27/06/2016 11:39 GMT+7

Vạch trần “hải sản bẩn”

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Loạt bài điều tra phơi bày những câu chuyện cùng cực không thể mô tả của những nô lệ đã tạo nên một hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.

Thủy thủ một chiếc tàu cá của Thái Lan đánh bắt trái phép bị bắt giữ ở Indonesia vào tháng 9-2015 - Ảnh: AP
Thủy thủ một chiếc tàu cá của Thái Lan đánh bắt trái phép bị bắt giữ ở Indonesia vào tháng 9-2015 - Ảnh: AP

Nhưng các nữ nhà báo tin rằng để giúp chấm dứt nạn nô lệ, họ phải đánh động dư luận tại Mỹ bằng việc lần theo dấu hải sản “bẩn” đến những cửa hàng, quán ăn ở Mỹ. Phần điều tra này chủ yếu được thực hiện bởi Mendoza.

Là nhà báo, chúng ta có thể khiến mọi người nhìn thấy bộ mặt thật của một bí mật mở. Điều đó rất khó khăn và có thể khiến ta kiệt quệ, nhưng điều quan trọng là đừng bỏ cuộc dù có người nói với ta rằng đó là điều bất khả thi. Quá trình điều tra này là bằng chứng cho thấy báo chí có thể tạo ra sự khác biệt và thật sự cất lên tiếng nói cho những người vô hình

Nữ nhà báo MARTHA MENDOZA

“Rửa hải sản”

Hải sản có thể được mua đi bán lại hơn 30 lần từ lúc được đánh bắt theo kiểu nô lệ đời mới cho đến khi đặt lên bàn ăn. Do đó, việc tìm ra bằng chứng của hải sản do nô lệ đánh bắt tại Mỹ là một thách thức vô cùng khó khăn. Nhưng nữ nhà báo Mendoza nói rằng cô quyết tâm buộc các nhà buôn và người tiêu dùng ở Mỹ thừa nhận họ đang tiêu thụ hải sản do nô lệ đánh bắt. Để làm được điều đó, cô phải khớp được dữ liệu từ các nhà phân phối hải sản với những mặt hàng được bày bán trong các cửa hàng ở Mỹ.

Họ đi đến hàng chục siêu thị tại nhiều bang ở Mỹ để kiểm tra nhãn mác các loại hải sản đông lạnh và đóng hộp với vô số câu hỏi: liệu đây có phải những loại hải sản họ từng thấy trong cuộc điều tra? Liệu chúng có phải từ Thái Lan? Ai là nhà phân phối?... Phần tiếp theo của cuộc điều tra là theo dõi hải sản được chuyển từ Benjina đến các cảng cá và bí mật đi theo những chiếc xe tải về các công ty. “Mỗi chuyến hàng từ các công ty quốc tế về Mỹ đều có hóa đơn vận chuyển hải quan. Những hóa đơn này đều được số hóa, cho phép chúng tôi tìm kiếm nơi những công ty này chuyển hải sản đến” - Mendoza giải thích.

Nhưng đó chỉ là phần đầu của cuộc tìm kiếm bởi các nhà phân phối ở Mỹ đều không tiết lộ nhãn hàng mua hải sản của họ. Mendoza và các đồng nghiệp ở Mỹ lần theo những dữ liệu, thông tin từ người bán hải sản, thậm chí đến các hội thảo hải sản lớn để tìm hiểu khách hàng của những nhà phân phối hải sản hàng đầu.

Tuy nhiên sau đó họ phải chuyển sang tập trung điều tra tôm, một loại hải sản mà mọi công ty lớn ở Mỹ như Whole Foods, Wal-Mart, Red Lobster đều phải nhập từ Thái Lan và tìm ra các nhãn hàng. “Cuối cùng nhà báo ở khắp 50 bang đổ đến các siêu thị để xác định hải sản nằm trong chuỗi cung cấp của những nhãn hàng này” - Mendoza hào hứng kể về hiệu ứng từ loạt bài của họ.

Sau khi mở được mắt xích đầu tiên, họ phát hiện hải sản từ Benjina xuất hiện trong hàng ngàn cửa hàng của các chuỗi siêu thị, trung tâm phân phối và nhà hàng tại mọi bang của nước Mỹ. “Mọi nơi chúng tôi nhìn đến chúng tôi đều thấy chúng, từ những chuỗi cung cấp nhỏ như Schnucks, Piggly Wiggly đến những ông lớn như Albertsons, Safeway, Kroger, những chuỗi cửa hàng nổi tiếng như Red Lobster, Olive Garden” - Mendoza nói.

Hiệu ứng lan truyền

Bài điều tra với những lời bình luận từ các cơ quan chức năng Thái Lan và Indonesia đã tạo nên một cơn chấn động. Ngoài 2.000 nô lệ được giải cứu, hàng loạt kẻ buôn người bị bắt và số tàu, hải sản bị tịch thu trị giá lên đến hàng triệu USD, nhiều thay đổi trong chính sách đã xuất hiện.

Tại Mỹ, người tiêu dùng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối buộc các nhà cung cấp và cửa hàng lớn phải thay đổi chính sách nhằm minh bạch hóa nguồn hải sản. Công ty Nestle thừa nhận sử dụng hải sản do nô lệ đánh bắt từ các nhà cung cấp ở Thái Lan và mở một cuộc điều tra riêng. Nhiều công ty Mỹ cũng tuyên bố tẩy chay hàng loạt nhà cung cấp hải sản từ khu vực Đông Nam Á, trong đó có không ít doanh nghiệp đăng ký tại Thái Lan. Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu và các nhà mua tôm ở Mỹ cam kết sẽ không mua tôm từ các công ty sử dụng bên thứ ba để chế biến.

Sau khi AP đăng bài điều tra, Quốc hội Mỹ lập tức bắt tay vá các lỗ hổng “nhu cầu tiêu thụ” đang cho phép các sản phẩm hải sản đi vào Mỹ. Một tháng sau đó (đầu năm 2016), Tổng thống Barack Obama ký luật cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn nô lệ.

Thái Lan và Indonesia đã tiến hành những cuộc cải cách sâu rộng trong ngành đánh bắt cá ở hai quốc gia này. Thai Union - một trong những nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới - tuyên bố đã cho 1.200 nhân công làm tôm kiểu tạm bợ một công việc an toàn, ổn định với mức thu nhập tốt hơn. “Điều đó thật sự tuyệt vời. Ít nhất chúng tôi đã gây được sức ép để Chính phủ Thái Lan phải thay đổi và giúp tăng nhận thức về vấn đề này” - nhà báo McDowell kết luận.

Vẫn còn nhức nhối

Câu chuyện về nô lệ đánh cá thời hiện đại của bốn nữ nhà báo đã khiến thế giới rùng mình trước hình ảnh hàng ngàn con người bị giam cầm, làm rúng động ngành công nghiệp đánh cá trị giá 7 tỉ USD của Thái Lan và tạo ra làn sóng thay đổi rộng khắp. Nhưng với bốn nữ nhà báo, đây chỉ mới là câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên hé mở ra một vấn đề còn lớn hơn và còn rất nhiều điều cần phải làm bởi vấn nạn nô lệ không chỉ tồn tại trong ngành cá, mà có thể ở bất cứ nơi nào trong đời sống.

Nói về thành quả điều tra, họ khẳng định cảm thấy tức giận nhiều hơn là thỏa mãn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục. Chúng ta cần làm rõ một bức tranh lớn hơn là tại sao nạn nô lệ hiện đại lại khó bị đánh gục như vậy, và những yếu tố ngầm không chỉ cho phép mà còn ủng hộ nó. Chúng tôi cũng muốn theo đuổi những công ty và chính quyền có liên quan để đảm bảo họ sẽ giữ lời hứa của mình” - biên tập viên Mary Rajkumar nhấn mạnh.

Theo nữ nhà báo McDowell, ngay cả khi các công ty ở Mỹ tuyên bố không nhập hàng từ nhà cung cấp Thái Lan thì vấn đề vẫn vô cùng nhức nhối. “Tôi hi vọng mọi người không nghĩ rằng vấn đề đã được giải quyết khi 2.000 người được giải phóng - cô nói - Vẫn còn hàng ngàn nô lệ ở ngoài kia. Chúng tôi phát hiện một công ty nhưng đó chỉ là một ví dụ bởi còn nhiều tàu cá khác của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...”.

Những người được vinh danh

Esther Htusan, sinh năm 1987 ở Myanmar. Cô bắt đầu sự nghiệp làm báo ở tuổi 24 và là thành viên trẻ nhất trong nhóm đoạt giải.

Robin McDowell, 50 tuổi, làm việc tại châu Á trong gần 20 năm. Cô từng điều hành văn phòng AP ở Indonesia và hiện sống tại Afton, bang Minnesota (Mỹ).

Margie Mason, 41 tuổi, hiện là trưởng văn phòng AP tại Indonesia. Cô từng làm việc ở Việt Nam từ 2003-2012 trước khi chuyển sang Indonesia.

Martha Mendoza, sinh năm 1966, từng đoạt giải Pulitzer năm 2000 khi tham gia cùng nhóm điều tra hé lộ vụ lính Mỹ thảm sát hàng ngàn dân thường tại cầu No Gun Ri trong chiến tranh Triều Tiên.

_________

Kỳ cuối: Ngòi bút sắc của Đoàn Bùi

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên