22/12/2014 09:38 GMT+7

Nơi đào tạo kỹ sư “bắt bệnh” cho vũ khí

MY LĂNG - MINH PHƯỢNG
MY LĂNG - MINH PHƯỢNG

TT - Trường Sĩ quan kỹ thuật quân sự (thuộc Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng) là một trong những nơi đào tạo kỹ sư sửa chữa vũ khí cho quân đội Việt Nam.

Học viên Trường Sĩ quan kỹ thuật quân sự (TP.HCM) tìm hiểu cấu tạo xe tăng - Ảnh: Tiến Long

Dẫn chúng tôi xuống khu vực lớp học của khoa tăng thiết giáp - một trong những khoa chủ lực của trường, đại tá Nguyễn Mạnh Hùng (chủ nhiệm chính trị Trường Sĩ quan kỹ thuật quân sự) chỉ tay về phía dãy nhà tường cao chứa hàng chục loại xe tăng, bảo: “Trên bộ, xe tăng là tài sản lớn của quân đội, Nhà nước. Việc mua sắm không đơn giản vì mình chưa sản xuất được, phải mua với giá cao nên công tác sử dụng, bảo quản, sửa chữa... rất quan trọng”.

Học và hành

Tại đây, nhà trường có rất nhiều loại xe tăng, cũ và cả mới: các loại xe tăng hạng nặng (đánh ở đồi núi), xe bọc thép bánh xích (dùng trong tác chiến vùng ven biển), xe bọc thép bánh hơi (dùng để chở quân, trinh sát). “Xe tăng là lực lượng đột kích mạnh của lục quân vì có ba đặc tính nổi trội: vỏ thép dày, hỏa lực mạnh, cơ động nhanh” - đại úy Lê Trường An (cán bộ khoa tăng thiết giáp) cho biết.

Ở xưởng tăng - vừa là “lớp” học lý thuyết vừa là nơi thực hành - của khoa tăng thiết giáp, các khẩu súng máy 14,5 li, 12,7 li..., thiết bị kính ngắm trên xe tăng... được “phơi” hết “nội thất” ra trên một bệ đỡ và đặc biệt là mô hình kết cấu bên trong của một chiếc xe tăng y như thật được dựng lên ngay giữa lớp học.

Hơi nóng hầm hập từ trên mái tôn hắt xuống nhưng các học viên ai cũng cắm cúi vào những cuốn tài liệu dày cộp, quần áo lấm lem. Nền nhà, vách tường cũng loang lổ vết dấu của dầu mỡ.

Cũng giống như các khoa khác, quy trình của mỗi học viên trong khoa tăng thiết giáp là tìm hiểu cấu tạo của thiết bị, cách khai thác, sử dụng thiết bị và bảo vệ, sửa chữa thiết bị cho thật giỏi, nhuần nhuyễn.

Một học viên ở đây thổ lộ: “Anh em học rất cực vì khối lượng kiến thức rất nhiều so với các khoa khác, học cả đạn, vũ khí, cả phần máy như ôtô... Trang thiết bị học rất nặng. Cái gì trên xe tăng cũng nặng, không phải cầm trên tay mà phải 2-3 người bưng khiêng. Nhưng ai đam mê khám phá thì rất thích vì được học nhiều hơn, được biết nhiều hơn, kiến thức rộng hơn”.

Tại các phòng học của khoa vũ khí trưng bày rất nhiều loại pháo, súng, tên lửa - vốn từng được sử dụng ở các quân binh chủng. Khi chúng tôi đến, giảng viên, thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn đang hướng dẫn học viên cách bảo dưỡng pháo cao xạ 37 li. Học viên đứng xếp hàng rất ngay ngắn, chăm chú lắng nghe giảng viên chỉ vào từng bộ phận quan trọng của pháo cao xạ 37 li giải thích.

Ngôi trường mang tên “ông vua vũ khí”

Trường Sĩ quan kỹ thuật quân sự (Q.Gò Vấp, TP.HCM) còn gọi tên khác là Trường đại học Trần Đại Nghĩa - tên của giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, một vị tướng, một nhà khoa học lớn được mệnh danh “ông vua vũ khí” của Việt Nam.

Gần 37 năm trôi qua, Trường Sĩ quan kỹ thuật quân sự đã đào tạo hơn 15.000 cán bộ, sĩ quan, nhân viên kỹ thuật cho quân đội Việt Nam và hơn 700 cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho quân đội Lào, hoàng gia Campuchia.

Ở khoa vũ khí, học viên được đào tạo về kỹ thuật của hơn 40 chủng loại vũ khí khác nhau của sáu nhóm: súng bộ binh, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa...

Đặc biệt ở bộ môn súng bộ binh, học viên được học những loại súng mới nhất, hiện đại nhất vừa trang bị cho hải quân đánh bộ Việt Nam, lực lượng đặc nhiệm...

“Do yêu cầu thực tế mới của các đơn vị nên bây giờ kỹ sư vũ khí phải biết nhiều loại vũ khí khác nhau để đáp ứng được nhiệm vụ” - trung tá Phan Văn Sỹ (giảng viên khoa vũ khí) cho biết.

Trung tá Phan Văn Sỹ tâm sự: “Ngành vũ khí khô khan nên lúc đầu nhiều em thờ ơ lắm. Nhưng sau khi tiếp xúc rồi thì lại thích. Đang học cái này thấy cái khác là lạ nhào vô hỏi, về nhà tìm thông tin”.

Anh Sỹ vẫn nhớ mãi cậu học trò tên Nguyễn Tất Thắng của khóa 20 ba năm về trước. Kết quả học của Thắng thời gian đầu mới vào khoa chỉ đạt trung bình. Những năm cuối thì đạt loại khá.

“Càng về sau, Thắng càng có nhiều câu hỏi làm tôi “choáng”. Em có cách giải thích nhiều vấn đề mà thầy còn chưa nghĩ tới. Sau này đi làm rồi Thắng tâm sự: em rất ân hận vì lúc đầu đã coi thường, sau mới thấy nó có nhiều cái hay” - trung tá Phan Văn Sỹ kể.

Các học viên khoa tăng thiết giáp thực hành trên mô hình là một xe tăng như thật tại xưởng tăng - phòng học và là nơi thực hành - Ảnh: My Lăng

Rèn nhân cách, trách nhiệm

Anh Sỹ chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ đào tạo về kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện cả nhân cách, trách nhiệm với vũ khí của người kỹ sư, người cán bộ kỹ thuật. Tôi luôn nhấn mạnh với các em rằng vũ khí là một bộ phận quan trọng kết hợp với con người tạo nên sức mạnh trong chiến đấu. Cho nên việc làm, hành động của mình luôn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của vũ khí và kết quả khi tác chiến. Do đó phải thật sự có trách nhiệm với vũ khí của mình”.

Cũng chính vì sự quan trọng mang tính sống còn đó, hình thức thi của khoa vũ khí rất đặc biệt: thi vấn đáp giữa một trò với ba thầy để tránh tình trạng học đối phó. Từ ngày thành lập trường, khoa vũ khí đã luôn áp dụng hình thức thi này với phần kết cấu vũ khí và khai thác vũ khí.

Còn nội dung về nguyên lý kết cấu, nghiệp vụ quản lý, thuật phóng... thì thi viết hoặc trắc nghiệm. Dù nội dung học nặng, cách thi “khắc nghiệt” như thế nhưng vẫn có những gương mặt tốt nghiệp loại giỏi, được mang hàm trung úy.

Đặc biệt, trung tá Phan Văn Sỹ cho biết kỷ lục ấn tượng nhất là một học viên khóa 15, tốt nghiệp được phong ngay hàm thượng úy với kết quả rất xuất sắc. Hiện người cán bộ kỹ thuật này đang công tác ở Tây nguyên.

“Rất ít nói, lúc nào cũng suy nghĩ, vừa đi vừa suy nghĩ. Thấy cái gì chưa hợp lý, bất ổn, tối về nghĩ, sáng ra đề xuất. Có khi nghĩ luôn cả những thứ không phải lĩnh vực của mình. Đồng chí này nhiều ý tưởng lắm. Hầu như quý nào cũng có sáng kiến. Đề tài nghiên cứu khoa học năm nào cũng có. Xuất phát điểm chỉ là một trưởng xe (trưởng một kíp xe tăng) rồi thi vào trường - khi đó mang tên Cao đẳng kỹ thuật Vinhem Pich, điểm thi đầu vào và ra đều xuất sắc toàn trường. Thi vào Bách khoa TP.HCM điểm đứng thứ 4, đạp xe đi học một ngày cả đi cả về 30km, tốt nghiệp á khoa. Sau đó học tiếp thạc sĩ ở ĐH Sư phạm kỹ thuật, đỗ thủ khoa trường cả đầu vào và ra”.

Đó là những dòng giới thiệu khá ấn tượng của chủ nhiệm chính trị về đại úy Lê Trường An.

Đại úy Lê Trường An hiện là trưởng bộ môn thiết bị điện - thiết bị đặc biệt thuộc khoa tăng thiết giáp. Anh đã ba năm liền đạt danh hiệu giảng viên giỏi cấp cơ sở và danh hiệu giảng viên giỏi quân đội năm 2013.

Giảng viên này còn là chủ nhân của hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học có tính thực tế, được hội đồng khoa học đánh giá cao. Hỏi vì sao anh luôn “ngồn ngộn” ý tưởng như thế, đại úy Lê Trường An cho biết ý tưởng đến trong đầu anh cả trong giấc ngủ, trong các bữa cơm hay trong lúc chạy thể dục.

Những kỹ sư sửa chữa vũ khí tốt nghiệp Trường Sĩ quan kỹ thuật quân sự sẽ được đưa về các quân khu, quân đoàn, các quân binh chủng trong toàn quân... Tại đây, khi được bố trí ở cấp phân đội, trung đội, đại đội... các “sản phẩm” của nhà trường đã khẳng định được trình độ của mình. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người đã được tin tưởng trao vị trí trung đội trưởng, đại đội phó, đại đội trưởng...

Có người giờ đã là cục trưởng cục kỹ thuật một quân đoàn, phó tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật, chủ nhiệm các kho cục quân khí. “Cứ 3-5 năm, chúng tôi đến các đơn vị khảo sát về chất lượng “sản phẩm” của mình đào tạo. Kết quả, các đơn vị đánh giá rất cao: hơn 70% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - đại tá Nguyễn Mạnh Hùng tự hào nói.

MY LĂNG - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên