19/10/2014 11:18 GMT+7

Độc nhất vô nhị

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Công trình nhà Quốc hội được thiết kế gồm một tòa nhà hình vuông “ôm” lấy phòng họp chính hình tròn ở giữa, mang biểu tượng của bánh chưng bánh giầy - trời tròn đất vuông trong huyền sử nước Việt.

Phòng họp chính của Quốc hội “bánh giầy” hình tròn, tượng trưng cho “trời”. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thị sát công trình ngày 3-10 - Ảnh: Việt Dũng
Phòng họp chính của Quốc hội “bánh giầy” hình tròn, tượng trưng cho “trời”. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thị sát công trình ngày 3-10 - Ảnh: Việt Dũng

Kích thước của tòa nhà 102m x 102m, nhiều người bảo là “độc nhất vô nhị - có một không hai”.

Bánh chưng bánh giầy

Công trình nhà Quốc hội là một tòa nhà hình vuông, gồm năm tầng nổi và hai tầng chìm, tổng chiều cao công trình khoảng 39m. Phòng họp Quốc hội nằm ở trung tâm tòa nhà, hình dáng cơ bản là hình tròn, gồm hai tầng (tầng một 575 ghế ngồi của đại biểu, tầng hai phía sau có 390 ghế ngồi cho khách và đại biểu dự thính).

Đại sảnh rộng lớn được bố trí dưới phòng họp Quốc hội. Bên cạnh đại sảnh là phòng hội đàm quốc tế, phòng tiếp khách quốc tế, phòng tiếp khách trong nước và phòng truyền thống của Quốc hội. Phòng tiệc ở đại sảnh có quy mô 800-1.000 khách. Phòng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở tầng 2, diện tích 600m2. Toàn thể tòa nhà có khoảng 80 phòng họp lớn nhỏ và nhiều phòng riêng của lãnh đạo Quốc hội và các ủy ban.

Tầng hầm thứ nhất có phòng họp báo 300 chỗ ngồi (cũng là phòng dành cho phóng viên làm việc); có phòng trưng bày hiện vật khai quật khu hoàng thành Thăng Long, liên kết với phòng truyền thống bên trên (có cửa thông ra khu khai quật khảo cổ hoàng thành Thăng Long).

Đem chuyện cũ hỏi lại cựu bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, ông cười: “Hồi đấy sau khi quyết định xây trên nền hội trường Ba Đình, đo đạc thấy mỗi bề có trên 100m, không được lấy rộng ra nữa bởi sẽ lấn vào khu khai quật khảo cổ. Vậy là chọn kích thước 102x102m, anh em gọi đó là kích thước độc nhất vô nhị”.

“Ông có thích phương án kiến trúc “trời tròn đất vuông” của nhà Quốc hội hiện nay không?” - tôi hỏi.

Chưa trả lời thẳng vào câu hỏi, ông Quân kể rằng người Đức có duyên với cả hai công trình lớn phục vụ hội nghị của VN, đó là Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình và nhà Quốc hội. Không bị giới hạn bởi diện tích và không gian, kiến trúc “lượn sóng” của Trung tâm Hội nghị quốc gia được nhiều người thích.

“Người Đức tiếp tục trúng tuyển phương án kiến trúc nhà Quốc hội. Tôi mời hội đồng kiến trúc sư hơn 30 vị thì nhất trí rất cao, Thủ tướng cũng đồng tình, đưa đi triển lãm ba miền thì phương án này được người dân bỏ phiếu cao nhất. Tôi là người làm công tác tham mưu, tôi phải lựa chọn phương án được nhiều người ưng ý nhất” - ông Quân cho biết.

Công trình được khởi công ngày 2-10-2009, chủ đầu tư là Bộ Xây dựng. Liên danh gmp International GmbH - Inros Lackner AG (Cộng hòa Liên bang Đức) làm tư vấn chính, tư vấn phụ là Tổng công ty Tư vấn xây dựng VN (VNCC) và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng VN (CDC).

Chủ nhiệm lập dự án là kiến trúc sư Nikolaus Goetze (giám đốc Công ty gmp International GmbH) và kỹ sư Otmar Haas (giám đốc dự án Công ty Inros Lackner AG).

Khoảng ba tháng gần đây, tuần nào Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng có mặt tại công trường, nhiều hôm ông chạy lên chạy xuống làm công việc của một đốc công, bên cạnh là ông Nguyễn Tiến Thành - giám đốc ban quản lý dự án - tóc tai bù xù, hốc hác vì mất ngủ.

“Không được lùi” - tôi nghe câu này nhiều lần từ cửa miệng ông Dũng ra lệnh cho ông Thành và các nhà thầu, bởi tòa nhà phải hoàn thiện cơ bản để kịp phục vụ Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 8 ngày 20-10.

“Tôi lo lắm. Đây không phải là công trình có số vốn quá lớn (gần 7.000 tỉ đồng), nhưng lại là công trình có thiết kế kiến trúc phức tạp, là tòa nhà thông minh, nên đòi hòi kỹ thuật thi công cao, tỉ mỉ, cần phải chỉ huy phối hợp đồng bộ của hơn 40 nhà thầu.

Anh thấy đấy, hệ thống nước phục vụ tòa nhà không khác gì một nhà máy nước, hệ thống điện và điều khiển cũng như một nhà máy, tất cả nằm trong lòng đất” - ông Trịnh Đình Dũng mô tả khi đưa chúng tôi đi tham quan tòa nhà.

Một phòng họp trong nhà Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng
Một phòng họp trong nhà Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng

 

Giấc mơ Diên Hồng

Hôm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát công trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son khoe có hai đơn vị thuộc bộ là VNPT và Đài truyền hình VTC góp phần xây dựng, lắp đặt hệ thống điện tử, âm thanh.

Chỉ là lắp đặt thôi, chứ qua lời giới thiệu của phó trưởng ban quản lý dự án Đỗ Thiều Quang, tôi được biết tòa nhà này được thiết kế và giám sát theo tiêu chuẩn G7 (các nước công nghiệp phát triển) nên gần như toàn bộ nguyên vật liệu, thiết bị được nhập khẩu từ Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc...

Vẫn còn hai bộ đèn “hàng thửa” đặt nguyên chiếc từ Ý chưa kịp nhập về phục vụ kỳ họp Quốc hội lần này, trong đó bộ đèn chùm treo phòng họp chính nặng khoảng 6 tấn, bộ đèn chùm treo ở đại sảnh nặng khoảng 4,5 tấn. “Vậy VN có gì trong này ngoài những bàn tay công nhân và kỹ sư lắp đặt, thi công?” - tôi hỏi.

Ông Quang chỉ tay vào những mặt bàn (bằng gỗ) trong phòng họp chính. Hôm sau, ông Quang chỉ cho tôi thêm một thứ “made in VN” nữa, đó là quốc huy treo ở giữa mặt chính của tòa nhà, bằng đồng nguyên chất, nặng 2,5 tấn do một công ty mỹ thuật của ta đúc.

Ngoài ra, các đơn vị ở Bình Định đã cung cấp hàng trăm ngàn tấn đá granit chống trơn dùng để lát sảnh bên ngoài tòa nhà và quảng trường Bắc Sơn...

Nhiều người đặc biệt thích thú với 14 khu vườn treo trên cao, xanh mướt xen kẽ các phòng làm việc, được trồng cọ, tre, lộc vừng... rất VN.

Hôm tham quan tòa nhà, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay ông đã đề nghị Quốc hội đặt tên phòng họp chính là phòng Diên Hồng, còn phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (rộng 600m2) là phòng Tân Trào.

Ông Quốc mong muốn mỗi khi các đại biểu Quốc hội bước vào tòa nhà đẳng cấp thế giới này làm việc thì trong bầu khí huyết và suy nghĩ của họ phải luôn vang vọng tiếng dân, xứng đáng với lịch sử cha ông và công lao của Bác Hồ.

Đứng trên đỉnh tòa nhà, nhìn ra phía chính diện là lăng Bác và quảng trường Ba Đình xanh rì cỏ, chếch về bên phải là Phủ chủ tịch đối diện với Văn phòng Trung ương Đảng.

Nhìn về bên trái, phía đường Bắc Sơn là đài tưởng niệm liệt sĩ cạnh bên nhà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hai hàng hoa ban quen thuộc đã được trồng lại sau khoảng thời gian di dời nơi khác để thi công công trình.

Nhìn về phía sau, qua đường Hoàng Diệu xa xa là Bắc Môn rêu phong, gần là điện Kính Thiên trầm mặc, hướng về phía cột cờ Hà Nội uy nghiêm với quốc kỳ đỏ thắm tung bay giữa nắng thu vàng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên