25/03/2013 09:49 GMT+7

Giấc mơ... tàu hủ của tôi

ĐINH TUẤN ÂN
ĐINH TUẤN ÂN

TT - Bạn nghĩ sao nếu bạn có một khả năng gì đó, chẳng hạn đơn giản như việc bạn có thể làm cho người khác cười và vui vẻ bên bạn, bạn rất yêu thích điều đó. Vì sao bạn không biến nó thành mỏ vàng?

Đừng ngần ngại bán nó! Trở thành một diễn viên hài chẳng hạn. Đúng như Richard Branson, chủ tịch Tập đoàn Virgin - tập đoàn lớn nhất Anh, đã viết trong cuốn sách của ông Mặc kệ nó! Làm tới đi!: “Tôi học được rằng mỗi chúng ta đều có một thứ gì đó để bán, có thể đó là những hộp đậu bày bán ở khắp nơi hoặc chính tài năng của mỗi người. Sản xuất hàng hóa hay sở hữu ý tưởng tuyệt vời nhất cũng chẳng để làm gì nếu chúng chỉ mãi mãi ở trong đầu bạn hay chất đống ở góc phòng”.

onFG7i7A.jpgPhóng to
Đinh Tuấn Ân (thứ hai từ phải sang) và “những người bạn tàu hủ” của mình - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hãy mơ đi!

Như tôi kể với bạn lúc đầu, đến một ngày - đó là khi tôi sắp hoàn thành năm đầu tiên của đại học, tôi cũng nhận ra tôi không thể cứ sống mãi một cuộc sống tồi tệ, buông thả. Tôi cần phải dũng cảm để tìm cho mình một hướng đi. Điều quan trọng lúc này, tôi muốn tìm điều gì đó thuộc về riêng mình, nhưng thú thật tôi vẫn còn rất mơ hồ.

Tôi bắt đầu đi tìm hiểu về những con người thành công, trong mọi lĩnh vực: điện ảnh, công nghệ thông tin, kinh doanh nhà hàng, ôtô, máy tính, tài chính... Tôi muốn tìm hiểu bí quyết họ thành công và tôi cũng hi vọng thông qua họ tôi thấy được những điều thuộc về mình. Những con người đáng kính đấy đã thay đổi nhiều thứ trong tôi.

Điều đầu tiên tôi cần xác định được niềm đam mê của tôi là gì. Tôi bắt đầu nhớ về giấc mơ ngày còn nhỏ, tôi đã từng bị mê hoặc bởi hình ảnh người doanh nhân thành công. Không ai đánh thuế giấc mơ của bạn cả và bạn cũng không mất gì với nó.

Tôi để cho trí tưởng tượng của mình tự do bay bổng. Đã lâu rồi, từ lúc vào đại học và suy sụp thì đó là lần tôi được hưởng trọn cảm giác tự tin và cảm thấy mình mạnh mẽ, tôi cảm nhận tôi có thể làm được mọi thứ. Nhưng mọi thứ cũng không dễ dàng chút nào khi mỗi ngày sau đó tôi luôn tự hỏi: “Mình nên kinh doanh cái gì? Cái gì có thể làm cho mình thật sự hứng thú?”. Cứ mỗi ngày trôi qua tôi đều đi tìm câu trả lời.

Tôi nhớ mình đã tìm hiểu rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong số đó tôi rất ấn tượng với chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh trên các con phố, ngóc ngách của siêu thị như KFC, Lotteria, Pizza Hut, Jollibee,... Tôi đã rất bất ngờ và ngạc nhiên khi biết KFC xuất phát từ một ông già nghèo tuổi ngoài 60 với niềm đam mê nấu ăn ở Mỹ. Chỉ với món gà rán đó đã tạo nên cái tên KFC nổi tiếng có mặt trên khắp thế giới với hơn 10.000 cửa hàng.

Tiếng rao tàu hủ

Một ngày, tôi và một người bạn thân đang cùng học trong phòng trọ, bỗng nghe thấy tiếng rao bán tàu hủ. Nó khiến tôi nhớ đến ngày ấu thơ.

Người phụ nữ đến ngay trước phòng trọ tôi ở, ngồi nghỉ chỗ ghế đá. Nhìn cô ướt đẫm mồ hôi với gánh tàu hủ, tôi cảm thấy rất thương. Tôi và người bạn mỗi thằng ăn một chén tàu hủ với giá rất rẻ. Một hồi trò chuyện thì ra cô ở cùng quê với tôi. Tôi nhận ra ngay khi cô nói vài câu dù có chỉnh giọng, nhưng cũng không thể giấu hết cái chất giọng đặc trưng của Quảng Ngãi quê tôi.

Điều làm tôi thấy bất ngờ và thấy thương cô hơn sau một hồi thăm hỏi thân mật. Tôi biết tuy cô vất vả, phải thức dậy từ lúc 3g sáng và gánh bán tới chiều, mỗi ngày ngủ được vài tiếng mà chỉ nhận được ít đồng tiền để nuôi gia đình. Tôi cũng chỉ cô cách bán trong loại ly nhựa dùng một lần và đứng trước cổng trường đại học tôi cách đó không xa để tăng thu nhập hơn.

Tôi thấy cô bán trong chén và bán dạo rất vất vả, mà tôi cũng hiểu tâm lý rằng việc bán chén và mỗi khi khách ăn phải ngồi lại - đôi lúc là giữa đường - thì rất bất tiện. Và không loại trừ những đứa sinh viên ngại ngùng như chúng tôi sẽ không bao giờ chịu ngồi giữa đường mà ăn thế.

Nhưng những hôm sau đó, cô dường như sợ bị bảo vệ các trường đuổi nên không dám liều mà chấp nhận bán như cũ. Cô cũng thỉnh thoảng bán ở chỗ phòng trọ tôi. Không hiểu sao hình ảnh cô bán tàu hủ vất vả mà chỉ kiếm được chút ít đồng tiền cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi.

Một hôm, như mọi buổi chiều khác, sau khi học bài xong tôi ra ngoài ghế đá ngồi, chợt nhớ tới hương vị tàu hủ. Tôi thầm nghĩ “giờ mà được ăn tàu hủ thì hay biết mấy”, tôi ngồi đợi và hi vọng cô bán tàu hủ sẽ đến, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tôi đạp xe dạo trên con phố gần nhà, bỗng dưng nhìn cửa hàng KFC mới mở ngoài đường Võ Văn Ngân gần nơi tôi trọ, nó thật lộng lẫy. Tôi bỗng dưng lóe lên suy nghĩ, vì sao mình cứ nghĩ mấy thứ cao siêu mà không nghĩ đến món tàu hủ ở quê mình chứ? Tôi xoa đầu, trên đoạn đường về nhà hôm ấy, đầu tôi toàn là hình ảnh cửa hàng tàu hủ do chính tôi thành lập ra...

Cứ làm tới đi!

Tôi cứ mơ màng, tôi còn nhớ cảm giác ngày hôm ấy tôi đạp xe một mạch về nhà, nằm trên chiếc chiếu trải dưới nền phòng trọ và thỏa sức mơ mộng. Tôi nghĩ rằng ông già người Mỹ kia có thể đưa món gà rán của mình đi khắp thế giới. Tại sao tôi không làm thế với món tàu hủ quê mình?

Khi tôi càng tìm hiểu về các sản phẩm từ đậu nành, trong đó có tàu hủ, thì tôi càng hứng thú khi sản phẩm này được xem là thần dược cho mọi lứa tuổi. Có nhiều chuyên gia còn ví von rằng nó chính là “phô mai của châu Á”. Thế là tôi quyết tâm làm. Tôi mơ đến cảnh tượng các cửa hàng tàu hủ của tôi sẽ có mặt khắp nơi.

Rồi tôi quay về thực tại với các vấn đề hết sức thực tế “Tôi không biết nấu tàu hủ!”, “Tôi không có tiền!”, “Tôi không có kinh nghiệm gì về mọi thứ cả!”. Có nhiều người bạn của tôi đã bật cười khi nghe tôi kể về những điều này. Nhất là khi biết tôi từng không biết nấu tàu hủ (dĩ nhiên bây giờ thì tôi là một cao thủ nấu tàu hủ rồi) mà mơ sẽ đưa tàu hủ đi khắp nơi như KFC. Nhưng vô vàn câu chuyện từ những con người đáng kính đã dạy tôi rằng: “Lịch sử được tạo nên bởi những con người dám ước mơ và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình”.

Cũng giống những ngày đầu Đặng Lê Nguyên Vũ tìm đến người tạo nên tách cà phê ngon nhất và thuyết phục để được học công thức đó, tôi nghĩ tôi cũng có thể tìm được người nấu món tàu hủ ngon nhất và thuyết phục để học nó. Nhưng có lẽ tôi đã không may mắn như ông, tôi không thể thuyết phục được các cô bán tàu hủ chỉ cho mình cách nấu. Nhưng “thiên thần” cũng đã nhòm ngó tôi. Tình cờ một hôm tôi chia sẻ ước mơ với người em họ. Tôi mừng như reo lên khi nó bảo rằng: “Mẹ em ngày trước cũng nấu tàu hủ bán, nhưng đã lâu mẹ bỏ nghề không nấu nữa, để em hỏi mẹ thử”, đó là giây phút tuyệt vời nhất với tôi, như một cơn mưa rào trên sa mạc nắng cháy.

Tôi nghĩ dù thím tôi nấu không ngon nhưng còn đỡ hơn tôi không biết tí gì. Thế là tôi lại làm liều thuyết phục thím của tôi từ ngoài quê vào Sài Gòn để giúp tôi về vấn đề này. Đó là một chuyện khó khăn nhất và phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng giống như Richard Branson, tôi nghĩ: “Mặc kệ nó. Làm tới đi!”.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Giá như tôi biết điều này trước khi học đại học Kỳ 2: Chán nản trên ghế giảng đường Kỳ 3: Những viên đá đặt sẵn Kỳ 4: “Chạy trốn” thất bại Kỳ 5: Nếu bạn thi rớt thì sao? Kỳ 6: Chuyện cô giáo tôi - Captain Bear

_____________

Chỉ hai tuần đầu tiên, cửa hàng tàu hủ HAT đã có khoản doanh thu gần 50 triệu đồng - một số tiền mơ ước đối với sinh viên nghèo như chúng tôi. Nhưng khi sự tò mò hiếu kỳ của khách hàng qua đi, và số lượng khách cứ ngày qua ngày giảm mạnh một cách đáng sợ... Tôi phá sản và ôm khoản nợ lớn.

Kỳ tới: Cái giá của thành công

ĐINH TUẤN ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên