22/06/2013 13:35 GMT+7

10 năm cùng Phụng

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Từ cả tháng nay, lần nào gọi cho Phan Thị Kim Phụng hỏi thăm diễn tiến những chặng cuối của hành trình khiếu nại đều nghe cô cười giòn tan. Tiếng cười giòn vững vàng của tuổi 30 thật khác với những giọt nước mắt tủi thân đẫm ướt tuổi 20 khi lần đầu tiên Phụng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Kỳ 1: Phía sau những bài báo Kỳ 2: Báo chí “chạy tiếp sức” cùng ngư dân trong vụ bạch tuộc

b73qm9Qm.jpgPhóng to
Kim Phụng trong một lần ôm chồng hồ sơ khiếu nại đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tự Trung

Mười mấy năm qua, với Phụng, là một chặng đường khúc khuỷu, và với chúng tôi cũng là một câu chuyện khó có thể quên trong đời làm báo.

Đêm nước nổi

Sáng hôm ấy, một cô gái trẻ đi cùng một ông già bước vào phòng tiếp bạn đọc, lôi từ trong bị cói ra một chồng đơn khiếu nại về giải tỏa đất đai. Hình ảnh và những câu chuyện này đã quá quen thuộc với những người làm báo. Vừa cất lời hỏi, cô gái đã khóc mướt, tay còn chưa kịp đặt tờ đơn lên bàn. Tôi đã gặp Phụng như thế.

Ngày ấy Phụng chưa biết trình bày câu chuyện của mình mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết như bây giờ. Cô chỉ khóc, kể về một buổi sáng của tuổi 19 bỗng nhiên bị còng tay sau khi nhổ cái cọc cắm trên đất nhà mình. Sau đó Phụng phải ra tòa, phiên tòa lưu động mở ngay trên khu chợ xã nhà nhưng Phụng cũng không nói được câu nào, chỉ khóc, và tuổi 20 của cô đã phải trải qua trong trại giam. Ông Bảy Bình, ba Phụng, kiên quyết khẳng định: “Thửa đất của tôi nằm ngoài quy hoạch nên tôi mới không chấp nhận, nếu thật sự trong quy hoạch tôi sẽ đồng ý với Nhà nước, vì quy hoạch là để làm đẹp cho quê tôi”.

Lặn lội theo đúng nghĩa đen gần 200km để đến nhà Phụng ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp giữa mùa nước nổi, chúng tôi gặp cả gia đình già trẻ lớn bé trên một sàn ván bắc chông chênh ven sông, tứ bề là nước. Căn nhà cũ đã bị cưỡng chế. Có một cái võng, cả nhà nhường cho tôi. Đêm lắc lư trên sàn nước, nhìn ông Bảy Bình đốt một đống lửa vừa để sưởi, vừa xua muỗi, ngồi suốt đêm không ngả lưng, chợp mắt, nghe bà Bảy nằm co quắp chốc chốc lại thở dài: “Ép chuối đừng ép tới thành bột, con ơi”, tôi miên man nghĩ về nghề làm báo của mình. Chúng tôi sẽ giúp được gì cho gia đình Phụng đây?

Sáng đến văn phòng UBND huyện, đến công an, viện kiểm sát... dự định hỏi về việc thu hồi đất chỉ qua tờ thông báo mà không có quyết định, không có ai đồng ý tiếp và trả lời chúng tôi. Bên này chỉ bên kia và cuối cùng là lắc đầu. Nhưng chúng tôi đã kịp xem tấm bản đồ quy hoạch trung tâm thương mại Trường Xuân 1/500 treo ở trụ sở ủy ban. Chụp lại và đem so với thực tế, với bản vẽ thửa đất nhà ông Bảy Bình, chúng tôi tin ông Bảy, Phụng và câu chuyện của họ.

Cả Phụng lẫn chúng tôi đều không nghĩ rằng đường sẽ dài đến thế.

Các cơ quan chức năng có trách nhiệm đều một mực khẳng định việc họ làm là đúng. Báo làm phiếu chuyển đơn khiếu nại của ông Bảy Bình đến huyện, tỉnh. Không được trả lời. Chúng tôi giới thiệu luật sư để các đơn thư làm đúng quy định hơn, gửi đến đúng cửa hơn. Cũng không được trả lời. Sốt ruột, Phụng thay cha mang đơn ra Hà Nội khiếu nại vượt cấp, các đơn thư lại được gửi ngược về tỉnh. Báo đăng bài viết về câu chuyện của gia đình ông Bảy Bình, của Phụng, phân tích đủ các khía cạnh pháp lý lẫn tình cảnh. Bà con Trường Xuân xôn xao, Phụng lại được một phen khóc mướt, nhưng các cơ quan chức năng vẫn im lặng, không một phản hồi...

q91gSfzN.jpgPhóng to
Gia đình Phụng trong những ngày bập bênh trên sàn ván ven sông giữa mùa nước nổi (ảnh chụp năm 2004) - Ảnh: Phạm Vũ

Ngày nắng lửa

Ba năm theo dõi, Tuổi Trẻ đã hai lần đăng bài về câu chuyện của Phụng, rồi báo Pháp Luật, Thanh Tra... cũng lên tiếng. Báo chẳng thể đăng nữa khi câu chuyện không có biến chuyển mới. Công việc bộn bề cuốn theo dòng thời sự, nhưng Phụng với chúng tôi đã trở thành người nhà. Cô photo những bài báo kẹp vào chồng đơn khiếu nại như một bản tóm tắt câu chuyện và những nguyện vọng của mình. Cô gọi điện hồ hởi thông báo mỗi khi có ai đó nhận đơn thư, hứa xem xét. Cô hốt hoảng kêu cứu mỗi lần nhận được quyết định cưỡng chế của huyện. Có lần công tác ở Hà Nội, gặp Phụng long đong bơ phờ trong dãy phòng trọ của những người khiếu nại dài ngày, tôi đã buột miệng bảo: “Hay là em bỏ đi, đừng khiếu nại nữa, để thời gian lo cho tương lai của mình, gia đình mình”. Phụng lắc đầu, và tôi biết lý lẽ của mình sẽ thua sự uất ức bị mất đất giật nhà, thua nỗi đau bị bắt, bị tù ngày tròn 20 tuổi của Phụng. Đành để cô đi tiếp chặng đường chông gai, chỉ có thể tiếp sức cho chút hi vọng le lói bằng những tấm phiếu chuyển đơn thư đã gần cán mốc hết thời hiệu khiếu nại.

Một ngày Phụng gọi tôi: “Chị xuống nhà em ngay, ngày mai huyện xuống cưỡng chế. Đã ba lần ba căn nhà rồi, lần này nữa, sợ có chuyện không hay”. Lần thứ bao nhiêu không biết, chúng tôi lại xuống Tháp Mười. Xe, người của các lực lượng chức năng đứng chật các con đường, ngõ xóm, người dân đứng vòng trong vòng ngoài. Nắng như đổ lửa mà vào trong căn nhà lá của gia đình Phụng còn nóng hơn một lò lửa. Tôi ra ngoài, đầu óc như quay cuồng. Cần phải làm gì trong trường hợp này, các giáo trình nghề nghiệp của chúng tôi hình như không hướng dẫn. Tôi chạy đi chạy lại giữa hai bên: lực lượng cưỡng chế và gia đình Phụng, chỉ biết nói một câu: “Xin hãy bình tĩnh để ngồi lại nói chuyện”. Hai giờ căng thẳng trôi qua như thế, cuối cùng cũng đã thuyết phục được mọi người ngồi lại với nhau ở trụ sở ủy ban, tìm một giải pháp thỏa hiệp để chờ quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Phụng lại tiếp tục. Cô “cắm trại” ở phòng tiếp dân của Chính phủ, gõ cửa Bộ Tài nguyên - môi trường, Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ... Sự kiên nhẫn của Phụng cuối cùng cũng đã được đền đáp.

Cuối cùng sau 14 năm khiếu nại, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã bắt tay vào quá trình sửa sai, giải quyết thuận tình đạt lý cho gia đình Phụng.

Đoạn cuối của hành trình

Cùng đi với Phụng trên những chuyến xe xuyên đêm để kịp những cuộc hẹn làm việc, cùng thức với Phụng những đêm trắng hồi hộp, vui mừng xen lo lắng, cùng nhìn lại với Phụng những chặng đường đã qua, viết tiếp một vài bài báo mong thúc đẩy nhanh đoạn kết... Những lúc đó tôi nghĩ nhiều về nghề nghiệp của mình. Gần mười năm theo dõi một câu chuyện, phản ánh trên vài bài báo quả là rất dài. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã bỏ dở, đã quên, hay có khi đã chuyển nghề trong thời gian ấy. Dù đã hết sức cố gắng, những bài báo của chúng tôi dường như không giúp được gì nhiều lắm cho Phụng, không kéo ngắn được thời gian theo đuổi khiếu nại cho cô. Nếu có chăng, chúng tôi chỉ đem đến cho Phụng một sự chia sẻ, một vài đoạn đồng hành để cô không phải cô đơn, lẻ loi trên con đường đòi lại công bằng. Ngược lại, chính Phụng đã giúp cho chúng tôi nhìn rõ được cuộc đời, nhìn rõ những mất mát mà một người, hay một bộ máy, một cơ chế có thể gây ra cho một người, nhiều người khác. Câu chuyện của Phụng cuối cùng đã đi đến kết thúc có hậu, gia đình cô và bản thân Phụng đã được đền bù bằng tiền tỉ, nhưng tiền tỉ chẳng thể mua lại được cuộc sống bình yên hôm qua bên ruộng đồng của một gia đình thuần nông chất phác. Phụng nói cái làm cho cô vui là đã lấy lại được danh dự, còn cái làm chúng tôi vui là mình đã có đủ kiên nhẫn để theo dõi hết một câu chuyện, để kể hết câu chuyện ấy cho bạn đọc, để biết đâu, những câu chuyện buồn và đầy uất ức như của Phụng sẽ không còn tiếp diễn nữa.

____________

Kỳ tới: Đường đi tìm sự thật

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên