27/04/2015 12:08 GMT+7

​Chính phủ giữa rừng

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Mỗi lần gọi nhau về thăm căn cứ, những “người Mặt trận” năm xưa lại bảo: Đi “thành phố bia”. Và chúng tôi theo họ để biết “thành phố bia” là như thế nào...

Bà Nguyễn Thị Bình: “Chúng tôi đã có một chính quyền thật sự mạnh và có uy tín” - Ảnh: P.Vũ

Thành phố bia

Đường vào rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tân Biên, Tây Ninh) rợp bóng cây, rộn tiếng chim và vắng bóng người. Rẽ dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia vào khu vực căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), sang căn cứ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chúng tôi đã hiểu thế nào là “thành phố bia”.

Cứ cách một đoạn rừng lại gặp một nhà bia, đủ hình đủ dạng ghi dấu các cơ quan của Mặt trận, Chính phủ: ban an ninh, dân y, phụ nữ, giáo dục, đối ngoại, binh vận, Hoa vận, nông vận, dân chính đảng, ban kiểm tra, kinh tài, công đoàn, đoàn thanh niên, đài phát thanh, văn công, báo chí, điện ảnh... Đầy đủ các tổ chức của một bộ máy nhà nước, người tham quan không khó để hình dung những ngày sôi động dưới cánh rừng này.

Những căn nhà gỗ, vách ván, mái lá trung quân ghi tên “nhà Chủ tịch MTDTGPMNVN Nguyễn Hữu Thọ”, “nhà Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát”, “phòng họp”, “nhà khách”, “nhà ăn”, “trạm liên lạc”... được bảo tồn y như ngày xưa, chỉ đơn giản đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống và làm việc.

Thế nhưng trong những hiện vật được trưng bày, nhiều nhất là những tấm ảnh của các phái đoàn chính phủ đi thăm ngoại giao các nước, ảnh bạn bè quốc tế đến thăm vùng giải phóng và tổ chức phong trào ủng hộ Việt Nam.

Có những cuốn hộ chiếu ngoại giao in rõ “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”, “Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, lại có cả tiền giấy đã được in để sử dụng trong vùng giải phóng...

Nhắc về “chính phủ giữa rừng” của mình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, vẫn còn nhớ một câu hỏi cắc cớ của nhà báo nước ngoài dành cho bộ trưởng ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bên lề Hội nghị Paris: “Lãnh thổ của chính phủ của bà là ở đâu?”.

Bà Bình đã vững vàng trả lời: “Nơi nào Mỹ ném bom bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi”.

Hôm nay, bà một lần nữa khẳng định: “Đó không phải là một câu trả lời ngoại giao, chính trị, mà là sự thật. Vùng giải phóng ngày càng rộng lớn, và vì thế càng bị đối phương tàn phá dữ dội. Chúng tôi không thể địch lại bằng súng đạn, nhưng đất ấy, dân ấy chính là của mình.

Chính quyền của MTDTGPMNVN thành lập được kế thừa trên cơ sở các ủy ban kháng chiến đã hình thành từ sau Cách mạng Tháng Tám và đã lãnh đạo suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phát triển trên cơ sở ấy, chính quyền giải phóng bám dân tới tận cấp xã, ấp. Dân bám đất, cung cấp lương thực, tiền bạc cho lực lượng vũ trang; chính quyền giúp dân tổ chức, ổn định lại cuộc sống, sản xuất sau bom đạn.

Ở khu 5, các cán bộ còn phải lập ra các tổ dệt vải để đảm bảo nhu cầu cuộc sống cho nhân dân, cho mình. Chúng tôi đã có một chính quyền thật sự mạnh và có uy tín. Trụ sở ngoại giao của chính phủ đóng ở Quảng Trị, đã có rất nhiều đại sứ đến trình quốc thư...”.

Trong đời làm ngoại giao của mình, bà Bình bảo câu hỏi bà thường gặp nhất là: “Tại sao Chính phủ Việt Nam kháng chiến dài được như thế?”, bà đã trả lời: “Vì chúng tôi có lòng dân. Vì người dân hết lòng với Tổ quốc, với hòa bình của đất nước”.

Nhiều nhà báo quốc tế như Madeleine Riffaud (Pháp), Wilfred Burchet (Úc) đã dũng cảm đi bộ xuyên rừng, vượt qua bom đạn để vào vùng giải phóng, tận mắt nhìn thấy “chính phủ giữa rừng”, tận tai nghe được khát vọng hòa bình từ người dân. Những bài báo của họ đã làm lay động cả thế giới.

Người mẫu Caroline de Bendern giương cao lá cờ MTDTGPMNVN trong cuộc biểu tình ủng hộ VN tại Paris - Ảnh tư liệu

Vinh quang từ lòng dân

“Vì có lòng dân”, nguyên nhân giản dị này đã làm nên cả một chính phủ, dù cơ sở vật chất chỉ là mấy căn nhà gỗ, mái lá trong rừng sâu. MTDTGPMNVN không chỉ cuốn hút được các nhân sĩ trí thức và nhân dân mọi tầng lớp, đảng phái, tôn giáo ở miền Nam mà còn được sự ủng hộ nồng nhiệt đến cuồng nhiệt của bạn bè quốc tế.

Không chỉ Liên Xô, Cuba, Ba Lan, Thụy Điển, Bỉ, mà cả Anh, Pháp, Mỹ, Đức... đều dậy lên phong trào đòi hòa bình cho Việt Nam. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vừa ra đời đã có 23 nước công nhận, 21 nước đặt quan hệ ngoại giao.

Vài năm sau thì con số ấy tăng lên 50. Trên bàn hòa đàm tại Hội nghị Paris, đường hoàng ngồi vào một phía, bình đẳng với ba chính thể khác, phía của chính phủ non trẻ ra đời trong bom đạn lại chính là phía thu hút dư luận quốc tế nhất.

“Việt Nam và cuộc kháng chiến chống chiến tranh, chống Mỹ xâm lược, đòi hòa bình, độc lập, thống nhất khi ấy là tâm điểm của phong trào đấu tranh trên thế giới. Chúng tôi đi đến đâu cũng được bạn bè quốc tế yêu quý, trân trọng, giúp đỡ, ủng hộ hết lòng. Tôi hiểu vinh dự ấy được xây dựng nên từ cuộc chiến đấu khốc liệt của nhân dân trong nước, từ khát vọng hòa bình chính đáng của hàng triệu người dân Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Bình hồi tưởng.

Không chỉ giúp đỡ, ủng hộ bằng đấu tranh, biểu tình, quyên góp, có nhiều người Mỹ, người Pháp đã hi sinh cả thân mình để làm nên ngọn đuốc đòi hòa bình cho Việt Nam. Những ngày trên chiến trường Việt Nam diễn ra cuộc giằng co đẫm máu ở Thành cổ Quảng Trị, một đoàn thanh niên Mỹ đã đến thăm trụ sở ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Họ tặng một bài thơ: Tôi bị xô đẩy và thu hút/Bởi sức mạnh tinh thần của Việt Nam/Mắt tôi lóa đi vì một ngọn lửa/Hiện thân của sức sống Việt Nam/Tim tôi nhảy múa vì xúc động/Ôi! Tình yêu Việt Nam! Hòa bình.

Và bà kết luận: “Điều tôi suy nghĩ và muốn ghi ra ở đây không chỉ là kinh nghiệm riêng của tôi mà có thể là kinh nghiệm chung của chúng ta: trong cuộc chiến đấu một mất một còn, Đảng nêu ra một quan điểm hết sức đúng đắn: phải đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Thực tế đã chỉ rõ sự đúng đắn hoàn toàn của quan điểm này”.

Chính quyền song song

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát nhiều vùng nông thôn và rừng núi rộng lớn gồm nhiều triệu dân. Ngay khi vừa thành lập, Mặt trận đã thật sự làm nhiệm vụ quản lý chính quyền với hệ thống từ xã, ấp, buôn làng lên huyện, tỉnh và trung ương.

Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng thật sự là một chính phủ ở miền Nam, tồn tại song song với chính quyền Sài Gòn.

Ngày 6-6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Chủ tịch Chính phủ là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, chủ tịch Hội đồng cố vấn là luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Chính phủ có quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, được tổ chức ở cấp trung ương, tỉnh, thành phố, huyện và cấp xã. Các địa phương đều có hội đồng nhân dân cách mạng và ủy ban nhân dân cách mạng.

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một trong bốn bên tham gia hòa đàm tại Paris và ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.

(Theo Chung một bóng cờ - NXB Chính Trị Quốc Gia)

__________

Kỳ tới: Những người giấu mặt

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên