01/05/2015 10:30 GMT+7

Một Stade de France khó quên

HÀ QUANG MINH
HÀ QUANG MINH

TT - Nước Pháp luôn thu hút đối với tôi. Có lẽ vì đa số sách ngoại văn mà tôi đọc đều có xuất xứ từ đất nước hình lục lăng ấy…

Các cổ động viên của tuyển Pháp - Ảnh: Hà Quang Minh

Năm 2014, tôi đặt chân xuống phi trường Charles de Gaulles vào một ngày đầu tháng 9. Chuyến đi Pháp lần thứ hai trong đời này của tôi đã không được hoạch định từ sớm như chuyến đi lần đầu hồi năm 2012. 

Nếu ở lần đầu tiên tôi có gần bốn tháng để chuẩn bị, để lên kế hoạch sẽ gặp gỡ những ai, làm những việc gì, đặt mua vé xem trận bóng đá nào thì ở lần đi vội vã này, tôi chỉ được biết mình sẽ có mặt ở Paris - Berlin - Prague trước khi lên máy bay có hơn một tuần. 

Hà Quang Minh là một nhân vật “lạ”. Lạ ở chỗ anh thành danh ở cả hai lĩnh vực tưởng như chẳng ăn nhập gì với nhau: nhạc sĩ và nhà báo thể thao! Với nghề viết báo thể thao, anh có lẽ là phóng viên Việt Nam duy nhất phỏng vấn được Deschamps - đương kim HLV đội tuyển Pháp, chủ nhà của Euro 2016. Hà Quang Minh vừa gửi đến Tuổi Trẻ loạt bài kể về những lần đến với Les Bleus (biệt danh của đội tuyển Pháp) và bóng đá xứ sở này…

Khán giả mới là VIP

Nhưng không hiểu sao ý nghĩ "tại sao mình có thể tản bộ trên đường phố Paris trong khi Les Bleus lại đang chơi bóng trên sân Stade de France?"  tiếp tục đeo bám tôi, thôi thúc tôi kiếm tìm một cơ hội cuối.

Và rồi, không ngại ngần gì, tôi gọi điện cho người bạn, bình luận viên Stephane của Canal Plus, đề nghị anh tìm cách đưa tôi vào sân.

“Khó đấy Minh. Gấp gáp quá. Tớ sẽ thử mọi cách xem sao. Nhưng cậu cứ gọi cho Phillipe một tiếng nhé" - Stephane nói. Tôi lập tức liên lạc với Phillipe, người phụ trách truyền thông và báo chí của Didier Deschamps.

“Hô hô hô, chào anh bạn. Sao không liên lạc với tôi từ hồi còn ở Việt Nam? Bây giờ thì căng đây. Nhưng để tôi xem sao. Có gì tôi sẽ thông báo qua Stephane nhé” - Phillipe trả lời.

Ông vẫn thế, hồn hậu, đúng kiểu một đồng nghiệp. Phillipe từng là phóng viên thể thao kỳ cựu của tờ L’Equipe cho đến hết World Cup 1982, thời điểm Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) mời ông về làm việc. 

Lúc ấy là 10g sáng 4-9. Vậy mà không ngờ khoảng 4g chiều, khi đang tản bộ ở Louvres thì tôi nhận được điện thoại từ Stephane.

“Minh, đang ở đâu? Lên ngay Stade de France nhé. Gấp. Tớ đang trên đường. Có một vé cho cậu đấy. Tới sân gọi tớ”. Tôi không kìm nổi nỗi vui sướng bất ngờ và chạy như bay về phía ga metro.

Trong đầu tôi lúc ấy chỉ còn là hình dung về đường đi và thời gian. “OK, mình có hơn chục phút để về nhà chị, ở Place d’Italie. Chạy lên nhà lấy máy chụp hình, chắc khoảng 20 phút. Lấy RER (tàu điện tốc hành) đi Stade de France chắc mất khoảng 45 phút. Tổng cộng sẽ mất khoảng 90 phút để tới đó. Kịp chắc”.

Tôi làm tất cả răm rắp theo đúng như trong đầu vừa vạch ra. Không quên khoác lên mình cả chiếc áo của Les Bleus, tôi có mặt đúng lúc 18g15, vẫn còn sớm 45 phút so với giờ bắt đầu buổi tiếp tân.

Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến Stade de France là sự thư thái đến lạ lùng, không phải vì tôi sẽ được xem Les Bleus đá với Tây Ban Nha mà vì sự tiện lợi của đường đi bộ rộng rãi từ nhà ga đến cửa sân vận động. Tôi quan sát tất cả những khán giả Pháp đang đổ vào sân, đặc biệt chú ý đến màu sắc, nụ cười, ánh mắt họ.

Theo chỉ dẫn của Stephane, tôi tới gặp anh ở cổng T, cuối vòng sân. Quen suy nghĩ mỗi khi tới sân vận động Việt Nam, tôi tặc lưỡi nghĩ: “Ừ, chắc giờ chót rồi, nên kiếm được tấm vé rất khó. Khán đài nào cũng quý cả”. Rốt cuộc tôi nhầm to. 

Cổng T, cổng cuối sân, chính là cổng VIP, cổng dành riêng cho khách mời danh dự của FFF. Và điều đó khiến tôi quá bất ngờ.

Như vậy khán giả, những người bỏ tiền ra mua vé, sẽ đi quãng đường ngắn hơn để vào thẳng khán đài của mình trong khi quan chức, khách quý của FFF phải đi đoạn đường vòng xa hơn hẳn. Có lẽ với người châu Âu, khán giả mới là VIP thật sự khi được ưu đãi bằng những thứ chi tiết đến thế.

Toàn cảnh sân Stade de Frane - Ảnh: Hà Quang Minh

Nhớ danh thủ Tam Lang…

“Chào Minh, khỏe chứ? Cậu may mắn đấy nhé. Đây, David Friio, anh ấy đang làm việc cho Manchester United, anh ấy sẽ ngồi cùng cậu" - Stephane giới thiệu nhanh tôi với một người đàn ông điển trai. Friio, à, phải rồi, cựu cầu thủ của Nottingham Forest. Bây giờ anh ta đang làm tuyển trạch viên tại thị trường Pháp cho M.U.

Một điều khá ngạc nhiên khác là tôi được khá nhiều nhà báo thể thao Pháp hỏi về tuyển U-19 Việt Nam. Họ có vẻ ấn tượng với đội bóng ấy của chúng ta và tỏ ra quan tâm rất nhiều.

Có lẽ điều đó cũng dễ hiểu vì chính những người Pháp chứ không ai khác đã giúp bầu Đức gầy dựng Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG. 

Bữa tiệc buffet dành cho quan khách thật sự là một bất ngờ khác nữa dành cho riêng tôi. Quá nhiều cựu danh thủ, huyền thoại bóng đá Pháp có mặt ở đó và tôi gặp lại cả những người quen cũ mà mình đã gặp trước đó hồi năm 2012...  

Pháp - Tây Ban Nha là trận mở màn mùa bóng 2014 - 2015 của đội tuyển Pháp. Và khởi đầu trận cầu đó, tất cả danh thủ Pháp từ những thế hệ xa lắc của Jean Tigana, Luis Fernandes… cho tới thế hệ Wiltort, Desailly đều được mời xuống sân vinh danh, nhận lời cảm ơn từ những người điều hành FFF cũng như nhận món quà mang tính biểu tượng.

Đó là mỗi người một tấm áo đấu phiên bản trận Pháp - Tây Ban Nha với chính số áo, tên của họ trên lưng.

Nhìn họ, tôi chợt nghĩ đến một người mới nằm xuống của bóng đá Việt Nam là danh thủ Tam Lang. Tự nhiên tôi ước gì ông đã từng nhận được một tấm áo như thế, bên cạnh những đồng nghiệp lừng danh của ông, ở một trận cầu giao hữu khởi đầu năm mới của đội tuyển VN.

1-0, Pháp đã vượt qua Tây Ban Nha một cách thuyết phục. Tôi cẩn thận ép chặt chiếc vé kỷ niệm vào cuốn brochure giới thiệu mùa bóng mới của tuyển Pháp. Đó là một brochure đẹp, không hề có quảng cáo nào ngoại trừ của nhà tài trợ áo đấu Nike. Sực nhớ đến những kiốt nhỏ bán đồ lưu niệm của Les Bleus ở ngoài sân, tôi càng thấy nể phục tính chuyên nghiệp của họ hơn. 

Ở đó, ngoài những chiếc áo hàng hiệu trị giá cả trăm euro, FFF còn bán những chiếc áo dạng hàng thương mại rẻ tiền.

Đó chỉ là chiếc áo thun thông thường như những chiếc áo thun bất kỳ mà ta có thể tìm mua được ở bất kỳ nơi nào tại Sài Gòn, nhưng trên ngực áo vẫn có logo con gà trống Gaulois của FFF và sau lưng áo là tên cầu thủ. Chỉ chưa tới 10 euro cho một chiếc áo như thế và tôi mua liền một chiếc, với cái tên cầu thủ trẻ mà tôi đang theo dõi khá kỹ: Antoine Griezmann.

Dòng người giải tỏa khỏi Stade de France rất nhanh khi những tình nguyện viên liên tục hướng dẫn cho họ rằng đi tàu điện ngầm từ Stade de France về trung tâm Paris lúc ấy là miễn phí.

Tôi hòa vào họ, nhìn ngắm những cậu bé được cha mẹ dẫn đi cùng. Chúng xúng xính trong màu áo đội tuyển mà chúng yêu, với những nét vẽ quốc kỳ Pháp trên gương mặt hồn nhiên... 

_________

Kỳ tới: Gặp Deschamps

HÀ QUANG MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên