25/12/2014 10:17 GMT+7

​Con trai người anh hùng

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT -“Cứ mỗi lần gặp phải khó khăn gian khổ, tôi lại nghĩ chưa thấm gì so với sự hi sinh quả cảm của cha mình nên tôi lại cố gắng để vượt lên”.

Thượng úy Võ Trọng Hùng (trái) cùng đồng đội - Ảnh: Vũ Toàn

Trạm biên phòng cửa khẩu Thông Thụ (bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An) heo hút gió lạnh. Chúng tôi khoác vào người chiếc áo bông, theo chân tổ mật phục của thượng úy Võ Trọng Hùng thẳng hướng khu vực cánh gà bên trái cửa khẩu.

Chiều cuối năm sương mù bay rát mặt. Chúng tôi luồn qua những lối mòn lau lách phủ kín. Lội qua một đoạn suối dài tê cóng, thượng úy Hùng nói: “Dù trạm biên phòng cửa khẩu Thông Thụ có bảy anh em nhưng ngày nào chúng tôi cũng chia quân đi tuần tra và mật phục. Đêm thì ém quân, đêm mật phục tùy tính chất công việc. Địa hình biên giới hiểm trở, tác nghiệp trong đêm mưa gió giữa rừng rú đòi hỏi tâm thế người lính phải thật vững vàng”.

Ký ức mồ côi

Dạy con chí lớn của người cha

Khi anh hùng Võ Đại Huệ hi sinh, chị Hoàng Thị Bích Nhật, vợ anh, mới 25 tuổi, đang mang thai đứa con thứ hai, đã ở vậy để nuôi con. Nay chị đã lên bậc bà ở tuổi 60, còn cô con gái thứ hai Võ Thị Hồng Thanh là công nhân viên quốc phòng thuộc đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An). Kể chuyện ba cha con đều là người lính, bà Nhật không giấu nổi giọt nước mắt: ”Tháng 8-1978 khi anh Huệ về thăm nhà lần cuối, anh nói rằng: ”Tình hình chiến sự rất căng thẳng, nếu anh có mệnh hệ gì thì em ở lại nuôi hai con, chăm sóc bố mẹ già thay anh”. Chính vì câu dặn dò ấy, nên khi con lớn lên tôi thường kể chuyện chiến đấu của anh ấy để mong các con lấy cuộc đời của cha làm gương soi cho cuộc đời mình. Và tôi đã toại nguyện khi định hướng hai con theo con đường binh nghiệp của cha”.

Tôi thức cùng những người lính biên phòng với lương khô, mì gói  và nước lọc nhưng đêm nay rừng cửa khẩu Thông Thụ không động tĩnh gì nên thượng úy Hùng có dịp trải lòng: “Cửa khẩu Thông Thụ tuy là cửa khẩu phụ nhưng phức tạp vì là địa bàn thường xuất hiện đối tượng vận chuyển tiền qua biên giới và mang ma túy vào nội địa. Các đối tượng luôn dùng thủ đoạn ma mãnh, sử dụng vũ khí nóng vì thế chúng tôi phải tuần tra 24/24 giờ tại những khu vực trọng yếu bất chấp mọi địa hình, hoàn cảnh, thời tiết. Cửa khẩu phải trở thành con mắt tinh tường mới soi được hành vi của kẻ xấu”.

Rồi người sĩ quan trẻ xúc động cho biết mỗi lần nhắc đến cha, anh lại bồi hồi. Chính những ký ức mồ côi về người cha khiến đứa con của anh hùng Võ Đại Huệ vẫn lưu giữ hình ảnh quý báu về người cha thân yêu mà anh chưa một lần biết mặt.

Anh kể: “Năm 1968 cha tôi là lính bộ binh chiến đấu ở các chiến trường Đường 9, Khe Sanh. Qua những chiến trường trận mạc này cha tôi được tặng thưởng hai huân chương Chiến công. Năm 1973 cha tôi ra Bắc học Trường Sĩ quan lục quân 1, năm 1975 chuyển sang Công an vũ trang nhân dân. Tháng 8-1978 khi đang là giáo viên khoa chiến thuật Trường Sĩ quan biên phòng (nay là Học viện Biên phòng) thì cha tôi nhận lệnh tăng cường lên Mường Khương để bảo vệ tuyến biên giới khi tình hình chiến sự đang diễn biến căng thẳng. Ngay trận đầu ngày 17-2-1979 trong cuộc chiến với quân xâm lược, dưới làn pháo và xe tăng bắn cấp tập, cha tôi chỉ huy một đại đội đánh trả quyết liệt khiến bộ binh địch không phối hợp được với xe tăng. Cha tôi chỉ huy tổ B40 chặn đánh, bắn cháy hai xe tăng ở ngã ba Mạn Tuyển buộc dàn xe tăng địch phải lùi lại. Khi thấy những chiếc xe tăng khác rẽ hướng xông vào Mường Khương, cha tôi dẫn tổ B40 chạy tắt để đón đánh và trực tiếp bắn cháy bốn xe tăng nữa. Ngày 18-2 pháo địch lại yểm trợ ba mũi dồn lên núi Na Khuy, cha tôi chỉ huy đơn vị đánh bật địch xuống và giữ vững trận địa mặc dù lúc đó ông đã bị trọng thương. Sau khi đánh lùi 11 đợt tấn công của địch, chỉ huy đơn vị tiêu diệt 300 tên (riêng cha tôi diệt 48 tên), chiều 18-2 cha tôi mở đường máu, phá vòng vây địch để di chuyển đội hình thì hi sinh. Sau trận đánh đó ông được truy thăng từ thiếu úy lên trung úy với Huân chương Chiến công hạng nhất. Tháng 12-1979 được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Nối dõi

Năm học lớp 12, ký ức về cuộc đời người cha càng sâu đậm trong tâm trí chàng học sinh mồ côi Võ Trọng Hùng. Anh cho biết dù mất điểm tựa lớn nhất trong đời là người cha nhưng chính sự mất mát đó lại là động lực cho mình đi tới. Anh nung nấu ý chí trở thành người lính biên phòng để theo con đường binh nghiệp của cha và để không phụ lòng người mẹ góa bụa cố gắng nuôi con lớn lên thành người.

Sau hai năm nhập ngũ, năm 1997 anh dự thi và trúng tuyển vào Trường trung học Biên phòng ở Bắc Giang. Rồi anh trở thành trạm phó trạm kiểm soát biên phòng Cửa Lò và trạm kiểm soát biên phòng Tam Hợp (giáp nước bạn Lào).

Năm 2010 anh tiếp tục dự thi vào Học viện Biên phòng. Do học chuyên ngành cửa khẩu nên từ năm 2012 đến nay anh tiếp tục công việc “canh gác” các cửa khẩu.

Thượng úy Hùng cho biết cửa khẩu này mỗi năm làm thủ tục xuất nhập cảnh cho cả ngàn người Mông, Thái là hai sắc dân thiểu số chủ yếu sống hai bên biên giới.

Ở khu vực này, các anh thường tổ chức mật phục để phát hiện những kẻ xấu, trong đó có những người mang hàng cấm như ma túy, hồng phiến. Cửa khẩu tuy nhỏ nhưng dù nắng mưa, gió rét cỡ nào anh em cũng không được phép để lọt tội phạm.

Thượng úy Hùng bảo sau nỗi đau mất cha của anh là niềm tự hào, sau niềm tự hào là sự dấn thân vì nhiệm vụ của người lính biên phòng nơi biên giới. Anh cho biết mình được kết nạp Đảng tại trạm kiểm soát biên phòng Cửa Lò năm 24 tuổi, ba lần chiến sĩ thi đua và nhiều bằng khen của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An.

Anh nói: “Cứ mỗi lần gặp phải khó khăn gian khổ, tôi lại nghĩ chưa thấm gì so với sự hi sinh quả cảm của cha mình nên tôi lại cố gắng để vượt lên”.

Đường phố mang tên anh hùng Võ Đại Huệ ở TP Lào Cai 

Anh hùng Võ Đại Huệ (quê xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2-1979 tại huyện Mường Khương (Lào Cai). Anh hi sinh năm 27 tuổi khi là thiếu úy, đại đội trưởng đại đội 11, tiểu đoàn 3, trung đoàn 16, Công an vũ trang nhân dân (nay là Bộ đội biên phòng).

Con trai đầu lòng của anh khi anh hi sinh mới 2 tuổi nay đang tiếp nối con đường binh nghiệp của cha. Đó là thượng úy Võ Trọng Hùng, trạm trưởng cửa khẩu Thông Thụ, đồn biên phòng Thông Thụ (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An).

Mới đây vợ chồng thượng úy Hùng ra Mường Khương thăm mộ cha rồi đến TP Lào Cai tận mắt nhìn thấy con đường mới mang tên Võ Đại Huệ.

“Nhìn nấm mộ cha nằm giữa mênh mông núi rừng, lòng dạ ngậm ngùi thương. Nhìn con đường mang tên cha thì tự hào đến rơi nước mắt bởi chiến công năm nào ở Mường Khương nay đã hóa thân vào chính vùng đất mà cha tôi đã ngã xuống trong hơi thở cuối cùng” - thượng úy Hùng nói.

Ông Tạ Đình Bảng - phó chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai - là người đề xuất ý tưởng nên đặt tên anh hùng liệt sĩ Võ Đại Huệ cùng hai người khác (đều hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2-1979 ở Lào Cai) cho ba con đường mới trong khu đô thị mới Lào Cai, Cam Đường.

Ông Bảng sinh ra, lớn lên ở huyện Mường Khương và nguyên là bí thư huyện ủy huyện này nên ông thấu hiểu giá trị sự hi sinh của những người lính qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ý tưởng của ông được HĐND tỉnh Lào Cai triển khai trong năm 2014.

 

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên