24/09/2014 11:13 GMT+7

​Ngày giỗ làng

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TT - Đúng ngày này 15 năm về trước (25-9-1999), một trận lũ kinh hoàng đã quét qua làng Phước Châu (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khiến cả làng chìm trong tang tóc. Cha mất con, chồng mất vợ, nhà cửa và ruộng đồng tan hoang.

Cột mốc báo lũ ở đầu làng Phước Châu còn đánh dấu và ghi rõ trận lũ lịch sử năm 1999 như để nhắc nhở dân làng - Ảnh: Tấn Vũ
Cột mốc báo lũ ở đầu làng Phước Châu còn đánh dấu và ghi rõ trận lũ lịch sử năm 1999 như để nhắc nhở dân làng - Ảnh: Tấn Vũ

Làng Phước Châu nằm dưới chân núi Bà Nà, nép mình bên dòng sông Túy Loan hiền hòa rợp bóng cây. Ven sông, những bãi bắp, nương dâu xanh ngắt một màu trải dài xa tít tắp.

Nhìn dòng nước lững lờ soi bóng hàng tre xanh thẳm mượt mà, chẳng ai có thể hình dung thảm họa đã từng qua đây.

Đêm lũ kinh hoàng

Như để nhắc nhở cư dân trong làng về trận lũ từng khiến hơn 30 người chết, ngay cổng làng Phước Châu, người dân dựng một cột bêtông cao gần 5m đứng sừng sững, ghi rõ mốc đỉnh lũ lịch sử năm 1999.

Dạo bước trong làng, chúng tôi bắt gặp khá nhiều cột mốc đánh dấu trận lũ lịch sử như vậy.

Chúng tôi gặp một người đàn ông cao lêu khêu, già nua ở cái tuổi ngoài 50, đang lau dọn bàn thờ, di ảnh vợ và ba đứa con.

Đó là ông Phan Hòa, chủ nhân của ngôi nhà buồn thảm ngày đó, đang chuẩn bị làm giỗ lần thứ 15 cho vợ và các con mình.

Ông Hòa cho biết: “Nếu không có cái đêm định mệnh ấy, giờ đây chắc các con tôi đã lớn khôn. Gia đình quây quần êm ấm. 15 năm qua, không lúc nào tôi không nhớ về vợ con mình”.

Đó là đêm 25 rạng sáng 26-9-1999, sau hai ngày trời mưa như trút, nước dưới sông Túy Loan dâng lên ngập trắng cả thôn làng.

Bỗng dưng trời hửng nắng nhẹ. Nước rút được vài phân. Những tưởng ông trời chỉ hù họa dân làng như năm nào cũng vậy nhưng bất ngờ càng về tối, trời càng tiếp tục đổ mưa mỗi lúc một nặng hạt. Ngã ba sông Túy Loan, nơi hợp lưu giữa hai con sông Lỗ Đông và sông An Lợi, trở thành biển nước ầm ào cuộn chảy.

“Đêm đen như mực. Tôi dỡ mái tôn đưa bốn mẹ con lên nóc nhà. Bất ngờ một thân gỗ to trôi dạt tấp vào đánh sập toàn bộ căn nhà. Vợ tôi và đứa con gái lớn chìm trong bóng tối giữa dòng nước dữ. Tôi ôm hai đứa nhỏ bấu vào một cành cây. Mưa vẫn như ném đá xuống lòng sông. Lại một cây to khác, cộng thêm những mảng bèo khổng lồ ập đến, hai đứa nhỏ lạc khỏi tay tôi và cách biệt giữa dòng nước lũ” - ông Hòa kể trong nghẹn ngào.

Ông Hòa bám lại trên cành cây hơn 10 tiếng sau, trời hửng sáng và được dân làng chèo ghe cứu thoát.

Cùng trong đêm ấy, hàng chục ngôi nhà ở Phước Châu bị cuốn phăng trong lũ dữ. Tiếng kêu cứu, tiếng gào thét tuyệt vọng văng vẳng trong tiếng mưa xé lòng nhưng chẳng ai có thể cứu giúp.

Ông Hòa kể rằng nhiều người bị nước cuốn nhưng may mắn bám víu được các ngọn tre đã thoát chết. Một người ngồi trên mái nhà tranh trôi từ Phước Châu xuống tận Túy Loan cách đó khoảng 5km thì được cứu.

Đó là em Trần Thị Lệ, 16 tuổi. Tại Túy Loan, Lệ bất ngờ được cậu ruột của mình chèo ghe vớt lên bờ. Đó là trường hợp hi hữu nhất của làng. Còn đại đa số thì chìm sâu trong nước lũ.

Căn nhà bà Trần Thị Thẩm khi đó bán tạp hóa ngay con dốc đầu làng trở thành điểm tập kết của cư dân bị lũ cuốn. Người được cứu vớt, người chạy lũ thoát chết đều tập trung đến đây. Đói, khát, chết chóc, hoảng loạn bao trùm xóm nhỏ.

“Tôi mở cửa hàng, xả hết những gói mì tôm cuối cùng còn lại cho bà con. Khi đó chẳng bán mua gì nữa. Ai đói thì cứ lấy ăn, khát thì uống. Chúng tôi cùng dân làng níu nhau cầm cự” - bà Thẩm kể.

Ba ngày sau lũ rút, ông Hòa thẫn thờ đi tìm xác vợ con.

“Heo, gà, trâu, bò... xác súc vật chết ngổn ngang. Tôi vạch mọi thứ để tìm nhưng mãi đến bốn ngày sau đó mới tìm thấy hai cháu nhỏ lẩn sâu trong lau lách bên mép sông. Gần chín ngày sau thì tìm được đứa lớn và ngày thứ 10 thì người dân báo tin xác vợ tôi trôi tận cửa sông Hàn, sát chân cầu Thuận Phước bây giờ. Những người dân chài nhặt xác vợ tôi, họ cắt mấy cái nút áo để làm kỷ vật nhận dạng. Rồi họ chôn cất cô ấy ở cồn cát ven sông, dựng tấm bia nhỏ rồi đặt cho cái tên là Nguyễn Thị Được, nhưng thật ra vợ tôi tên là Thơm - Trương Thị Thơm” - ông Hòa nghẹn ngào kể.

Ông Phan Hòa, người có vợ và ba con nhỏ mất trong trận lũ lịch sử năm 1999, kể lại nỗi mất mát quá lớn của gia đình mình - Ảnh: Tấn Vũ
Ông Phan Hòa, người có vợ và ba con nhỏ mất trong trận lũ lịch sử năm 1999, kể lại nỗi mất mát quá lớn của gia đình mình - Ảnh: Tấn Vũ

Ngay sau lũ rút, đích thân tổng bí thư khi ấy là ông Lê Khả Phiêu lập tức đến thăm người dân. Làng Phước Châu quyết định di dời cấp tốc đến nơi ở mới cao ráo hơn sát chân núi. Nhiều tổ chức từ thiện cũng đến chia sẻ với người dân nơi này.

Ông Hòa nhớ lại: “Khi đó chính quyền và dân làng dựng cho tôi một căn nhà khung sắt để có nơi thờ cúng. Bác Phiêu dầm mưa đến hỏi: Bây giờ cháu muốn làm gì để chính quyền giúp? Tôi lắc đầu cảm tạ ơn đó. Nhưng bụng dạ khi đó đâu nghĩ đến việc làm. Chỉ nghĩ đến cái chết và muốn về nằm thật nhanh bên bốn ngôi mộ của vợ con trên ngọn đồi”.

Gượng dậy mà sống

Lội ra giữa cồn bắp xanh mởn ngay ngã ba sông Túy Loan nhìn về phía thượng nguồn, dòng nước vẫn xanh thẳm một màu, hiền hòa mát dịu. Những đàn bò gặm cỏ bên người dân cuốc đất trồng đậu tương, khoai môn.

Dấu tích còn lại của cơn lũ bây giờ là những bờ vực sâu hoắm, ngoạm thẳng vào các mảnh vườn. Ông Trần Lanh (42 tuổi, người thoát chết nhờ bám cành tre trong đêm lũ dữ) kể rằng dân trong làng chẳng thể nguôi ngoai trước nỗi đau quá lớn.

Cả làng Phước Châu có đến bảy người chết, cả xã đến 14 người, riêng người qua đường, khách vãng lai phải đến trên 30 người chết trong trận lũ ấy.

Bây giờ hằng năm, vào đúng ngày 25-9, dân trong làng tổ chức một mâm cúng ở ngay đầu làng. Đây là ngày giỗ dân làng cúng chung cho những người đã chết trong trận lũ 15 năm về trước. Những người già cúi lạy cùng gia đình có những người xấu số vong thân trong lũ.

Trong khói hương nghi ngút ấy, dân làng cầu mong những điều bất trắc, tai ương đừng đến gieo rắc xuống thôn làng.

15 năm sau biến cố ấy, Phước Châu bây giờ là những mái ngói ửng hồng trên những căn nhà. Đường làng ngõ xóm đều đã đổ bêtông. Những ngôi trường học, trụ sở ủy ban xã, các trạm xá cũng được xây 2, 3 tầng.

“Đây vừa là trụ sở, cũng là nơi để người dân trong làng tránh lũ dữ. Bây giờ thông tin và hạ tầng có thể giúp đối mặt được với những trận lũ bằng hoặc lớn hơn cơn đại hồng thủy năm 1999” - ông Phan Dũng, chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú, chia sẻ.

Nỗi đau và những mất mát quá lớn những tưởng ông Hòa gục ngã. Những tháng ngày nhớ vợ con quay quắt, ông chỉ biết chìm trong men rượu.

Ông bộc bạch: “Lúc say tôi càng buồn nhớ thêm, càng thổn thức khôn nguôi. Tôi quyết định quay về làng cũ dựng một tiệm sửa xe đạp ngay đầu dốc để mưu sinh. Thỉnh thoảng quay vào nhang khói cho vợ con. Và 15 năm qua, mấy ngàn đêm rồi, nhiều lần tôi mơ giấc mơ gặp lại gia đình ngày xưa. Gặp các con thơ và cả tiếng cười”.

Nói rồi, ông Hòa lôi trong túi áo ra chiếc điện thoại mở lên đưa cho tôi xem ảnh đứa con gái lên 5 kháu khỉnh của mình. “10 năm sau trận lũ ấy, tôi mới đi thêm bước nữa, sinh ra nó đấy. Nó là hiện thân của mấy anh chị đã mất”.

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên