25/04/2015 14:30 GMT+7

Chung một bóng cờ, cho ngày thống nhất

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Mấy tháng nay, tối tối dãy đèn kết hình lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) được bật sáng lấp lánh suốt trên con đường dẫn vào hội trường Thống Nhất.

Bà Hai Buộc, con gái bà Đặng Thị Ninh, ở Củ Chi. Hai bà đã may những lá cờ nửa đỏ, nửa xanh đầu tiên cuối năm 1960 - Ảnh: Tự Trung

* Kỳ 1: Nửa đỏ, nửa xanh

55 năm trước, năm 1960, lá cờ nửa xanh nửa đỏ này đã lần đầu tiên xuất hiện trong một mái lá nằm sâu trong rừng nguyên sinh, rồi lần lượt hiện diện dọc suốt miền Nam.

Đến ngày 30-4-1975, lá cờ Mặt trận giải phóng cắm trên dinh Độc Lập, bắt đầu những ngày hòa bình, thống nhất.

Câu chuyện về MTDTGPMNVN bắt đầu từ lá cờ ấy.

Hai người lãnh đạo và một lá cờ

“Lấy khuôn mẫu của quốc kỳ, và chia một nửa màu đỏ để thay bằng màu xanh. Màu xanh hòa bình chứ không phải xanh nước biển như một số nơi đã sử dụng nhầm lẫn. Đó là tượng trưng cho khát vọng của tất cả chúng tôi thời đó: hòa bình, thống nhất...” - ông Tư Minh (Dương Ngọc Minh, Ban liên lạc truyền thống kháng chiến - PV) nói, không nén được xúc động khi cùng chúng tôi về lại căn cứ của MTDTGPMNVN, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm sâu trong rừng quốc gia Lò Gò (Tây Ninh).

Ngắm lại từng tấm ảnh, theo con đường mòn đến từng ngôi nhà, gian làm việc lợp lá trung quân, ra bờ suối tìm lại bến tắm, cây si, những câu chuyện của “một thời Mặt trận” sống dậy.

Cả đời làm việc ở Mặt trận, một thời gian dài gắn bó mật thiết với Phó chủ tịch Huỳnh Tấn Phát trong vai trò thư ký, ông Tư Minh là một trong những người hiếm hoi còn nhớ rõ về nguồn gốc của lá cờ Mặt trận.

Ông kể rành rọt: “Phong trào Đồng khởi bắt đầu từ cuối năm 1959 và lan rộng ra đầu năm 1960 đã hình thành nhiều lõm, vùng giải phóng ở nhiều tỉnh miền Nam và cả miền Trung, Tây nguyên.

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có một tổ chức để quản lý, liên kết, tổ chức phong trào trong vùng giải phóng, tiến tới giải phóng toàn miền Nam. Ý tưởng về MTDTGPMNVN ra đời từ đó.

Khi đó ông Huỳnh Tấn Phát là thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định phụ trách dân vận, ông Võ Văn Kiệt là bí thư khu Sài Gòn - Gia Định, ngồi bàn bạc về việc này, ông Kiệt bảo:

“Xứ ủy đã thống nhất đặt tên cho tổ chức mới là MTDTGPMNVN. Còn phải có một lá cờ riêng. Tôi nghĩ cờ phải thể hiện được sự thống nhất với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhưng nhất định phải có thêm màu xanh. Màu xanh của hòa bình, trung lập sẽ tập hợp được đông đảo lực lượng các giới ủng hộ”.

Ông Huỳnh Tấn Phát cho rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời, và ông đã sử dụng khả năng thiết kế tài hoa của một kiến trúc sư để vẽ nên lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng ở giữa. Đơn giản, đẹp, ý nghĩa.

Sau này, ông Phát chỉ kể lại câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa lá cờ một lần trong một buổi trò chuyện cùng các nhân sĩ trí thức khi được hỏi, nhưng câu chuyện ấy đã in vào lòng người nghe. Tất cả họ đều đã đến với Mặt trận “vai sát vai chung một bóng cờ”...

Một trong những lá cờ Mặt trận đầu tiên đang được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: Tiến Long

Lá cờ đầu tiên

Tài liệu của Bảo tàng TP.HCM cũng ghi rõ câu chuyện mà ông Huỳnh Tấn Phát đã kể. Trong các hiện vật được lưu giữ và trưng bày có một lá cờ với những đường chỉ may tỉ mỉ, những khối màu vẫn như mới.

Lá cờ đã được bà Đặng Thị Ninh, một cơ sở may quân trang quân dụng ở Củ Chi, trao tặng bảo tàng năm 1997.

Hồ sơ hiện vật ghi lời kể của bà thật ngắn gọn: “Từ cuối năm 1960-1961, Thành ủy giao vải cho gia đình may cờ. Chúng tôi giữ lại một lá làm kỷ niệm”.

Cùng với lá cờ, bà còn tặng bình toong nước, radio của các cán bộ thường lui tới nhà bà. Như vậy, có lẽ đây là lá cờ đã được may để phục vụ cho lễ ra mắt Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định đã được tổ chức ngày 19-3-1961 tại xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, và cũng có thể là một trong những lá cờ đầu tiên của ngày thành lập MTDTGPMNVN ngày 20-12-1960.

Lần theo địa chỉ ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, chúng tôi tìm được nhà bà Đặng Thị Ninh.

Trong quán nước mía lụp xụp trước lối vào khu di tích Bến Dược, bà Ba Ninh chỉ còn là một di ảnh trên bàn thờ, nhưng hình dáng gầy gò, thấp bé của bà, gương mặt khắc khổ, phúc hậu của bà mà chúng tôi nhìn thấy trong ảnh lại y hệt như bà Hai Buộc (Lê Thị Buộc), chủ quán.

Bà Buộc cười móm mém: “Má tui có mình tui thôi, tui không giống bả thì còn giống ai”. Kể cả quán nghèo của bà hôm nay cũng vẫn y như mái nhà lá của bà Ba Ninh mấy mươi năm trước.

“Hồi đó má tui có cái máy may, may cho bà con lối xóm. Mấy ông du kích, giải phóng mang đồ ra nhờ may giúp, bà nhận. Rồi cán bộ mang vải, mang mẫu cờ tới, hai má con cặm cụi may. Số lượng nhiều nên khi giao chúng tôi giữ lại một lá, đợi khi nào giải phóng thì treo”.

Câu chuyện bà Hai Buộc kể lại cũng giản dị y như lời bà Ba Ninh đã ghi trong tư liệu bảo tàng, nhưng tất nhiên cuộc đời thì không đơn giản như vậy. Từ ngày trong nhà có lá cờ cho đến ngày có thể treo cho cờ bay phất phới là 15 năm.

15 năm ấy, Củ Chi đã phải hứng chịu bao nhiêu bom pháo, bao nhiêu trận càn chà đi xát lại để biến thành một “vùng trắng”, cây không mọc được, người không sống được.

Ông Tám Đồng (Phan Văn Đồng, cựu chiến binh ở Củ Chi) đi cùng chúng tôi kể:

“Ở đây là vùng xôi đậu, dân cố bám đất nhưng nhiều lúc bám không nổi. Có hồi tôi vào nhà cô Ba chờ liên lạc, chợt lính Mỹ đổ quân xuống.

Không kịp xuống hầm, tôi nhảy đại xuống giếng, và cứ vậy ngâm dưới đó suốt ba tiếng, chỉ nhô cái lỗ mũi lên trên. Khi lính rút, tôi lên suýt chết cóng. May cô Ba đã nhóm sẵn đống lửa...”.

Nghe nhắc, bà Hai Buộc như chợt nhớ ra:

“Mỗi lần lính VNCH tới càn, lục soát, chúng tôi gom đồ bỏ vào cái lu chôn dưới đất, có lúc không kịp tôi ôm nhảy đại xuống hầm.

Có một khoảng thời gian bom đạn quá, tui với má phải chạy lên Tây Ninh. Khi đi vẫn mang theo lá cờ ấy...”.

30-4-1975, bà Ba Ninh hân hoan treo lá cờ giải phóng do chính mình may lên mái lá, rồi quay trở lại với công việc hằng ngày: chiếc máy may cũ và thau bột gói bánh ít.

Khu địa đạo mở cửa đón khách, bà quanh quẩn bán khoai mì, bánh ít, nước mía, và chưa lần nào ra xã nhận chính sách “có công với cách mạng”.

Những câu chuyện về lá cờ trong bom đạn, cái chết rập rình một thời cũng nằm lặng lẽ trong tim như bao nhiêu câu chuyện của cuộc đời. Năm 1997, xã thông báo Bảo tàng TP.HCM về sưu tầm hiện vật, bà lặng lẽ mang lá cờ và những kỷ vật xương máu đến trao tặng...

Hội nghị nửa đêm

Tháng 7-1960, trong tổng số 49 xã toàn tỉnh Tây Ninh, đã có 24 xã giải phóng hoàn toàn, 19 xã giải phóng cơ bản. Vùng căn cứ Xứ ủy Nam bộ ở Tây Ninh được củng cố, mở rộng thành nơi tập hợp và xây dựng thực lực cho cách mạng.

Giữa tháng 12-1960, các nhân sĩ trí thức từ các địa phương miền Nam lần lượt được mời và tổ chức rời vùng tạm chiếm vào căn cứ cách mạng tại Tây Ninh.

Ngày 19-12-1960, tại Trảng Chiêng, xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, đảng phái, các tôn giáo, các dân tộc toàn miền Nam đã họp hội nghị, kéo dài đến tận 2 giờ sáng 20-12-1960 mới kết thúc với lời tuyên bố long trọng: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được thành lập.

(Theo 50 năm Mặt trận Dân tộc
giải phóng miền Nam Việt Nam
- NXB Tổng Hợp TP.HCM)

__________

Kỳ tới: Kỳ tới: Trí thức đồng hành

 

 

 

 

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên