18/05/2015 11:00 GMT+7

Lần đầu chúng tôi gặp “Ông Cụ”

Một người đi dự hội nghị (Báo Cứu Quốc Chi nhánh Liên khu IV số 3, ngày 19-5-1949)
Một người đi dự hội nghị (Báo Cứu Quốc Chi nhánh Liên khu IV số 3, ngày 19-5-1949)

TT - Chúng ta đã từng nghe, từng đọc rất nhiều câu chuyện về tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với một con người đã “làm đảo lộn bản đồ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương".

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu từ Nam bộ,năm 1949 - Ảnh tư liệu

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác, Tuổi Trẻ xin đăng lại một vài câu chuyện như thế, cũng là nguyên văn những bài báo mấy mươi năm trước (từ cuốn sách Một số tư liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu Quốc, do nhà nghiên cứu Vũ Văn Sạch sưu tầm và chỉnh lý, Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM ấn hành năm 2014). 

Chúng tôi đi dự Hội nghị văn hóa toàn quốc họp ở thủ đô 1946. Trong chương trình thấy có nói rằng Hồ Chủ tịch sẽ đến khai mạc hội nghị. Anh em Trung bộ từ ngày cách mạng đến nay làm thơ về Cụ, viết tùy bút về Cụ, bàn luận, suy tưởng về Cụ nhưng đã ai được thấy Cụ đâu!

Đã thế, những người ở Bắc vào lại tả nào Cụ thế này, nào Cụ thế khác. Người bảo: "Cụ có cái răng gãy", người bảo: “Mắt Cụ có hai con ngươi”, người bảo: "Cụ nói tiếng Nghệ”...

Chúng tôi muốn tìm hiểu chính sách, thân thế, tâm hồn Hồ Chủ tịch đã đành, chúng tôi muốn biết cả những điều tỉ mỉ vụn vặt về hình dáng Cụ nữa.

Thành ra anh em Trung bộ lúc bấy giờ lại có một ý định táo bạo hơn: xin yết kiến Hồ Chủ tịch. Chắc là được, vì thế nào mà Cụ chả cho. Chúng mình là Trung bộ, Nam bộ ở xa, nên chắc rằng Cụ rất yêu mình.

Đến Hà Nội đang lúc xảy ra chuyện Hải Phòng! Tin tức chiến sự ở cảng dồn dập về. Người tản cư ở cảng dồn dập tới. Sắp đánh nhau mất thôi! Có người đã báo tin: hội nghị sẽ họp một ngày.

Cụ sẽ không đến! Còn thăm Cụ nhất định là không được rồi!

Không nói được sự buồn, chán của anh em lúc ấy. Nhưng còn nước còn tát, chưa có tin gì chính thức thì chắc là tin nhảm, anh em lại gắng lòng chờ.

Sáng mai hội nghị!

...Hơn 300 con người ngồi chật ních Nhà hát lớn. Xôn xao bàn tán về chuyện Hải Phòng, thầm thì nhỏ to về chuyện Cụ đến hay không đến. Thì ra anh em ở Bắc cũng nhiều người chưa thấy mặt Cụ bao giờ.

Nhưng nhất là anh em mong thấy mặt Cụ hôm nay giữa hai cái không khí căng thần của Hải Phòng và cởi mở của hội nghị.

Chờ đợi, nhốn nháo, đợi chờ...

Có tiếng xe đến bên ngoài. Có tiếng giày hấp tấp chạy trên các thềm. Tiếng kèn thổi gấp, tiếng súng bồng lên chào...

Thôi Cụ đến rồi! 300 con người ở trong phòng quay hẳn đầu lại.

Ghế kêu lên răng rắc.

Nhưng chỉ là cụ Huỳnh.

Phòng lại bắt đầu chờ, nhưng lần này im lặng hơn...

Bỗng xe lại ồ, kèn lại thổi... Tiếng người bên ngoài lại ồn ào... Lần này Cụ đến thật. Lặng lẽ hơn lần trước, 300 con người đứng lên từ từ quay về phía sau. Kìa, Cụ đang nhanh nhẹn đi vào, giữa hai dãy ghế, quay qua bên tả bên hữu chào tất cả mọi người. Lên đến hàng đầu, dãy các quan khách, Cụ đưa tay bắt từng người. Chúng tôi nín thở theo dõi Cụ từng cử chỉ một.

Vị Chủ tịch một nước đó sao? Sao mà giản dị, hiền lành đến thế. Nhưng quả thật là Cụ Hồ rồi. Có một cái gì tao nhã, thanh đạm, một cái gì phương Đông bao tỏa ra khắp gian phòng. Lòng chúng tôi dịu nhẹ. Chuyện Hải Phòng sao mà xa! Đó chỉ là tiếng ồn nhột nhạt của xe cộ bên ngoài.

Ban tổ chức báo tin: Hồ Chủ tịch lên khai mạc. Những người ở các hàng ghế sau đã vội nhón chân, nhổm người...

Bỗng nhiên tôi đâm ghét những người bước lên diễn đàn, mặt vênh vênh, dáng lấc cấc. Mấy người ấy đến đây để học lấy cách đi của Cụ. Kìa sao mà hiền hậu đến thế! Có một cái gì trang trọng làm ta mến kính, nhưng cũng có một cái gì hồn hậu làm ta thương thương

Cụ bắt đầu nói. Lời giản dị. Giọng khàn khàn. Thỉnh thoảng Cụ dừng lại ho khe khẽ. Không phải là một bài diễn văn. Chỉ là một câu chuyện thân mật trong gia đình... Anh em không cần ngồi nghiêm nữa. Có người đã xòe quạt ra quạt. Có người đã châm thuốc hút. Không khí càng thân mật, nhất là lúc Cụ nói qua chủ nghĩa tả thực.

Cụ đang nói: "Chúng ta phải theo chủ nghĩa tả thực, chữ Tây gọi là...”. Bỗng cụ quên. Quay xuống thính giả Cụ hỏi với:

"Gọi là Réalisme phải không nhỉ?".

- Vâng

Cả phòng đáp lại, và cả phòng đều muốn xích gần tới trước. Quên một chữ Pháp thông thường và lại hỏi cả những người đến để nghe mình dạy bảo? Thành thực bao nhiêu. Thì ra con người này, đã biết thông hàng chục thứ tiếng nước ngoài, đã viết những quyển sách bằng tiếng Pháp được hoan nghênh đặc biệt, vẫn suy nghĩ bằng tiếng Việt Nam, diễn đạt bằng lời chữ Việt Nam. Chúng tôi càng kính trọng Cụ thêm ở cái quên chữ nước ngoài ấy.

Vẫn ở đoạn nói về tả thực, Cụ bảo: "Năm ngoái tôi có đi xem phòng triển lãm thấy có những bức tranh đàn bà ở truồng. Đàn bà ở truồng cũng nên vẽ đấy, nhưng để lúc khác thì hơn. Bây giờ đang nạn đói kia mà!".

Cả phòng cười ồ lên!

...

Cụ tiếp tục diễn thuyết. Anh em yên lặng nghe. Tôi thấy ấm cúng, tôi thấy đầy đủ. Chung vui ở đây sao còn mong gặp riêng ở đâu. Mà Cụ Hồ gặp riêng ở phòng khách cũng chỉ là Cụ Hồ ở đây thôi, cũng giản dị, hiền lành, thân yêu đến thế...

Tình thế bây giờ lại chưa biết sẽ bùng nổ chiến tranh lúc nào. Thì giờ của Cụ quý từng phút. Cụ đến đây là quá lắm rồi, sao còn có ý định đến yết kiến làm mất thì giờ Cụ nữa?

Tất cả anh em Trung bộ đều nghĩ thế. Và biết rằng chỉ gặp Cụ ở đây thôi, chúng tôi càng chăm chú vào Cụ hơn, nhìn từng dáng điệu, lắng nghe từng câu nói...

1949. Đã ba năm qua. Hình ảnh ấy vẫn còn rõ ràng. Giờ phút này đang viết đây, tôi như thấy Cụ ở trước mặt. Mà tất cả ai ai, ngày sinh nhật này cũng thấy Cụ trước mặt. Dù chưa gặp Cụ, dù chưa đọc bài văn nào tả Cụ bao giờ. Bởi vì Cụ Hồ không phải là một người chúng ta cần gặp hay được nghe tả mới thấy.

Cụ như một thứ tinh thần, một luồng tình cảm bàng bạc trong không gian. Cái mơ hồ bàng bạc ấy ta hấp vào lòng sẽ tạo thành một hình ảnh rất rõ ràng, rất thân yêu: “Ông Cụ”.

____________

Kỳ tới: Người thăm dân, dân thăm Người

Một người đi dự hội nghị (Báo Cứu Quốc Chi nhánh Liên khu IV số 3, ngày 19-5-1949)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên