24/10/2014 09:20 GMT+7

​Mùa “di cư” của ngư dân

TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG
TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG

TT - Những ngư dân miền biển ở Quảng Ngãi, Bình Định gọi mùa này là “mùa biển khó”.

Ở biển là ngư dân can trường, lên Tây nguyên ông Tiêu Viết Tuyển lại là người trồng cà phê giỏi ở xã Gào (TP Pleiku, Gia Lai) - Ảnh: B.D.
Ở biển là ngư dân can trường, lên Tây nguyên ông Tiêu Viết Tuyển lại là người trồng cà phê giỏi ở xã Gào (TP Pleiku, Gia Lai) - Ảnh: B.D.
Mùa cà phê thu hoạch ở đây vui lắm, rẫy cà phê đèn bừng thâu đêm. Anh em ngư dân tụ họp lại bàn chuyện mùa màng, bàn chuyện biển. Người dưới quê tìm lên hái cà phê cũng nhiều. Câu chuyện vui nhất cũng dễ khóc nhất là biển. Bởi thế, dù ai có nương rẫy ở đây đi nữa thì vẫn thỉnh thoảng về dong thuyền ra khơi lại. Lâu lâu ra thăm lại Hoàng Sa, Trường Sa dù chẳng được nhiều cá nhưng vẫn cứ đi 
Ông TIÊU VIẾT TUYỂN

Khi những cơn bão lớn liên tục ập đến, ngư dân phải đu mình vật lộn trên những ngọn sóng lớn để giữ thuyền bám biển kiếm cá.

Nhưng vài năm trở lại đây, “mùa biển khó” ấy đang trở thành mùa làm ăn khác. Gác lại âu thuyền đợi qua ngày dông bão, những người dân miền biển ở dọc các tỉnh miền Trung ngược lên Tây nguyên để chăm sóc những nông trại cà phê, hồ tiêu.

Làng biển vắng tanh

“Làng Quảng Ngãi” ở Tây nguyên

Không chỉ ở TP Pleiku mà rất nhiều vùng cà phê, cao su khác ở Gia Lai có hẳn những ngôi làng mà người dân nói rặt giọng Quảng Ngãi - hầu hết xuất thân từ dân biển.

Ở những nơi đó, người dân tập trung làm ăn, sinh hoạt thành từng làng mà người dân tại chỗ gọi là những “ngôi làng Quảng Ngãi”.

Bốn năm kể từ ngày bỏ biển lên rừng làm cà phê, ông Tiêu Viết Tuyển - xã Bình Châu - giọng bỗng chùng xuống khi nhắc về anh em: “Riêng nhà mình có hai đứa em, một em rể, một em vợ chết vì đi biển. Mấy năm nay anh em dong thuyền ra khỏi Lý Sơn được cỡ một vài tiếng là bị tàu Trung Quốc đâm, thất bát quá nên đành phải lên đây đưa vợ con đi kiếm ăn”.

Rồi ông Tuyển thở dài: “Làm cà phê, hồ tiêu trên này cũng có kinh tế thật, nhưng thỉnh thoảng mình vẫn về Quảng Ngãi ra biển cùng anh em”.

Từ giữa tháng 10, những chuyến xe khách Quảng Ngãi - Gia Lai liên tục chở ngư dân xã biển Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lên Tây nguyên đi làm rẫy.

Thấy ba lỉnh kỉnh đồ đạc, cháu Nguyễn Thị Tình - mới 6 tuổi, con của ngư dân Nguyễn Văn Quang (thôn Phú Quý, xã Bình Châu) - ngước mặt lên hỏi: “Ba đi khi nào ba về, có lâu hơn đi biển không?”. Anh Quang ôm lấy đứa con gái bé nhỏ an ủi: “Con ở với mẹ ngoan, tết ba về có quà cho con gái”.

Ông Nguyễn Văn Phức, trưởng thôn Phú Quý, nói: “Ở làng Phú Quý có 200 hộ làm nghề biển, trong đó hơn 120 hộ mua rẫy trên Tây nguyên. Mùa biển động nhàn rỗi lại cùng nhau lên Tây nguyên bám rẫy.

Ông Phức nhớ lại hơn 20 năm về trước, mùa biển động ngư dân chỉ biết ở nhà tụ tập nhậu nhẹt, chơi bời. Nhiều gia đình cãi cọ vì chồng tối ngày say xỉn, biển thì bão gió chẳng ai dám đi. Thế rồi một số ngư dân đi thăm bà con ở Tây nguyên mua rẫy trồng cà phê. Thấy có hiệu quả, người đi trước dắt người đi sau, kéo cả làng biển cùng di cư”.

Dòng họ Tiêu ở Bình Châu có hơn 20 nóc nhà tất cả đều có rẫy tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Ngư dân Tiêu Viết Hồng đang cùng hai người con trai sắp xếp đồ đạc chuẩn bị lên Tây nguyên.

Con tàu 350CV của ông vừa cập cảng Sa Kỳ sau hơn một tháng bám biển Hoàng Sa sẽ được nghỉ ngơi chờ qua tết tiếp tục ra khơi.

Ông Hồng khoe: “Ai cũng nghĩ ngư dân chỉ giỏi làm biển, nhưng chúng tôi làm rẫy không thua ai đâu. Căn nhà này được làm từ cá và cà phê đấy”.

Ở xóm Câu cạnh thôn An Hải có hơn chục nóc nhà thì có đến tám nhà có rẫy ở Tây nguyên. Chúng tôi ghé nhà ông Dương Văn Xuân, thấy có người lạ, vài người hàng xóm đến hỏi thăm. Gia đình ông có ba người con trai là ngư dân, giờ tất cả đã lên Tây nguyên. Chị Trần Thị Hương, con dâu ông Xuân, cho biết: “Anh Thơm (chồng chị Hương) cùng hai người em đã lên xã Gào (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) hơn nửa tháng rồi, tới tháng chạp mới về quê ăn tết rồi đi biển trở lại”.

Lên núi xuống biển

Chiều trên cao nguyên đất đỏ, chúng tôi đi qua những ngôi làng của người Ja Rai ở xã Gào tìm những ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi lên thu hoạch cà phê.

Người đàn ông chạy chiếc xe máy quấn xích, áo dính đầy đất đỏ dừng xe ở quán tạp hóa mua rượu hỏi chúng tôi bằng giọng Quảng Ngãi: “Hỏi cái nhà ai rứa? Cũng ở Quảng Ngãi lên hử? Vào An Hải hay Phú Quý?”. Nghe tôi đáp lại bằng giọng miền Trung, người này cười xòa: “Tưởng cũng Bình Châu chớ, ở đây xung quanh toàn đồng bào Gia Rai, lâu lâu mới có người Quảng Ngãi lên, tưởng tìm anh em đâu trong này thì chỉ cho vì ở đây có mấy làng Quảng Ngãi mà!”.

Cách mặt đường quốc lộ 19 khoảng vài cây số là những nông trại cà phê, hồ tiêu bạt ngàn. Chỉ dăm năm trước, những thung lũng màu bazan ấy còn bao phủ bởi cỏ tranh, dây leo nhưng giờ đây dưới bàn tay của những ngư dân miền biển, tất cả đã biến thành những rẫy cà phê có giá.

“Mỗi hecta ở đây nếu cà phê thu hoạch rồi thì từ 500-700 triệu đồng là không cần phải trả, có người đón mua ngay. Trước đây đất đai bỏ không, anh em dưới biển mùa bão thì ở nhà ngồi chơi không” - ông Dương Văn Thơm, làng A, xã Gào, cũng là ngư dân ở Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), nói.

Ông Thơm cho biết hiện nhà của ông vẫn ở xã Bình Châu (Bình Sơn), hai vợ chồng cũng có một chiếc thuyền câu nhưng từ ba tháng nay mưa gió thường xuyên nên tranh thủ ngày nào ráo tạnh ông lại cùng anh em dong thuyền ra biển, ngày mưa bão thì đánh đường lên xã Gào chăm 1,5ha cà phê.

“Trước đây mình đi biển miết, nhưng cái nghề đó như đánh bạc, lúc có ăn thì cũng có thật nhưng rủi ro vô cùng. Thấy lênh đênh quá, tội vợ con nên năm 2009 mình theo đứa em lên xã Gào mua đất trồng cà phê”. Ông Thơm nói dù đã đưa vợ con lên Gia Lai ở hẳn để chăm sóc vườn tược, nhưng mỗi khi biển lặng, anh em dưới làng gọi về là ông lại xuống núi. “Đi biển cực nhưng đã vô cái nghề đó rồi mới thấy không bỏ được”.

TRẦN MAI - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên