28/07/2014 11:02 GMT+7

Cho và nhận sách giáo khoa

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Từ đầu tháng 6-2014, vợ chồng anh Đặng Quý Nhân và chị Nguyễn Thị Lan đã dựng tấm bảng “Cho và nhận sách giáo khoa cũ từ lớp 1 đến lớp 12” trước cửa tiệm đồ điện của mình ở đường Phạm Hùng (Hòa Thành, Tây Ninh) để thu gom sách giáo khoa cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Chàng trai bại liệt lập tủ sách cho trẻ em làng Người viết sách từ trái tim

0xfZdJiU.jpg
Các em học sinh đến chọn sách ở nơi cho và nhận sách của anh Nhân - Ảnh: Y.T.

Trên tấm bạt cũ, từng chồng sách giáo khoa các cấp học được vợ chồng anh Nhân xếp gọn gàng. Anh Nhân cùng con trai đang lui cui sắp xếp sách theo từng cấp lớp từ trong bao sách người ta mới đem cho. “Thấy trẻ em gần nơi mình ở nhiều em thiếu sách giáo khoa, người lớn cũng hay than mua sách mới tốn kém quá nên vợ chồng tôi nghĩ ra ý tưởng cho và nhận sách cũ, để phần nào giúp họ nhẹ đi gánh nặng tựu trường” - anh Nhân nói. Để “khai trương”, con trai anh năm sau vào lớp 7 cũng đã góp toàn bộ sách từ lớp 1 đến lớp 6 của mình. Những ngày đầu chưa ai biết đến, anh Nhân đã mua lại sách cũ từ những người bán ve chai hoặc ghé những tiệm sách gần đó để tìm mua. Sau gần một tháng, anh tìm mua được khoảng 30 bao sách các cấp học, phần vì ở tỉnh lẻ không nhiều chỗ bán sách cũ và công việc bận rộn.

Người đến lấy sách có thể tự do lựa chọn loại sách mình cần, có người gia đình 2-3 người con đi học cũng được nhận cả ba. Cũng có người không biết chữ nhưng đến nhận cho con cháu, vợ chồng anh Nhân cũng vui lòng lựa giúp. Tuy sách chưa nhiều, có nhiều bộ không đủ các môn học, nhưng ai cần gì thì lấy đó. Bà Ba Khế (60 tuổi), nhà ở chân núi Bà Đen ngày nào cũng đi bán vé số, vừa chọn xong bộ sách lớp 8 cho cháu nội của mình, nói: “Ba nó mất lâu rồi, mẹ nó đợt trước đi làm bị té xe, gãy tay. Năm học tới có mình tui lo cho nó. Thiệt có sách cho nó học tui mừng lắm”. Còn em Nguyễn Thị Ngọc Giàu, học sinh lớp 7 Trường THCS Trường Tây, dịp hè phụ mẹ bán vé số, đi ngang đây thấy cho sách nên rụt rè hỏi xin. Trời chuyển mưa, hai mẹ con cẩn thận bọc thêm một lớp bọc sợ ướt sách rồi mới ra về.

Lâu ngày, chuyện vợ chồng anh Nhân cho và nhận sách giáo khoa cũ được bà con biết đến. Những nhà gần đó qua góp sách, cũng có những tấm lòng ở các huyện khác không ngại xa xôi đem sách đến, thậm chí có người chỉ tạt ngang đặt mớ sách xuống rồi đi liền không màng đến lời cảm ơn của gia đình anh Nhân. “Cảm động nhất là những người lớn tuổi, nghèo khổ nhưng cũng cặm cụi cầm mấy quyển sách cũ tới góp, nói là để cho tụi nhỏ có sách mà học. Cháu gái tôi học ở Sài Gòn biết việc này cũng xin của người quen trên đó đem về được mấy bộ” - chị Lan chia sẻ. Vợ chồng anh cũng không chú ý xem từ ngày cho nhận sách đã có bao nhiêu người đến cho, đến nhận nhưng cảm giác hạnh phúc vì đã giúp được nhiều trẻ nghèo không phải tốn tiền mua sách là không hề vơi. Hiện giờ họ lo nhất là lượng người đến nhận sách ngày càng nhiều thêm nhưng anh chị không rành nơi nào bán sách cũ để tìm mua, và mong nhận được sách từ giờ đến ngày tựu trường của những tấm lòng hảo tâm nhiều nơi để giúp cho nhiều trẻ khó khăn hơn.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên