24/02/2015 08:29 GMT+7

​Alsace và “cú đúp” của lịch sử

Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN

TT -  Lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân đến một miền đất nổi tiếng khác biệt của đất nước hình lục lăng: vùng Alsace!

Họp mặt ở nhà TS Trương Phước Lai - Ảnh: D.T.Truyền

10g30 thứ bảy 11-10-2014. ​Hoàng Nhi đón chúng tôi, bốn người của Nhà xuất bản Trẻ vừa rời hội chợ sách thường niên lớn nhất thế giới tại Frankfurt, ngay đường ray nhà ga Offenburg (Đức) với áo váy sắc đỏ, khăn quàng cổ màu hồng, một nụ cười tỏa nắng và một sự chu đáo khiến ai cũng xúc động.

Do tuyến đường Frankfurt - Strasbourg không có tàu suốt, chúng tôi buộc phải đổi tàu tại thành phố bờ đông con sông Rhin này. Và bạn đã cất công lái xe “vượt biên” từ nhà đến tận đây và tặng mỗi người một cái ôm kiểu Pháp.

“Miền đẹp nhất các miền!”

Cô cán bộ Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Ngoại thương (cơ sở II tại TP.HCM) năm nào nhanh nhẹn kéo bốn kẻ mặt mũi vẫn còn ngơ ngác giữa cái lạnh vùng biên cùng mớ hành lý nhiều và nặng, đi ra ngoài phố, đến bãi đậu xe, mở cốp và cửa, xếp gọn cả đồ đạc lẫn người vào một chiếc xe hơi màu xanh mégane. Tôi lại thêm một lần xúc động: phía sau xe của nàng, kìa là chiếc nón tai bèo màu xanh lá của chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh!

Hoàng Nhi tươi vui, vừa làm tài xế vừa làm hướng dẫn viên, đưa chúng tôi vượt qua bờ tây đến với thành phố thủ phủ của vùng đông bắc nước Pháp. Sau khoảng 60 phút đường trường và những câu chuyện sôi nổi, xe dừng ở một khu căn hộ ngoại ô Strasbourg, nơi có gia đình một người bạn, bạn Trương Phước Lai, đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ ngành hóa vật liệu.

Vậy là lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân đến một miền đất nổi tiếng khác biệt của đất nước hình lục lăng: vùng Alsace!

Trong một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng do GS Hữu Ngọc thực hiện trên chiếc canô đang lướt sóng giữa vịnh Hạ Long (được chép lại trong Phác thảo chân dung văn hóa Pháp, NXB Văn Nghệ, 2006), một công dân Strasbourg, địa chỉ 52 đại lộ Dostoievsky, thành phố Strasbourg, đã nói: “Theo tôi, Alsace là miền đẹp nhất các miền. Với những quả đồi trồng nho, nơi ấp ủ những thị trấn to có những căn nhà gỗ vây quanh nhà thờ và những cánh đồng, nơi sông Ill và sông Rhin ngày nay êm đềm, nhưng trước kia cuồn cuộn chảy qua. Với những lâu đài, pháo đài, những nhà thờ kiểu roman hoặc gothique, tâm sự với tôi như là những người dạy sử...”.

Alsace là miền đẹp nhất các miền!

Xem ra tình yêu Alsace của người Alsace cũng hệt như trái tim của người Huế dành cho xứ Huế! Chính tôi đã nghe trực tiếp từ một tiến sĩ trẻ, anh Trần Đức Anh Sơn, khi ấy là giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, đã nói bằng bộ mặt chân thành và giọng điệu mạnh mẽ, lúc vừa rời Pháp về đến quê nhà: “Sông Seine làm sao mà đẹp cho bằng sông Hương”! Còn lão võ sư karatedo, thầy giáo dạy văn Nguyễn Văn Dũng - tác giả mấy tập bút ký Ngào ngạt sông Hương, Linh sơn mây trắng - đã khẳng định như đinh đóng cột, như chữ trong sách: “Không ở đâu có được cái chiều 30 tết như ở Huế”!

Không ai nói lý lẽ với tình yêu. Trái tim có nhịp đập riêng của mình. Bàn về cái hạng nhất và cách xếp hạng quê hương của một ai đó là điều vô ích như đếm sao trên trời. Nhưng chính tình yêu ấy có thể mang đến cho ta cơ hội chạm vào vẻ đẹp lắng sâu của một vùng đất.

Ngôi nhà được chụp ảnh nhiều nhất ở khu “Petite France”: Maison des Tanneurs (nhà thợ thuộc da) - Ảnh: D.T.T.

“Chúng tôi ngồi giữa hai chiếc ghế...”

Alsace nằm giữa, bên trái là dãy núi Vosges và bên phải là dòng sông Rhin, bên trái là vùng Lorraine, có ngôi làng Domrémy-la-Pucelle - quê hương của nữ anh hùng Jeanne d’ Arc - và bên phải là nước Đức.

Những bước chân đầu tiên đi dọc theo lời giới thiệu của Hoàng Nhi trên một con phố dẫn chúng tôi chạm mặt ngay một đặc sản xứ Alsace: những căn nhà của gỗ và hoa!

Đó là những ngôi nhà với kết cấu bằng gỗ xẻ, người Pháp gọi là colombage, người Đức gọi là fachwerk (tiếng Anh: half - timbering/ timber - framing), thường có nhiều tầng, không bancông, mái cao và dốc, các ô cửa sổ liên tiếp khi nhiều khi ít không theo một quy luật nào và cửa vào nhà có độ rộng tùy thích.

Tường bằng gạch, đá hoặc trét đất sét, được sơn toàn những màu nguyên chất, lộ rõ khung sườn bằng gỗ rất đa dạng kiểu nối kết, tạo thành những bài tập hình học vui mắt trên phố, và trang trí bằng rất nhiều hoa tươi, nơi bậu cửa, dưới bậc thềm, trên tầng mái...

Tại Strasbourg có một nhà hát nhỏ mỗi năm thu hút 20.000 người xem, mỗi ngày diễn các vở tạp kịch bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Alsace, hoặc đôi khi cả bằng hai thứ tiếng ấy.

Trang web Viti Rouge, nơi kể những câu chuyện về văn hóa Pháp, trong một bài viết về Alsace, đã dẫn lời nhà thơ trào phúng Roger Siffer, giám đốc Nhà hát Choucrouterie ấy: “Ở đây chúng tôi nói hai thứ tiếng. Vì sao phải tách tiếng này với tiếng kia cơ chứ? Chúng tôi là người Alsace, chúng tôi vẫn ngồi giữa hai chiếc ghế, trên bình diện địa lý cũng như trên bình diện văn hóa”.

Hai chiếc ghế mà ông nói đến đó là nước Pháp và nước Đức, văn hóa Pháp và văn hóa Đức! Tiếng Alsace là một thứ biến thể tiếng Đức ở vùng cao nước Pháp.

Nhiều địa danh nơi đây có nguồn gốc Đức. Món ăn nổi tiếng choucroute, một thứ bắp cải thái nhỏ lên men ăn với khoai tây hấp, xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói, cũng qua lại từ bên kia sông Rhin... “Alsace có vị của Đức, mùi của Đức, nó giống như Đức nhưng lại không phải là Đức” - một hướng dẫn viên du lịch đã trả lời như thế với du khách.

Lịch sử mang đến Alsace một “cú đúp” của ảnh hưởng vừa Đức vừa Pháp. Hiệp ước Meerssen (870) gắn số phận Alsace vào nước Đức trong gần tám thế kỷ. Từ sau chiến tranh 30 năm và hiệp ước Munster - Westphalie (1648), rồi chiến thắng Turckeim (1675) và khi vua Louis XIV thắng lợi bước vào Strasbourg (1681), Alsace chuyển dần rồi sáp nhập hoàn toàn về Pháp.

Theo hiệp ước Vienne (1815), Alsace vẫn là của Pháp. Nhưng đến chiến tranh Pháp - Đức (1870-1871) và hiệp ước Frankfurt (1871) Pháp mất Alsace về tay nước Đức. Sau Thế chiến thứ nhất, hiệp ước Versailles (1919) trả Alsace lại cho nước Pháp.

Đầu Thế chiến thứ hai, Alsace lại bị Đức chiếm đóng vào tháng 6-1940. Pháp chiếm lại Mulhouse ngày 21-11-1944, Strasbourg vào ngày 23-11-1944, và cứ điểm cuối cùng Colmar vào tháng 2-1945... Có thể nói từ thế kỷ XVII đến năm 1945, vùng đất này chưa bao giờ có đến 20 năm liền được sống trong hòa bình!

Và bạn có thể sẽ bất ngờ khi xem qua tiểu sử của một số trong những người con nổi tiếng của miền đất này. “Giáo sư” người Pháp Arsène Wenger, huấn luyện viên đội bóng Arsenal danh giá của giải ngoại hạng Anh, sinh năm 1949 tại Strasbourg, lớn lên ở làng Duttlenheim (Bas - Rhin) nhưng cha của ông, ông Alfonso Wenger, đã bị ép buộc phải đi lính cho Đức quốc xã.

Nghệ sĩ kịch câm, danh hài Marcel Marceau với nhân vật chú hề Bip nổi tiếng thế giới, sinh 1923 tại Strasbourg, cùng với chị ruột tham gia kháng chiến chống Đức, và trở thành sĩ quan liên lạc trong quân đội Pháp trước khi đi vào con đường nghệ thuật.

Hans Albrecht Bethe, sinh năm 1906 tại Strasbourg, học hành tại Frankfurt, Munich, và được vinh danh với giải Nobel vật lý 1967 cho những thành tựu về vật lý hạt nhân trong tư cách một người Mỹ gốc Đức.

Còn nhà hóa học Alfred Werner, sinh 1866 tại Mulhouse (Haut - Rhin), học và làm việc tại ĐH Zurich, và trở thành người Thụy Sĩ gốc Pháp nhận Nobel hóa học vào năm 1913...

_________

Kỳ tới: Tour “Vòng quanh nước Pháp”

 

Bút ký DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên