21/11/2014 11:00 GMT+7

​Chúng tôi không dạy vì thành tích

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Giảng dạy và tiếp xúc với học trò Việt trong thời gian dài, các giáo viên nước ngoài nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cùng chung nhận định rằng học sinh, sinh viên Việt Nam ham học và tiếp thu rất nhanh.

Cô Lindsay Erdman và các học trò Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp
Cô Lindsay Erdman và các học trò Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, họ cũng thẳng thắn nhận xét về những điểm chưa ổn của phương pháp học và giảng dạy truyền thống ở Việt Nam.

“Tôi cảm thấy rất sốc!”

“Trong một cuộc họp phụ huynh gần đây, có phụ huynh đứng lên nói thành tích học tập của con tôi so với những bạn khác như thế nào? Tôi không muốn trả lời họ điều này.

Điều tôi muốn nói với họ là hãy nhìn vào những việc mà con của họ đang thể hiện tốt. Chúng là những học sinh rất giỏi trong lĩnh vực này nhưng có thể không giỏi ở lĩnh vực khác.

Đừng nên đặt nặng thành tích con tôi đứng nhất hay bét lớp” - thầy Tim Thompson, hiện là hiệu phó Trường Quốc tế Mỹ, chia sẻ.

Trải qua hơn mười năm giảng dạy ở Việt Nam, thầy Tim Thompson hiểu rõ những khác biệt trong văn hóa giáo dục của Á Đông và phương Tây, từ đó có sự kết hợp hài hòa những điểm mạnh trong phương pháp giáo dục.

Bên cạnh việc tôn trọng cách dạy học theo ghi nhớ, Tim Thompson không ngừng hướng đến lối giáo dục sáng tạo nhằm dạy học sinh những kỹ năng hoàn thiện bản thân như kỹ năng xử lý vấn đề, suy nghĩ độc lập, làm việc tập thể, giao tiếp xã hội... thay vì nhấn mạnh vào thành tích.

Với môi trường giáo dục của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Tim Thompson cho rằng để làm được điều này không chỉ cần thời gian mà còn cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Song song với việc thay đổi cách dạy cho giáo viên, nâng cao kỹ năng qua những khóa tập huấn, thầy còn nhấn mạnh đến việc cố gắng thay đổi tư duy của gia đình, của các bậc phụ huynh.

Đồng cách nghĩ với thầy Tim Thompson, cô Natalie Markides, giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 5 ở các trường công lập tại Sài Gòn, kể: “Có lần tôi có cuộc gặp với một phụ huynh người Việt. Tôi nói với bà ấy con bà là một học sinh rất xuất sắc. Nhưng thay vì vui mừng với lời nhận xét của tôi, bà ấy bỗng dưng hỏi: “Con của tôi có giỏi hơn người này người kia không?”. Tôi cảm thấy rất sốc. Tôi nghĩ đó không phải là cách tiếp cận giáo dục hay”.

Thầy Tim bày tỏ quan điểm của mình một cách thẳng thắn và mạnh mẽ: “Một số người được sinh ra để trở thành bác sĩ, luật sư hoặc làm tổng thống của Hoa Kỳ. Nhưng tất cả họ đến vị trí đó bằng nỗ lực học tập, làm việc và phát triển nhân cách, tính cách. Họ không đặt vị trí đó bằng cách so sánh mình với những người khác.

Chúng tôi tập trung vào việc dạy các em hoàn thiện bản thân, chứ không phải là tạo ra những thiên tài như mong muốn của một số phụ huynh Việt Nam. Họ rất kỳ vọng vào con cái. Kỳ vọng cũng tốt vì có thể giúp con bạn thích thú học hơn, nhưng kỳ vọng quá nhiều sẽ hủy hoại tuổi thơ con cái của bạn. Con cái của bạn có thể thành công sau này nhưng chúng sẽ không bao giờ lấy lại được tuổi thơ”.

Cách học, chứ không phải học cái gì

Với quan điểm giáo dục tương tự, một số giáo viên nước ngoài khác lại chia sẻ những cách thức và phương pháp dạy học sáng tạo một cách cụ thể.

Thầy Chris Roll, một giáo viên bản ngữ người Anh, đã dạy tiếng Anh ở ILA hơn năm năm, chia sẻ: “Trong lớp học, chúng tôi tạo cho các hoạt động tương tác. Các em sẽ phân thành nhóm, thảo luận nhóm, chơi game bởi vì vừa học vừa chơi là cách học hiệu quả nhất. Chúng tôi cung cấp cho các em câu hỏi chứ không đưa cho các em câu trả lời.

Thay vào đó chúng tôi yêu cầu các em tự tìm câu trả lời. Dần dần các em sẽ hình thành được thói quen tự tìm kiếm câu trả lời và rèn luyện tư duy. Đó là cách học chủ động chứ không phải thụ động”.

Theo thầy Chris Rolls, đây cũng là phương pháp được áp dụng và khuyến khích tại Anh. Phương pháp này được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng “đam mê và hứng thú trong học tập”.

Thầy Chris chia sẻ: “Chúng tôi dạy các em cách học hơn là học cái gì. Phải gieo vào lòng các em sự đam mê học tập để chúng có thể theo đuổi việc học đến suốt cả đời. Giúp chúng nghĩ rằng học tập tốt cho chúng, cung cấp cho các em các kỹ năng giải quyết vấn đề, cách đặt câu hỏi, làm việc nhóm và phát huy các sáng kiến. Chúng tôi giúp bọn trẻ phát triển nhân cách và cách thức học tập”.

Học cách tư duy sáng tạo chưa đủ, người học còn cần trang bị những kỹ năng cần thiết để không ngừng tiến bộ và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới hiện nay. Những kỹ năng sống hay còn gọi là kỹ năng mềm ngày càng được nhấn mạnh. Vì thế, cách thức giảng dạy của một số giáo viên nước ngoài tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Thầy Carey Thomas Campbell, giáo viên tiểu học Trường Mỹ (American School) ở Q.2, cho biết: “Trong lớp học của tôi, học sinh thường vừa học vừa chơi, ít phải mang sách vở. Tôi khuyến khích các em làm việc nhóm. Ở Mỹ, hầu hết các dự án đều là làm việc nhóm. Nếu bạn muốn trở thành kỹ sư, doanh nhân, nhà khoa học, thì tất cả những ngành nghề này đều cần kỹ năng làm việc nhóm. Thậm chí những người thông minh mà thiếu kỹ năng này cũng sẽ khó thành công. Nếu các em lắng nghe tôi giảng và sao chép tất cả những gì tôi giảng vào vở thì tôi nghĩ tôi không phải là giáo viên giỏi”.

Dĩ nhiên, không phải bất kỳ sự thay đổi mới nào cũng dễ dàng được chấp nhận. Cô Anna Lyza Felipe, người Philippines, giảng viên Trường ĐH RMIT, từng cảm thấy ngạc nhiên vì có nhiều lần trong giờ thảo luận nhóm, có sinh viên đề nghị được làm việc một mình. Cô vẫn nghĩ kỹ năng làm việc nhóm cực kỳ quan trọng cho xu thế phát triển và hội nhập hiện nay.

Thầy Stivi Cooke, người Úc, có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh, từng dạy tiếng Anh ở nhiều nước châu Á trước khi sang VN, đã có những nhận xét: “Những lớp học thụ động, im lặng, và ít ý kiến ở các nước châu Á khiến nhiều giáo viên phương Tây cảm thấy rất sốc.

Theo tôi, những người làm trong ngành giáo dục Việt Nam nên thay đổi phương pháp, đừng bắt học sinh phải học bằng cách ghi nhớ những con số và sự kiện. Hãy để các em suy nghĩ chọn lọc về thế giới rộng lớn bao quanh chúng”.

Thầy Stivi Cooke rất thích đi xe máy cùng chiếc mũ bảo hiểm to đùng - Ảnh nhân vật cung cấp
Thầy Stivi Cooke rất thích đi xe máy cùng chiếc mũ bảo hiểm to đùng - Ảnh nhân vật cung cấp

Yêu Việt Nam từ cái nhìn đầu tiên

Thầy Stivi Cooke (người Úc), có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh ở nhiều nước châu Á, phát hiện Việt Nam một cách tình cờ sau khi một người bạn của ông sống ở Hội An kể cho ông nghe về phố cổ này.

Vì thế, ông háo hức khăn gói lên đường sang Việt Nam, vừa thăm bạn vừa kết hợp du lịch. Ông chia sẻ: “Lúc mới đến Hội An, tôi đứng trên cầu Cửa Đại nhìn ra biển. Một cảm giác lạ lẫm chợt đi qua tâm hồn làm cho tôi cảm thấy mình đã yêu Việt Nam mất rồi”.

Từ đó, ông đã sống ở Hội An được năm năm. Thời tiết, con người, thức ăn và bãi biển... khiến ông càng thêm yêu vùng đất này.

Stivi Cooke tranh thủ học tiếng Việt. Ông vui vẻ cho biết: “Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ ba tôi đã học. Tôi có thể viết một số từ tiếng Việt để giảng dạy ngữ pháp và từ vựng”.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên