21/12/2014 08:59 GMT+7

Giữa đời dân...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Gắn vội mấy viên gạch lên bức tường ngôi nhà đang xây, anh Đặng Văn Thắng mời chúng tôi ngồi và khoe luôn: “Nhờ kỷ niệm 70 năm tôi mới có được ngôi nhà mới này”.

Chị Chu Thị Hò và tấm ảnh chị cất giữ kỷ niệm trong lần Đại tướng về thăm Tam Kim tháng 12-1994 - Ảnh tư liệu
Chị Chu Thị Hò và tấm ảnh chị cất giữ kỷ niệm trong lần Đại tướng về thăm Tam Kim tháng 12-1994 - Ảnh tư liệu

Anh Thắng là con trai của cụ Đặng Tuần Quý, trong danh sách 34 người lính đầu tiên, tên cụ Đặng Tuần Quý xếp thứ 31, người dân tộc Dao Tiền. Cụ Đặng Tuần Quý mất từ năm 1991 khi 67 tuổi, còn vợ cụ, cụ bà Đặng Thị Hầu nay sống với gia đình anh Thắng, con trai thứ. Khi chúng tôi đến bà cụ Hầu đang bệnh nặng.

Ngôi nhà nhỏ ở bản Um

Đường vào nhà anh Thắng khá xa, nằm heo hút tận cuối bản Um. Mãi một lúc sau, khi trò chuyện với anh Thắng mới biết trước kia gia đình không có đất ruộng, phải sống phía ngoài rìa xã, mãi đến năm 1994 mới dành dụm mua được miếng đất ruộng và dọn về cuối bản Um này ở.

Căn nhà của anh Thắng ở từ bao nhiêu năm nay cũng chỉ che chắn tạm bợ, mái ngói cũ mục. Đến dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam này mới nhận được số tiền hỗ trợ 70 triệu đồng của các đơn vị hỗ trợ là báo Cao Bằng, báo Hà Nội Mới và Phòng Thương binh xã hội huyện Nguyên Bình, gia đình vay mượn thêm gấp đôi số tiền đó nữa để xây ngôi nhà mới.

Để xây một ngôi nhà ở đây cũng không đơn giản, chỉ riêng chuyện chuyên chở vật liệu vào tận cuối bản này đã đội giá thành lên mấy lần. Nhưng anh Thắng có vẻ không băn khoăn lắm về chuyện đó. Cũng như những người dân nơi địa danh lịch sử này mà chúng tôi đã gặp, chuyện khó khăn đời thường họ đã quá quen.

“Bố tôi cũng như cụ Cắm thôi, sau khi rời quân ngũ lại về xã, phục vụ công tác tại địa phương - anh Thắng vào chuyện - Những năm đó, khi về quê bố tôi là xã đội trưởng xã Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình), sau này tách thành xã Tam Kim thì lại về Tam Kim làm đội trưởng sản xuất. Cả năm anh chị em nhà tôi đều sống quanh đây, vẫn làm ruộng chăn trâu...”.

Có một tấm hình được gia đình anh nâng niu cất giữ rất trang trọng là tấm hình chụp vợ anh, chị Chu Thị Hò, trong lần đón Đại tướng về thăm lại khu rừng Trần Hưng Đạo cách nay tròn 20 năm, năm 1994.

Chị Chu Thị Hò kể rằng ngày ấy nghe tin Đại tướng về thăm lại Cao Bằng, nhân dân trong vùng phấn khởi lắm. Nhưng đường từ Cao Bằng vào Tam Kim, 20 năm trước còn rất khó đi, chỉ hơn 50 cây số, riêng chặng đường gần 20 cây số từ huyện lỵ Nguyên Bình vào Tam Kim xe chỉ đi được từng đoạn, Đại tướng năm ấy đã 83 tuổi.

Hôm đó, sau khi vào thăm và cắt băng khánh thành khu di tích lịch sử văn hóa rừng Trần Hưng Đạo, Đại tướng đã gặp nhân dân trong vùng ngay di tích đồn Phai Khắt - nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ hai ngày sau khi thành lập.

Di tích đồn Phai Khắt vốn là ngôi nhà của gia đình cụ Nông Văn Lạc. Khi Pháp lập đồn binh, chúng lấy luôn nhà của gia đình làm đồn. Trận đánh đầu tiên ấy đã được nhắc nhiều trong những cuốn sách lịch sử.

Nhiều năm nay, di tích đồn Phai Khắt được sử dụng làm nơi trưng bày nhiều hiện vật và hình ảnh của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày đầu thành lập, nhưng dịp kỷ niệm 70 năm này một khu nhà trưng bày và đón tiếp thuộc di tích rừng Trần Hưng Đạo được xây dựng ngay cửa ngõ vào khu rừng thiêng khang trang to đẹp và được bổ sung nhiều hiện vật quý.

Đồn Phai Khắt thôi “kiêm” thêm nhiệm vụ trưng bày mà được phục chế trở lại nguyên trạng như xưa, là một hạng mục trong quần thể di tích.

Ngôi trường được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp  vận động xây dựng ở xã Tam Kim - Ảnh: Ngọc Quang
Ngôi trường được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vận động xây dựng ở xã Tam Kim - Ảnh: Ngọc Quang

Món quà của Đại tướng

Thật bất ngờ, khi trở lại Tam Kim chúng tôi bắt gặp ngôi trường tiểu học của xã bên con đường vào khu rừng di tích còn tươi mới màu sơn vàng ấm. Trong ánh nắng đầu đông ở rẻo cao, ngôi trường sáng lên như một vệt màu rực rỡ giữa màu rừng trầm mặc.

Tìm vào trường gặp thầy giáo Nông Văn Hùng, hiệu trưởng, thầy cho biết Trường tiểu học Tam Kim là món quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bà con nhân dân nơi đây thông qua sự tài trợ của Công ty Boeing (Hoa Kỳ).

Canh cánh với cuộc sống còn nghèo khó của những người dân đã từng nuôi đội quân của mình trong những ngày đầu trứng nước, bởi thế khi vào tuổi 102, Đại tướng cùng gia đình đã vận động để xây tặng Tam Kim ngôi trường với kinh phí xây dựng 180.000 USD bao gồm một tòa nhà hai tầng xây mới với sáu phòng học, nâng cấp ba phòng học khác, khu sân chơi với tường rào bảo vệ xung quanh khuôn viên và hệ thống nước sạch.

Khởi công vào tháng 1-2013, nhưng Đại tướng đã không chờ được ngày ngôi trường hoàn thành.sau khi Đại tướng mất tròn ba tháng, tháng 1-2014, đúng dịp Tết Giáp Ngọ, Công ty Boeing và gia đình đã tổ chức khánh thành và bàn giao ngôi trường đẹp này cho nhân dân Tam Kim.

Thầy Nông Văn Hùng còn cho chúng tôi biết ngoài sự tài trợ của Công ty Boeing, anh Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp - cùng gia đình còn hỗ trợ trang bị thêm bàn ghế, phòng máy vi tính, máy chiếu, máy in và nhiều học cụ khác cho ngôi trường kỷ niệm này.

Trong cánh rừng này có lẽ chính vì miền ký ức quá thăm thẳm ân tình nên mỗi sự đền đáp cho nhân dân với lòng tri ân quá khứ luôn được người dân nâng niu trân trọng.

Cũng có thể bởi vì người dân nơi đây coi những gì cống hiến cho cách mạng từ thuở gieo neo trứng nước như là việc đương nhiên nên dù có khó khăn cũng không ai đòi hỏi phải đền đáp.

Như căn nhà ông Tô Đức Dũng đây, như chúng tôi đã kể, rằng nửa thế kỷ đi qua vẫn cứ thế, những tờ báo, tờ lịch nhiều màu sắc được dán lên nếp tường gỗ thô mộc xù xì che bớt sự nghèo khó tuềnh toàng của ngôi nhà.

Hay ngôi nhà anh Thắng, con trai của một trong số 34 người lính đầu tiên Đặng Tuần Quý, đến bây giờ mới cất được nếp nhà gạch, chỉ là một ngôi nhà cấp 4 xoàng xĩnh nhưng cả nhà đã thấy vui rộn ràng và đầy niềm biết ơn.

Anh Thắng chỉ có hai người con trai, người con trai cả tên Đặng Việt Hùng, người con trai thứ là Đặng Hùng Vương. Sau cuộc trò chuyện với anh đến quá trưa, nghĩ tới chặng đường từ nhà ra đầu bản xa quá, anh Thắng bảo con trai lấy xe máy chở chúng tôi ra một quãng.

Trên xe tôi hỏi: “Có biết ông nội mình là một trong số những người lính đầu tiên của quân đội nhân dân nước mình không?”, Hùng cười ngượng nghịu: “Chỉ biết là ông đi bộ đội thôi, rồi hết đi bộ đội ông về làm xã đội”.

“Sao ông nội như vậy mà Hùng không làm hồ sơ đi học trường ngoài tỉnh, ra làm cán bộ có phải giúp bố mẹ nhiều hơn không?”, Hùng lại cười nói to át tiếng xe máy: “Không, từ đời ông nội đến đời bố rồi đời em vẫn đi nương, chăn trâu trồng lúa thôi...”.

Những người dân bình dị ở Tam Kim mà chúng tôi gặp hôm nay đã bền lòng đi qua ngần ấy tháng năm, son sắt với cách mạng có lẽ từ chính sức thuyết phục của tướng Giáp đối với cuộc đời họ.

Và bởi thế, trong mỗi ngôi nhà dân ở nơi đây, dù nhà gạch tường xây hay căn nhà sàn tuềnh toàng, vẫn treo trang trọng bức ảnh chân dung Đại tướng với ánh mắt trầm mặc mà bao dung như núi như rừng, làm điểm tựa niềm tin cho người dân nơi khởi đầu đội quân 34 người nay trở thành những binh đoàn binh chủng hùng hậu cả triệu người bảo vệ Tổ quốc.

Và trong những cuộc chiến vệ quốc ấy, hàng vạn người lính đã ngã xuống nhưng không thể không nhắc đến người liệt sĩ đầu tiên của quân đội nhân dân VN: liệt sĩ Xuân Trường, mà tên anh nay đã là tên của một miền đất nơi anh hi sinh, một bản nhỏ cuối trời biên ải thuộc huyện Bảo Lạc, Cao Bằng...

________

Kỳ tới: Người liệt sĩ số 01

 

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên