21/01/2015 08:50 GMT+7

Hậu dự án cảng Kê Gà: ​Cà kê chuyện đền bù

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Hai năm trôi qua sau quyết định dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà, việc đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư du lịch bị ảnh hưởng bởi dự án cảng biển này vẫn chưa đi đến đâu.

Dự án Đồi Phong Lan được xây dựng sắp hoàn chỉnh, phải bỏ hoang từ khi có dự án cảng Kê Gà đến nay - Ảnh: Nguyễn Nam
Dự án Đồi Phong Lan được xây dựng sắp hoàn chỉnh, phải bỏ hoang từ khi có dự án cảng Kê Gà đến nay - Ảnh: Nguyễn Nam

Khó có thể đong đếm hết thiệt hại của những nhà đầu tư du lịch được tỉnh Bình Thuận kêu gọi đầu tư tại khu vực Kê Gà.

“Nàng thiên nga” xưa...

Tôi yêu cầu bồi thường trên 15 tỉ đồng, họ đồng ý 4 tỉ và nói tính toán thêm công lao động. Chúng tôi đâu muốn phải kèo nài như vậy. Dù sao cũng phải tính toán bồi thường hợp đạo lý cho người ta. Chúng tôi đang làm ăn ngon lành, anh đến lấy đất rồi không làm gì, gây thiệt hại nhưng đền bù kiểu như vậy coi sao được
Ông NGUYỄN THỊNH PHÁT (chủ đầu tư dự án Thạnh Đạt)

Vào đầu những năm 2000, nhiều nhà đầu tư du lịch theo lời mời gọi đầu tư của tỉnh Bình Thuận đã xây dựng các khu resort tại vùng ven biển Kê Gà  (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Vùng đất này hứa hẹn sẽ trở thành “nàng thiên nga” của ngành du lịch Bình Thuận khi các resort hoàn thành đi vào hoạt động, nằm liền nhau trên con đường ven biển uốn lượn.

Có resort đang xây dựng dở dang, có resort xây dựng gần xong chuẩn bị đi vào hoạt động, có nơi đã đón khách đến nghỉ dưỡng thì năm 2007, Bộ Giao thông vận tải có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng cảng biển.

Rất nhanh sau đó, vào tháng 4-2008 Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà nhằm vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống. Kinh phí đầu tư xây dựng cảng ban đầu là 550 triệu USD, sau đó được điều chỉnh lên 1 tỉ USD. Dự án cảng Kê Gà có chiều dài 2,3km bờ biển với tổng diện tích 366ha.

Các nhà đầu tư du lịch bị buộc phải nhường đất cho dự án cảng biển mang tầm quốc gia này. Theo kế hoạch, cảng Kê Gà khởi công xây dựng vào tháng 9-2009 nhưng sau nhiều lần trì hoãn, dự án này vẫn không khởi công.

Mãi đến ngày 18-2-2013, tại buổi làm việc với sự tham dự của các cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, yêu cầu ngừng xây dựng cảng và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.

Tỉnh Bình Thuận bắt đầu thống kê thiệt hại của các nhà làm du lịch để bồi thường cho họ...

Hoang phế

Rủi ro do chính sách không ổn định

“Đây chính là rủi ro về chính sách không ổn định đã gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư du lịch ở cảng Kê Gà.

Những thiệt hại của các chủ đầu tư rất khó đo đếm vì ngoài công sức, tiền bạc, họ còn mất đi cơ hội đầu tư.

Trước tình cảnh như vậy, các cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ các chủ đầu tư bị thiệt hại, điều mà không ai mong muốn xảy ra, cũng là để bảo vệ môi trường đầu tư du lịch của Bình Thuận.

Tôi được biết các cơ quan chức năng ở Bình Thuận đã rất tích cực tháo gỡ, đề xuất những chính sách để đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư du lịch.

Tuy nhiên còn nhiều vướng mắc về việc giải quyết chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng ở trung ương.  

Ông NGUYỄN VĂN KHOA 
(chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận)

Những ngày đầu năm này, từ thị xã La Gi hoặc thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam) chạy theo đường nhựa dẫn đến địa danh Kê Gà, du khách vẫn bắt gặp đây đó có bảng chỉ dẫn của khu du lịch Thế Giới Xanh được đặt ven đường. Tuy vậy hiện nay khu du lịch này được tận dụng để... nuôi gà, phơi rong biển...

Anh Đ.V.C. (ngư dân ở xã Tân Thành) từ nhiều năm qua đã bỏ hẳn nghề đi biển để làm việc trông coi khu du lịch Thế Giới Xanh.

Tại một góc sân của khu du lịch, anh C. cho chất ngổn ngang trái dứa dại chuẩn bị xuất bán cho thương lái. Ngoài ra, anh C. còn nuôi gà tại đây.

“Tôi làm ở đây được chín năm rồi. Ông chủ khu du lịch này vừa mới mất để lại cho con trai làm chủ. Lâu lâu người nhà chủ mới ghé lên đây” - anh C. nói.

Các phòng nghỉ của khu du lịch Thế Giới Xanh được khóa lại, bụi bám dày trên cửa và tường. Phía ngoài khuôn viên chỉ thấy toàn lá cây. Đâu đâu cũng chỉ thấy màu rêu phong, cũ nát.

Nếu như khu du lịch Thế Giới Xanh còn có người trông giữ thì resort Đồi Phong Lan cách đó không xa bị bỏ hoang luôn. Tòa nhà chính của Đồi Phong Lan chưa được gắn cửa, nền gạch xuất hiện nhiều điểm vỡ nát.

Từ trên lầu 1 của tòa nhà chính nhìn xuống khu hồ bơi phía dưới, nước trong hồ bơi nhuộm màu xám của bụi đất do lâu ngày không được thay. Cả resort này gồm có dãy phòng nghỉ hàng chục phòng, hồ bơi, khu nhà hàng... bị dầm mưa dãi nắng từ ngày này qua tháng khác.

Những dự án du lịch khác như Thạnh Đạt, Phương Bắc, Hương Bắc, Thạnh Lợi, Đức Hạnh, Minh Ngọc... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nơi khá hơn có người canh giữ, còn chỗ khác để hoang hóa, bỏ mặc cho công trình tiền tỉ xuống cấp dần theo thời gian.

Dọc con đường có các khu du lịch bị ảnh hưởng bởi dự án cảng Kê Gà là hình ảnh những công trình tiền tỉ bị bỏ hoang, “nàng thiên nga” mà các nhà đầu tư du lịch từng kỳ vọng nay chỉ còn là ký ức.

Cò kè bớt một thêm hai

UBND tỉnh Bình Thuận và Vinacomin đã gặp nhau để thống nhất xử lý tồn tại khi dừng đầu tư cảng Kê Gà. 

Tháng 6-2014, ông Lê Tiến Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã gửi văn bản cho Chính phủ nêu rõ việc thay đổi chủ trương này đã làm tổn thất lớn cho các doanh nghiệp hoạt động ngành du lịch.

UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương, chính sách hỗ trợ chi phí cơ hội đầu tư để giảm bớt phần nào khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian dừng hoạt động.

Cụ thể, chi phí cơ hội đầu tư được tính trên 10% giá trị vốn đã đầu tư. Hỗ trợ tiền lãi suất tiết kiệm cho các doanh nghiệp bình quân từ năm 2007-2014 theo lãi suất của Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN với thời gian 80 tháng, được tính trên giá trị vốn đã đầu tư.

Các doanh nghiệp sau đó đã gửi hồ sơ kê khai phần thiệt hại cho hội đồng đánh giá thiệt hại của tỉnh Bình Thuận: Thế Giới Xanh trên 64 tỉ đồng, Thạnh Đạt trên 15 tỉ đồng, Đức Hạnh trên 33 tỉ đồng, Đồi Phong Lan trên 43 tỉ đồng, các doanh nghiệp còn lại từ vài trăm triệu đến gần 4 tỉ đồng. Tổng cộng có 12 dự án bị ảnh hưởng vì cảng Kê Gà.

Phương án bồi thường tài sản thiệt hại cho doanh nghiệp cũng được hội đồng đánh giá thiệt hại đưa ra chi tiết như đối với tài sản được đánh giá tỉ lệ còn lại 30% đến dưới 50% thì đề xuất mức bồi thường 70% giá trị; còn lại trên 50% đến dưới 70% đề xuất bồi thường 50% giá trị; còn lại trên 70% đề xuất bồi thường 30% giá trị.

Những chi phí không chứng từ khác như điện nước, thiết bị phòng cháy, nội thất công trình, quản lý dự án, tháo dỡ cải tạo lại mặt bằng... cũng được hội đồng đánh giá thiệt hại đề xuất đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp.

UBND tỉnh Bình Thuận sau đó tiếp tục đề xuất phương án bồi thường cho Chính phủ và các bộ liên quan. Tuy nhiên phương án bồi thường của Bình Thuận vẫn chưa được chấp thuận. Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND tỉnh Bình Thuận đang làm lại báo cáo thiệt hại của các doanh nghiệp vì sau khi nhận được báo cáo thiệt hại ban đầu, Bộ Công thương cho rằng giá đền bù cao, đề nghị tỉnh Bình Thuận tính toán lại.

Khi tiến trình đền bù vẫn chưa đến đâu thì ông Nguyễn Đức Hiếu - chủ đầu tư Thế Giới Xanh, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất - đã qua đời vào tháng 9-2014. Khu du lịch Thế Giới Xanh đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì sinh ra dự án cảng Kê Gà. 

Các chủ đầu tư cho hay thiệt hại của họ không thể nào đong đếm được. Họ đã rất vất vả khi nhiều lần đi lại, họp hành, làm hồ sơ để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có kết quả gì cụ thể.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên