30/04/2015 08:59 GMT+7

​Nửa vòng trái đất tìm kiếm ân nhân

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Một ngày cuối tháng 4-2015, có bốn người Mỹ tìm đến Phong Nha (Quảng Bình) không phải để đi tham quan hang động, mà đi tìm ân nhân đã cứu cha mình năm xưa.

Các con trai viên phi công ngày xưa tìm đến thăm bà Luẫn và bức ảnh bà cứu thương cho phi công Grubb do nhà báo Trọng Thanh chụp năm 1966

Cha của những người này là phi công ném bom và bị bắn rơi máy bay tại đây, đại úy Grubb.

Người được giao nhiệm vụ cứu viên phi công Mỹ thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Luẫn, ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch. Bà Luẫn lúc đó mới chỉ vừa học qua lớp sơ cấp về cứu thương. Lần đầu tiên cứu người sau khi hoàn thành lớp sơ cứu lại là lần mà bà không ngờ tới.

Các con trai ông Grubb đến Phong Nha là Jeffrey Grubb, Roland Grubb, Stephen Grubb, Roy Grubb. Bà Luẫn xúc động lắm, khi ký ức chiến tranh ngày xưa giờ ùa trở về đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.

Đó là một buổi trưa 26-1-1966, một tốp máy bay Mỹ ồ ạt đánh phá bến phà Xuân Sơn, thuộc xã Sơn Trạch. Từ trận địa pháo gần bến phà, pháo phòng không của đơn vị bộ đội phòng không nổ dậy trời.

Ngay loạt đạn đầu, một chiếc RF-101 bị trúng đạn bốc cháy rồi đâm sầm xuống phía tây núi đá Phong Nha. Do rơi xuống trúng vùng núi đã lởm chởm nên viên phi công Wilmer Newlin Grubb bị thương rất nặng ở chân, máu chảy đầm đìa.

“Cả đội dân quân “họp khẩn”. Cứu hay không cứu đây? Sau vài phút bàn bạc, ông Nguyễn Tựu, bí thư chi bộ thôn, quyết định phải cứu người trước đã”. Bà Luẫn được giao nhiệm vụ cứu thương. Bà thật thà kể rằng lúc đó trong lòng đã có lúc bà không muốn cứu, bởi nhìn cảnh làng xóm bị phá tan do bom Mỹ.

Nhưng rồi bà vẫn dằn lòng lại, nhanh chóng rửa vết thương và tiêm thuốc hồi sức, sau đó băng bó cẩn thận. “Viên phi công gần như ngất lịm vì mất máu quá nhiều. Nhưng ánh mắt của người phi công như muốn nói điều gì đó” - bà Luẫn nói.

Mọi chuyện tưởng chừng như rơi vào quên lãng cho đến một ngày giữa năm 2013: một “ông Tây” trẻ măng cao lớn tìm tới. Người phiên dịch đi cùng hỏi bà có phải là y tá ngày xưa từng cứu một viên phi công Mỹ trong chiến tranh ở vùng núi đá này không.

“Tui gật đầu xong là người thanh niên cao lớn đến trước mặt tui cúi người xuống rồi luôn miệng nói “cám ơn”. Tui rất bất ngờ. Thông qua người phiên dịch, tui mới biết đó chính là cháu ngoại của viên phi công Grubb gần 50 năm trước” - bà Luẫn kể. Ông Grubb đã mất sau đó khoảng chục năm.

Và giờ đây, các con cháu ông Grubb lại tìm đến. Bà nói bà thấy quá khứ chiến tranh và thù hận ngày xưa đã lùi rất xa...

 

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên