01/06/2013 12:09 GMT+7

Nơi lưu dấu cao nhân

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Anh Vũ sơn hay núi Ông Két là một trong bảy ngọn núi làm nên biểu tượng Thất Sơn. Có tên gọi này là vì lưng chừng núi nhô ra một mỏm đá lớn, từ xa trông hệt như đầu con chim két. Điều đặc biệt là núi chỉ cao 225m, dài 1.100m, nhưng từ chân núi lên tới đỉnh có tới hơn 23 điểm thờ cúng liên quan tới các truyền thuyết, điển tích dân gian.

yMN9XGEZ.jpgPhóng to
Ông Sơn “đào”, người “đánh thức” núi Két - Ảnh: Tấn Đức
UGsIs9Ow.jpgPhóng to
Hang Cử Đa trên núi Két. Theo truyền khẩu dân gian, cụ Cử Đa đã có thời gian ẩn tu tại đây - Ảnh: Tấn Đức

Núi thiêng

Ngày nay nói tới Thất Sơn người ta thường liên tưởng tới vùng đất rộng lớn chạy dài từ núi Sam vào tới huyện Tịnh Biên rồi vòng sang Tri Tôn. Vùng này thật ra có tới gần 40 ngọn núi, nhưng hiếm có nơi nào lại lưu dấu nhiều bậc cao nhân như núi Két. Ngọn núi này có rất nhiều hang động, là nơi có nhiều cao nhân về đây tu hành.

Một trong những người được nhắc tới nhiều nhất là danh tăng Đoàn Minh Huyên (tức phật thầy Tây An), người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, đồng thời cũng là nhà yêu nước, nhà dinh điền có công khai hoang nhiều vùng đất ở miền Tây Nam bộ. Ông có nhiều đệ tử giỏi, là danh tăng, lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp như đức cố quản Trần Văn Thành, Đạo Thắng, Tăng Chủ, Đạo Xuyến, Đạo Lập... Đức Huỳnh Phú Sổ - người lập nên hệ phái Phật giáo Hòa Hảo, cũng từng lưu lại ngọn núi này và hiện tại đây vẫn còn điện thờ ông.

Ngoài ra, một nhân vật khá nổi tiếng từng đến núi Két tu tập là cụ Cử Đa (Nguyễn Văn Đa), quê ở Phù Cát, Bình Định (cũng có tài liệu nói quê cụ ở Mỹ Tho, Tiền Giang), thi đỗ cử nhân võ, tham gia chống Pháp. Việc lớn không thành, Cử Đa bị Pháp truy gắt quá đã vào miệt Thất Sơn ẩn tu, lấy đạo hiệu là Ngọc Thanh. Người ta đúc kết trước sau đã có hơn mười vị cao nhân đến núi Két tu hành đắc đạo. Chính điều đó đã làm nên sức hút cho ngọn núi thiêng này, với những ngày cao điểm có tới vài ngàn lượt khách hành hương chiêm bái.

Tạo hóa ban tặng cho núi Két nhiều cảnh đẹp hoang sơ, có phần huyền bí. Điện Huỳnh Long được lập trên một tảng đá khổng lồ, bên cạnh khoảng sân rộng. Nơi đây, phật thầy Tây An cùng các môn đệ đã có thời gian tham thiền tĩnh tọa. Điện U Minh án ngữ nơi cửa hang sâu, có tượng Thanh xà, Bạch xà trấn yểm, lại thêm Ngưu đầu, Mã diện mặt mày dữ tợn, cầm đao thương răn đe người đời không được làm điều trái đạo.

Ngay dưới nền điện có một miệng hang vừa một người chui lọt, được đậy tôn cẩn thận. Đường xuống hang ngoằn ngoèo, chỉ vừa một người chui, nhưng qua một đoạn chừng mươi thước hang đột nhiên trở nên rộng rãi rồi ăn thông ra vách đá cheo leo. Trong hang có mấy phiến đá rộng khá phẳng, tương truyền là nơi cụ Cử Đa từng ngồi tu luyện trong những ngày buồn nản vì chí lớn không thành. Trong hang này còn một ngách dẫn tới hang khác sâu và rộng hơn. Người ta kể trước năm 1975 có một số ẩn sĩ tìm đến đây để ẩn tu, nhưng sau khi họ đi xuống không thấy ai trở lên. Cách đây hơn 10 năm, khi đưa vào khai thác du lịch, ngách rẽ này được xây bít lại bằng bêtông để đảm bảo an toàn cho khách hành hương có ý khám phá tận cùng hang động.

Từ chân núi đi lần tới đỉnh, khách hành hương xem chừng đã thấm mệt. Ngước nhìn lên hòn đá to, chiều cao dễ tới trên 20m, lại thấy hiện ra giếng tiên. Kỳ lạ thay, giữa non cao lộng gió lại sinh ra cái giếng tròn, ăn sâu vào phiến đá như nắm tay của người khổng lồ tạo ra. Nước lấy lên từ lòng giếng ngọt lịm, mát và trong như nước cất, quanh năm không cạn. Cho đến giờ chưa ai lý giải được duyên cớ nào đã sinh ra giếng. Có điều chắc chắn giếng đã tồn tại từ rất lâu, bởi miệng giếng mòn nhẵn có chỗ hằn sâu dấu chân người cúi xuống lấy nước.

Người đánh thức núi

So với những núi khác trong Thất Sơn, núi Két còn giữ được nhiều nét nguyên sơ thiên tạo. Từ các cảnh trí lộ thiên tới các hang, động, điện thờ đều giữ được nét nguyên sơ. Sự đầu tư có giới hạn và đúng mực này giúp khách hành hương tiếp cận một cách sống động hơn với những điển tích, truyền thuyết về ngọn núi mà mỗi người đã được nghe, được biết qua sử sách.

Ít người biết có được như vậy là nhờ bàn tay của vợ chồng ông chủ núi Nguyễn Văn Sơn (61 tuổi) - Nguyễn Thị Hòa Liên (63 tuổi). Ông Sơn là dân Châu Phú (An Giang), hơn 30 năm trước vì cuộc sống khó khăn đã đưa vợ lên đây lập nghiệp. Hồi ấy phong trào trồng đào (điều) lấy hạt đang thịnh. Ông Sơn nhận việc gánh đào thuê từ trên núi xuống cho các chủ vườn trong vùng. Biệt danh Sơn “đào” ra đời từ đó. Gánh thuê cả chục năm, cộng với nghề mua bán củi từ những vườn đào già cỗi, cần phá bỏ để trồng mới, vợ chồng Sơn “đào” đã dành dụm được ít vốn sang lại đất của các chủ vườn trên núi. Gặp lúc đào xuống giá, nhiều người đua nhau bán hết vườn, chuyển hướng làm ăn. Dạo trước, muốn lên núi Két phải vẹt cây rừng, leo qua nhiều vách đá hiểm trở nên chưa có nhiều người biết tới những vẻ đẹp thiên tạo của ngọn núi này.

Riêng vợ chồng Sơn “đào” do có thời gian dài bám núi mưu sinh, nơi nào cũng đã lui tới, đã sớm nhận thấy tiềm năng du lịch của núi Két nên không ngần ngại đầu tư mua đất. Lần hồi vợ chồng ông đã làm chủ hơn 20ha đất, trải dài từ chân lên tới đỉnh núi Két. Có đất, ông lại lao vô làm đường. Như con dã tràng, ngày này qua tháng nọ, vợ chồng ông âm thầm xeo từng viên đá, phát từng bụi dây leo rậm rạp ngáng đường. Những chỗ hang hốc, vách đá dựng đứng như đường ra mỏ ông Két, lên bàn chân tiên, điện ngọc hoàng hay xuống giếng tiên, vào hang chiến sĩ, hang Cử Đa..., ông xây bậc, bắc cầu treo để du khách dễ dàng tiếp cận. Ông mua thêm cây xanh về giặm vá mấy chỗ vườn đào ngày trước người ta đã đốn bỏ, để lại các mảng “da beo”.

Số tiền thu được từ nguồn bán vé, vợ chồng ông đầu tư đưa điện, nước sinh hoạt lên đỉnh núi. Đặc biệt, ông cắt cử một đội chuyên đi làm vệ sinh, mỗi ngày hai lần tại các địa điểm khách dừng chân. Một tuần ba lần có người đi gom rác, quét dọn hết tuyến đường từ trên núi xuống. Trên đỉnh núi ông lại cho xây dựng một căn nhà rộng, lúc nào cũng giăng mắc sẵn mấy chiếc võng để du khách nghỉ ngơi sau hành trình leo núi. Khách có ý ngủ lại qua đêm cũng được phục vụ chu đáo.

Đầu tư hàng chục tỉ đồng để làm du lịch, làm trên trọn một quả núi hẳn hoi, nhưng ông chủ Sơn “đào” vẫn áo nâu, chân đất như một tiều phu ngày nào. Ông Sơn “đào” tâm sự: “Tui không nghĩ mình đang kinh doanh, không đặt nặng chuyện lời lỗ, mà quan trọng là làm sao gìn giữ được hồn thiêng mà đất trời và tiền nhân mang lại cho quả núi này”.

____________________________

Hơn 70 sống ẩn dật trên núi Cấm, lão đạo sĩ Ba Lưới đã chứng kiến nhiều chuyện, kể cả gặp và trò chuyện với tướng cướp lừng danh Đơn Hùng Tín.

Kỳ tới: Lão đạo sĩ trăm tuổi

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên