25/06/2016 13:54 GMT+7

Nữ nhà báo điều tra - KỲ 6: Vượt lên cám dỗ

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TTO - Tôi có một vật kỷ niệm nho nhỏ, trên đó in dòng chữ “VTV24. Phóng viên Bạch Hoàn. Vượt lên cám dỗ để làm nghề”.

Bạch Hoàn phỏng vấn Lê Xuân Giang,
Bạch Hoàn phỏng vấn Lê Xuân Giang,"trùm" Liên Kết Việt - Ảnh: NV cung cấp
“Một người vóc dáng bặm trợn nói như nghiến vào tai tôi: “Mày đụng đến miếng cơm manh áo của chúng tao thì chúng tao không để mày và gia đình chúng mày được yên đâu. Liệu hồn mà dừng lại”

Nhóm phóng viên thực hiện loạt phóng sự điều tra về công ty đa cấp lừa đảo Liên Kết Việt đã tự làm tặng nhau, như một lời nhắc nhở để cùng nhau đi đến đích...

Vụ lừa đảo 60.000 người dân ở 27 địa phương nộp 1.900 tỉ đồng vào đường dây đa cấp của Công ty Liên Kết Việt đã bị phanh phui. Tôi là một trong những phóng viên tham gia tuyến bài điều tra này.

Chúng tôi đã mất nhiều tháng ròng rã tìm kiếm thông tin và đối diện vô vàn rủi ro để có thể vạch trần hành vi lừa đảo của Liên Kết Việt.

Nắm đấm đe dọa

Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP, mời gọi người dân bỏ vốn đầu tư với lời hứa hẹn lợi nhuận gấp 48 lần vốn mà người tham gia không cần làm gì.

Sau khi người của Công ty Liên Kết Việt khẳng định trên truyền hình rằng Công ty BQP không thuộc Bộ Quốc phòng, tôi được gọi vào thực hiện tuyến điều tra này.

Nhiệm vụ của tôi là thâm nhập trụ sở công ty này tại Hà Nội cùng phóng viên Thanh Thảo và quay phim Đức Tiến để tìm xem liệu việc giả danh Bộ Quốc phòng có phải do một nhân viên tuyên truyền sai sự thật như khẳng định của đại diện Công ty Liên Kết Việt khi trả lời phỏng vấn trực tiếp trên sóng truyền hình hay đó là chủ trương của công ty.

Khi ấy là khoảng tháng 8-2015, đã có một số phóng sự về Công ty Liên Kết Việt được phát sóng nên việc tiếp cận vô cùng khó khăn.

Khi tôi có mặt ở trụ sở Công ty Liên Kết Việt trên đường Hoàng Đạo Thúy, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, bảo vệ công ty đứng dày đặc từ ngoài hành lang đến phòng hội thảo - nơi các thành viên đa cấp thường xuyên có mặt để chiêu dụ, lôi kéo người dân vào hệ thống đa cấp của họ.

Trong một lần đến trụ sở Liên Kết Việt vì nghe tin cơ quan chức năng đang kiểm tra, tôi và quay phim Ngọc Phức bị vây quanh bởi hàng chục người, trong đó có những người không phải là nhân viên công ty.

Một người vóc dáng bặm trợn nói như nghiến vào tai tôi: “Mày đụng đến miếng cơm manh áo của chúng tao thì chúng tao không để mày và gia đình chúng mày được yên đâu. Liệu hồn mà dừng lại”.

Lần ấy, may có nhân viên Công ty điện máy Media bên cạnh ra giải cứu nên chúng tôi đã thoát vòng vây của họ.

Thực hiện các phóng sự điều tra về Công ty Liên Kết Việt còn có nhóm phóng viên Anh Tuấn, Nguyễn Tùng. Hai bạn phóng viên này bị côn đồ đuổi theo xuống tận bãi đậu xe với lời dọa nạt tương tự cách họ đã nói với tôi.

Trước những lời đe dọa và những nắm đấm giơ vào mặt mình, nhóm phóng viên chúng tôi buộc phải tìm biện pháp để bảo đảm an toàn.

Để có thể tiếp tục thực hiện đề tài này, bố mẹ và con trai tôi đã phải chuyển sang một địa điểm khác sống trong thời gian khi mà vụ việc ở mức căng thẳng nhất, tức cơ quan công an bắt đầu vào cuộc điều tra dấu hiệu sai phạm mà chúng tôi phản ánh.

30 triệu và 5 tỉ đồng

Trong quá trình tác nghiệp, khi cần đóng vai nhân viên đa cấp để thâm nhập hệ thống đa cấp Liên Kết Việt, tôi và phóng viên Thanh Thảo hoàn toàn không bị lộ.

Vì thế, chúng tôi đã ghi lại được những hình ảnh thuyết phục rằng tại chính trụ sở Công ty Liên Kết Việt có những bằng chứng cho thấy công ty này tự nhận thuộc Bộ Quốc phòng và có hợp tác làm ăn với một doanh nghiệp khác thuộc Bộ Quốc phòng, chứ không phải chỉ là sai sót của một nhân viên như tuyên bố của họ trên sóng truyền hình.

Cũng trong lần tác nghiệp ấy, tôi thấy Liên Kết Việt khoe nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Để lôi kéo người dân tham gia, các nhân viên Liên Kết Việt khoe các bằng khen ấy như một sự bảo chứng cho uy tín của công ty.

Khi nhìn thấy bằng khen thì cái có số bằng, cái lại không có (theo quy định bắt buộc phải có), đặc biệt Liên Kết Việt mới chỉ hoạt động giữa năm 2014 nhưng đã có bằng khen được trao cho thành tích từ 2010-2015, nên linh tính mách bảo tôi phải tìm hiểu về những tấm bằng khen ấy.

Kết quả là Ban Thi đua khen thưởng trung ương khẳng định không có bất kỳ bằng khen nào được trao cho Liên Kết Việt và các lãnh đạo công ty này. Vì thế, cả bảy bằng khen của Liên Kết Việt đều là giả. Tôi tìm hiểu tiếp thì được biết họ làm mỗi bằng khen giả ấy với giá 30 triệu đồng.

Sau khi phóng sự phát sóng, một lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt xin gặp. Tôi làm việc với nhân vật ấy trong hơn một tiếng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ khai thác thông tin, vị thủ lĩnh đa cấp ấy thừa nhận với tôi tất cả các chiêu trò lừa đảo tặng nhà, tặng xe đều là giả. Thậm chí, những chương trình trao hoa hồng đa cấp với mức thu nhập của những thủ lĩnh ở Hải Phòng, Hải Dương cả 10 tỉ đồng/tháng đều là giả.

“Lấy đâu ra 10 tỉ đồng một tháng. Nhiều lắm chỉ được 50 - 100 triệu đồng thôi. Đấy là họ còn nhận tiền cho các nhánh dưới của họ nữa. Phòng kinh doanh cứ nói vống lên thế để PR cho người ta tham gia vào thôi” - người này thừa nhận.

Trong buổi làm việc ấy, tôi được nghe đoạn băng ghi âm giữa Lê Xuân Giang và người làm các bằng khen giả của Thủ tướng. Đồng thời, chính nhân vật ấy thừa nhận mức giá của một bằng khen đúng là 30 triệu đồng.

Cũng vì thế họ nài nỉ tôi dừng lại, không tiếp tục đưa tin về Liên Kết Việt nữa. Chỉ cần chúng tôi không tiếp tục đưa về câu chuyện mạo danh Bộ Quốc phòng và làm giả bằng khen, Liên Kết Việt sẽ tự thu xếp các vấn đề còn lại và công ty có thể tiếp tục hoạt động.

“Bây giờ mà đưa tin tiếp thì công ty em sập mất” - vị thủ lĩnh đa cấp Liên Kết Việt nói với tôi, đồng thời lấy một tờ giấy ghi vào đó con số 5 tỉ đồng. Tôi hỏi lại: “5 tỉ đồng sao?”. Khi ấy họ nói rằng thu xếp được chừng đó tiền để cảm ơn nếu chúng tôi im lặng, không tiếp tục đào bới sai phạm của công ty này.

Tất nhiên, tôi đã từ chối khoản tiền ấy mà không cần phải suy nghĩ, đồng thời tiếp tục thực hiện nhiều phóng sự về những sai phạm của Công ty Liên Kết Việt. Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, khởi tố, bắt tạm giam bảy lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này.

Khi tôi gặp Lê Xuân Giang trong tù, “thủ lĩnh” đứng đầu đường dây đa cấp lừa đảo tới 60.000 người này đã thừa nhận: “Đúng như chị nói, giá bằng khen là 30 triệu đồng. Các lễ trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do công ty tự đứng ra tổ chức, tự trao nhận”.

Từ khi còn chập chững bước những bước đi đầu tiên trong nghề báo, một cán bộ chủ chốt của báo Tuổi Trẻ đã nói với tôi rằng: “Nếu để kiếm tiền thì không nên đi làm nghề báo”. Tôi vẫn nhớ câu nói ấy đến tận bây giờ và luôn vượt qua mọi cám dỗ khi làm nghề, chứ không phải chỉ khi tham gia tuyến bài điều tra về Công ty Liên Kết Việt.

Giải A giải báo chí quốc gia

Hội đồng giải báo chí quốc gia năm nay đã trao giải A cho loạt phóng sự điều tra của Trung tâm tin tức VTV24, về kinh doanh đa cấp biến tướng, hoạt động lừa đảo của Công ty đa cấp Liên Kết Việt.

_________________

Kỳ tới: Nữ nhà báo đoạt giải Pulitzer

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên