tấm bia tưởng niệm này

Ông Phan Đình PhÙng (phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên)

 

>> Kỳ cuối: Nhiệm vụ cuối cùng: sống để kể lại

TĂNG QUỲNH - DUY THANH - N.TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên