11/10/2015 15:58 GMT+7

Người hùng thủy điện

CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ
CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ

TT - Giữa lúc gần như tất cả các dự án lớn đều chậm tiến độ, xin tăng vốn thì các dự án thủy điện ông chỉ đạo thường vượt tiến độ. Thủy điện Sơn La xong sớm đến ba năm…

Tiến sĩ Thái Phụng Nê (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) giới thiệu với đoàn công tác Quốc hội về tiến độ thi công dự án thủy điện Sơn La năm 2006 - Ảnh: Vũ Lam
Tiến sĩ Thái Phụng Nê (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) giới thiệu với đoàn công tác Quốc hội về tiến độ thi công dự án thủy điện Sơn La năm 2006 - Ảnh: Vũ Lam

Đã hơn 80 tuổi, nhưng ông mới thật sự về hưu được hai năm. Từ năm 2001, khi đã 65 tuổi, ông được giao làm đặc phái viên thay mặt Thủ tướng điều phối xây nhiều công trình thủy điện lớn.

Xong thủy điện Sơn La, ông tiếp tục được giao tham gia chỉ đạo làm thủy điện Lai Châu khi đã 80 tuổi và chỉ thật sự về hưu vào năm 2013, sau khi từ chối nhận danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ hai. Ông là Thái Phụng Nê - nguyên đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ trong 13 năm...

Quyết theo phương pháp mới

Ai cũng biết thủy điện Sơn La lớn, làm nhanh. Nhưng để có kết quả nghe đơn giản ấy là cả chuỗi quyết định vượt mọi cân nhắc cho bản thân của những người làm thủy điện này, đặc biệt là ông Thái Phụng Nê.

Đầu năm 2004, Chính phủ duyệt dự án khả thi thủy điện Sơn La. Được phong Anh hùng khi làm thủy điện Hòa Bình, khi làm đặc phái viên Thủ tướng, ông Thái Phụng Nê biết rất rõ “sức nặng” các thủ tục hành chính.

“Theo chu trình bình thường sẽ phải mất ba năm để làm thiết kế kỹ thuật dự án” - ông Nê kể. Rồi phải chuẩn bị công trường: làm đường vào, san lấp mặt bằng, chuẩn bị điện nước...

Khâu này kinh nghiệm thủy điện Hòa Bình cũng mất ba năm. Người, xe đưa vào rồi mà cứ phải đợi đúng quy trình là “quá lãng phí”, ông Thái Phụng Nê đề nghị cơ chế đặc thù: chia nhỏ thiết kế kỹ thuật ra, cái nào đã nghiên cứu, tính toán chắc chắn thì làm trước.

Bộ máy đưa vào để chuẩn bị mặt bằng hàng ngàn người, ông đề nghị cho làm ngay một phần công trình chính. Nhiều người bảo “liều”, làm khi chưa xong thiết kế, nhưng ông chỉ đạo “thiết kế đã rõ, chỗ nào duyệt làm ngay chỗ ấy”.

Kết quả, đáng ra năm 2006 mới xong thiết kế kỹ thuật để bắt đầu thi công thì cuối năm 2005, VN đã có thể khởi công chính thức thủy điện Sơn La với đầy đủ hạ tầng phục vụ thi công, có thể chính thức ngăn sông làm đập.

Vượt được quy trình cũ nhưng thử thách đến rất nhanh. Trước khi làm lễ ngăn sông, nhân lực được tập trung làm đê quai để dẫn dòng nước chảy chệch đi, lấy vị trí làm hố móng xây đập thủy điện.

Mặc dù đã cuối năm 2005 nhưng bỗng sông Đà có lũ bất thường. Nước ầm ập chảy về với lưu lượng trên 3.000 m3/s. Đê quai có nguy cơ vỡ. Mà như thế toàn bộ máy móc, người xe ở trên đê và hố móng phía dưới có nguy cơ bị cuốn phăng.

“Nước lên nhanh lắm, réo ầm ầm. Anh em đề nghị ông Thái Phụng Nê phải rời đi nhưng ông kiên quyết cứ đứng trên đê quai, yêu cầu gia cố, nâng cao mặt đê” - một lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà, nhà thầu chính, kể và nhớ lại “có lúc xe cộ chỉ dừng một chút vì một xe cẩu đứt xích chắn đường mà nước đã tưởng tràn mặt đê. Ông Nê cứ đứng đó lệnh hất xe cẩu sang một bên. Thế là anh em cứ thế làm, không ai chạy. Nếu không cố thì đê chắc chắn vỡ rồi”...

Bài toán lớn nhất với những người làm thủy điện Sơn La là làm đập kiểu gì? Một đập cao bậc nhất VN, tới 138m - tương đương tòa nhà 45 tầng - và phải chịu được áp lực nước lớn, phải tính để nó vượt được các con lũ lịch sử buộc những người làm công trình đặt mục tiêu an toàn là số 1.

“Có người nói thủy điện Hòa Bình mà vỡ thì xe tăng ở Phú Thọ sẽ... bay ra biển. Mà thủy điện Sơn La vỡ thì Hòa Bình cũng nguy”. Tuy nhiên, thế giới đã có nước làm đập theo công nghệ bêtông đầm lăn (chỉ tốn khoảng 60kg ximăng cho 1m3 bêtông trong khi công nghệ đầm dùi hiện hành mất tới 220kg).

Chưa hết, làm công nghệ đầm dùi một tháng mới chỉ nâng được thân đập thêm 4,5m, trong khi công nghệ đầm lăn nâng thêm 9m...

Thời điểm 2006 - 2007, VN đứng trước áp lực thiếu điện. Người dân nhiều nơi bị cắt điện luân phiên. Đặc biệt, rút ngắn thời gian thi công được giờ nào, giảm được chi phí giờ đó. Rất nhiều ý kiến phân vân, thậm chí phản đối quyết liệt việc làm đập lớn nhất VN bằng công nghệ đầm lăn - hoàn toàn chưa có kinh nghiệm.

“Phản đối cũng đúng thôi vì nó tiết kiệm ximăng như thế, sợ là phải” - ông Nê kể... Mặc dù cứ làm cách cũ chẳng ai bảo sao, không lo trách nhiệm, tuy nhiên ông Thái Phụng Nê kiên quyết làm theo công nghệ mới.

Làm bêtông đầm lăn, điều kiện tiên quyết ở miền Bắc phải có tro bay. VN không đâu có sẵn loại tro này. Năm 2008, ông Nê kể tại cuộc họp, bộ trưởng Bộ Xây dựng nói: “Thôi được rồi, tôi đồng ý tất cả, nhưng tro bay anh lấy ở đâu ra?”. Nghe câu này, ông Nê bảo: “Huyết áp của tôi lúc đó lên cao lắm, vì đúng là tôi chưa biết lấy từ đâu”.

Sau quá trình thử nghiệm đã tìm ra phương pháp sản xuất tro bay. Nhưng chưa đủ, để chứng minh bêtông đầm lăn đạt cường độ thiết kế, đảm bảo an toàn, ông Thái Phụng Nê chỉ đạo phải làm bãi thử nghiệm ngay cạnh đại công trường theo quy trình quốc tế.

Tại đây, phải đổ bêtông y như thật. Sau 60 ngày, 90 ngày, 180 ngày phải khoan lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng...

“Sau bao nhiêu căng thẳng, thất bại, cuối cùng công nghệ bêtông đầm lăn chính thức được áp dụng thành công tại VN” - ông Nê cười nói. Và kết quả, đập thủy điện Sơn La đáng ra làm trong năm năm thì chỉ hơn ba năm đã hoàn thành.

Nâng công suất tổ máy, hạ giá thành xây lắp

Theo ông Thái Phụng Nê, thủy điện Sơn La thật ra được thiết kế không phải với sáu tổ máy như hiện nay, mà đến tám tổ máy 300MW. Mà mỗi tổ máy mất ít nhất sáu tháng mới lắp xong. Nếu làm tám tổ, riêng thời gian lắp đã mất bốn năm.

Sau khi bàn, ông Thái Phụng Nê quyết định chấp nhận đề xuất: lắp sáu tổ, nâng công suất mỗi tổ lên 400MW. Nghe thì đơn giản nhưng giữa 300MW và 400MW khác nhau một thiết bị bằng cả... cái nhà. Kiện hàng nặng nhất tới 280 tấn (bằng tải trọng của bảy xe container lớn cộng lại), đường miền núi, đưa lên cách nào?

Nhưng ông Nê vẫn quyết làm sáu tổ máy. “Sáu tổ máy là sáu cuộc trường chinh, việc vận chuyển thiết bị thành công là một minh chứng cho nội lực, sự sáng tạo của những người làm điện” - ông Hồ Sỹ Bảo, phó trưởng ban quản lý xây dựng của EVN - người trực tiếp phối hợp để vận chuyển thiết bị, tự hào.

Đến giờ phút trọng đại là phát điện tổ máy số 1, ông Thái Phụng Nê kể có những sự cố... đáng sợ chứ không phải “ngon nghẻ” như mọi người tưởng. Đó là vào đầu tháng 11-2010, trước ngày phát điện tổ máy 1, các cán bộ phải cho chạy không tải tổ máy. Nước nạp đầy đường ống áp lực.

Tổ máy hàng trăm tấn dần chuyển động, rồi quay đều. Nhưng chưa kịp mừng, bỗng... khói phát ra từ ổ trục. Thót tim. Lý do: trục rôto bị bó.

Ngồi nghĩ lại quá nhiều thách thức ở thủy điện Sơn La, ông Nê giờ bình thản: “Nhiều công đoạn chúng ta làm với thời gian đáng kinh ngạc, ngay cả với những chuyên gia nước ngoài. Tôi nghĩ người VN mình có thể làm được nhiều kỳ tích, ngay cả trong thời bình. Vấn đề là phải quyết tâm và tạo cảm hứng cho họ”...

Với tinh thần “như đánh trận”, tận dụng mọi cơ hội, thủy điện Sơn La hoàn thành vào năm 2012, trước tới ba năm so với kế hoạch. Điện dồi dào hơn, góp phần loại bỏ hẳn khả năng cắt điện luân phiên lúc đó.

“Sớm ba năm, mỗi năm phát được khoảng 7.000 tỉ đồng tiền điện, làm lợi cho đất nước khoảng 21.000 tỉ đồng. Nhưng tôi đề nghị trừ các khoản, chỉ báo cáo làm lợi khoảng 10.000 tỉ đồng thôi” - ông Thái Phụng Nê cười.

Và vẫn nụ cười đó, ông giải thích lý do từ chối nhận danh hiệu Anh hùng lao động lần 2: “Tôi đã có danh hiệu ấy sau khi làm xong thủy điện Hòa Bình và Ialy rồi”.

Theo ông Nê, rất nhiều anh em làm điện còn trẻ, có thể bình thường ta thấy họ là anh công chức làm công ăn lương, nhưng công bằng mà nói, ẩn sâu trong con người đó là tinh thần VN, với quyết tâm vượt khó, nhẫn nại và đầy hào khí anh hùng. Nên động viên, để dành danh hiệu này cho họ...

Các chức vụ đã qua của ông Nê

* 1964-1971: trưởng phòng kỹ thuật dự án công trình thủy điện Thác Bà.

* 1975-1989: giám đốc ban quản lý dự án công trình thủy điện Hòa Bình.

* 1990-1992: trợ lý bộ trưởng Bộ Năng lượng.

* 1992-1995: bộ trưởng Bộ Năng lượng.

* 1996-1998: chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

* 1998-1999: Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, khi bộ này sáp nhập với Bộ Năng lượng.

* 1999-2001: Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

* 2001-2013: phái viên Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thái Phụng Nê chúc mừng đơn vị lắp máy hoàn thành hạ rôto tổ máy số 1 - Ảnh: Hà Bắc
Ông Thái Phụng Nê chúc mừng đơn vị lắp máy hoàn thành hạ rôto tổ máy số 1 - Ảnh: Hà Bắc

Tất cả vì công trình

Khi làm gần xong thủy điện Sơn La, ông Nê được giao làm thủy điện Lai Châu. Nhưng đến năm 2010 thì các ngân hàng... thiếu vốn, lãi suất tăng vọt lên đến 22%. “Có tháng EVN chỉ cấp được 40 tỉ đồng, trong khi nhu cầu phải 200 tỉ đồng” - ông Nê nhớ lại.

Công nhân bị nợ lương 6 - 7 tháng liền, chỉ có đủ tiền cho họ ăn để cầm cự. Thẳng tính, ông phải xẵng giọng với một vị lãnh đạo cấp rất cao: “Anh cứ bảo thẳng là không có tiền, tôi sẽ tuyên bố dừng thi công”. Rất may, sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên thị sát, tuyên bố “anh cứ lo điều hành trên này, tiền là việc của tôi”. Tháng 10-2011, lần đầu tiên Quỹ bảo hiểm xã hội cho EVN vay 6.000 tỉ đồng. Công nhân có lương, năng suất tăng gấp đôi, vượt mọi yêu cầu tiến độ...

CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên