15/09/2014 11:00 GMT+7

​Từng trang tư liệu bi hùng

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Khi viết về phong trào Duy Tân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân than thở mình có quá ít tư liệu để tham khảo, dẫu thời đó ông còn may mắn gặp được một số nhân chứng sống.

Cụ Phan Châu Trinh (đứng hàng đầu, cầm thương) đóng vai Thi Sách trong vở tuồng Trưng Vương bình ngũ lãnh, diễn tại Côn Đảo tết 1910 - Ảnh: tư liệu nhà lưu niệm Phan Châu Trinh
Cụ Phan Châu Trinh (đứng hàng đầu, cầm thương) đóng vai Thi Sách trong vở tuồng Trưng Vương bình ngũ lãnh, diễn tại Côn Đảo tết 1910 - Ảnh: tư liệu nhà lưu niệm Phan Châu Trinh

Giờ đây, may thay, nguồn tư liệu quan trọng về phong trào Duy Tân nằm ở các thư khố của người Pháp đã được sưu tầm, khoảng cách 100 năm như được rút ngắn lại với cái nhìn cận cảnh hơn...

“Đền đáp nợ cha ông”

Đó là lời của bà Lê Thị Kinh, 90 tuổi, hiện ở tại 72 Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng. Nhà riêng của bà với một sảnh chính làm nhà lưu niệm chí sĩ Phan Châu Trinh - ông ngoại của bà.

Bà Kinh là người sưu tầm, biên dịch và cho in thành sách nguồn tư liệu đồ sộ mà bà sưu tầm được với tên sách là Phan Châu Trinh qua các tài liệu mới, chứa đựng những thông tin về phong trào Duy Tân mà Phan Châu Trinh được coi là chủ súy.

Vừa mới qua cơn đau, bà Kinh đã trở lại với công việc từ nguồn tư liệu được bà sưu tập từ các thư khố Pháp. “Duy Tân là một phong trào hết sức quan trọng. Các sĩ phu Duy Tân là những người dám dấn thân, hi sinh, nhờ vậy mà tạo được chuyển biến trong đầu óc người dân nên họ tin và nghe theo, làm theo.

Như ông Lê Cơ, đã đảm đương làm Duy Tân cho làng mình, liên kết với 30 xã thôn khác, đưa nhân dân vào con đường tự mình thay đổi cuộc đời mình... Phong trào Duy Tân quan trọng vậy mà tư liệu hiện có thì quá ít. Vậy nên tôi quyết phải đi tìm...”, bà Kinh giải thích.

Hai chuyến sưu tầm kéo dài gần sáu tháng (1995, 1998) đã giúp bà Kinh thỏa điều mong muốn được bà nung nấu, ôm ấp từ lâu nhưng chưa thực hiện sớm được vì hết bận việc công lại đến thiếu điều kiện tài chính. Đến khi bà được nghỉ hưu, thấy không thể để chậm hơn nữa việc đi tìm các tư liệu về phong trào Duy Tân từ phía người Pháp, bà đã quyết định vào cuộc.

“Lúc ấy tôi đã 70 tuổi, không thể chậm được nữa. Vậy là tôi phải vay không lãi người quen ở Sài Gòn mấy ngàn đô. Thêm nữa là sự hỗ trợ từ gia tộc cụ Phan Châu Trinh do Nguyễn Thị Bình - cũng là cháu ngoại cụ Phan - đại diện. May cái là tôi vận động được tòa đại sứ Pháp ở Hà Nội về khoản vé máy bay.

Tôi nói với đại sứ Pháp: “Ngày xưa cha ông các ông bỏ tù ông ngoại tôi và rất nhiều người cùng tình trạng như ông ngoại tôi. Thế mà tài liệu về các ông ấy thì người Pháp lại mang về Pháp hết. Nay ông phải giúp tôi qua bên đó tìm lại số tư liệu ấy mới là công bằng chứ!”. Tôi nói và cười. Ông đại sứ cũng cười và giúp ngay vé máy bay, bốn vòng qua lại, đỡ ghê lắm đó”, bà Kinh thuật lại.

Thương ông cha làm Duy Tân gian khổ, thiếu thốn đủ điều, đến khi bị bắt bớ tù đày lại khổ ải gấp mấy lần, bà Kinh đã vượt qua khó khăn suốt những ngày miệt mài ở thư khố để lục tìm cho ra những tư liệu cần thiết.

“Vì khoản tiền dành cho công việc của mình có hạn, tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm. Bữa trưa tôi mang theo đồ ăn để ăn tại thư khố, thường là một ổ bánh mì. Giá chụp tư liệu đến 2 franc/bản, tôi phải cho sao chụp nhỏ lại để đỡ tốn. Cũng nhờ thấy mình làm vậy nên nhân viên sao chụp đã giúp chụp không lấy tiền...” - bà Kinh nói với niềm xúc động.

Tư liệu về Phan Châu Trinh, về phong trào Duy Tân có nhiều ở hai điểm là Trung tâm Lưu trữ Pháp và Sở Bảo vệ quân đội viễn chinh Pháp. Thấy một phụ nữ Việt lớn tuổi, lại miệt mài với công việc vì tiền nhân, vì lịch sử dân tộc mình, nhiều người Pháp đã tỏ bày sự cảm phục.

Ở chuyến thứ hai, một phụ nữ Pháp, qua bạn bè giới thiệu, đã mời bà Kinh đến ở nhà bà để đỡ tốn tiền nhà trọ. Người ấy còn muốn được nuôi ăn luôn cho bà Kinh nhưng bà đã từ chối khoản này, chỉ xin nhận chỗ ở thôi.

“Vậy đó, người ngoài họ còn trọng việc nghĩa, trọng lịch sử của người Việt huống chi là mình. Mình nợ nần sự hi sinh của ông cha nhiều quá. Nay mình làm được chút nào cũng là mong đền bớt nợ nần mình mắc ông cha...”, vẫn bà Kinh kể lại.

Bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại chí sĩ Phan Châu Trinh - Ảnh: H.V.M.
Bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại chí sĩ Phan Châu Trinh - Ảnh: H.V.M.

Từng trang tư liệu bi hùng

Phong trào Duy Tân chưa mấy được biết đến nhiều. Sách sử viết về phong trào này cũng còn quá ít. Chưa có những công trình nghiên cứu sâu rộng về phong trào cách mạng quan trọng này. Cũng như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, học giả Nguyễn Hiến Lê đã nói.

Đọc hai tác phẩm với số trang không lớn nhưng được diễn dẫn một cách thuyết phục của hai ông, hoạt động Duy Tân thấy diễn ra thật sôi nổi, mạnh mẽ và có ý nghĩa lớn lao.

Với những tư liệu mới về Phan Châu Trinh, về phong trào Duy Tân được bà Kinh sưu tầm, không khí Duy Tân trăm năm trước lại càng hiện lên rộn ràng hơn, sôi nổi hơn.

Những báo cáo, những công điện, những bản thẩm vấn của các quan chức Pháp ở Quảng Nam, ở tòa khâm sứ Huế, ở các tòa án, ở các cơ sở mật vụ Pháp, của toàn quyền Đông Dương, của Bộ Thuộc địa Pháp, rồi đến những tường trình, những bài báo về Phan Châu Trinh, về những nhân vật khác của phong trào Duy Tân, về cuộc biến Trung kỳ 1908, những án tù dành cho các thành viên Duy Tân... sưu tầm từ các nguồn lưu trữ của người Pháp được bà Kinh lục ra.

“Các nhân viên ở các thư khố nói tôi giỏi “lấy” tư liệu. Họ cũng nói chưa thấy ai lấy nhiều tư liệu như tôi...”, bà Kinh kể lại.

Không cố lục ra cho thật nhiều sao đành, bởi theo bà Kinh, đó là dấu chứng đấu tranh, là nước mắt, là máu xương, là tù đày, là sự hi sinh khôn cùng của ông cha ta trên đường cứu nước.

Khác với lúc sưu tầm ở thư khố là cố làm gấp, làm nhanh để mang về, trong biên dịch bà Kinh nói mình đã rưng rưng trước từng trang tư liệu. Bởi ở đó là chứng tích đấu tranh của ông cha, là dấu chứng của sự bạo tàn, áp bức của thực dân và Nam triều, là sự kiêu hùng trong tranh đấu của người dân mất nước.

“Nhưng mình phải cố vượt qua cảm xúc để biên dịch cho chuẩn xác. Có vất vả nhưng mình phải cố...”, bà Kinh tâm sự.

Giờ đây, với nguồn tư liệu mới này, mong sao sẽ có thêm những biên khảo sâu rộng về phong trào Duy Tân, về những thủ lĩnh của công cuộc duy tân - đổi mới đầu tiên của dân tộc ta.

Dù bị người Pháp cho binh lính phá sạch sau sự biến 1908, nhưng với số trường tân học duy tân trên 40 trường được vận động thành lập chỉ mấy tháng trong năm 1907 ở Quảng Nam, nền giáo dục tân học đã vững vàng đâm chồi được trên mảnh đất mà nền cựu học vốn độc quyền ngự trị hàng ngàn năm.

Còn ở Hà Nội, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tuy lập muộn hơn, 1907, nhưng lại thể hiện được tầm vóc và bước tiến về chất của nền giáo dục duy tân. Dù trường học bị triệt phá nhưng tân học đã dần mạnh lên như là nền móng của một nền quốc học.

Cũng bị xóa bỏ sau biến cố 1908, các hội đoàn như hội thương, hội nông, hội học - những “tổ chức” xã hội mới mẻ được phong trào Duy Tân tạo lập - đã tạo cơ sở cho những tổ chức xã hội tạo sự hợp quần trong các lĩnh vực được thành lập sau này cho nhiều mục đích.

Nó đề cao vai trò tổ chức, vai trò tập thể, tạo sự gắn kết của các nhóm xã hội vì một mục tiêu chung - những điều mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân là rất đáng trân trọng của phong trào này.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên