03/11/2010 03:50 GMT+7

Đất hiếm Việt Nam đứng thứ ba thế giới - Kỳ 3: Vươn tới ngành công nghiệp chủ lực

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Cùng với việc ký biên bản ghi nhớ với đối tác VN để hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm tại mỏ Đông Pao (Lai Châu), các đối tác của Nhật đã tỏ rõ mối quan tâm thật sự đến tiềm năng đất hiếm VN và đang thúc đẩy nhanh sự hợp tác này.

R1VmU48A.jpgPhóng to
Mỏ Đông Pao bị người dân khai thác trộm - Ảnh: M.Q.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý việc khai thác, chế biến quặng đất hiếm phải hết sức thận trọng để tránh những tác động tới môi trường...

Nhiều đối tác quan tâm

Từ năm 2000-2001, Công ty Khai khoáng kim loại Nhật Bản đã khoan hơn 2.000m khoan thăm dò tại khu vực mỏ Đông Pao, đánh dấu sự có mặt của người Nhật trong việc tìm kiếm nguồn đất hiếm ở VN. Giữa tháng 10-2007, Bộ Tài nguyên - môi trường đồng ý để Tổng công ty Dầu, khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) tiến hành các hoạt động thăm dò tìm đất hiếm tại các tỉnh Tây Bắc.

Ngay sau đó, Cục Địa chất - khoáng sản VN và JOGMEC đã ký một thỏa thuận ghi nhớ nhằm “điều tra cơ bản địa chất về các nguyên tố đất hiếm đi kèm với khoáng hóa vàng, đồng, ôxit sắt ở cả ba tỉnh: Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu”. Theo đánh giá của JOGMEC, VN là một nước có tiềm năng đất hiếm lớn nên việc điều tra này được JOGMEC nhấn mạnh là “rất quan trọng đối với Nhật Bản”.

Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Lai Châu cho biết gần đây nhiều đoàn chuyên gia đến từ Nhật tiếp tục trở lại những vùng có tiềm năng đất hiếm lớn ở tỉnh này. Trong đó, riêng Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) đã cùng đối tác Nhật Bản (hai công ty Toyota Tsusho và Sojitz) lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi việc khai thác và chế biến đất hiếm thân quặng F3 Đông Pao (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Thân quặng này được thăm dò từ sớm và năm 1986 đã được phê duyệt đánh giá trữ lượng trên 1 triệu tấn, trong đó khoáng chất có thể chế biến đất hiếm trên 8%.

Theo TKV, việc khai thác chế biến thân quặng F3 có ý nghĩa rất lớn để tiếp cận và thử nghiệm công nghệ khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm đất hiếm. Kết quả này sẽ là cơ sở kỹ thuật, công nghệ và kinh tế cho các dự án khai thác, chế biến quặng đất hiếm của các thân quặng còn lại trong khu vực mỏ Đông Pao. Tại mỏ đất hiếm nêu trên, không chỉ có thân quặng F3 mà bước đầu đánh giá của các nhà địa chất qua thăm dò cho thấy có 60 thân quặng khác nhau với hàng chục thân quặng “có khả năng đạt chất lượng khai thác”.

Tuy nhiên theo ông Bùi Đình Hội - nguyên phó giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản 3 (đơn vị đã tiếp nhận và quản lý mỏ đất hiếm Đông Pao đến năm 2008), nếu chỉ bán quặng đất hiếm thô thì giá trị sẽ không cao, không được bao nhiêu và lãng phí tài nguyên. “Trữ lượng đất hiếm của nước ta tương đối lớn, do vậy nên phát triển ngành công nghiệp này và tôi cho là nó sẽ trở thành ngành công nghiệp chủ lực, biến đất hiếm thành tài nguyên có giá trị cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước” - ông Hội nói.

Đánh giá đầy đủ tác động môi trường

Hiện nay giá đất hiếm trên thị trường thế giới phần lớn dao động theo giá của Trung Quốc, do nước này đang là quốc gia xuất khẩu đến 97% lượng đất hiếm sang Canada, EU, Mỹ và Nhật Bản.

Tính đến chiều 1-11, giá đất hiếm các loại REO (đất hiếm carbonat) ở mức 20.000-21.000 nhân dân tệ/tấn (2.992-3.141 USD), giá các loại ôxit đất hiếm dao động từ 19.000-260.000 nhân dân tệ/tấn (2.842-38.896 USD). Riêng các loại ôxit terbium, dysorisium, europium giá khá cao, từ 1.350-2.980 nhân dân tệ/kg (201-445,8 USD). (Nguồn: Alibaba.com)

Báo cáo Văn phòng Chính phủ về việc TKV xin khai thác thân quặng F3 ở mỏ Đông Pao, UBND tỉnh Lai Châu cho rằng “việc khai thác, chế biến mỏ đất hiếm tác động rất lớn đến môi trường khu vực”, do đó phải xem xét đánh giá đầy đủ về mọi mặt mới thực hiện khai thác, chế biến để có hiệu quả toàn diện.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Lai Châu, phải nghiên cứu có dự án khai thác, chế biến đất hiếm tại mỏ Đông Pao với công nghệ tiên tiến nhất và “chỉ khai thác, chế biến sau khi đã thăm dò, đánh giá đầy đủ trữ lượng, đánh giá tác động môi trường”. Tương tự, nhiều nhà chuyên môn cho rằng với mỏ đất hiếm Nậm Xe, về lâu dài cũng phải đảm bảo nghiêm ngặt yêu cầu hài hòa giữa các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường...

TS Trần Trọng Hòa, trưởng phòng đá magma - Viện Địa chất, cho rằng việc thăm dò, đánh giá, khai thác khoáng sản nói chung và đất hiếm nói riêng cần tuân thủ theo một quy trình, với những quy chuẩn chặt chẽ. Ông Hòa nói: “Thường các mỏ được phát hiện có nhiều loại khoáng sản khác nhau, đều có giá trị. Việc đánh giá không thận trọng và khai thác thiếu quy trình khoa học không chỉ gây lãng phí mà còn có nhiều tác hại khác”.

Đáng lưu ý hơn cả, theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Địa chất VN, khu vực Tây Bắc có ít nhất 10 điểm có tiềm năng phóng xạ cao, trong đó có các điểm phát hiện mỏ đất hiếm như Nậm Xe, Đông Pao... TS Trần Trọng Huệ, nguyên viện trưởng Viện Địa chất VN, nói: “Nếu chất phóng xạ với dạng tồn tại ban đầu là các hạt chưa phân rã thì trong quá trình chuyển hóa, khí radon có khả năng gây ô nhiễm rất nặng cho môi trường sống, không cần tiếp xúc trực tiếp, chỉ hít không khí có khí radon, sức khỏe con người cũng có thể bị đe dọa”.

Theo ông Huệ, việc khai thác khoáng sản không đúng quy trình và các quy chuẩn đảm bảo an toàn, nhất là việc thả nổi cho khai thác bừa bãi, trong khi nhận thức của người dân còn thấp có thể dẫn đến các hậu quả khôn lường. Tại Lào Cai, Hà Giang có những địa điểm người dân hồn nhiên lấy đá ở mỏ về bài trí trong nhà hoặc chế làm vật dụng, có những hòn đá có hàm lượng phóng xạ rất cao.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến cũng khuyến cáo cần thận trọng mọi mặt vì khai thác đất hiếm là lĩnh vực mới ở VN, trên thế giới cũng chưa có nhiều bài học kinh nghiệm nên cần thiết phải nghiên cứu thật kỹ, đánh giá tổng quan về môi trường trước khi thực hiện.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên