26/12/2014 11:00 GMT+7

​Tổng thống Reagan và “vũ khí bí mật 1986”

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hồi tháng 3-2014, ông Michael Reagan, con trai cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đã “khuyên” Tổng thống Barack Obama rằng hãy học chiến lược của cha ông để đối phó với Nga.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người được cho là đã dùng vũ khí giá dầu để tấn công Liên Xô - Ảnh: History.com
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người được cho là đã dùng vũ khí giá dầu để tấn công Liên Xô - Ảnh: History.com

“Tôi đề nghị ông Obama nghiên cứu cách Ronald Reagan đánh bại Liên Xô. Ông ấy thành công mà không cần bắn một viên đạn nào cả. Ông ấy có một vũ khí bí mật. Đó là dầu” - ông Michael Reagan viết trên trang Townhall.com.

Ông Michael Reagan khẳng định: “Cha tôi đã thuyết phục Saudi Arabia bán dầu giá rẻ ngập thị trường. Giá dầu giảm khiến đồng rúp mất giá, đẩy Liên Xô vào cảnh phá sản, cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô”. Trên thực tế đây là vấn đề gây tranh cãi lớn đối với các sử gia phương Tây.

Cuộc gặp bí mật

Nga vẫn mờ mịt

Với nước Nga hiện nay, cho dù giá dầu có khôi phục trở lại mức 70 USD/thùng thì nước này vẫn sẽ tiếp tục lao dốc trong năm 2015 khi các đổ vỡ hiện nay trên khu vực kinh tế "thực" lan sang khu vực tài chính - ngân hàng.

Vấn đề khó ở đây là ông Putin sẽ mất mặt và khó có thể nhượng bộ trước các đòi hỏi của phương Tây, vì thế tương lai về việc dỡ bỏ các cấm vận của phương Tây đối với Nga có vẻ còn rất mờ mịt.

TS TRẦN VINH DỰ

Do nguồn cung quá dồi dào, trong những năm sau đó giá dầu thế giới bắt đầu giảm dần. Đến năm 1986 giá dầu từ mức 27 USD tuột dốc không phanh xuống dưới 10 USD/thùng.

Nếu tính theo giá trị đồng USD thời điểm năm 2014, giá dầu thế giới năm 1981 đạt mức trung bình 78,2 USD/thùng và sụt giảm chỉ còn 26,8 USD/thùng vào năm 1986.

Cuộc khủng hoảng giá dầu đã gây những ảnh hưởng kinh tế - chính trị lớn đối với toàn thế giới khi đó. Năm năm sau Liên Xô tan rã.

Sau khủng hoảng năng lượng thời thập niên 1970, nhu cầu dầu thế giới bắt đầu suy giảm.

Hồi tháng 6-1981, báo New York Times đã cảnh báo “Tình trạng thừa mứa dầu đã xảy ra”.

Tạp chí Time nhấn mạnh: “Cả thế giới trôi lềnh bềnh trên dầu”. Tuy nhiên điều kỳ lạ là một tuần sau đó New York Times đăng bài giải thích rằng từ “thừa mứa” là sai lệch. Tháng 11-1981, Tập đoàn năng lượng Mỹ Exxon Corp khẳng định tình trạng “thừa mứa” chỉ là dư dôi tạm thời.

Bất chấp những khẳng định đó, từ năm 1980-1986 các nước OPEC vài lần phải cắt giảm sản lượng khai thác dầu để giữ giá duy trì ở mức cao. Saudi Arabia, nhà sản xuất hàng đầu OPEC, cắt giảm sản lượng từ 10 triệu thùng/ngày năm 1981 xuống chỉ còn 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 1985.

Tháng 9-1985, Saudi Arabia bất ngờ tuyên bố từ bỏ vai trò định giá và tăng sản xuất lên mức tối đa. Mục tiêu mà Saudi Arabia đưa ra là để giữ thị phần trước sự cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ. Đến tháng 3-1986, giá dầu “sụp đổ” có lúc tụt xuống đáy 7 USD/thùng.

Năm 1994, nhà nghiên cứu Mỹ Peter Schweizer xuất bản cuốn sách Victory: The Reagan administration’s secret strategy that hastened the collapse of the Soviet Union (Chiến thắng: Chiến lược bí mật của chính quyền Reagan giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô).

Trong sách, ông Schweizer mô tả năm 1981, giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Casey đã họp kín với các quan chức tình báo Saudi Arabia. Trong cuộc gặp đó, ông Casey đã thảo luận hoạt động sản xuất dầu khí của Liên Xô.

“Ông Casey đã đặt vấn đề giá dầu với quan hệ an ninh Mỹ - Saudi Arabia” - nhà nghiên cứu Schweizer viết trong sách. Khi đó, ông Casey nói thẳng với các quan chức an ninh và tình báo Saudi Arabia rằng Liên Xô thu được hàng tỉ USD từ cơn sốt giá dầu thập niên 1970.

"Chúng ta không thể để chuyện đó tái diễn một lần nữa” - ông Casey nhấn mạnh trong cuộc họp.

Giám đốc CIA cũng nói thẳng với việc chiếm 40% sản lượng OPEC, Saudi Arabia là nhà sản xuất dầu duy nhất có khả năng gây tác động lớn đến giá dầu. Một quan chức Mỹ cấp cao khi đó cũng khẳng định Mỹ muốn Saudi Arabia hạ giá dầu và đó là một trong những lý do Washington bán vũ khí cho Riyadh.

Cái giá phải trả

Bài học đắt giá

Trong cuốn sách The collapse of an empire: Lessons for modern Russia (Sự sụp đổ của một đế chế: Các bài học cho nước Nga hiện đại), nhà kinh tế Yegor Gaidar, cựu thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế Nga, khẳng định: “Sự sụp đổ của Liên Xô là bài học đối với bất kỳ quốc gia nào xây dựng chính sách dựa trên quan điểm rằng giá dầu sẽ mãi mãi giữ ở mức cao”.

Sản xuất dầu của Liên Xô đạt đỉnh 12,5 triệu thùng/ngày vào năm 1988 rồi suy giảm dần.

Trong khi đó, theo các học giả của The Oil Drum, giá dầu chính là một tấm nệm êm ái ru ngủ những nền kinh tế ưa dùng nó.

Tấm nệm ấy đã giảm đau đáng kể mỗi khi nền kinh tế đi sai hướng, nó khiến chủ nhân không sớm phát hiện những gập ghềnh, chướng ngại trên đường đi, tưởng rằng mọi sự vẫn ổn.

Cho tới khi một chướng ngại đủ lớn để xuyên thủng tấm nệm, chủ nhân giật mình thì đã quá muộn. Nền kinh tế Liên Xô những năm cuối được cho là phạm phải nhiều sai sót, trái quy luật. Nếu giá dầu không nâng đỡ, có lẽ vấn đề đã được khắc phục sớm hơn.

Giáo sư F. William Engdahl thuộc ĐH Princeton, một chuyên gia về dầu khí và địa chính trị, cũng cho biết trong năm 1986, phó tổng thống Mỹ George H.W. Bush cùng ngoại trưởng George Schulz và một số quan chức Mỹ khác đã thuyết phục chính quyền Saudi Arabia gây “cú sốc giá dầu ngược” với mục tiêu gây chấn động nền kinh tế Liên Xô.

Khi đó Liên Xô là quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu dầu khí để trả tiền nhập hàng hóa từ phương Tây và có kinh phí hỗ trợ các nền kinh tế vệ tinh ở Đông Âu.

Theo các nghiên cứu, cú sốc giá dầu thập niên khiến Liên Xô thiệt hại 20 tỉ USD/năm, đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Trong vòng năm năm, Liên Xô rơi vào cảnh vỡ nợ. Bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã. Không chỉ Liên Xô, các nước xuất khẩu dầu như Mexico, Nigeria và Venezuela rơi vào cảnh gần như phá sản. Ngược lại, các nước nhập khẩu dầu lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu và các nền kinh tế đang phát triển được hưởng lợi lớn.

Chính vì thế, nhiều nhà quan sát đánh giá hiện Mỹ cũng đang âm thầm hợp tác với Saudi Arabia để kéo giá dầu thấp xuống nhằm gây sức ép lên nền kinh tế Nga. Họ cho rằng Washington và Riyadh đang lặp lại chiến lược thập niên 1980 để không chỉ đánh Nga mà cả Iran, một quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn khác.

Trước tình trạng giá dầu giảm mạnh và cấm vận của phương Tây, đồng rúp của Nga đã giảm giá gần 50% trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 60 USD/thùng, nền kinh tế Nga sẽ suy thoái gần 5% trong năm 2015.

Tuy nhiên chính Mỹ cũng phải trả một cái giá đắt trong cuộc chiến giá dầu thập niên 1980. Do giá dầu giảm mạnh, ngành công nghiệp khai thác dầu khí đang phát triển nhanh của Mỹ sụp đổ.

“Rất nhiều công ty đã bị phá sản. Không thể quên được điều đó bởi nó in sâu vào ký ức” - Bloomberg dẫn lời ông Michael Lynch, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu năng lượng chiến lược và kinh tế (SEER), cho biết. Khi đó sản xuất dầu ở Oklahoma giảm 8,3%, Texas sụt 7,1%. Tỉ lệ thất nghiệp leo lên mức 8,9% ở Oklahoma và 9,3% tại Texas.

“Các công ty dầu bán đổ bán tháo thiết bị ra thị trường để gỡ vốn” - chuyên gia năng lượng James Richie thuộc Hãng Kruse Energy ở Texas kể.

Sự sụp đổ đó dẫn tới giai đoạn suy thoái kéo dài gần 25 năm của ngành dầu khí Mỹ. Và Saudi Arabia khẳng định vị trí quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Do đó các chuyên gia năng lượng cảnh báo chính sách giá của Saudi Arabia ở thời điểm hiện tại cũng đang gây sức ép khổng lồ lên các công ty khai thác dầu đá phiến ở Mỹ.

“Rất nhiều công ty đang gặp khó khăn, đặc biệt là các công ty nhỏ không có vốn lớn. Nhiều công ty đã bị tổn thương” - ông Lynch cảnh báo. Giáo sư Engdahl cũng đánh giá chiến lược của Mỹ và Saudi Arabia đang một lần nữa đẩy ngành công nghiệp dầu nội địa của Mỹ tới nguy cơ sụp đổ.

________

Kỳ tới: Điều gì sẽ xảy ra?

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên