24/05/2016 09:43 GMT+7

“Mong đừng quên dân”

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Câu chuyện của người nữ cán bộ suốt những năm chiến tranh hoạt động trong bưng biền bỗng một ngày được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH, khiến bà không khỏi bỡ ngỡ...

Bà Dương Thị Phủ, đại biểu Quốc hội khóa VI, với tấm thẻ đại biểu Quốc hội được bà gìn giữ rất kỹ
Bà Dương Thị Phủ, đại biểu Quốc hội khóa VI, với tấm thẻ đại biểu Quốc hội được bà gìn giữ rất kỹ

 

“Ngày ấy, trong các buổi tiếp xúc, người dân thường không chất vấn mà chỉ thiết tha dặn dò các ứng viên, là: Trong kháng chiến được dân che chở, lúc hòa bình rồi thì xin đừng quên dân”, một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở Cần Thơ nhớ về một “nhiệm kỳ đẹp” khi bà làm ĐBQH khóa VI - 1976.

“Dân không thương là mình chết”

Đã 83 tuổi, bà Võ Thị Ngọc Vân (ĐBQH tỉnh Hậu Giang - nay là các tỉnh thành Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng - các khóa VI, VII) nói thời gian đã lấy đi của bà rất nhiều câu chuyện. Trí nhớ lúc đặng lúc thất sợ không còn lưu lại những gì đã diễn ra của mấy mươi năm trước. Vậy mà, khi nghe nói về lần bầu cử đầu tiên khi hòa bình, thống nhất, mắt bà như rực sáng lên: “Thời đó đẹp lắm. Dân theo mình tuyệt đối...”.

Câu chuyện của người nữ cán bộ suốt những năm chiến tranh hoạt động trong bưng biền bỗng một ngày được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH, khiến bà không khỏi bỡ ngỡ. Bà Vân kể giữa khuya, bất ngờ người con rể của bà đang công tác tại Cần Thơ chạy xe về đón bà ở Thạnh Trị (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) nói “mấy cô mấy chú kêu con về đón mẹ ra ngoải họp”. Đến sáng, khi bà tới Cần Thơ thì đã có đông đủ tất cả các ứng viên được giới thiệu ra ứng cử “nghị sĩ” Quốc hội.

Sau đó, bà được giao làm trưởng đoàn ra mắt cử tri ở Sóc Trăng. Về các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị... nhiều người dân gặp lại bà đã không cầm được nước mắt. Bà Vân nói bà nhớ như in lời của những người dân từ 40 năm trước, khi bà về lại các xã Vĩnh Lợi, Mỹ Phước, Gia Hòa, Châu Hưng... đã có người khen như trách: “Không ngờ cô Tám được làm cán bộ lớn vậy rồi mà vẫn không thay đổi. Có người không được như cô...”.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI (năm 1976) cũng là lần bầu cử đầu tiên khi nước nhà thống nhất. Khi mà các khái niệm về quan hệ giữa cử tri với đại biểu chưa được những người dân hiểu nhiều như bây giờ. Tình cảm, tin tưởng của cử tri dành cho các ứng viên ĐBQH thường là tình quân - dân, cá - nước. Vừa qua khỏi chiến tranh, tình cảm ấy vẫn nguyên vẹn.

Bà Võ Thị Ngọc Vân nói lúc ấy, những ứng viên thường là những người bạn với nhau vừa bước ra từ kháng chiến. Cử tri có khi là những người đùm bọc, che chở cho họ trong những tháng năm lửa khói, nên việc bầu cử là sự tiếp tục gửi gắm niềm tin cho những người mà họ từng không tiếc bất cứ điều gì để ủng hộ trong cuộc đấu tranh cho đất nước độc lập, thống nhất.

Một vị cách mạng lão thành, là ĐBQH tỉnh Hậu Giang khóa VI, nhớ lại: “Lúc ấy, mỗi khi các ứng viên đi tiếp xúc cử tri thì địa phương đều thông báo và mời dân rất rộng rãi. Cử tri rất hăng hái đi nghe ứng cử viên phát biểu. Ở các buổi tiếp xúc, nhiều người dân đã cơm nước mang theo rồi đi bộ hàng chục cây số để nghe các ứng cử viên ĐBQH nói chuyện. Ngày ấy, đất nước mới “tiếp thu”. Mình mang lại hòa bình, yên ấm là đã đáp ứng mong mỏi của người dân lắm rồi”.

ĐBQH Võ Thị Ngọc Vân nhớ lại: “Hồi chiến tranh, mình ở trong cứ. Mỗi khi thấy có lính càn quét vào là biết đánh mình rồi. Chiều tối, người dân vùng ngoài mang theo thức ăn, quần áo chèo xuồng vào cứ thăm bộ đội... Ngày ấy nghe nói đến cán bộ thì người dân thương lắm. Dân không thương thì mình đã chết lâu rồi”.

“Dân thấy hết”

“Khi đó nhiều người dân chưa biết bầu cử là cái gì. Thú thật, tôi cũng không biết mình làm đại biểu là làm sao. Mình từ kháng chiến ra mà. Chỉ biết có tinh thần lo cho dân, đem quyền lợi cho dân... Nhưng cụ thể là gì thì mình chưa hình dung được. Lúc đó, chỉ có lòng tin là dù gặp phải chuyện gì, mình luôn với tinh thần vì dân thì mình sẽ làm được” - bà Dương Thị Phủ, ĐBQH tỉnh Minh Hải các khóa VI và VII, tâm sự.

Với bà và nhiều người dân vùng Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn... việc bầu cử Quốc hội là điều thiêng liêng, nhưng quá mới mẻ. Việc làm một ĐBQH lại càng mới mẻ hơn. Từ trong bưng biền, đâu có trường lớp nào dạy điều đó. Những gì bà được trang bị là một bầu nhiệt huyết, một tấm lòng luôn quan tâm làm những điều gì có lợi cho người dân thì làm.

“Lúc ấy chưa tan không khí thống nhất, nên đi đâu nhắc đến chuyện Bắc - Nam một nhà thì tinh thần người dân như có sóng”, bà Chín Phủ kể những lần tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, bà cũng thường báo cáo với người dân tình hình đất nước và hứa sẽ gần dân hơn nữa, hiểu dân hơn nữa và lo cho dân hơn nữa...

Những ngày đó, người dân đến tiếp xúc chủ yếu để nghe các ứng viên nói chuyện, tuyệt nhiên ít khi hỏi lại, nói chi chất vấn. Và họ nhen nhóm hạnh phúc bằng những hi vọng dựng xây, bằng những viễn cảnh mà các đại biểu vẽ ra về một đất nước đàng hoàng, bình yên. Người ta tiếp tục nuôi dưỡng hi vọng bằng những lá phiếu bầu ra đại diện cho mình ở một cơ quan mà họ được nghe rằng tại đó có quyền lực cao nhất.

Bà Chín Phủ nói những điểm bỏ phiếu trong ngày 25-4-1976 đều chật kín người. Trong xóm, nhà ai có ghe, có xuồng thì cho chòm xóm quá giang, rủ rê nhau cùng đi bầu. Có người khi được những người dân khác hối thúc đã bỏ cả bữa cơm mà đi bầu cử. Nhiều đơn vị bầu cử người dân đi bầu đạt đến 100%.

Bà kể ngày ấy chữ nghĩa ít, nhưng khi đi bầu cử dường như không có phiếu trắng, không có phiếu không hợp lệ. “Người dân chắt chiu với lá phiếu lắm. Có những người gói kỹ lá phiếu vào trong mấy lớp bọc nilông. Tới điểm bỏ phiếu mới cắc củm lấy ra cẩn thận.

Sau mấy chục năm, tới giờ vẫn còn những người giữ tấm thẻ cử tri thời đó để làm kỷ niệm” - bà Chín Phủ nói hình ảnh những người dân đi bỏ phiếu đầy nhiệt huyết đã in đậm trong bà trong suốt những nhiệm kỳ làm đại diện cho họ. Bà thấy được trách nhiệm lớn lao của một người đại biểu rất nặng, nặng tựa lòng tin mà người dân đã dành trọn cho những đại biểu của họ trong nhiệm kỳ Quốc hội mà bà cho là rất đẹp ấy.

Nhìn lại những ngày bầu cử năm 1976 ấy, mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Nở (Cần Thơ) bảo thời chiến thì cả cán bộ và người dân đều ở giữa lằn ranh sống - chết. Cán bộ vì lý tưởng, vì dân mà chiến đấu, họ đâu biết gì đến bổng lộc. Khi hòa bình rồi, bỏ phiếu cho ĐBQH, người dân cũng gửi gắm niềm tin là các đại biểu vẫn với tinh thần vì dân phục vụ.

“Nguyện vọng của cử tri thời đó là các đại biểu hãy gắn bó, gần dân, dũng cảm vì dân... Người dân thì trình độ khác nhau, nhưng đại biểu làm được gì thì người dân đều thấy, đều biết. Người dân chỉ sợ hòa bình rồi, có quyền lực trong tay rồi thì các đại biểu không còn giữ được tinh thần vì dân như thời chiến tranh gian khó. Dân sợ nhất là chính quyền xa rời dân, đại biểu quên mất người dân đã từng che giấu nuôi dưỡng, cưu mang họ như thế nào!” - mẹ nói.

Theo các ĐBQH khóa VI, chương trình hành động của các ứng viên thời đó cũng không bài bản, không nhiều hứa hẹn mà chủ yếu là giải đáp những lo lắng của người dân khi đất nước mới thống nhất, việc chăm lo học hành cho con cái, chính sách đất đai như thế nào... Hay những gia đình có thân nhân vượt biên bỏ trốn ra nước ngoài, họ lo lắng liệu có bị phân biệt đối xử hay không...

Một vị cách mạng lão thành nói: “Lúc đó người dân thiếu ăn, mình lo cái ăn, cái mặc, cái học cho dân... cực lắm. Nhưng mình lo được. Mình lo cho dân, rồi dân cũng thấy mình lo thiệt, nên người ta hài lòng. Người dân càng thương, càng tin thì càng nhiệt tình đi bỏ phiếu bầu người mình tín nhiệm”.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên