17/04/2013 09:55 GMT+7

Từ phu lên phủ

TẤN VŨ - L.GIANG - Đ.DỤC
TẤN VŨ - L.GIANG - Đ.DỤC

TT - Về với các “làng truyền thống đi trầm” dễ nhận ra giữa những mái nhà cấp 4 tuềnh toàng bên lũy tre nghèo khó vẫn nổi lên những tòa nhà to đẹp như biệt phủ với hàng rào hoa viên, giả sơn, suối thác...

Hầu như giấc mơ của bất cứ một nông dân nghèo nào khi đổi đời vẫn là một ngôi nhà thật to, thật bề thế. Và vì thế, ngôi nhà của các phu trầm “trúng quả” nguy nga bề thế hiện diện ở những ngôi làng nghèo như một tiếng gọi phía rừng xanh, nuôi dưỡng trong phu trầm giấc mơ “rồi có một ngày...”.

xywu2L8s.jpgPhóng to
Một trong những ngôi nhà to đẹp của các thợ trầm đổi đời nhờ trúng quả giữa làng quê Gia Hưng (Quảng Bình), như một hình ảnh nuôi lớn giấc mơ những phu trầm nghèo khó - Ảnh: Quốc Nam

“Phủ trầm”

Ở bên dòng sông Son hiền hòa thơ mộng, những ngôi làng nghèo khó thuở nào của xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) như Gia Hưng, Thanh Hưng... nay được gọi là những “phủ trầm”. Làng Gia Hưng tuy được bao quanh bởi những ruộng ngô xanh mướt, nhưng cuộc sống trong làng từ hàng chục năm nay đã không còn phụ thuộc những đám ruộng này. Ngôi nhà đầu làng được coi là đồ sộ, bề thế nhất. Tiếp theo đó là cả một dãy dài những ngôi nhà bề thế, ôtô, nội thất sang trọng như chốn phố thị. Tuy nhiên, những người ở làng này rất kín miệng trước người lạ. Dò hỏi mãi một lão làng đi đám giỗ về, cụ ông mới kể: “Khoảng hơn chục năm nay mới có sự đổi khác. Trước đó làng này cũng nghèo như những làng quê khác thôi”.

“Đại gia” P. được coi là vua trầm của vùng này. Mới chục năm về trước, cả nhà ông P. chỉ biết quanh quẩn với con trâu, ngày ngày lên núi kiếm được khúc gỗ nào về thì ăn nhờ khúc đó. Ruộng vườn thưa thớt chỉ đủ tiêu vặt. Chừng năm năm trước, theo tuyển mộ của một lái buôn trầm, cha con ông theo chân lái này qua Malaysia “ăn trầm”. Đến chuyến thứ hai thì trúng một cây trầm lớn. Hai cha con kiếm được bạc tỉ chuyến đó. Thế là đổi đời.

Cũng như làng Gia Hưng, những ngôi nhà bề thế to đẹp trong làng Thanh Hưng là “chỉ dấu” của những phu trầm đã có cơ may được “mệ” (tiếng phu trầm gọi thần rừng) ban cho. Những người khác trong thôn lớn lên thấy vậy cứ lũ lượt kéo nhau ra nước ngoài theo chân những thương lái tìm trầm. “Đến nay cả làng có hơn 700 người đang theo nghiệp trầm ở các nước Thái Lan, Myanmar, Malaysia...” - anh Hoàng Văn Mãi, trưởng Công an xã Hưng Trạch, cho biết.

Dù cách xa những làng quê bên sông Son (Quảng Bình), nhưng bên dòng sông Thu Bồn (Quảng Nam), làng Trung Phước cũng là một “phủ trầm” với số phận đặc biệt. Thung lũng nhỏ nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, bên kia đèo Le, dưới chân núi Cà Tang quanh năm mây trắng, được biết đến như “rốn lũ” của dòng sông. Năm ít một vài cơn lũ, năm trở trời hàng chục trận lụt khiến nước ngập, nhà trôi. Bất chấp sự nghiệt ngã của đất trời, nhiều khu làng trong thung lũng trở nên giàu có lạ thường. Sự phồn thịnh mang lại cho ngôi làng không phải là thứ phù sa đỏ ngầu của dòng sông bồi đắp mà chính là... trầm hương.

P0I31eBz.jpg
Một thợ trầm ở Trung Phước chuẩn bị “tác phẩm” để lên đường sang dự hội chợ tại Bắc Kinh, Thượng Hải. Tại những thành phố này, nhiều thợ trầm Trung Phước đang khét tiếng trong lĩnh vực mua bán trầm - Ảnh: Đăng Nam

“Phu trầm” đi xe... Lexus

Khác với thế hệ cha anh, việc “ngậm ngải tìm trầm” đã lùi xa thành một phần lịch sử của ngôi làng. Các thế hệ “phu trầm mới” ngày nay của làng Trung Phước đã đi xa hơn, bay cao hơn, tung hoành dọc ngang hơn cũng với trầm hương.

Vừa trở về từ Côn Minh (Trung Quốc), trên chiếc xe Lexus bóng loáng, anh Nguyễn Văn T. kể trong tiếc nuối: “Đó là thành quả của chuyến hàng bán được nhưng không như mong đợi. Lẽ ra lô hàng phải đúng giá 40 tỉ đồng. Bán 28 tỉ hơi rẻ!”. Anh đến thủ đô Jakarta của Indonesia từ hơn hai năm trước để tìm các đối tác mua bán trầm hương ở xứ sở vạn đảo này. “Trầm của họ không đẹp mắt bằng trầm Việt Nam, màu nâu, bạc hơn trầm của mình. Tuy nhiên giá cả mua được và nếu gặp kỳ nam thì coi như trúng đủ” - anh T. tiết lộ.

Trở lại lô hàng 28 tỉ đồng của T. là câu chuyện tình cờ mà chỉ có ở những lái buôn kỳ nam mới tìm thấy. Anh mua lô hàng này giá 750 triệu tiền Việt tại Jakarta, nhận định ban đầu chỉ là trầm hương, loại chìm trong nước. Khi chuyển về đến TP.HCM, nhiều “tài kê” đánh giá lại thì lô hàng chính là... kỳ nam! Lập tức chúng được chuyển sang Trung Quốc và giá ban đầu anh T. đưa ra là 40 tỉ đồng. Các lái buôn Trung Quốc trả 28 tỉ, và giao dịch này thành công.

Bây giờ, dọc triền sông Thu Bồn từ xóm Cây Muồng đến đầu bến Cà Tang, giáp Nông Sơn rất nhiều nhà dân làm trầm. Những cửa hàng trầm hương, mỹ nghệ bóng bẩy mọc lên ngày càng nhiều. Người dân bản địa không còn lạ lẫm với những chiếc xe đắt tiền vụt qua đây chở theo người nước ngoài đến giao dịch. Còn với người Trung Phước, việc ra nước ngoài bán trầm mỹ nghệ hay mua trầm hương như việc đi chợ hằng ngày.

Từ Thượng Hải qua Bắc Kinh đến Đài Loan, Nhật Bản... đều có cửa hàng trầm hương của người Trung Phước. Hằng năm có khoảng 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Phước tham dự các hội chợ hàng mỹ nghệ ở Trung Quốc, chủ yếu là để bán trầm hương. Thế giới mạng cũng đã hỗ trợ tích cực cho người làng Trung Phước buôn bán trầm cảnh, mỹ nghệ. Không khó khi tìm thông tin về ngôi làng, các loại trầm, thông tin mua bán trên Internet, kể cả trên mạng Facebook.

Anh Trương Văn Ba - thương nhân kỳ cựu trong giới trầm hương, có cửa hàng trầm hương tại Bắc Kinh - kể về cuộc phiêu lưu của mình như trong phim Hàn Quốc. Năm 2008 anh qua Trung Quốc, đến Bắc Kinh rồi lang thang Thượng Hải mang theo hàng mỹ nghệ trầm hương để chào bán.

“Người Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... thưởng thức trầm hương rất lạ. Họ không đốt cháy hít khói như mình mà để chúng trong tủ kính có điều khiển nhiệt độ. Tăng nhiệt trên 38 độ thì trầm tự tỏa hương và có thể thưởng thức mà cây trầm vẫn còn nguyên”, anh Trương Văn Ba kể.

Ngoại ngữ mù tịt, nhưng anh vẫn giao dịch thành công và bán được hàng. “Khi gặp khách, tôi đốt một ít, mùi trầm thơm phức họ hiểu đó là gì rồi. Tôi điện thoại về TP.HCM nhờ cô bé sinh viên tiếng Trung nói với họ về giá cả, loại trầm... Rứa là thành công!” - anh Ba kể hồn nhiên.

Sau chuyến khởi đầu khám phá thị trường đầy khó nhọc, anh Ba quyết tìm những sinh viên Việt Nam đang theo học tại Bắc Kinh, Thượng Hải làm thông dịch viên. Công việc bắt đầu hanh thông từ đó.

Từ người tiên phong, rồi những năm kế tiếp, hàng chục, hàng trăm người dân Trung Phước đổ xô sang thị trường Trung Quốc để mua bán trầm hương. Công việc mang về cho làng quê những đổi thay chóng vánh. Ông Nguyễn Văn Hòa, phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, hồ hởi: “Năm 2011 thống kê tại ngân hàng đóng trên địa bàn huyện thì có hơn 60 tỉ đồng bán trầm chuyển về. Năm 2012 là một năm bội thu của người dân làng trầm với số tiền hàng trăm tỉ không thống kê được. Đó là chưa kể tiền mặt mang về theo đường tiểu ngạch. Huyện đang xúc tiến thành lập một làng nghề trong tương lai”. Cũng theo ông Hòa, chính người dân và bản lĩnh của họ đã làm nên thương hiệu trầm hương nơi đây. Bởi người dân đã “đi trước một bước” khi tự mình khai phá thị trường, tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, buôn bán quốc tế và các thông lệ họ tích lũy được lúc này là vô giá...

Sự may mắn của một số rất ít phu trầm luôn là động lực để nhiều phu trầm khác mải miết đi tìm vận may. Nghiệp trầm hình như đã gắn chặt vào đời họ. Nhiều phu trầm dù đã giải nghệ, có một cuộc sống khác bình yên hơn, nhưng rồi nghiệp trầm vẫn chảy trong máu huyết. Một tiếng gọi đầy ma lực nào đó phía rừng xa cứ giục họ lên đường. Chúng tôi đã gặp nhiều phu trầm và “nghiệp chướng” như thế...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Vừa thoát chết, vẫn quay lại rừng Kỳ 2: Phu trầm “xuất ngoại” Kỳ 3: Bỏ mạng xứ người Kỳ 4: Trấn cướp nơi biên ải

____________________

Kỳ tới: “Ma lực” rừng xanh

TẤN VŨ - L.GIANG - Đ.DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên