26/07/2015 09:45 GMT+7

Người nữ thương binh đền ơn cuộc đời

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Đã gần chạm ngưỡng thất thập cổ lai hi nhưng bà 
Lại Thị Kim Túy (ngụ P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - thương binh 4/4, nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn ngày nào - vẫn năng động, lẹ làng dù bản thân đã hai lần mổ cột sống.

Bà Lại Thị Kim Túy - Ảnh: Mai Hương

Từ ngày về hưu, bà bỏ công đi tìm lại đồng đội, cơ sở cách mạng ngày xưa để giúp đỡ, cưu mang. Bà được TP, quận, phường tặng nhiều giấy khen và được tuyên dương người tốt việc tốt cấp TP.

Trong căn nhà lúc nào cũng ồn ã tiếng xe chạy ngoài đường, bà Túy ngước mặt lên trần nhà, chớp nhanh đôi mắt đỏ hoe khi nhớ đến những người đã nằm xuống.

Sáu tấm bằng Tổ quốc ghi công của cha, ba anh trai, một em gái và chồng, 38 đồng đội cùng đơn vị đã ngã xuống trước mắt bà trong chiến dịch Mậu Thân, những mảnh đời cơ cực của con, cháu liệt sĩ sau ngày giải phóng luôn là động lực để bà vượt qua bệnh tật, tuổi già để làm công việc trả ơn cuộc đời.

Khi tôi quyết định nhập hộ khẩu cho mẹ con, bà cháu mẹ Cúc vào nhà mình, nhiều người bảo tôi nhiệt tình thái quá, muốn giúp thì cho họ ít tiền là được rồi, sao phải rước vô ở trong nhà. Tôi cười, nghĩ là đã thương, đã giúp thì phải giúp cho đến tận cùng mới thôi

Bà LẠI THỊ KIM TÚY

Chuyện mẹ Cúc

Năm 1992, trước lúc lâm chung, mẹ của bà Túy còn dặn bà: “Sáu à, sau này dù thế nào con cũng phải ráng tìm mẹ Cúc...”.

Mẹ Cúc là người đồng hương Long An với gia đình bà Túy. Trước năm 1975, bà Túy tham gia cách mạng, phụ trách công tác Đoàn thanh niên của xã Tân Mỹ, H.Đức Hòa, tỉnh Long An. Mẹ Cúc có ba con trai, hai con trai lớn đã hi sinh, còn con trai thứ ba tên Minh (mới 17 tuổi).

Bà Túy nhớ: “Có một ngày, Minh đến gặp tôi, nói muốn đi bộ đội. Tôi băn khoăn khi nhà em đã có hai liệt sĩ thì Minh dứt khoát: "Chị không cho em đi, mai mốt có đơn vị nào đi qua đây, em cũng trốn theo". Thấy em tha thiết quá, tôi đồng ý. Minh đi được đúng một tuần thì hi sinh. Cha Minh hay tin, ngày ngày đi kiếm tôi để... bắt đền. Nhớ ánh mắt thiết tha tuổi 17 của Minh, tôi ân hận mãi”.

Mấy năm sau giải phóng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình mẹ Cúc chuyển chỗ ở nhiều lần nên bà Túy mất liên lạc. Lo hậu sự cho mẹ mình xong, bà Túy xin nghỉ phép để đi tìm mẹ Cúc.

Tìm mải miết đến ngày thứ tám thì gặp được mẹ ở khu vực biên giới Tây Ninh. Mẹ Cúc đã yếu lắm, nằm co rút trong nhà, không ăn uống được. Bà Túy đón mẹ lên TP điều trị, đưa cả con gái và hai cháu ngoại của mẹ đi theo, cho ăn ở trong nhà mình như người ruột thịt.

“Khi tôi quyết định nhập hộ khẩu cho mẹ con, bà cháu mẹ Cúc vào nhà mình, nhiều người bảo tôi nhiệt tình thái quá, muốn giúp thì cho họ ít tiền là được rồi, sao phải rước vô ở trong nhà. Tôi cười, nghĩ là đã thương, đã giúp thì phải giúp cho đến tận cùng mới thôi” - bà kể.

Phụng dưỡng được năm năm thì mẹ Cúc mất. Bà Túy tiếp tục cưu mang con cháu của mẹ Cúc - giới thiệu việc làm, đưa đi chữa bệnh (các cháu bị nhiễm chất độc da cam).

Được một thời gian, con gái của mẹ Cúc là chị Hoàng Thị Ghì có nguyện vọng xin về quê, bà Túy góp tiền và vận động thêm bạn bè đóng góp xây cho chị Ghì một căn nhà tình nghĩa tại quê nhà.

Em Nguyễn Thị Nhựt, cháu ngoại mẹ Cúc, vừa kể vừa khóc: “Ngoại bệnh, cô Túy rước ngoại về nuôi. Ngoại mất, cô giúp vốn, xây nhà cho mẹ con em, giúp em xin việc. Giờ mẹ và em trai em đều bị bệnh, tốn kém nhiều lắm. Nhà chỉ có mình em đi làm. Cô lo cho mẹ con em như người ruột thịt. Không có cô, không biết mẹ con em sẽ ra sao...”.

Sống để trả ơn

Bà Túy “kê khai” thu nhập hằng tháng của mình: tiền lương hưu, trợ cấp thương binh, trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, tiền thờ cúng liệt sĩ... cả thảy được khoảng 8 triệu đồng/tháng. Hầu như toàn bộ thu nhập đó bà đều dành làm công tác xã hội.

Năm 2003, cùng với các đồng đội ở CLB Truyền thống kháng chiến khu Sài Gòn - Gia Định, bà đóng góp và vận động được tổng cộng 250 triệu đồng xây trường mẫu giáo đạt chuẩn ở Long An - nơi ngày xưa người dân đã dang tay đùm bọc, chở che cho bà khi hoạt động cách mạng. Xây được cái trường rồi, bà lại góp thêm tiền cắc củm mua tặng quạt máy, bàn ghế.

Với vai trò là bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành khu phố, tổ trưởng dân phố, chủ nhiệm CLB Nữ cựu chiến binh, bà Túy vận động xây nhà tình nghĩa cho vợ liệt sĩ, nhà tình thương cho hộ nghèo, chăm lo cho các cháu nhỏ tàn tật, chăm sóc các cựu chiến binh già yếu, ủng hộ gạo cho anh em dân phòng, tặng sổ bảo hiểm y tế cho người nghèo, tặng quà tết...

Có lần gặp lại đồng đội cũ đang bị bệnh có khả năng lây nhiễm mà lại không có nhà để ở, bà không ngại đưa luôn về nhà chăm sóc. Năm nay gần 70 tuổi mà tối tối bà còn đi quanh các chốt dân phòng trong khu phố để nhắc anh em tuần tra, canh giữ giấc ngủ cho bà con.

Gặp bà những ngày trước dịp 27-7, thấy lúc nào bà cũng tất bật: chạy đi mua mấy trăm cuốn tập chuẩn bị cho chuyến về nguồn tặng quà cho con, cháu gia đình chính sách, chuẩn bị bài nói chuyện để tham gia giao lưu truyền thống tại quận, đi thăm cơ sở cách mạng, lên nghĩa trang thắp nhang cho ba má và các anh em, đồng đội.

Bà tâm sự: “Không riêng gì ngày 27-7, mỗi khi thấy mệt, thấy buồn, thấy cô đơn, tôi lại mua thiệt nhiều hoa, chạy lên nghĩa trang ngồi một mình bên mộ những người thân trong gia đình. Ngồi tới chừng nào hết buồn thì lại về, lại cuốn mình theo công việc. Con gái tôi nhằn, nói mẹ phải dành thời gian nghỉ ngơi đi. Nhưng nghỉ làm sao được khi thấy xung quanh mình đồng đội, con em họ còn cơ cực quá. Có lẽ tôi chỉ nghỉ khi nào nhắm mắt”.

Lời hứa với người đã khuất

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 13 tháng giêng âm lịch, phía sau chợ Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, trong một con hẻm sâu trên đường Nguyễn Văn Yến diễn ra lễ giỗ của 38 chiến sĩ biệt động. Năm nào bà Túy - một trong sáu chiến sĩ còn sống sót trong trận đánh Tết Mậu Thân ấy - cũng có mặt...

Đã 47 năm trôi qua, nhiều chiến sĩ nằm xuống vẫn chưa quy tập hết hài cốt, với bà đó là một món nợ ân tình quá lớn. Bà Túy đã bỏ công xác minh và cung cấp danh sách 23/38 liệt sĩ để chính quyền ghi trên bia mộ. Tâm nguyện của bà là từ nay đến cuối đời phải tiếp tục xác minh danh tính và tìm kiếm hài cốt của những liệt sĩ còn lại.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên