28/12/2014 11:00 GMT+7

​VN trong “cuộc chiến giá dầu”

CẦM VĂN KÌNH - HỒNG QUÝ
CẦM VĂN KÌNH - HỒNG QUÝ

TT - Đổi lại phần lớn nền kinh tế, đặc biệt là các khu vực dùng nhiều năng lượng như vận tải, đang thở phào nhẹ nhõm và tận hưởng lợi tức cao hơn.

Hàng không là một trong những ngành được lợi do giá dầu giảm - Ảnh: VNAS
Hàng không là một trong những ngành được lợi do giá dầu giảm - Ảnh: VNAS

Việc giá dầu giảm đến gần một nửa sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam, vốn ở trong một tình thế rất phức tạp: vừa là nước xuất khẩu dầu thô, lấy đó làm động lực kinh tế, vừa là nước nhập khẩu rất lớn xăng dầu thành phẩm?

Nỗi lo ngân sách

Nga đang lún vào khủng hoảng và một nguyên nhân trực tiếp là giá dầu lao dốc. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nga chỉ có thể cân đối được ngân sách khi dầu ở mức 101 USD/thùng. Cũng theo IMF, là nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam có thể cân đối ngân sách với mức giá khoảng 100 USD/thùng, thấp hơn Nga 1 USD.

Cuộc chiến dầu với một số nước trong khu vực

Indonesia và Malaysia đã nhân cơ hội xăng dầu thế giới hạ để cắt giảm trợ cấp nhiên liệu trong nước. Theo Business Insider, sau khi cắt trợ cấp, xăng trong nước ở Indonesia tăng lên mức 0,7 USD/lít, trong khi mức giá bán lẻ khi dầu thế giới chưa giảm là 0,53%. Do vậy nhiều người dân đang phàn nàn và đã có những cuộc phản đối ngoài đường phố.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Philippines Zenaida Monsada lo ngại xăng dầu thế giới hạ sẽ khiến nhiều người dân nước này mất việc làm. Philippines là một trong những nước xuất khẩu nhiều lao động ra nước ngoài, khoảng 10 triệu người, trong đó có lượng lao động lớn đi làm tại các mỏ dầu ở Trung Đông và gửi tiền về quê nhà.

“Nguồn thu của Nhà nước từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu rất lớn nên khi giá dầu xuống thấp liên tiếp như hiện nay, thu ngân sách chắc chắn sẽ giảm thấp. Nguồn thu từ xuất dầu thô thường chiếm 25% GDP của VN nên trong bối cảnh giá dầu giảm như vậy chắc chắn sẽ gây thâm hụt ngân sách” - TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, nhận xét.

Quả vậy. Khi trả lời báo chí tại phiên họp báo thường kỳ đầu tháng 12, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết dự toán ngân sách năm 2015 được xây dựng trên cơ sở giá dầu dự báo khoảng 100 USD/thùng. Giá dầu cứ giảm bình quân 1 USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỉ đồng.

“Các chuyên gia dự báo giá dầu có thể tăng trở lại vào giữa năm 2015, song đó cũng chỉ là dự báo. Nếu giá giảm về 85 USD thì thu ngân sách hụt khoảng 20.000 tỉ đồng”.

Ngay từ lúc đó, đại diện Chính phủ cũng khẳng định Bộ Tài chính đang tính toán phương án xử lý vấn đề này, trong đó có việc ưu tiên khai thác ở các mỏ có giá thành thấp. Ba ngày sau, Bộ Tài chính ứng phó với diễn biến đi xuống kéo dài của giá dầu bằng biện pháp tăng thuế nhập khẩu xăng dầu.

Theo thông cáo phát đi chiều 4-12 của bộ này, nếu giá dầu thế giới ở mức 75-95 USD/thùng, thuế nhập khẩu xăng dầu tối đa sẽ là 25%, cao hơn 5% so với mức trần trước đây. Nếu giá dầu từ 60-75 USD/thùng, mức thuế cao nhất là 35%, tăng 10%. Nếu lỡ giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng, thuế suất xăng dầu sẽ lên mức tối đa 40%, tăng 25-30% so với trần cũ.

Trước mắt VN lợi nhiều hơn thiệt

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tác động của việc giá dầu giảm ảnh hưởng tới thu ngân sách, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính - khẳng định năm 2014 dù giá dầu thô giảm mạnh nhưng thu ngân sách vẫn vượt dự toán khoảng 12%.

Thực chất giá dầu thô suy giảm của quý 4 cơ bản không ảnh hưởng lớn đến ngân sách năm 2014. Lý do, theo ông Tuấn, thị trường dầu thô thế giới là giao dịch có kỳ hạn. Nghĩa là hôm nay trên thị trường thế giới công bố giá nhưng mức giá đó sẽ được giao dịch sau ba tháng nữa. Đó chính là lý do khiến thu từ dầu thô không giảm mạnh ngay trong năm 2014.

Nhìn về thu ngân sách năm 2015, ông Tuấn cho rằng ngay cả khi giá dầu thô bình quân cả năm ở mức 70 USD/thùng thì VN cũng chỉ hụt thu khoảng 30.000 tỉ đồng.

“Số hụt đó là con số lớn nhưng thực tế cũng chỉ chiếm 3% tổng thu ngân sách. Tổng thu từ dầu thô của VN đã giảm trong cơ cấu thu ngân sách những năm gần đây. Thực tế, thu từ dầu chỉ còn chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách” - ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, nếu giá dầu giảm, ông Tuấn cho rằng nền kinh tế sẽ được nhiều thuận lợi do doanh nghiệp bớt khó khăn nhờ đầu vào thấp hơn. “Khi nguồn thu trong nước ổn định sẽ giúp VN có cơ hội giảm mạnh tỉ lệ thu ngân sách từ dầu thô xuống 7% so với mức khoảng 10% như hiện nay” - Thứ trưởng Tuấn nói thêm.

TS Ngô Trí Long cũng cho rằng nhờ xăng dầu giảm, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sẽ giảm giúp làm ăn tốt hơn, có lãi hơn do VN nhập khẩu lượng lớn xăng dầu tinh chế cho nhu cầu trong nước.

Cuốn bay khoản lãi 9 tháng

Với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, theo một lãnh đạo Bộ Công thương, tình hình lại không khả quan khi giá dầu xuống, thậm chí rất khó khăn. Theo vị lãnh đạo này, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn, năm nay sẽ lỗ nặng vì giá dầu thế giới.

“Các doanh nghiệp như Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu (PVOil) do phải dự trữ lưu thông số lượng lớn nên chỉ quý 4 đã cuốn sạch khoản lãi 9 tháng đầu năm”, vị này cho biết.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch Petrolimex, khẳng định khi giá dầu thế giới giảm mạnh như thời gian qua, cả doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu đều vô cùng khó khăn.

“Doanh nghiệp khai thác bị ảnh hưởng rất lớn vì chi phí khai thác có những mỏ lên đến 70 USD/thùng mà bán chỉ được 65 USD/thùng là lỗ”, ông Bảo phân tích.

Về vấn đề khai thác dầu, TS Long cũng đã bày tỏ sự lo ngại rằng nếu giá dầu cứ giảm xuống thấp như vậy, VN có thể phải đối mặt với nguy cơ bán dầu dưới giá thành. “Do chi phí thăm dò và khai thác ở VN lớn hơn các nước khác như Trung Đông, nên giá dầu hạ nếu không khéo tính ra còn lỗ” - ông Long nói.

Chỉ trong ba tháng, giá dầu thế giới giảm đã khiến Petrolimex phát sinh khoản lỗ xăng dầu trên 1.400 tỉ đồng. “Mảng kinh doanh xăng dầu chắc chắn lỗ. Chín tháng chúng tôi công bố lãi nhưng chỉ cần ba tháng giá dầu giảm đã cuốn tất cả thành quả trong chín tháng đầu năm và còn để lại khoản lỗ lớn”, ông Bảo cho biết.

Một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) khẳng định năm 2014 giá dầu thô của VN xuất khẩu tính trung bình cả năm vẫn đạt trên 100 USD/ thùng, trên mức giá kế hoạch. “Tuy nhiên, nếu tình hình giá dầu cứ như thế này thì vấn đề năm 2015 sẽ khác và PVN sẽ phải dự tính giá dầu năm 2015 thấp hơn 2014 rất nhiều”, vị này thừa nhận.

VN làm gì để hưởng lợi từ cuộc chiến?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đối với một nền kinh tế như VN, việc thị trường xăng dầu đi xuống liên tiếp như vừa qua sẽ có tác động trung tính, bởi giá dầu giảm gây thiệt hại cho kim ngạch xuất khẩu dầu và khí của VN song xăng dầu tinh chế nhập về cũng giảm tương ứng.

Theo ông Thành, sản xuất kinh doanh trong nước có thể được hưởng lợi. “Nếu xét kỹ ra, việc giá xăng dầu thế giới giảm sẽ tác động tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khối kinh tế ngoài Nhà nước dù nguồn thu ngân sách sẽ giảm đáng kể”, ông Thành phân tích.

Còn theo TS Trần Vinh Dự, VN về tổng thể có lợi từ cuộc chiến này, đặc biệt là khu vực không liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Với các công ty kinh doanh xăng dầu, một số trong các công ty này có thể bị mắc kẹt vì các hợp đồng kỳ hạn đã ký từ trước, hoặc từ việc lưu kho (mua với giá cao từ trước).

Với Nhà nước, đương nhiên ngân sách sẽ bị ảnh hưởng khá lớn từ việc thất thu từ nguồn bán dầu thô. “Tuy nhiên, đổi lại phần lớn nền kinh tế, đặc biệt là các khu vực dùng nhiều năng lượng như vận tải, đang thở phào nhẹ nhõm và tận hưởng lợi tức cao hơn” - ông Dự cho biết.

CẦM VĂN KÌNH - HỒNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên