26/11/2014 10:30 GMT+7

​Ngày tàn của gấu Quảng Ninh

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TT - Những chú gấu gầy trơ xương, yếu ớt, thiếu ăn và thường xuyên nôn mửa là hình ảnh còn lại hiện nay ở các trại nuôi gấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Những năm trước đây, chính những chú gấu này đã tạo ra công ăn việc làm và cuộc sống sung túc cho chủ nuôi.

Nhiều gia đình đã vay mượn hàng trăm triệu đồng để đầu tư vào gấu, tuy nhiên chỉ sau một vài năm mong đợi thì thời thế đổi thay khiến họ đứng trước nguy cơ tay trắng. Từ đàn gấu hàng ngàn con được mua nuôi để làm du lịch, nay chỉ còn mấy chục con.

Thời hoàng kim nay còn đâu

Hiện tại Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo có thể tiếp nhận thêm khoảng 100 con gấu. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận gấu bảo tồn hết đời và sẽ đưa về rừng trong thời điểm cần thiết
Tiến sĩ TUẤN BENDIXSEN

Sau khi thấy nhiều hộ gia đình nuôi gấu mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2000 gia đình anh Nguyễn Thanh Nhượng (ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) đã vay ngân hàng, anh em trong gia đình để mua tám con gấu, sau một vài năm nhân lên được hơn 100 con. Có những thời điểm mua một con gấu lên đến 14 lượng vàng.

Thời kỳ hoàng kim của ngành du lịch gấu (khách du lịch đến Quảng Ninh tham quan gấu và hút mật gấu), trừ mọi chi phí cũng kiếm được vài chục nghìn đồng/ngày/con gấu.

“Từ đóng tiền học cho mấy đứa nhỏ, tiền thuốc cho bà mẹ già và thằng em bị thiểu năng trí tuệ, rồi bệnh tim mạch của vợ tôi dựa hết vào đàn gấu. Đến bây giờ không còn thu nhập nữa, cuộc sống gia đình chỉ do mình tôi xoay xở. Không biết thời gian tới sẽ làm cách nào để cứu lấy gấu nữa đây” - anh Nhượng than thở.

Anh Nhượng cho biết thời điểm đông khách lại bị cấm. Có những lúc du khách từ Hàn Quốc ghé thăm trại gấu của anh bị cơ quan chức năng chặn ngay từ đầu cổng. Anh cũng đã kiến nghị nhiều nhưng không nhận được thông tin cụ thể từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh.

“Vậy là gia đình không còn gì để nuôi và đành để gấu chết mòn... Từ hơn 100 con sau một vài năm thì bị chết do bệnh, do cơ quan chức năng đến thu trắng đưa về trung tâm bảo tồn, đến nay chỉ còn 13 con. Trước đây gấu được chăm sóc tốt nặng đến 350kg, bây giờ chúng chỉ húp cháo qua ngày nên con nào giữ được xác thì còn khoảng 70-150kg” - anh Nhượng nói.

Anh Nhượng chia sẻ thêm gia đình anh đã chuyển trại gấu từ TP Hạ Long về khu vườn nhà mình để tự chăm sóc do không đủ điều kiện chăn nuôi, tiền thuê đất, mượn nhân công chăm nom.

Thời điểm có khách du lịch vào, có nguồn thu thì mua gà tươi, mật ong rồi nhiều chất dinh dưỡng khác để tăng đề kháng cho gấu, còn bây giờ chỉ đủ tiền mua gạo, trứng nấu cháo cho gấu húp.

Nói về việc bàn giao lại số gấu trong trại nuôi cho cơ quan chức năng, anh Nhượng cho biết không chỉ anh mà nhiều chủ trại nuôi gấu tại Quảng Ninh đều mong muốn gấu được về với trung tâm bảo tồn do người dân không còn khả năng nuôi.

“Gấu là động vật quý hiếm nhưng bây giờ chủ các trại nuôi chỉ cần Nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi một con gấu với giá tiền tương đương một con bò là được” - anh Nhượng chia sẻ.

Là một trong những chủ trại nuôi gấu với số lượng nhiều nhất của Quảng Ninh, ông Nguyễn Trọng Bờ (ở phường Đại Yên, TP Hạ Long) cho biết những năm trước đây khi gấu gắn chip thì được nuôi hợp pháp và ở các trại nuôi gấu có rất nhiều du khách đến tham quan nên thu nhập cũng ổn định.

Khi cơ quan chức năng gắn các biển báo cấm khách du lịch thì trại gấu của ông Bờ vắng tanh, không có người qua lại, nằm lọt thỏm dưới một khu đất cạnh quốc lộ 18.

“Trước đây nhà tôi có khoảng 200 con gấu nhưng khi có lệnh cấm thì tôi đã nhường lại cho hai hộ khác mấy chục con, ngoài số chết đã tiêu hủy ngay sau đó, tôi chỉ còn 32 con. Từ đầu tháng 11 đến nay đàn gấu đã chết thêm năm con, còn 27 con. Cán bộ thú y đến kiểm tra sức khỏe cho gấu nói nhiều con đang trong tình trạng yếu lắm rồi...”.

Bế tắc từ chính quyền

Thoi thóp qua ngày

Trại gấu của gia đình anh Phùng Văn Hải ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long có chín con gấu ngựa nằm trên khu đất khoảng 3.000m2 được thuê lại từ người khác.

Trước kia trại này có hàng chục con gấu được nuôi béo tốt, nhưng bây giờ nhiều chuồng nuôi không còn gấu, trơ khung sắt hoen gỉ.

Trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông, những khung ảnh quảng bá về gấu, về vịnh Hạ Long được treo trên tường đã hoen ố.

Nhà cho khách du lịch nghỉ ngơi cũng xiêu vẹo, mạng nhện giăng đầy do để lâu không quét dọn, tu sửa.

Anh Hải cho biết trước đây trại gấu nhà anh ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), thấy ở Quảng Ninh có đông du khách nên anh đã bàn với gia đình dời trại gấu về Hạ Long để kinh doanh du lịch.

“Cho khách du lịch vào tham quan gấu là loại hình mới, cứ mỗi khách vào lại cho ít tiền. Thời gian đầu làm ăn được nên tôi thuê thêm nhiều nhân công để trông nom. Đến bây giờ không còn người ra vào, gấu cứ đổ bệnh chết dần nên đành mượn anh em trông coi qua ngày chờ phương án mới của Nhà nước. Chúng tôi sẽ đồng ý để cơ quan chức năng đưa gấu về trung tâm bảo tồn nếu họ hỗ trợ thỏa đáng để chúng tôi đỡ thiệt” - anh Hải nói.

Đã có nhiều cuộc họp giữa cơ quan chức năng và chủ các trại để tìm lối ra cho những con gấu còn lại của Quảng Ninh nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu ích.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu về gấu, nếu không có những biện pháp kịp thời, chỉ trong vài năm nữa số gấu ở Quảng Ninh sẽ không còn.

Trên đường đưa chúng tôi vào các trại nuôi gấu, một cán bộ kiểm lâm công tác nhiều năm trong ngành tâm sự:

“Thấy gấu cứ chết dần mà buồn lắm. Cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã làm hết mình rồi. Nhiều cuộc họp diễn ra giữa cơ quan chức năng và chủ trại gấu nhưng nhiều năm trôi qua vẫn chưa tìm được giải pháp”.

Ông Phạm Văn Phát - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - cho biết trước đây các chủ trại cho ăn đầy đủ thì gấu sống khỏe và thậm chí có thể lấy mật định kỳ, còn bây giờ chủ nuôi nào cũng khó khăn vì lệnh cấm, không đủ kinh phí để đầu tư nên gấu không đảm bảo về sức khỏe.

Chính chế độ dinh dưỡng kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gấu ở Quảng Ninh chết nhiều trong những năm gần đây.

“Vướng mắc lớn nhất đối với các cơ quan quản lý là chủ nuôi dù không có điều kiện để nuôi nhưng không chịu giao lại gấu cho các trung tâm bảo tồn mà đòi phải bồi thường. Trong khi việc bảo tồn cho các trung tâm thì có hạn, không đủ để chứa hết số gấu hiện tại” - ông Phát nhấn mạnh.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen - giám đốc Trung tâm Cứu hộ gấu VN - cho biết: “Chúng tôi không thể đưa tiền bồi thường cho các chủ trại nuôi gấu.

Vì đưa tiền cho chủ trại nuôi gấu là vi phạm pháp luật của VN và những người tài trợ cho chúng tôi trong công tác bảo tồn gấu cũng không đồng ý việc này vì trước đây gấu ở các trại nuôi đã bị khai thác quá nhiều.

Gấu là động vật hoang dã, quý hiếm và Nhà nước không công nhận quyền sở hữu thì làm sao mà chủ nuôi có thể ra giá bồi thường được. Nếu chúng tôi bồi thường hay hỗ trợ cho người dân thì coi như chúng tôi tiếp tay cho buôn lậu”.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc tỉnh Quảng Ninh cấm khách du lịch tham quan gấu (cuối năm 2012), ông Đoàn Hoài Nam - phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) - cho biết: “Cục không chỉ đạo và cũng không có văn bản nào yêu cầu các chi cục kiểm lâm cấm khách du lịch tham quan trại gấu, đó chỉ là quy định quản lý riêng của địa phương”.

Theo thông tin từ Cục Kiểm lâm, trước thực trạng rộ lên nuôi gấu bất hợp pháp, chích hút mật để thu lợi nhuận từ những năm trước đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành những quy định để quản lý nghiêm ngặt.

Sau khi Cục Kiểm lâm đã rà soát, thống kê gấu và gắn chip, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương với nội dung: “Không tịch thu gấu nuôi trái phép mà giao lại cho chủ trại gấu và chủ trại gấu phải có trách nhiệm nuôi con gấu đã được gắn chip đến hết đời nhưng không được sở hữu”.

Chính vì không được sở hữu, không được mua bán, không được bồi thường là nguyên nhân gây ra sự lụi tàn của đàn gấu ngựa ở Quảng Ninh vì người dân không chịu mất không gấu sau khi bỏ ra một số tài sản lớn để mua chúng cho mục đích kinh doanh du lịch.

Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người dân tự nguyện giao nộp 82 con gấu còn lại trong các trại nuôi tư nhân cho cơ quan chức năng, để bàn giao về Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Trong khi đó, ông Lê Phương Triều - giám đốc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn Vườn quốc gia Cúc Phương - cho rằng muốn cứu đàn gấu ngựa ở Quảng Ninh, cơ quan chức năng cần có hỗ trợ phần nào cho chủ trại nuôi gấu để họ chịu bàn giao lại cho các trung tâm bảo tồn bán hoang dã ở VN.

Một chú gấu ốm đói trong một trại nuôi ở TP Hạ Long - Ảnh: Quang Thế
Một chú gấu ốm đói trong một trại nuôi ở TP Hạ Long - Ảnh: Quang Thế
Trại nuôi gấu vắng vẻ của gia đình ông Nguyễn Trọng Bờ - Ảnh: Quang Thế
Trại nuôi gấu vắng vẻ của gia đình ông Nguyễn Trọng Bờ - Ảnh: Quang Thế

Số lượng gấu ngày càng giảm

Gấu ngựa hay còn gọi là gấu đen châu Á. Gấu trưởng thành cao từ 1,2-1,5m, nặng khoảng 200kg, tuổi thọ của gấu khoảng 25-30 năm. Một con gấu ngoài tự nhiên một ngày ăn khoảng 5kg rau củ quả, mật ong, thức ăn tinh và có thể đi lại để kiếm ăn ở bán kính khoảng 10km.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, trước năm 2013 tại Quảng Ninh có rất nhiều gấu được các chủ trại tư nhân nuôi để phục vụ du lịch.

Nhưng sau lệnh cấm khách tham quan, cuối năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn lại 152 con gấu, đến tháng 11-2014 chỉ còn 82 con (70 con tiếp tục chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật).

Còn theo thông tin từ Cục Kiểm lâm, năm 2006 VN có 4.349 con gấu, năm 2010 là 3.320 con, đến năm 2013 giảm xuống chỉ còn 1.978 con.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên